duc-phat-mau-quan-the-am
Tôn tượng Đức Phật Mẫu Quán Thế Âm: nghìn mắt chiếu soi, nghìn tay cứu độ thiên hình vạn trạng vô minh chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương

Để hiểu rốt ráo Lục Độ và Lục Độ Ba-la-mật, lưu ý nội hàm của những thuật ngữ sau trước khi thọ Pháp:

Chúng sanh: Tâm Vô Minh biến hiện khôn lường thì Chúng sanh cũng tương ưng dưới Thiên hình Vạn trạng. Hạnh nguyện vô lượng vô biên của Chư Phật chính là độ tận Thiên hình Vạn trạng chúng sanh trong tận cùng Vô Minh Cảnh Giới khắp 10 phương, không bỏ sót một chúng sanh nào.

Độ:  hàm nghĩa đối trị, siêu việt, độ thoát.

Ba-la-mật: hàm nghĩa thậm thâm, vi diệu không thể nghĩ bàn. Ba-la-mật chỉ có thể được thành tựu khi Bậc Kiến Tánh từ trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật khai Mật nguyện Từ Bi cứu độ chúng sanh khắp cõi 10 phương.

Tam Muội: chính là Ba-la-mật Tam Muội (viên mãn), hàm nghĩa Vô Lượng Vô Biên. Đến đây, không còn gì để nghĩ bàn ngoài Tâm Từ Vô Lượng Vô Biên trùm khắp độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong Vô Minh Cảnh Giới.

———————————–

Để viên thành Phật Đạo Vô Thượng, phàm phu chúng sanh phải trải qua 3 giai đoạn huân tu tuần tự như sau:

I. Lục Độ: là Sáu pháp tự giác – tự độ mà tất cả chúng sanh vô minh phải trang nghiêm tu hành phá mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh, chứng quả Vô Sanh (A-La-Hán).

II. Lục Độ Ba-la-mật: là Mật pháp – Mật hạnh trang nghiêm cứu độ chúng sanh khắp cõi 10 phương tùy theo Mật nguyện của Mật giả. Tại đây, Mật giả đang trên đường hành Bồ Tát Đạo.

III. Tam Muội: Tâm Lượng của Mật giả tương ưng với Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong tận cùng Vô Minh Cảnh Giới. Đến đây, Mật giả viên thành Phật Đạo Vô Thượng. 



I. LỤC ĐỘ 

Gồm: Thí Độ, Giới Độ, Nhẫn Độ, Tấn Độ, Thiền Độ và Trí Độ. 

1. Thí Độ: gồm có Tài Thí, Pháp Thí và Vô Úy Thí.

a. Tài Thí: là tâm thí xả công danh, sự nghiệp, tài vật thế gian. Tùy mức độ xả ly (tâm) mà suy nghĩ (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) đều từng phần tương ưng khế Đạo, vì Phật Pháp và chúng sanh.

b. Pháp Thí:

  • Trang nghiêm chơn tu Phật (Giới – Định – Huệ).
  • Góp phần phổ truyền Chánh Pháp Phật.

Lưu ý:

  • Hành giả phải minh định tỏ tường thế nào là Chánh Pháp Phật trước khi góp phần phổ truyền rộng khắp. Nếu không, nhân quả từ việc phổ truyền Tà pháp – Mê pháp – Phi pháp thật khôn lường: đó là ngoài bản thân còn khiến bao người ngày càng xa rời Phật Pháp, gieo duyên với Tà mị, tu hành lầm đường lạc lối, chướng chấp vọng cầu nghịch lý, mê tín dị đoan, tục hóa biến tướng Đạo Phật, nghiệp quả vì thế không thể nào đền trả hết đặng.
  • Khi chưa kiến Tánh, đừng tùy tiện thuyết giảng Phật Pháp. 
  • Nếu thuyết giảng Phật Pháp, hành giả tuyệt phải y cứ vào Tam Pháp Ấn (Vô thường, Vô ngã, Khổ), Tam Vô Lậu (Giới, Định, Huệ), Tứ Y Cứ (Y Pháp bất y Nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa Kinh bất y bất liễu nghĩa Kinh) và Tôn chỉ tu Phật (Vô dục, Vô cầu, Vô đắc, Vô ngã, Vô trụ) mà khuyến hóa Tín chúng tu hành giác ngộ – giải thoát.
  • Nếu thuyết giảng Phật Pháp, hành giả cần phải trực tâm, nghiệm tư cẩn trọng, chỉ nên Chánh ngữ chia sẻ trong phạm vi kinh nghiệm ý – thân – khẩu hành mình trực ngộ; tuyệt đừng tùy tiện vọng bàn Phật Pháp từ những gì bản thân chưa hành tới – chưa ngộ tới, ma mị án ngữ tư duy, áp đặt tư kiến mê lầm, xa rời Pháp Ấn và Tôn chỉ tu hành, tục hóa Đạo Phật thành Đạo thần quyền, mê tín, vọng cầu chướng trái. Nếu không, hành giả sẽ rơi vào Ma thuyết – Tà hạnh hủy Phật báng Pháp, điên đảo Phật Pháp, tạo nghiệp Đại vọng ngữ mà gánh chịu khổ đọa về sau. Xem bài: Lời cảnh tỉnh của vị Thiền Sư trước khi lâm chung.
  • Nếu thuyết giảng Phật Pháp, hành giả tuyệt đối không được huyên thuyên chuyện Đời, cao trào Thế sự (lịch sử, kinh tế, chính trị, tình yêu đôi lứa, hôn nhân gia đình, hạnh phúc vợ chồng…) thể hiện ta đây thông tuệ, chẳng rõ biết mình là ai. Ở đời, muốn tìm hiểu hay nhờ tư vấn lĩnh vực gì, đã có các nhà chuyên môn, nhà tâm lý học; thế nhưng, muốn giải thoát khỏi luân hồi thống khổ, chúng sanh phải nương tựa vào Phật Pháp mà chơn chánh tu hành. Do đó, Tăng lữ đừng quên mất bổn phận của mình, cũng đừng điên đảo sa đà lấn sân!
  • Nếu thuyết giảng Phật Pháp, hành giả phải trang nghiêm thân tâm, giữ gìn oai nghi giới hạnh. Tuyệt không được dụng tâm giả tướng đạo mạo ung dung; không được phóng dật cười cợt thái quá; không khoa chân múa tay; không đàn ca xướng hát; không bông đùa, pha trò, chọc cười để mua vui cho Thính chúng, khôi hài hấp dẫn mê hoặc người nghe; không lạm dụng “phương tiện” và danh nghĩa “Phật Pháp” để mưu cầu danh văn lợi dưỡng, mượn Đạo tạo Đời (kêu gọi hùn phước cúng dường, tổ chức lễ cưới trong chùa, cầu an, cúng sao giải hạn…) mà bất chấp hủy phạm Giới luật thanh quy chốn Phật môn thanh tịnh. 
  • Phải là người có tâm chí thành cầu Pháp trên tinh thần xả kỷ hướng Thượng, hành giả mới Pháp thí khuyến hóa tu hành. Đừng tùy tiện thuyết Pháp một cách vô tội vạ, khiến người vô tâm khinh rẻ, tạo nghiệp không hay! Đừng rẻ rúng Pháp Phật!

c. Vô Úy Thí: là quên mình, sẵn sàng hy sinh tánh mạng của bản thân vì sự sống còn của người khác.

2. Giới Độ:

“Gặp thời không có Phật, hãy lấy Giới luật làm Thầy”.

(Phật ngôn)

Giới sáng như mặt nhật, quí báu như ngọc châu anh lạc, các vị Bồ Tát đều do trì giới thanh tịnh mà thành Chánh Giác“.

(Kinh Phạm Võng)

Giới là huyết mạch của Phật Pháp, là huệ mạng của người tu Phật, là căn bản của Vô Thượng Bồ Đề.

Tâm dẫn đầu các Pháp,
Tâm là chủ tạo tác;

Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo bò vậy.

Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.

(Kinh Pháp Cú)

Do đó, tâm trong sạch – tịch tịnh tức Giới vì duy chỉ khi đó, tam nghiệp ý – thân – khẩu mới thanh tịnh.

Hành giả muốn trì Giới, phải trì tâm. Muốn trì tâm, phải nhiếp tâm an trú vào Phật Pháp (Tịnh, Thiền, Mật), nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền. Nói cách khác, tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền chính là trì Giới, nên gọi Nhiếp tâm thành Giới.

Nhờ nhiếp tâm thành Giới, mọi điều xấu ác không còn sanh khởi, mọi nghiệp chướng đã tạo tác dần được tịnh hóa tiêu trừ, mọi hạnh lành dần được sanh trưởng, hành giả mới có thể tấn tiến thênh thang trên đường giác ngộ.

Ðừng làm các điều ác,
Tu tập mọi hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Ðó là lời Phật dạy.

(Kinh Pháp Cú)

Lưu ý: Nếu thân tâm còn tham đắm dâm uế nhơ nhớp trong khoái lạc chốn khuê phòng không chịu dứt tuyệt – gốc luân hồi thống khổ cứ đắp bồi mê mải, tu Phật vô ích. Vì thế, hành giả tuyệt phải “gìn giữ thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật”, dứt khoát cắt đứt cội nguồn sanh tử, đoạn triệt ái dục theo lời Phật dạy mới có thể tấn tu thiền định phá mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh.

Hãy cắt tiệt ái dục,
Như tay ngắt Sen thu,
Đạo tịch tịnh gắng tu,
Bậc Thiện Thệ dạy vậy!

Chớ hãm hại hủy báng,
Giới căn bản nghiêm trì,
Ăn uống có tiết độ,
An trụ nơi viễn ly,
Chuyên tu tập thiền định,
Lời Chư Phật nhớ ghi!

(Kinh Pháp Cú)

3. Nhẫn Độ: là tâm hạnh an nhiên, kiên định, bất động sẵn sàng đương đầu điều phục tất cả mọi chướng duyên nghịch cảnh, mọi nội chướng ngoại ma quyết tấn tu không ngừng vì chí nguyện Từ Bi. Đó là sức mạnh “dũng mãnh đạp đầu sóng dữ quyết tấn tiến” của hành giả tu Phật; ở đó, mầm mống của ngã tướng hẹp hòi, ích kỷ, vô minh và bóng dáng của yếm thế, bạc nhược, buông xuôi, sa đọa dần được tiêu trừ, đoạn dứt.

4. Tấn Độ: là ý – thân – khẩu trang nghiêm nhẫn lực tinh tấn tu hành giác thoát, quyết không thối đọa.

Lưu ý:

  • Những tâm hạnh bất thiện, tà, ác dù nhỏ nhiệm đến đâu, nếu chưa sanh: quyết không sanh khởi.
  • Những tâm hạnh bất thiện, tà, ác dù nhỏ nhiệm đến đâu, nếu đã sanh khởi, đã tạo tác: chí thành chơn sám hối, quyết không tái phạm.
  • Những tâm hạnh thiện lành, xuất thế, hướng Thượng dù nhỏ nhiệm đến đâu, nếu chưa sanh: quyết sanh khởi tinh tấn huân tu.
  • Những tâm hạnh thiện lành, xuất thế, hướng Thượng hiện có, dù nhỏ nhiệm đến đâu: quyết tinh tấn trưởng dưỡng không ngừng cho đến khi viên mãn Ba-la-mật.

Hành giả tu Phật nếu không nghiêm hành dù chỉ 1 trong 4 điều trên (Tứ Chánh Cần) thì đó chính là Tà hạnh buông lung, giải đãi, phóng dật; là thoái thất, sa đọa, huệ mạng khó giữ gìn.

5. Thiền Độ: là nhiếp tâm an trụ nhất như vào Phật (Từ Quang Vô Lượng và Mật Hạnh Vô Biên của 10 phương Chư Phật) – Pháp (Tịnh, Thiền, Mật) để tịnh hóa nghiệp chướng, phá mê khai ngộ, hướng đến liễu thoát tử sanh.

Nói cách khác, Thiền định chính là tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi.

6. Trí Độ: gồm Văn, Tư, Tu.

a. Văn: là tịnh tâm trang nghiêm thọ nhận (nghe, đọc) Diệu Pháp Phật, từ đó tâm trí được khai sáng.

Lưu ý:

  • Hành giả phải minh định thế nào là Chánh Pháp Phật mới có được Pháp lạc thật sự. Nếu không, tu giữa thời mạt tâm loạn Pháp ắt dễ rơi vào hầm sâu Tà kiến, mê mờ điên đảo Phật Pháp, lầm đường lạc lối, vô minh chất chồng.
  • Chúng sanh khắp cõi 10 phương dù dưới thiên hình vạn trạng nào, căn trí duyên nghiệp gì đi nữa, cần phải tịnh tâm trang nghiêm thọ Pháp với lòng xả kỷ cầu thị chơn lý để “tự bén duyên” với Phật đạo Từ Bi. Nếu không, với tập khí vô minh sâu dày, tham – sân – si – bản ngã chất ngất, chấp thủ cường liệt thì e rằng tự đánh mất thắng duyên khó gặp. Điều này lý giải vì sao khi thọ nhận Chánh Pháp, có vị kịch liệt hủy báng, có vị thờ ơ quay lưng, có vị chỉ kính ngưỡng đơn thuần, có vị một lòng quyết tu giải thoát – nối gót Từ Bi. Gương hạnh sáng ngời của Đức Xá Lợi Phất và Đức Mục Kiền Liên sau khi nghe lý Duyên Khởi từ Tỳ Kheo A-Thị-Thuyết liền dẫn 200 đồ chúng của họ đến Trúc Lâm xin xuất gia theo Phật tu hành đã minh chứng rõ ràng: Thắng duyên với Phật và Diệu Pháp Phật không ngẫu nhiên có, không từ ai ban cho mà chính từ tâm chí thành trang nghiêm hướng Thượng.

b. Tư: là Chánh tư duy, chiêm nghiệm tận tường thấu đáo Phật Pháp trên nền tảng Chánh kiến (xem bài: Bát Chánh Đạo).

Nhờ Chánh tư duy, hành giả phát khởi niềm tin chơn chánh, kiên cố, bất động vào:

  • Lý Nhân quả – Nghiệp báo công bằng, phân minh sáng tỏ, dung thông ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai).
  • Vạn sự trên thế gian đều là huyễn hóa (vô thường), sanh diệt tùy duyên (vô ngã), chỉ vì vô minh và ái thủ ngã tướng chất chồng mà chúng sanh phải luân hồi bất tận, thống khổ vô cùng, triền miên không dứt (khổ); trong đó, kiếp nhân sinh vụt thoáng qua như hơi thở ra vào, thân Người khó được.
  • Mười phương Chư Phật với lòng Từ Bi Vô Lượng, Hạnh Nguyện Vô Biên vẫn miệt mài độ tận chúng sanh trong thiên hình vạn trạng nơi khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương vĩnh viễn thoát mọi thống khổ vô minh hắc ám, không bỏ sót một chúng sanh nào.
  • Diệu Pháp Phật trực chỉ Chơn tâm giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, giải thoát khỏi vô minh luân hồi đọa lạc.
  • Tất cả thiên hình vạn trạng vô minh chúng sanh đều có khả năng giác ngộ viên mãn trọn thành Phật Đạo Vô Thượng nếu hồi tâm sám hối, chí thành quy Phật tu hành trang nghiêm, nguyện tiếp gót Từ Bi. Trang nghiêm – Phật độ.

Trí tín chơn chánh như thế, hành giả dần giác ngộ và tùy thuận Chơn lý, từ đó tự phát Bồ Đề tâm, hỷ xả tất cả, gìn giữ thân tâm trong sạch nguyện một lòng chơn tu Phật.

c. Tu: là trực tâm tu hành trang nghiêm chơn chánh, là công phu thiền định (Tịnh, Thiền, Mật) trực chỉ Chơn tâm – phá mê khai ngộ – liễu thoát tử sanh.

Nhờ tu hành trang nghiêm, thiền định tinh chuyên mà chủng tử Phật (chủng tử giác ngộ) không những được hành giả trưởng dưỡng không ngừng (tự lực) còn được 10 phương Chư Phật gia trì soi sáng (Phật lực), vô minh hắc ám nghiệp chướng tự tiêu trừ, hành giả thênh thang trên đường giác thoát.

Lưu ý: Diệu Pháp của Chư Phật không thể lãnh hội bằng mê trí Ta-bà, giác ngộ – giải thoát càng không xuất phát từ vọng ngã mê chướng, hý ngữ ngông cuồng của kẻ phàm phu. Do đó, nếu đã minh định được Chánh Pháp Phật (văn), từ đó nghiệm tư tận tường chơn chánh (tư) thì hành giả hãy nhẫn lực tinh tấn tu hành trang nghiêm (tu), tuyệt đừng rơi vào chướng học Phật thuyết suông, mượn Đạo bồi mê đắp ngã, hủy báng Phật Pháp, vong bội thâm trọng ân mà khổ đọa phải trả đền. Duy chỉ có như thế mới không ngừng gia cố Đạo tâm, vun bồi trí tín, hun đúc chí nguyện tu hành, huệ mạng nơi Tam Bảo mới được vững bền, Đạo nghiệp Từ Bi mới có ngày thành tựu. Và cũng chỉ có như thế, hành giả mới xứng đáng là con Phật, là đệ tử Phật. Hãy ghi nhớ!



II. LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT

Gồm: Thí Độ Ba-la-mật, Giới Độ Ba-la-mật, Nhẫn Độ Ba-la-mật, Tấn Độ Ba-la-mật, Thiền Độ Ba-la-mật và Trí Độ Ba-la-mật.

1. Thí Độ Ba-la-mật: gồm có Tài Thí Ba-la-mật, Pháp Thí Ba-la-mật và Vô Úy Thí Ba-la-mật.

a. Tài Thí Ba-la-mật: là Tài Thí từ tâm hạnh Từ bi Vô ngã của Mật giả do tâm hoàn toàn xả ly, không còn dính mắc vào ngã – tướng. Nói cách khác, tất cả mọi sự cúng dường từ Thập phương Tín chúng:

  • Đều tùy họ tự tâm, tuyệt đối không kêu gọi hùn phước cúng dường.
  • Nếu có, đều dùng cho Phật sự hoằng truyền Phật Pháp, trợ giúp những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh.

b. Pháp Thí Ba-la-mật: là Pháp Thí lưu xuất từ Thiền định Ba-la-mật (Vô Niệm Ba-la-mật), Trí Huệ Ba-la-mật, Mật nguyện Từ Bi và Mật hạnh thù thắng trang nghiêm huân tu của Mật giả. 

Diệu dụng hồi Tà hiển Chánh, cảm hóa độ tận sanh linh trong khắp cõi 10 phương sám hối quy Phật tu hành, phá mê khai ngộ từ Pháp Thí Ba-la-mật là bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn).

c. Vô Úy Thí Ba-la-mật: là Mật hạnh Vô Úy của Mật giả không màng sanh tử: 

  • Dũng mãnh xông pha khắp cõi Tà giới cứu độ thiên hình vạn trạng chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi mọi Tà pháp Tà ám cùng hung cực ác phong ấn, gông xiềng, giam cầm, sai sử… nhằm bồi cố sâu dầy thành lũy vô minh, tăng cường Tà lực, bành trướng cảnh giới; từ đó, an trú trong Vô Lượng Từ Quang và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật tu hành.
  • Dũng mãnh xông pha khắp cõi Tà giới cảm hóa Tà chúng, Pháp thí khai tâm độ tận tất cả vĩnh viễn xa lìa Tà ác vô minh, trọn lòng sám hối quy Phật tu hành, không còn thối đọa. Từ đó, hóa độ tận cùng khắp cõi Tà giới – Tà pháp hoàn toàn tiêu biến khỏi thế gian, trả lại Nhân – Quả công bằng.

Vô Úy Ba-la-mật là Mật hạnh thù thắng trang nghiêm được thành tựu từ Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (Thiền Định Ba-la-mật). Tùy Tâm lượng, Mật nguyện cứu độ chúng sanh trong khắp cõi 10 phương của mỗi Mật giả mà Mật hạnh Vô Úy có các tầng bậc Ba-la-mật tương ưng, thậm thâm vi tế, sâu rộng không có ngằn mé.

2. Giới Độ Ba-la-mật: chỉ có thể được thành tựu khi Bậc Kiến Tánh từ trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (Thiền Định Ba-la-mật) khai Mật nguyện Từ Bi cứu độ chúng sanh trong khắp cõi 10 phương.

3. Nhẫn Độ Ba-la-mật: là hạnh Vô Sanh Pháp Nhẫn:

  • Kham nhẫn nhiếp phục tất cả mọi Tà trược, Tà ám từ Tà giới công phá trên đường độ tận.
  • Kham nhẫn hóa độ tất cả hồi tâm sám hối xa lìa vĩnh viễn vô minh tà ác quy y Phật đà, từ đó sẵn sàng lãnh chịu thay tất cả mọi nghiệp quả vô minh cùng tận của chúng sanh để tất cả được nhẹ nhàng tu Phật. 
  • Miệt mài độ tận chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương.

4. Tấn Độ Ba-la-mật: với những Mật nguyện khai hoa trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật, Mật giả nhẫn lực tinh tấn đột phá, bứt phá viên tu Mật Đạo Chuẩn Đề Vô Thượng, nương theo tâm Từ Bi quảng đại Vô Lượng mà hóa độ sanh linh, phổ truyền Phật Pháp, hướng đến viên mãn Đại sự độ tận.

Nói rốt ráo, Tấn Độ Ba-la-mật chính là bứt phá viên tu Mật hạnh Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật.

5. Thiền Độ Ba-la-mật: chính là Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (nhiều tầng bậc).

Nói đến Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật là:

  • Hàm chỉ công phu Tịnh – Thiền – Mật phải đồng thành tựu Vô Niệm, không được khuyết sót. Trong đó, riêng đối với Mật, tối thiểu Mật giả phải Mật trì các Mật chú sau đồng thành tựu Vô Niệm: Bát Nhã và Kim Cang chơn ngôn, Lục Tự Đại Minh chơn ngôn, Chuẩn Đề chơn ngôn, Đại Bi chơn ngôn và Lăng Nghiêm chơn ngôn. Đây chính là thành tựu tu hành, không thuộc phạm trù hý luận hư vọng đầy ngã tưởng của trí thức phàm mê.
  • Khởi đầu của Đại sự hoằng truyền Phật Pháp, độ tận chúng sanh.

Khi công phu thiền định (Tịnh – Thiền) thành tựu Ba-la-mật, Trí Huệ Vô Sư khai mở, hành giả kiến ngộ Tánh Giác, liễu thoát tử sanh, chứng quả Vô Sanh (A La Hán).

Tiếp tục như thế, Bậc Kiến Tánh tấn tiến sâu trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật, từ đó khai Mật nguyện Từ Bi cứu độ chúng sanh (không phải tâm nguyện của phàm phu. Xem bài: Hạnh nguyện của người tu Phật). Đến đây, Bậc Kiến Tánh đã bước vào Mật Đạo Vô Thượng. Lúc này, Mật giả phải viên tu Mật pháp và Mật hạnh trang nghiêm thù thắng, tối thắng để cứu độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương.

Khi Thiền Định Ba-la-mật đạt đến Ba-la-mật Tam Muội, Mật giả đã viên thành Phật Đạo dù thân còn tại thế. 

6. Trí Độ Ba-la-mật: là Trí Huệ Vô Sư (Tịnh – Thiền), Trí Huệ Ba-la-mật (Mật) được khai mở từ Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (Thiền Định Ba-la-mật).

Duy chỉ với Tâm Từ Vô Lượng thậm thâm và trùm khắp tương ưng khế hợp với Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật, Mật giả mới viên thành Phật Đạo Vô Thượng.



III. TAM MUỘI

duc-phat-mau-chuan-de
Tôn tượng Đức Phật Mẫu Cổ Mật Vương Chuẩn Đề (Tổ Mật Tông của nhà Phật)

Để thành tựu Tam Muội: Tâm lượng, Mật nguyện và Mật hạnh của Mật giả phải quảng đại tương ưng từ bi cảm hóa nhiếp độ tất cả chúng sanh trong thiên hình vạn trạng trong tận cùng Vô Minh Cảnh Giới được quy y Phật, hoàn lại hình Người, nương theo Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật tu hành dưới Mật trì Vô Lượng Trang Nghiêm của Đức Phật Mẫu Quán Thế Âm và Đức Phật Mẫu Cổ Mật Vương Chuẩn Đề.

  • Bậc Kiến Tánh trước hết phải có Tâm lượng và Mật nguyện quảng đại tương ưng khế hợp với Chư Phật mới bước vào Mật Đạo Vô Thượng.
  • Sau đó, Mật giả phải viên tu Mật pháp, trang nghiêm Mật hạnh Ba-la-mật, hướng theo tâm Từ quảng đại Vô Lượng mà đột phá, bứt phá.
  • Đến khi Mật hạnh Vô Úy Ba-la-mật viên mãn, thành tựu Vô Úy Tam Muội thì Mật giả mới nhận được Mật trì Vô Lượng Trang Nghiêm của Đức Phật Mẫu trên đường độ tận.

Mật hạnh Vô Úy Tam Muội chính là Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật! Đến đây, Mật giả viên thành Phật Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác dù thân còn tại thế.   



* TÓM LẠI

Lục Độ: giúp hành giả nhập Đạo tu hành, tự giác – tự độ liễu thoát tử sanh.

Lục Độ Ba-la-mật: là Mật pháp – Mật hạnh trang nghiêm cứu độ chúng sanh tùy theo Mật nguyện của Mật giả; trong đó, mỗi chi phần dung thông tương hỗ lẫn nhau.

Tâm Vô Lượng, tức Ba-la-mật Tam Muội, khế hợp Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật: Mật giả độ tận thiên hình vạn trạng Vô Minh Cảnh Giới, trả lại Nhân – Quả công bằng cho tất cả dưới Mật trì Vô Lượng Trang Nghiêm của Đức Phật Mẫu Quán Thế Âm và Đức Phật Mẫu Cổ Mật Vương Chuẩn Đề. Tại đây, Mật giả đã viên thành Phật Đạo.

Định (Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật), Huệ (Trí Huệ Vô Sư, Trí Huệ Ba-la-mật) không dễ hành đến. Tam Muội càng không dễ nói đến. Do đó, hành giả tu Phật phải tuyệt đối cẩn ngôn, tránh Đại vọng ngữ!

Muốn viên thành Phật Đạo, Mật giả phải viên tu Bồ Tát Đạo. Muốn tu Bồ Tát Đạo, Bậc Kiến Tánh phải phát khởi Mật nguyện Từ Bi từ trong Chánh Định Vô Niệm Ba-la-mật. Do đó, phàm phu chúng sanh còn vô minh tăm tối, nghiệp chướng mê mải chất chồng, luân hồi sanh tử còn chưa tự đoạn tận được thì đừng vọng ngã: “tôi đang tu theo Bồ Tát Đạo, đang hành Bồ Tát Đạo”. Đã tu Phật, phải trực tâm trang nghiêm, đừng vọng tưởng điên đảo! 

Tu Phật là tu tâm nên Lục Độ là tâm hành. Từ đó, ý – thân – khẩu tự tương ưng khế Lý nhập Hạnh trang nghiêm Đạo Bồ Đề.

Để tự giác – tự độ trên đường giải thoát, hành giả phải nghiêm tu Lục Độ. Để hành Lục Độ, hành giả nhất thiết cần phải giác ngộ Tam Pháp Ấn của nhà Phật (Vô thường, Vô ngã, Khổ).

Để tấn tu không ngừng, mỗi hành giả tu Phật cần phải có đầy đủ Trí (Chánh kiến, Chánh tư duy) – Tín (Chánh tín) – Hành (Tu hành trang nghiêm chơn chánh), nhẫn lực tinh tấn điều phục tất cả mọi chướng ngại trong đời sống tu hành, quyết không thối chuyển. Chỉ có như thế, hành giả mới có thể an trú bất động trong Vô Lượng Từ Quang và Vô Lượng Đạo Quang của Chư Phật mà tu hành.

Hành trang tu Phật chính là tâm hạnh Từ bi Vô ngã. Bước đầu tu Phật đã như thế, chúng sanh hà tất cứ mải mê chấp khư ngã tướng tu hành, biết bao giờ mới nên đặng.

Tâm quyết chí thống thiết tu hành, vô minh tự đốt cháy. Thọ Pháp – hành Pháp trang nghiêm, đường tu Phật tự rộng mở thênh thang!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————————-

Xem thêm: