tu-phatTu Phật cốt yếu ở sự thực hành chứ chẳng phải nói suông. Hành trì Phật Pháp duy yếu ở Tâm chơn chánh (tâm Từ Bi).

Pháp Phật chung quy có ba tông: Tịnh – Thiền – Mật, tuy ba nhưng một cội là từ Đức Phật với Hạnh Nguyện Từ Bi vô lượng độ tận chúng sanh. Hạnh Nguyện vô lượng, ba-la-mật hay bình đẳng – vô ngã đó nào có dáng dấp của tâm chấp “Ngã – Pháp” thường tình, dù chỉ trong một niệm vi tế. Nếu chẳng biết thương yêu, hiếu kính với ông bà – cha mẹ – anh chị em; chẳng biết vuông tròn bổn phận – trách nhiệm với gia đình và xã hội; chẳng biết trưởng dưỡng lòng Từ “thương người và muôn vạn chúng sanh như thể thương thân”; chẳng biết Bố thí, trì Giới, niệm Phật, Tham thiền, trì Chú; lại dụng tâm chia Tông rẽ phái…, đắp Mê bồi Ngã thêm chất ngất mà luôn miệng tự xưng là tu Phật – con Phật, há có lý chăng?

Đa số người tu thời nay rất hám danh – thủ lợi, lại quá chú trọng sắc tướng – nghi thức, không giữ oai nghi – giới luật, lãng tu – thất niệm. Họ lạm dụng Phật Pháp để lôi kéo tín đồ, buôn Kinh bán Phật, vòi vĩnh tiền của Phật tử khi có hữu sự, lại tích trữ tiền bạc làm của riêng, ăn uống cầu kỳ mà không biết tránh phi thời – phi chỗ, xài vật dụng toàn đồ sang đắt tiền… để bồi dưỡng cho cái thây thúi và tự ngã si mê của chính mình. Đến khi đăng đàn thuyết Pháp thì cờ hoa lộng lẫy, xe đưa người đón rình rang, lọng che người quạt với bảo vệ thành đoàn như quan chức một phương, khẩu thuyết mà tâm chẳng hành chơn thật nên nào khác gì Ma thuyết (lìa Tánh thuyết Pháp), lại tà tâm đem danh nghĩa “nhà Phật – trưởng tử Phật – tu Phật” để làm bình phong cho tà hạnh của mình… Nếu chẳng thức tỉnh sám hối tu chơn, tránh sao ác quả khổ đọa muôn kiếp nơi Ngục Vô Gián?!

Muốn sự tu hành có tiến triển, trước phải hiểu căn bản về Phật Pháp (nhân duyên Phật ra đời, Tứ Diệu Đế, Duyên Khởi, Bát Chánh Đạo, Giới luật, Tứ Vô Lượng Tâm, Lục Độ Ba-la-mật, luật Nhân Quả – Nghiệp báo tuần hoàn), sau thúc liễm thân tâm đoạn trừ tam độc Tham – Sân – Si, tịnh tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý, nghiêm trì Giới luật, trưởng dưỡng hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả, hành muôn việc thiện mà không mong cầu gì cho mình dù một mảy may thì khi đó công phu niệm Phật – Tham thiền – trì Chú mới có lợi ích thật sự. Bằng ngược lại thì đừng nói đến hai chữ “tu hành” vì có khác gì xây nhà trên cát, chỉ luống công vô ích mà thôi.

Với giáo lý Phật-đà, điều trọng yếu là cần phải Văn – Tư – Tu, tức dùng Chánh kiến (trí huệ) tư duy chiêm nghiệm cho thật thấu đáo cốt tủy lý Kinh, liễu tường Phật ý làm kim chỉ nam cho sự hành trì tu tiến. Không nên đọc Kinh sách quá nhiều sẽ loạn tâm vì một đề tài nhưng mỗi người giảng mỗi kiểu do mê ngộ chẳng đồng. Điều tối yếu là niềm tin và hành trì chơn chánh: Chơn tâm tức Phật nên tu Phật phải tâm hành, tự sẽ dần khai ngộ.

Giới – Định – Huệ là đường lối tu Phật muôn đời. Ngoài ra, không có con đường nào khác để liễu thoát tử sanh!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————-

Tham khảo: