tu-phat

Phật đạo sâu huyền, khôn tỏ đâu là bờ mé; Pháp mầu thâm diệu, khôn ngộ thấu đến căn nguyên. Thật vậy, Chơn giáo khó gặp khó tin, được mấy kẻ nhất tâm quy ngưỡng; Tạp học dễ tìm dễ tập, nào ai hay phân biệt chánh tà. Thời mạt tâm, chúng sanh vô minh can cường, dung tục tầm thường, nghe đến Chánh Pháp Phật, há tránh sao không sanh nghi hoặc?!

Với tâm nguyện hồi Tà hiển Chánh, hoằng khai Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh, cúng dường Chư Phật, hành giả đã truyền đăng những bài Pháp được viết và chắt lọc cẩn trọng hầu giúp Tín chúng thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay có thể minh định Diệu Pháp Như Lai, phân biệt tỏ tường chánh tà, từ đó bỏ ngụy quy chơn, thẳng lối tấn tiến tu hành. Mỗi bài Pháp đều ẩn chứa nhiều Thiền cơ – Diệu lý mà tùy duyên và căn trí của mỗi người, sự lãnh thọ Pháp vị giải thoát tự có phần sâu cạn sai khác. Nay, tóm gọn cô đọng lại thành ĐƯỜNG LỐI TU PHẬT khai thông kẻ hậu tấn. Nguyện mong tất cả nhất tâm tu Phật, an trú Diệu Pháp, trực chỉ Chơn tâm, sớm ngày giác ngộ, nối gót Từ Bi, trọn thành Phật đạo!

Đường lối tu Phật gồm tuần tự những tiến trình sau:

1. Giới – Định – Huệ

Tu Phật trước hết phải gìn giữ thân tâm trong sạch (trường chay, tuyệt dục) cúng dường Chư Phật. Tu Phật phải đoạn tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng… Tu Phật phải tịnh thân – khẩu – ý, nghiêm trì giới đức (Giới), nhiếp phục 6 căn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi (Định), sanh tử chẳng màng. Nhẫn lực tinh tấn tu hành như thế mới mong có ngày kiến ngộ Giác tánh (Huệ), liễu thoát tử sanh.

Thế nhưng, nếu tâm chưa tịnh bởi nặng lòng trần, chướng nhiều tục lụy, ái dục mê say mà vội hành Thiền thì chắc chắn chiêu cảm Ma đưa lối, Quỷ dẫn đường khiến lạc vào Tà đạo mà chẳng tự biết, tự thoát. Vì sao? Vì khi dụng công, nội chướng (tập khí, nghiệp chướng tích tập bao đời) khởi lên trùng trùng chiêu cảm ngoại ma ẩn hiện dẫn dắt khiến mê lầm chấp thật sanh tâm niệm mong cầu, bám víu vào đó liền lạc Tà đạo không hay. Do đó, tâm tịnh chính là điều kiện tiên quyết để Thiền Định không lạc lối.

Xem thêm:

2. Tọa thiền niệm Phật

Để tịnh tâm, phải tọa thiền nhiếp tâm niệm Phật. Khi công phu miên mật, nhiếp Tâm thành Giới thì nghiệp chướng bao đời ắt tự tiêu trừ. Đây là nền tảng buộc phải có ở mỗi người tu Phật nếu muốn hướng đến giác ngộ, liễu thoát tử sanh; là nền tảng tối cần yếu cho thành tựu tiến tu sau này (Thiền, Mật). Ví như xây nhà càng nhiều tầng bao nhiêu thì nền móng phải càng kiên cố vững chắc bấy nhiêu, và ngược lại. Mười phương Chư Phật, Lịch Đại Tổ Sư cùng bao đời Cổ Đức, những Bậc minh tâm kiến tánh đều do niệm Phật mà thành tựu. Không có nền tảng này, muốn thành tựu Đạo Bồ Đề, như nấu cát muốn thành cơm, chỉ luống công vô ích.

Xem thêm:

3. Niệm Phật Ba-la-mật (Vô Niệm Ba-la-mật)

Khi niệm Phật đúng Pháp (tọa thiền niệm Phật), hành giả sẽ nhận biết được sự thay đổi rõ rệt nơi tâm tánh mình trong sinh hoạt thường nhật: mọi dục vọng, tạp niệm chấp mê, tham – sân – si, ái thủ ngã tướng… tự dần được điều phục, tịnh hóa, tiêu trừ. Từ đó, tâm tịnh trí sáng; bớt dần tham muốn, buông lung, phóng dật…; lại thường quán xét nội tâm, chiêm nghiệm Diệu Pháp, tinh tấn tu hành. Có câu: Trang nghiêm – Phật độ nên nếu hành giả tỉnh giác một lòng chơn tu Phật thì diệu dụng từ mỗi thời – khắc – sát na công phu tọa thiền niệm Phật là không thể nghĩ bàn, bởi ngoài tự giác tự lực tự độ của bản thân hành giả còn có Phật lực vô biên của 10 phương Chư Phật gia trì. Nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi đến khi Nhất tâm bất loạn, sau đến Vô Niệm liền thành tựu Niệm Phật Ba-la-mật, hành giả kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh.

Nhờ thành tựu Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật nên Mật nguyện từ Chơn tâm Giác Tánh của hành giả (Bậc kiến Tánh) khi đến thời sẽ tự khai phóng, nối gót từ bi vô ngã độ tận chúng sanh nên được 10 phương Chư Phật ấn chứng. Tùy tâm lượng, Mật nguyện tương ưng.

Xem thêm:

4. Tịnh – Thiền song tu

Khi tọa thiền niệm Phật thành tựu Nhất tâm bất loạn hoặc Niệm Phật Ba-la-mật, tùy tự tâm, hành giả có thể kết hợp với Tham thiền (Tổ Sư Thiền). Nói “tự tâm” tức không hề tác ý; đã không tác ý tức “tùy căn cơ, tánh trí” mà hành giả có thể kết hợp Tịnh – Thiền song hành hay không. Nếu có thể song hành thì sự tương hỗ trong mỗi thời khắc công phu sẽ giúp hành giả tấn tiến rất nhanh.

Xem thêm:

5. Mật đạo vi diệu nhiệm mầu

Khi cả công phu Niệm Phật và Tham Thiền đều thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật thì tùy mật duyên và tâm lượng, tự tâm (Trí Huệ Vô Sư) khắc biết đã đến lúc có đầy đủ Đạo hạnh và Đạo lực mật trì Mật chú của Chư Phật, hành giả thênh thang trên đường Mật đạo diệu mầu, hướng đến viên mãn hạnh nguyện độ tận chúng sanh trọn thành Phật đạo vô thượng.

Xem thêm:

TÓM LẠI

Đạo Phật là Đạo Từ bi – Trí huệ – Giác ngộ – Giải thoát.
Đường lối tu Phật: Giới – Định – Huệ.
Trình tự tu Phật: Tịnh, Thiền, Mật.

Tọa thiền niệm Phật (Tịnh) là nền tảng tối cần yếu buộc phải có ở mỗi hành giả tu Phật.

Khi niệm Phật thành tựu nhất tâm bất loạn hoặc Niệm Phật Ba-la-mật, hành giả có thể kết hợp Tịnh – Thiền song hành hay không đều tùy căn cơ, tánh trí, tâm lượng.

Muốn tiến tu Mật đạo, phải Tịnh – Thiền song hành đồng thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật.

Chỉ có Mật đạo diệu mầu, Tam Mật tương ưng mới có thể độ tận tất cả chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương, viên mãn tất cả hạnh nguyện, trọn thành Phật đạo vô thượng.

Những điều cần lưu ý:

1. Khi công phu, hành giả tuyệt đối không sanh tâm chấp trước, dính mắc vào bất kỳ trạng thái, sắc tướng, thiền cảnh, cảm thọ… nào đang diễn ra, kẻo lầm lạc. Chỉ trụ tâm nhất như nơi câu Phật hiệu hay chiếu cố Thoại đầu mà thôi, ngoài ra không biết. Ngược lại, sẽ lạc vào Ma cảnh, nhập Tà chúng không hay. Hãy nghiêm hành Tôn chỉ: Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ!

2. Suốt đời, phải nghiêm hành theo hạnh nguyện Từ Bi Hỷ Xả vô lượng của Chư Phật, nhẫn lực tinh tấn điều phục thân tâm, tịnh tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý, nghiêm trì Giới – Định – Huệ; y theo Bát Chánh Đạo, Lục Độ, Lục Hòa mà sống và tu hành; thường nguyện sám hối tam nghiệp tội, dứt điều dữ – năng việc lành, trau bồi tâm đức; nguyện đời đời quy y Tam Bảo, cần tu Chánh Pháp (Văn – Tư – Tu, Tứ Y Pháp) không hề thối chuyển; nguyện sống đời thiểu dục – tri túc, an bần thủ đạo, xả kỷ lợi sanh; nguyện góp phần hoằng truyền Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh, cúng dường Chư Phật.

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Xem thêm:

3. Tùy duyên, chứ đừng phan duyên, làm các việc Thiện sự, như: bố thí (Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí), phóng sanh, cứu kẻ lâm nguy, hết lòng san sẻ khốn khó với những mảnh đời bất hạnh, giúp xã hội nhơn sanh tiến hóa lành mạnh, đạo đức thăng hoa, tốt Đời đẹp Đạo… Tuy nhiên, tuyệt đừng ngã tướng vọng cầu tham đắm Phước báu thế gian (phước đức) trong Thiện sự mình làm mà buông bỏ công phu thiền định giải thoát (công đức) khiến Đạo nghiệp giác ngộ bị trì trệ, thối thất. Đa phần người tu thời nay thường vọng ngoại lăng xăng với nhiễu Sự bên ngoài mà quên mất bổn Tâm, bỏ gốc tầm ngọn, uổng phí một đời tu.

4. Phàm khi làm được phước đức / công đức gì, hãy hỷ xả hồi hướng phước đức / công đức ấy cho tất cả chúng sanh hồi tâm sám hối chơn tu Phật.

5. Tu Phật, quyết không học Phật. Nếu dùng trí Ta Bà, dẫu may mắn được mang thân Người vạn kiếp để học Phật thì cũng không sao lãnh hội được Pháp vị giải thoát của Như Lai, vì Định – Huệ giác ngộ tuyệt không từ nơi học, hiểu, nghiên cứu mà có được. Diệu lý Phật Pháp vốn chẳng dính dáng đến văn tự; kiến – văn – giác – tri là chướng tu hành (khiến loạn tâm, sanh kiến chấp, sở tri chướng làm cản trở công phu nhiếp tâm); mọi bằng cấp Phật học thế gian càng chẳng liên hệ gì đến Đạo nghiệp giác ngộ, liễu thoát tử sanh. Phật Đạo tại tâm hành (Giới – Định – Huệ) mà giác ngộ, chẳng do ngu trí phàm mê học mà đắc. Phật Pháp tại tâm, hành giả chỉ nên nghiên tầm liễu triệt cốt tủy Phật Pháp (Tứ Diệu Đế, Duyên khởi, Tứ vô lượng tâm, Lục độ, Nhân quả – Nghiệp báo luân hồi) rồi trưởng dưỡng Đạo tâm, kiên định chí nguyện giải thoát, từ đó miên mật tâm thiền (Giới – Định – Huệ) mới mong thành tựu giác ngộ.

6. Đã tu Phật, phải phá trừ chấp Ngã – chấp Pháp. Nếu học Phật suông thì không bao giờ đoạn trừ được ái thủ ngã tướng mà ngược lại, càng lúc càng bồi chúng thêm chất ngất, sanh tử mãi trôi lăn. Ngược lại, nếu tâm giác tỉnh 1 lòng chơn tu Phật thì an nhiên tự tại đường về, lo gì chuyện tử sanh trong mai hậu. Hành trì miên mật thế nào, thành tựu tu hành ra sao đều tùy căn cơ, tánh trí và tâm lượng của mỗi người.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————–

Xem các bài Pháp liên quan: