Ảnh: Lê Việt Khánh

Tu Phật dễ hay khó? Ngẫm, sẽ thấy: muốn thành công sự ở đời thường phải trải qua nhiều khó nhọc, gian truân, vấp ngã, thậm chí là thất bại đắng cay thì huống gì Đại sự tu hành liễu thoát tử sanh.

Vì thế, trang nghiêm tu Phật quả thật cực khó vì những lý do sau:

1. Thắng duyên gặp Chánh Pháp Phật (Pháp Bảo)

Đức Phật đã từng dạy: Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một điều gì khác” (Kinh Tương ưng V, chương 3, phẩm Ambapàli, phần Bệnh).

Xưa, thời Phật còn tại thế, chỉ những vị đệ tử đã minh tâm kiến tánh, thoát ly khổ sanh tử luân hồi mới được Đức Phật giao phó trách nhiệm góp phần tuyên dương Chánh Pháp, du hóa khắp nơi phổ truyền rộng khắp, cứu độ mê tình.

Nay, thời mạt tâm loạn Pháp, người người (tu sĩ, cư sĩ) nói Pháp mà không chút đắn đo cẩn nghĩ mình đã thật minh tâm kiến tánh – dứt cội nguồn sanh tử hay chưa, nhân quả nghiệp báo từ Ma sự sẽ thống khổ thế nào…

Tu thời cách Phật quá xa, Pháp nạn nhiễu nhương, Ma sự hoành hành, Già lam bát nháo, thật quá khó để người Phật tử biết đâu là Chánh Pháp Phật (Pháp Bảo) để nương tựa tu hành, tránh lầm đường Tà mị. Dẫu có thể minh định tận tường đâu không phải là Phật Pháp thì cũng không hề dễ dàng có thắng duyên gặp được Chánh Pháp. Nếu có thắng duyên gặp được Chánh Pháp thì liệu có đầy đủ trí tín, kiên tâm bền chí, kham nhẫn lớn lao, hỷ xả tất cả quyết tu hành không màng sanh tử. Đại sự tu hành, vì thế, cũng mù mịt tối tăm, nổi trôi vô định.

Xem bài:

2. Thắng duyên gặp Bậc minh sư kiến Tánh (Tăng Bảo)

Thời mạt tâm, gặp vị chơn tu giới hạnh trang nghiêm đã khó, huống gì thắng duyên gặp được Bậc minh sư kiến Tánh đã liễu thoát tử sanh (Tăng Bảo).

Vị chơn tu vẫn còn là phàm Tăng với đầy đủ ngã tánh phàm phu (tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…). Nếu Đạo tâm không kiên định trước đủ duyên thuận nghịch, nội chướng ngoại Ma khảo đảo trên đường tự giác thì khó tránh khỏi chướng ngại, thoái thất, đọa lạc.

Rõ thấy, tu Phật chỉ cần bước một ly lầm đường lạc lối thì giác ngộ – giải thoát đã vạn dặm cách xa, nẻo Tà ứng hiện ngay trước mắt, đọa lạc trôi lăn ắt sẵn phần. Nếu không có thắng duyên gặp được Bậc minh sư kiến Tánh chỉ điểm phá mê khai ngộ, hóa giải Tà pháp, hàng phục Tà Ma khảo phá tu lầm cho sa đường Tà mị thì Huệ mạng sẽ về đâu!

Xem bài:

3. Thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật

Đức Phật khai sáng Diệu Pháp độ tận chúng sanh giải thoát vĩnh viễn khỏi thống khổ luân hồi đọa lạc. Đạo Phật là Đạo Từ Bi – Trí Huệ, Đạo Giác ngộ – Giải thoát, tuyệt không phải là Đạo Thần quyền thưởng phạt trái lý bất công, càng không phải là Đạo Luân Hồi mê mải kiến tạo phước báo Nhơn – Thiên để an hưởng đời sau, chấp nhận trôi lăn miệt mài không dứt.

Người phát tâm tu Phật hay người Phật tử đúng nghĩa là người nhàm chán sanh tử vô thường khổ não, thống thiết chí nguyện liễu thoát tử sanh, nối gót Chư Phật. Nói cách khác, muốn tu Phật, người Phật tử phải noi gương hạnh Phật – nghiêm hành theo hạnh Phật, gìn giữ thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật:

  • Phải trường chay: không cắn nuốt máu thịt chúng sanh – dung nạp oán trược bệnh thân, dừng sát nghiệp (gián tiếp) phải đền trả về sau.
  • Phải tuyệt dục, hỷ xả luyến ái tình thân: cắt đứt gốc rễ (nhân) luân hồi khổ báo.
  • Phải đoạn trừ tham ái, chấp thủ ngã tướng: hỷ xả bã lợi danh, cung kính, tiền tài, bóng sắc…
  • Nghiêm hành Bát Chánh Đạo.

Xem bài:

4. Tâm quảng đại

Muốn viên mãn rốt ráo Phật đạo Vô thượng, hành giả tu Phật phải có tâm quảng đại tương ưng khế hợp với 10 phương Chư Phật. Đó chính là tâm hạnh Từ Bi Vô Lượng trước thống khổ luân hồi đọa lạc của thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương nguyện độ tận tất cả quy Phật tu hành, không bỏ sót một chúng sanh nào. Đây cũng chính là Mật hạnh Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật.

Do đó, đường đến Phật tuyệt không có bóng dáng của tâm / bản ngã nhỏ nhoi hẹp hòi vị kỷ tầm thường, yếm thế, biếng lười, sa đọa. Duy chỉ có nghiêm hành Tôn chỉ: Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ, không sống cho mình – không tu cho mình mới có thể bước vào cửa Phật đạo Từ Bi, tấn tiến vô ngại trên đường giác ngộ.

5. Nhẫn lực tinh tấn nghiêm hành Lục Độ

Tu Phật tức lội ngược dòng nghiệp chướng, vượt lên dốc đứng sừng sững kiên cố của vô minh, tham ái và chấp thủ ngã tướng tích tập bao đời nên đòi hỏi hành giả phải có trí tín bất động nơi Phật Pháp, tâm Bồ Đề kiên định không lay chuyển, nhẫn lực tinh tấn trang nghiêm giới hạnh xuất thế, dũng mãnh điều phục tất cả mọi nội chướng ngoại Ma cản phá tu hành, chẳng màng sanh tử.

Do đó, ngoài Bát Chánh Đạo, người tu Phật cần phải nghiêm hành Lục Độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ) để tự giác tự độ trên đường giải thoát.

Xem bài:

* TÓM LẠI

Thân người khó được!
Phật Pháp khó nghe!
Hành trì sao cho đúng với Diệu Pháp Phật lại càng khó muôn phần!

(trích Đường Lối Tu Phật)

Trước thống khổ luân hồi đọa lạc của vạn loại chúng sanh, người dốc tâm quyết chí thống thiết tu Phật sanh tử còn chẳng màng, sá ngại gì dễ khó. Soi sáng tâm họ dũng mãnh tấn tiến lên duy chỉ có Ân đức Chư Phật không thể đáp đền và Nợ tất cả chúng sanh một lời nguyện độ họ quy Phật tu hành. Chỉ thế thôi, hành giả đã an trú trong Vô Lượng Từ Bi và Vô Lượng Đạo Quang của 10 phương Chư Phật tu hành thì không gì là không thể trên đường Phật đạo Vô thượng.

Vì sao muốn tu theo Phật? Tu Phật dễ hay khó? Hãy tịnh tâm lắng lòng tự vấn!

Một hạt gạo tín thí,
Nặng như núi Tu Di,
Đời nay không liễu Đạo,
Mang lông đội sừng trả.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên