kinh-phap-cu-pham-ty-kheo
Thư pháp Đăng Học

 

360. Lành thay điều phục mắt!
Lành thay điều phục tai!
Lành thay điều phục mũi!
Lành thay điều phục lưỡi!

—————————————

361. Lành thay hàng phục thân!
Lành thay hàng phục ý!
Lành thay lời chế chỉ!
Lành thay phòng mọi điều!
Hàng phục được bấy nhiêu,
Tỳ Kheo ấy thoát khổ.

360 – 361. Chế phục được mắt, lành thay, chế phục được tai, lành thay, chế phục được mũi, lành thay, chế phục được lưỡi, lành thay, chế phục được thân, lành thay, chế phục được lời nói, lành thay, chế phục được tâm ý, lành thay, chế phục được hết thảy, lành thay; Tỷ kheo nào chế phục được hết thảy thì giải thoát hết khổ.


 

362. Ðiều phục cả chân tay,
Ðiều phục ngay đầu óc,
Ðiều phục lời ngang dọc,
Ðơn độc vui thành Thiền,
Tri túc sống an nhiên,
Tỳ Kheo là vậy đó!

Gìn giữ tay chân và ngôn ngữ, gìn giữ cái đầu cao (*), tâm ưa thích Thiền định, ở riêng một mình và tự biết đầy đủ; ấy là bậc Tỷ kheo.

————————————

(*) : Cái đầu nằm ở chổ cao nhất nơi thân ta.


 

363. Tỳ Kheo điều phục lưỡi,
Khiêm ái không tự cao,
Diễn giải nghĩa Kinh điển,
Lời êm dịu ngọt ngào.

Tỷ kheo biết thuần hóa ngôn ngữ, khôn khéo mà tịch tịnh, thì khi diễn bày pháp nghĩa, lời lẽ rất hòa ái, rõ ràng.


 

364. Tỳ Kheo trụ Chánh Pháp,
Quý pháp, thường hành Thiền,
Niệm Pháp, tâm tinh chuyên,
Ắt không rời Chánh Pháp.

Tỷ kheo nào an trú trong lạc viên Chánh Pháp, mến pháp và tùy pháp, tư duy nhớ tưởng pháp, thì sẽ không bị thối chuyển.


 

365. Chớ chê điều mình đạt,
Chớ ganh ghét của người;
Tỳ Kheo vọng tâm tư,
Không sao vào Chánh Định.

Chớ nên khinh điều mình đã chứng, chớ hâm mộ điều người khác đã chứng. Tỷ kheo nào chỉ lo hâm mộ điều người khác tu chứng, cuối cùng mình không chứng được Tam ma địa (chánh định) (*)

————————————

(*) : Ý nói chỉ hâm mộ việc của người thì chẳng ích gì cho việc của mình.


 

366. Tỳ Kheo dù nhận ít,
Nhưng tâm không khinh thường,
Sống thanh tịnh, tinh tấn,
Chư Thiên cũng tán dương.

Tỷ kheo nào dù tu chứng được chút ít mà không khinh ghét sự chút ít đã được ấy, cứ sinh hoạt thanh tịnh và siêng năng, mới thật đáng được chư Thiên khen ngợi.


 

367. Ðối với cả thân tâm,
Không chấp ta, của ta,
Không buồn điều không có,
Ðó gọi là Tỳ Kheo.

Đối với danh và sắc không chấp “ta” “của ta”. Không ”ta” và ”của ta” nên không ưu não. Người như vậy mới đáng gọi là Tỷ kheo.


 

368. Tỳ Kheo vui Pháp Phật,
An trụ tâm Từ Bi,
Chứng đạt cảnh an tịnh,
Giải thoát Pháp hữu vi.

Tỷ kheo an trú trong tâm từ bi, vui thích giáo pháp Phật đà, sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc, giải thoát các hành (vô thường).


 

369. Tỳ Kheo tát sạch nước,
Thuyền này nhẹ lướt nhanh,
Trừ tham dục, sân hận,
Niết Bàn tất viên thành.

Tỷ kheo tát nước thuyền này (*), hễ hết nước thì thuyền nhẹ và đi mau. Đoạn hết tham dục và sân nhuế trong thân này thì mau chứng Niết Bàn.

————————————

(*) : Thuyền dụ thân thể, nước dụ ác tâm phiền nảo.


 

370. Tỳ Kheo đoạn diệt năm, (1)
Bỏ năm (2), tu tập năm (3)
Vượt qua năm vòng xích (4),
Xứng gọi Bậc vượt dòng.

(1) Tham, sân, thân kiến, giới cấm thủ, nghi.
(2) Sắc ái, vô sắc ái, trạo cử, kiêu mạn, vô minh.
(3) Tín, tấn, niệm, định, huệ.
(4) Tham, sân, si, mạn, tà kiến.

Tỷ kheo nào đoạn năm điều (*), bỏ năm điều (2*), siêng tu năm điều (3*), vượt khỏi năm điều say đắm (4*), Tỷ kheo ấy là người đã vượt qua dòng nước lũ (5*).

————————————

(*) : Bỏ năm điều là: bỏ năm kết sử của hạ giới (ngũ hạ phần kết – Panca orambhagiyasamyaja-nani): Dục giới tham (Khamatogo) là sự tham lam ở tại dục giới; Sân (Vyapado); Thân kiến (Satka-yaditthi) là chấp thân thật hữu; Giới cấm thủ (Si-labhataparamato) là cố chấp các giới cấm tà vạy; Nghi (Vicikischa).

(2*) : Đoạn 5 điều là: bỏ năm kiết sử của thượng giới (ngũ thượng phần kiết – panca uddhambhagiyasamiokanani): Sắc giới tham (Ruparaga) là tham đắm ở tại Sắc giới; Vô sắc giới tham là tham đắm thiền định ở Vô sắc giới; Trạo cử (uddhacca) là loạn động; Mạn (mana) là ngạo mạn; Vô minh (Avijja).

(3*) : Tu năm điều là tu năm căn lành: tín, tấn, niệm, định, huệ.

(4*) : Ngũ trược, là năm điều say đắm: tham, sân, si, mạn, ác kiến.

(5*) : Bộc lưu là dòng nước lũ (Ogho), chỉ cho 4 thứ: Dục lưu, Hữu lưu, Kiến lưu, Vô minh  lưu.


 

371. Chớ buông lung, dục lạc,
Tỳ Kheo, hãy tu Thiền.
Phóng dật, nuốt sắt nóng,
Bị đốt chớ than phiền!

Hãy tu định, chớ buông lung, tâm chớ mê hoặc theo dục. Đừng đợi đến khi nuốt hòn sắt nóng mới ăn năn than thở.


 

372. Không trí tuệ, không định,
Không định, không trí tuệ;
Người có tuệ, có định,
Ðạt Niết Bàn viên tịnh.

 

Không có Trí tuệ thì không có Thiền định, không có Thiền định thí không có Trí tuệ. Người nào gồm đủ Thiền định và Trí tuệ thì gần đến Niết Bàn.


 

373. Tỳ Kheo sống đơn độc,
An định được nội tâm,
Trực quán theo Chánh Pháp,
Vui nguồn vui siêu nhân.

Tỷ kheo đi vào chổ yên tĩnh, thời tâm thường vắng lặng, quán xét theo Chánh Pháp, được thọ hưởng cái vui của siêu nhân.


 

374. Người nhiếp tâm thường niệm,
Các uẩn thường diệt sanh,
Thọ hưởng niềm an lành,
Ðạt cảnh giới Bất tử.

Người nào thường chánh niệm đến sự sanh diệt của các uẩn thì sẽ được vui mừng. Nên biết: Người đó không chết.


 

375. Tỳ Kheo có trí tuệ,
Thường phòng hộ các căn,
Tri túc, giữ giới bổn,
Thân cận các bạn lành,
Sống nỗ lực tinh tấn,
Hợp Chánh Mạng cao thành.

Nếu là Tỷ kheo sáng suốt, dù ở trong đời, trước tiên vẫn lo nhiếp hộ các căn và biết đủ, lo hộ trì Giới luật.


 

376. Người hành xử chân thành,
Tác phong thật đoan chánh,
Hưởng nguồn vui phạm hạnh,
Dứt sạch mọi khổ đau.

Thái độ thì phải thành khẩn, hành vi thì phải đoan chánh. Được vậy, họ là người nhiều vui và sạch hết khổ não.


 

377. Tỳ Kheo hãy vất bỏ,
Mọi ý niệm tham – sân,
Như hoa lài tàn úa,
Rơi rụng khỏi cành thân.

Cành hoa Bạt tất ca (*) bị úa tàn như thế nào, Tỷ kheo các ông cũng làm cho tham sân úa tàn như thế.

————————————

(*) : Bạt tất ca (Vassika), tên một thứ hoa thơm hơn các hoa khác. 


 

378. Tỳ Kheo thường điềm tĩnh,
Thân – khẩu – ý tịch tịnh,
Từ bỏ mọi việc đời,
Xứng danh Bậc an tịnh.

Tỷ kheo nào thân tịch tịnh, ngữ tịch tịnh, tâm an trú tam muội, xa lìa dục lạc, Tỷ kheo ấy là người tịch tịnh.


 

379. Tự mình kiểm điểm mình,
Tự mình xem xét mình,
Tự phòng hộ, chánh niệm,
Tỳ Kheo sống khương ninh.

Các ngươi hãy tự cảnh sách, các ngươi hãy tự phản tỉnh! Tự hộ vệ và chánh niệm, mới là Tỷ kheo an trụ trong an lạc.


 

380. Chính ta bảo vệ ta,
Chính ta nương tựa ta,
Chính ta tự điều phục,
Như ngựa theo thương gia.

Chính các ngươi là kẻ bảo hộ cho các ngươi, chính các ngươi là nơi nương náu cho các ngươi. Các ngươi hãy gắng điều phục lấy mình như thương khách lo điều phục con ngựa lành.


 

381. Tỳ Kheo thường hoan hỷ,
Thành tín Pháp Phật-đà,
Chứng đạt cảnh an tịnh,
Các hành an lạc ra.

Tỷ kheo đầy đủ tâm hoan hỷ, thành tín theo giáo pháp Phật đà, sẽ đạt đến cảnh giới tịch tịnh an lạc, giải thoát hết các hành (vô thường).


 

382. Tỳ Kheo tuy trẻ tuổi,
Chuyên tu Pháp Phật-đà,
Như trăng thoát mây chắn,
Soi sáng trần gian ta.

Tỷ kheo tuy nhỏ tuổi mà siêng tu giáo pháp Phật đà, thì họ là ánh sáng chiếu soi thế gian như mặt trăng ra khỏi đám mây mù.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú