chon-xuat-gia

Từ xưa tới nay, bất luận trong thời đại nào, các giới ở xã hội đều có chơn có giả.

Riêng trong nhà Phật, nếu xuất gia đúng theo mục đích chuyển mê khai ngộ, cầu thoát tam giới thì có chi phải nói giả nói chơn, nhưng vì có danh “giả” nên phải có danh “chơn” đối chiếu.

Chơn xuất gia thuộc về chánh giáo. Giả xuất gia thuộc về tà thuyết.

Xin lược giải vài điều thiết yếu hầu giúp ích vạn nhứt cho những vị có thiện chí xuất gia tu hành, cần cầu giải thoát biển khổ sông mê.

Khi Phật tử hoàn toàn hiểu thấu thế nào là chơn xuất gia, tất nhiên sáng suốt nhận thức thế nào là giả xuất gia.

Trong việc tu hành, mỗi người đều có căn trí riêng và tùy theo căn trí đó mà trạch pháp. Nếu liệu căn trí của mình không thể tu được hạnh xuất gia thì tu hạnh tại gia, không nên giả xuất gia mà bị thối-hóa, trầm luân thống khổ.

Nếu xuất gia chỉ bằng hình thức bề ngoài, lời nói và việc làm không đi đôi, lòng và miệng trái nghịch lẫn nhau, cống cao ngã mạn, tự phụ kiêu căng, khinh thường Giới Luật, tham danh vụ lợi, phỉ báng các bậc chơn tu, thanh tịnh giới đức, mượn cửa Từ-Bi làm nơi sanh kế, bày các mưu chước lạm dụng của Thập phương đàn việt, giấu giếm của Tam-Bảo để lập nghiệp cá nhân, bảo dưỡng gia đình, gọi là XUẤT GIA NHI TẠI GIA, thân tuy ở chùa nhưng lòng trần chưa rửa sạch, không tuân giới pháp, ái dục nặng nề, đa mang vọng tưởng si mê, thì chiếu luật nhân quả chí công, cơ thâm họa diệc thâm, tự mình chiêu lấy ác nghiệp sa đọa. Đó là hạng giả xuất gia, dối thế.

Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có giảng tích 5 vị ác sư lười biếng chuyên làm việc xảo ngụy, huyễn hoặc, đem lòng tà trược lợi dụng của Thập phương Thiện tín cúng dường mà phải chịu quả Địa ngục trong 8 ngàn ức kiếp, quả Ngạ quỷ trong 8 ngàn kiếp, và quả Súc sanh trong 8 ngàn đời mới trở lại làm người nhưng các căn ám độn, trai không phải trai, gái không phải gái, hầu hạ chủ nhân trong 8 ngàn đời nữa để đền trả cho hết nợ tiền oan. Thật là vô cùng thảm khổ!

Tích xưa răn người tu tỉnh, nhứt là một khi quyết chí xuất gia tu hành thì lẽ tự nhiên “oan gia nghi giải bất nghi kết”, nghiệp phiền não phải dõng mãnh tiêu diệt, đừng tạo thêm; nợ trần tục phải tinh tấn đoạn trừ, đừng vay nữa.

Đức Phật có dạy bảo các thầy Tỳ-kheo: “Thà tự cắt lấy thịt mình để nuôi sống, không nên đem tà tâm thọ của người cúng thí“.

Y-ca-sa có danh nghĩa cao siêu tuyệt đối là “hoại sắc, phước điền, cát triệt, giải thoát” đối với bậc xuất gia và cũng là niền sắt vô cùng nghiêm khắc đối với kẻ giả xuất gia.

Phật tử nào, trong thời gian tu tại gia, chánh tín hành đạo, trường trai tuyệt dục, thông hiểu giáo lý, cư trần bất nhiễm trần, ở chỗ phiền não mà tâm hằng thanh tịnh, cầu đạo giải thoát, nuôi thiện chí xuất gia, gọi là TẠI GIA NHI XUẤT GIA. Trong thời gian đó chuyên sửa mình trong sạch, tu tập nhẫn nhục, thực hành 8 món chánh đạo: 1) Chánh kiến, 2) Chánh tư duy, 3) Chánh ngữ, 4) Chánh nghiệp, 5) Chánh mạng, 6) Chánh tinh tấn, 7) Chánh niệm, 8) Chánh định, quen sống một cuộc đời bình dị đơn giản, an phận thủ thường, mặc toàn bằng vải hoại sắc, cho đến việc hút thuốc, ăn trầu cũng không, sắp đặt một nền tảng kinh tế tự túc để nuôi sống trong thời kỳ xuất gia.

Khi xuất gia được, trong thời kỳ ấy chuyên tu giải thoát, tùy cơ duyên đem Phật Pháp từ bi ứng dụng cho đời cải ác vi thiện, vừa tự giác vừa giác tha, nhưng không thọ của bá tánh đàn na, như thế thật là quý báu vô biên.

Tuy nhiên, dầu không có đủ kinh tế tự túc, xuất gia cũng được cao thượng, vì người xuất gia tu hành chơn chánh có sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, công đức vô lượng, đủ quyền thọ hưởng tứ sự cúng dường: 1) ẩm thực, 2) y phục, 3) ngọa cụ, 4) y dược, để trồng phước điền cho thập phương Thiện tín.

Ngoài bốn món kể trên, ở chùa tiền của có dư đều thuộc về Thường trụ Tam-Bảo, chỉ dùng tu bổ ngôi Phật Pháp, thực hành Phật sự cần ích chung cho chúng sanh, tuyệt nhiên người xuất gia không nên âm thầm cất giấu tiền của riêng cho mình lợi dưỡng hoặc cung cấp cho quyến thuộc mà hủy phạm Giới Luật, mang lấy trọng tội.

Phàm xuất gia tu hành thì nhứt thiết đều phải tuân theo Giới Luật, nếu liệu mình giữ gìn không kham, thà đừng làm còn hơn là chấp trì bất cẩn mà tự vong kỳ thân.

Xuất gia vốn là đại hạnh giải thoát. Nếu ai có chí nguyện cầu pháp môn giải thoát tất phải xuất gia tu hành mới đạt mục đích cao cả.

Soi gương Đức Từ-phụ Thích-Ca Mâu-Ni, khi nhàm chán trạng hướng “sanh, lão, bệnh, tử”, Ngài đoạn tuyệt ngai vàng điện ngọc, danh vọng oai quyền, xuất gia tu hành để tự giải thoát và giải thoát sanh linh.

Mười phương Chư Phật, vô lượng Bồ-Tát, Duyên-Giác, Thanh-Văn, Liệt-Tổ: từ Đức Ma-Ha Ca-Diếp đến Đức Huệ-Năng, tâm tâm tương ứng, Tổ-Tổ tương truyền, tất cả 33 vị gọi là Tây Thiên tứ-thất Đông-Độ nhị tam Lịch-Đại Tổ-Sư, gia dĩ tự cổ chí kim, các bậc Cao-Tăng đều do đại hạnh xuất gia mà chứng quả Chơn-Thường, tự tại giải thoát.

Thế nào gọi là xuất gia?

Xuất là ra, gia là nhà. Xuất gia nghĩa là ra khỏi nhà, nhưng nếu luận theo nghĩa đen, xuất gia chỉ ra khỏi gia đình thì chưa phải là đủ vì có những người đi học hành, đi mua bán, ngộ cảnh xa nhà, trường hợp như thế không làm sao có đủ căn bổn cụ túc giới và 3 ngàn oai nghi, 8 vạn tế hạnh của Thiền tông.

Xuất gia có 2 nghĩa:

1. Từ thân cắt ái, bỏ tục vào Đạo, cạo tóc, nhuộm áo, tức là ra khỏi nhà thế gian.

2. Đoạn trừ vọng hoặc, ngũ ấm, dứt sạch nghiệp chướng, phiền não, tu chứng vô sanh pháp nhẫn, tức là ra khỏi nhà Tam-giới.

Phái xuất gia chơn chánh có 5 chúng:

1. Học giới ni
2. Sa di
3. Sa di ni
4. Tỳ Kheo
5. Tỳ Kheo ni

Phàm xuất gia thì phải hoàn toàn ly gia cắt ái, trường trai tuyệt dục, nương nhờ các bậc Thanh tịnh Tăng thông hiểu Kinh luật, quán căn dạy bảo các nguyên tắc tu hành chơn chánh và sáng suốt, nhất là Giới Luật trang nghiêm để thọ trì.

Xuất gia đầu tiên phải thọ trì Giới Sa-di, rồi tuần tự thọ trì Giới cụ-túc.

Giới Sa-di gồm có 10 điều răn cấm, lược giải dưới đây:

1. Cấm sát sanh.
2. Cấm trộm cắp.
3. Cấm tuyệt dâm dục.
4. Cấm nói vọng.
5. Cấm uống rượu (cấm hút á phiện).
6. Cấm đeo hoa thơm và thoa dầu thơm.
7. Cấm đàn ca hoặc xem nghe đàn ca.
8. Cấm ngồi giường cao, rộng.
9. Cấm ăn quá Ngọ.
10. Cấm cất giữ vàng bạc và các món báu.

Giới cụ-túc do Đức Thích-Ca khi ở tại vườn Lộc Uyển vì bậc Nhị thừa chế ra, đại cương có: 4 giới ba-la-di, 13 giới hữu-dư, 2 giới bất-định, 30 giới xã đọa, 90 giới ba-dật-đề, 4 giới hướng bỉ hối, 100 giới chúng học, 7 giới diệt tránh. Cộng thành 250 giới.

Ngoài ra, xuất gia có thể tùy tâm thọ thêm Đại thừa Bồ-Tát giới, tức là 10 điều trọng giới và 48 điều khinh giới; hoặc Đại thừa Tam-Tu-Tịnh giới, tức là: 1) nhiếp luật nghi, 2) nhiếp thiện pháp, 3) nhiếp chúng sanh.

Phàm thọ giới, phải cầu bậc Hòa thượng Minh sư có giới đức thanh tịnh để thọ giới pháp.

Giới đàn tức là Trường kỳ, phải lập đủ Thập sư toàn bậc Thanh tịnh Tăng: một Thầy Đường-Đầu Truyền-giới Hòa-Thượng, một Thầy Yết-Ma, một Thầy Giáo-Thọ và bảy Thầy Tôn-Chứng.

– Hòa-Thượng nghĩa là có đạo lực và đức độ thanh tịnh, sáng suốt khiến sanh trí huệ cho đệ tử.

– Yết-Ma nghĩa là làm được các pháp và biện được các sự truyền giới.

– Giáo-Thọ nghĩa là dạy bảo các phép tắc oai nghi cho giới tử.

– Tôn-Chứng nghĩa là hộ đàn làm chứng cho giới tử thọ giới.

Như địa phương nào có ít Thanh tịnh Tăng thì giới đàn giảm lại trong số 7 Thầy Tôn-Chứng còn 2 Thầy cũng được, tức là chỉ có Ngũ-Sư. Giới đàn là đạo tràng thanh tịnh cần có thể thống trang nghiêm, dĩ nhiên Thầy truyền giới phải là bậc Thanh tịnh Tăng trì giới luật trang nghiêm mới thành tựu giới pháp. Trái lại, nếu vị Sư phá giới mà dám truyền giới gọi là vọng truyền, còn giới tử nào thọ cùng vị sư phá giới gọi là vọng thọ. Vọng truyền và vọng thọ đều phạm tội, như thế thì bất hợp pháp.

Thọ giới xuất gia là việc trọng đại, Phật tử phải hết sức cẩn thận vì sau khi thọ giới rồi, suốt đời phải giữ tròn Giới Luật, không được viện cớ chi mà phá Giới.

Xưa, trước khi nhập Niết-Bàn, Đức Thích-Ca ân cần di chúc các đệ tử: “Tu hành phải lấy Giới-Luật làm Thầy“.

Giới Luật có trụ được lâu dài thì Phật Pháp mới được trường cửu.

Hai chúng tại gia: Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ còn phải nhứt tâm trì giới, huống chi năm chúng xuất gia lại càng phải nghiêm trì giới pháp.

Vả chăng, xuất gia tu hành làm gương mẫu cho tín đồ thì phải nghiêm trì Giới Luật, đứng vào bậc Thanh-tịnh Tăng Mô-phạm.

Phật đã nhập diệt, Pháp thì vô tình, trách nhiệm thừa đương Phật Pháp phải nương nhờ Tăng.

Kinh Hoa Nghiêm có dạy: Cụ túc thọ trì oai nghi giới pháp, năng khiến Tam-Bảo trường tồn, tức là không bao giờ mất.

Tuy vậy, chỗ sở tồn của Tăng phải hoàn toàn căn cứ ở Giới Luật. Nếu không giữ Giới Luật thì Tăng bất thành, vì phần tự độ chưa xong, còn mong chi đến việc độ tha.

Cổ nhân có nói: “Chớ gọi xuất gia là việc dễ làm. Xuất gia phải nhờ có đại căn ở vô lượng kiếp trước đã từng trồng sâu hột giống Bồ-Đề“.

Đức Phật có dạy: “Xuất gia chẳng phải ra khỏi nhà thế tục là đủ mà phải tu hành chơn chánh và sáng suốt cho ra khỏi nhà “tham, sân, si, mạn, nghi, chấp”, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô-Sắc giới)“.

Bởi nên, chỗ sở hành của bậc xuất gia đại khái gồm có:

– Về phần tự giác: nghiêm tịnh luật nghi, chuyên tu Giới-Định-Huệ, đầy đủ nghị lực hàng phục ma chướng, hoàn bị thiện chí thoát tục siêu phàm.

– Về phần giác tha: thể theo hoài bão xuất thế độ sanh của chư Phật và gương tích cực hoằng pháp của Lịch-Đại Tổ-Sư, vận dụng Từ-Bi chi đức, dĩ vô lượng phương tiện nhiêu ích chúng sanh.

* TÓM LẠI

Xuất gia cốt yếu là tu giải thoát, trụ tại điện Phật, trì ấn lệnh Phật, suốt đời cúc cung tận tụy phụng sự Chánh-pháp Như-Lai, phổ biến giáo lý giải mê cứu khổ lợi lạc cho vũ trụ nhơn sanh, thì tuy thân ở thế gian ngũ trược, nhưng Tâm thông đạt tứ đức “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh” của cảnh trí Niết-Bàn, gọi là XUẤT GIA NHI XUẤT GIA.

Xuất gia như vậy khế hiệp với tinh thần Đại-Hùng Đại-Lực Đại-Từ-Bi của Vô-Thượng Giác-đạo.

(trích “Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược”
Hòa Thượng Thích Từ Quang)

————————————————

LỜI BÀN

Xuất gia là đại hạnh giải thoát có được từ căn lành nhiều đời gieo trồng nơi Tam Bảo nên những ai đang có thắng duyên này phải nghiêm trì Giới luật, giữ gìn thân tâm trong sạch cúng dường Chư Phật, sống đời thanh bần thiểu dục tri túc, trưởng dưỡng tâm hạnh Từ Bi Hỷ Xả, y theo tôn chỉ Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ mà tinh tấn tu hành, nhẫn lực tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi làm Thân giáo cho thập phương Tín chúng; đồng thời kiên định không dời chí nguyện hoằng truyền Phật Pháp, độ tận chúng sanh mà chẳng màng sanh tử, hướng đến tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn, tiếp gót Từ Bi. Tuyệt đừng bao giờ sanh tâm ma quỷ mượn Đạo tạo đời, đắp mê bồi ngã dưới hình tướng Thích-tử mà hủy phạm Giới luật và Chánh Pháp Như Lai, thiêu rụi tín tâm và huệ mạng của bao người thì tự chuốc lấy trọng tội khổ đọa muôn kiếp vào Ngục Vô Gián, không sao thoát đặng.

Những ai xuất gia đã phạm Giới rồi thì hãy trực tâm tự tứ, sám hối ăn năn, tàm quý răn tỉnh quyết không tái phạm. Tuyệt đối không viện bất cứ lý do gì để ngụy biện cho sự phạm Giới của mình mà thêm trọng tội. Đồng thời, phải nhứt thiết tinh cần tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền trong mọi lúc mọi nơi để hàng phục vọng tâm, tịnh hóa nghiệp chướng cho trí đạo sáng soi tránh tạo thêm lỗi lầm thì huệ mạng nơi Tam Bảo mới mong được bền lâu không thối đọa.

Người xuất gia nếu chưa nhiếp phục được tâm ý mình thì lấy gì để hướng hóa người, chưa tự độ được thì lấy gì để độ tha, chưa minh tâm kiến tánh thì lấy gì để khai tâm độ chúng; do đó, khuyên đừng bỏ gốc tầm ngọn, mê Sự bỏ Tánh mà hãy tinh cần khuya sớm nhiếp tâm chuyên tu thiền định sao cho miên mật không ngừng (Giới – Định), đến khi thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, Trí Huệ Vô Sư (Huệ) khai mở tất sẽ minh tâm kiến tánh, liễu ngộ Phật Pháp thì Đại sự hoằng truyền Diệu Pháp và hóa độ chúng sanh mới không lầm đường lạc lối. Ngược lại, dụng tâm mê trí thiển phàm ngu để học hiểu rồi hoằng Pháp trong khi tự mình không có Pháp hành chơn thật (tọa thiền trực chỉ Chơn tâm) ắt không tránh khỏi vọng tưởng điên đảo Phật Pháp (Chánh Pháp cho là Tà Pháp, Phi Pháp và ngược lại, Chánh – Tà bất phân, không có Chánh kiến, Tà kiến…), ngã mạn chấp thủ tri kiến mê lầm hư vọng của mình thì có khác gì người mù dẫn dắt kẻ đui đi trong đêm tối, mù mịt vô định, tự không lối thoát. Hãy nhớ: Phật đạo do tâm hành mà giác ngộ nên dù Tiến sĩ Phật học mà “chỉ học không tu” thì khác gì đãy sách, sanh tử mãi trôi lăn. Kẻ không biết bơi không thể cứu người sắp chết đuối; thà tự mình mê mờ trong tu Đạo còn hơn dẫn dắt bao người tu lầm lạc lối theo thì chiếu lý Nhân Quả – Nghiệp báo chí công, tội này không sao kể xiết, làm sao trả nổi cho hết đặng!

Quý Phật tử phát tâm tu Đạo Bồ Đề chỉ nên gần gũi, tham học với Thiện tri thức hoặc vị Minh sư giới luật tinh nghiêm để đường tu không lạc lối. Với Tam Bảo trang nghiêm thì hãy trưởng dưỡng tâm Bồ Đề, nắm ngay yếu chỉ Phật Pháp mà hành trì thực tiễn, gieo nhân giác ngộ, ươm mầm giải thoát. Với Tăng lữ phạm Giới thì hãy tùy duyên khuyên bảo họ trong khả năng của mình để sớm tỉnh ngộ sám hối ăn năn, hồi Tà hiển Chánh, tuyệt không dụng tâm che đậy hoặc mê mờ cổ xúy Tà hạnh hủy Phật báng Pháp mà cộng nghiệp cùng gánh. Với gia đình và xã hội thì hãy trưởng dưỡng tâm hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả nguyện chia sớt khổ nạn chúng sanh, y theo Giới luật, Bát Chánh Đạo và Lục Độ Ba-la-mật của nhà Phật mà tinh tấn thọ trì trong đời sống thường nhật. Ấy là đã gieo nhân Thích-tử cho thắng duyên xuất gia mai hậu trổ lành thì thật quý báu vô cùng!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————–

Tham khảo: