Dục nào, Tham nào, Hỷ nào, Khát ái nào đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, gọi là Chúng sanh

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rồi Tôn giả Ràdha đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

“Chúng sanh, chúng sanh”, bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào được gọi là Chúng sanh?

Này Ràdha! Dục nào, Tham nào, Hỷ nào, Khát ái nào đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, gọi là Chúng sanh.

Ví như, này Ràdha, những đứa trẻ chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với căn nhà bằng đất ấy, lòng tham, ái, dục chưa thoát ly, thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa và đắm trước những căn nhà bằng đất ấy.

Nhưng khi nào những đứa trẻ ấy đối với những căn nhà bằng đất kia, lòng tham, ái, dục đã thoát ly, thời với tay và chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.

Cũng vậy, này Ràdha, ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt Khát ái đối với Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức.

Đoạn diệt Khát ái, này Ràdha, là Niết Bàn. 

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 2, phẩm 1,
phần Chúng sinh, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.331)

————————————

Xem thêm: