Kính gửi Ban biên tập trang báo điện tử “Phật học và Đời sống”!

Hiện trang “Phật học và Đời sống” (http://phathocdoisong.com) đang đăng bài viết có tiêu đề “Cúng đầu heo tạ ơn phù hộ cần biết rõ đình, đền, chùa, miếu”. Nội dung bài viết đề cập đến một vấn đề nhức nhối “sát sinh, hại vật để cầu tài, cầu lộc” trong xã hội hiện nay và chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của rất nhiều đọc giả. Tuy nhiên, việc đăng bài viết này có những điểm không chỉ chưa đúng đạo đức của người làm báo mà còn dễ gây tà kiến nơi người đọc. Việc đó có thể được minh chứng bởi các điều dưới đây:

1. Trang báo điện tử “Đạo tràng Tu Phật” (https://daotrangtuphat.com) đã đăng bài viết “Phật Pháp vấn đáp 16: Hãy là một Phật tử chơn chánh” của Thầy Cổ Thiên – một bậc chân tu chân chánh đang nỗ lực bảo vệ và hoằng dương Chánh Pháp Như Lai. Bài viết đã phê phán hiện tượng “sát sinh, hại vật để cầu tài, cầu lộc” trong xã hội hiện nay, đưa ra những lời cảnh tỉnh về hệ lụy, quả báo nặng nề của việc làm này và chỉ ra những điều mà người Phật tử chân tránh cần phải làm. Bài viết “Cúng đầu heo tạ ơn phù hộ cần biết rõ đình, đền, chùa, miếu” trên trang “Phật học và đời sống” sao chép lại toàn bộ nội dung của bài viết “Phật Pháp vấn đáp 16: Hãy là một Phật tử chơn chánh” trên trang “Đạo tràng Tu Phật” đúng với từng dấu chấm, dấu phẩy, với chỉ hai điều thay đổi sau mà không có nêu trích dẫn xuất xứ của bài viết:

– Tiêu đề của bài viết.
– Trong câu hỏi: “Kính bạch Thầy” được thay thành “Xin hỏi quý báo”.

Điều đó gây ngộ nhận do không biết đâu là bài viết gốc, đâu là bài sao chép. Điều này vi phạm nghiêm trọng đạo đức của người làm báo.

2. Việc đặt tên “Cúng đầu heo tạ ơn phù hộ cần biết rõ đình, đền, chùa, miếu” chứng tỏ không có Chánh kiến, đi ngược lại Luật Nhân – Quả chí công, tuần hoàn nghiệp báo: trong chùa tu Phật chân chánh không được “sát sinh, cúng mặn” thì điều này có thể làm trong đình, đền, miếu chăng? Luật Nhân Quả nghiệp báo là chơn lý bất biến, dù chúng sanh với những dị biệt về hình tướng, quốc gia, ngôn ngữ, tôn giáo… nhưng tất cả đều phải thọ báo (quả) đền trả công bằng cho túc nghiệp (nhân) mình gieo tạo. Đó là nền tảng căn bản trọng yếu của giáo lý nhà Phật, vậy ai sẽ phù hộ ai cho sát nghiệp chất chồng? Luật Nhân – Quả có bỏ sót một ai dù theo bất cứ tôn giáo hay tín ngưỡng nào? Phật đạo xiển dương chơn lý, hướng hóa độ đời khắp cõi quần mê thì có hạn lượng hay không?…

3. Việc đặt tên bài viết như vậy đối với bài viết của Thầy Cổ Thiên – Người đang hàng ngày hàng giờ làm mọi việc để bảo vệ và hoằng dương Chánh Pháp Phật đến sinh tử chẳng màng là một việc gây xúc phạm lớn đối với một bậc chân tu, gây ảnh hưởng xấu đến tên tuổi và uy tín của bậc Thầy đáng kính.

Chính vì vậy, rất mong quí báo điện tử “Phật học và Đời sống” nên khẩn trương chỉnh sửa lại bài viết: trả lại đúng tên bài viết của Thầy Cổ Thiên và bổ sung trích dẫn bài viết từ trang “Đạo tràng Tu Phật” rồi đăng lại nhằm góp phần bảo vệ và rộng truyền Chánh Pháp Phật trong thời kỳ mạt tâm và nhiễu nhương như hiện nay.  

Kính thư,

Phật tử
Chí Thành  

—————————————-

Tham khảo:

Trực tâm khi chia sẻ Pháp Phật
Đối luận với báo Phật Học Đời Sống
– 
Phật Pháp vấn đáp 16: Hãy là một Phật tử chơn chánh