tinh-than-nguoi-tu-phat-chon-chanh-truoc-su-phan-chia-he-phai-phat-giao

Có ý kiến cho rằng chỉ có hệ Kinh Nguyên Thủy là do Phật thuyết nên được xem là Chánh Pháp, còn lại tất cả Kinh đều là ngụy tạo do các “Tổ Đại Thừa, Tổ Tàu” sáng chế bằng cách pha tạp triết lý của ngoại đạo. Vì vậy, những ai hành trì pháp theo Kinh Nguyên Thủy thì được xem là đệ tử Phật, ngược lại đều là ngoại đạo. Trong đó, điển hình nhất là bác bỏ Pháp môn Niệm Phật A Di Đà, Tham Tổ Sư Thiền, Mật Tông, toàn bộ Kinh Điển Đại Thừa (Lăng Nghiêm, Bát Nhã, Duy Ma Cật, Pháp Hoa…), Chư Bồ Tát (Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương…) cùng với sự truyền thừa tâm ấn và y bát của bao đời Chư Tổ Ấn – Hoa.

Trước nhiều quan điểm và kiến giải trái chiều trên, người tu Phật phải làm thế nào, tu hành ra sao nhằm giữ gìn Huệ Mạng đời đời nơi Tam Bảo tôn quý? Trước khi đi sâu vào vấn đề, chúng ta hãy cùng lược qua những lần kết tập Kinh Điển sau khi Đức Phật diệt độ và sự xuất hiện Kinh Điển Đại Thừa.

ket-tap-kinh-dien

– ĐẠI HỘI KẾT TẬP LẦN THỨ 1: được triệu tập khoảng 3 tháng sau Phật diệt độ (năm 544 trước TL), tại động Satiapanni nằm bên ngoài Vương Xá, do Vua A-Xà-Thế (Ajaratthu) bảo trợ. Vì sợ rằng Pháp và Luật có thể bị hiểu sai lạc và không tồn tại nguyên vẹn nên Trưởng lão Đại-Ca-Diếp (Mahakassapa) chủ trì 499 vị A-la-hán, trong đó Tôn giả U-pa-li (Upãli) phụ trách về Giới Luật (Vinaya), Tôn giả A-Nan (Ananda) phụ trách về Giáo lý (Dhamma). Phương thức kết tập là sự thẩm vấn về Giới và Pháp, được 2 vị Tôn giả trả lời, sau đó nếu nhận được sự đồng thuận của Tăng đoàn hiện diện thì chính thức được chấp thuận. Chư Tăng đã mất 7 tháng để TỤNG ĐỌC toàn bộ Pháp và Luật cho kỳ kết tập đầu tiên này.

– ĐẠI HỘI KẾT TẬP LẦN THỨ 2: được tổ chức khoảng 100 năm sau Phật diệt độ (năm 444 trước TL) để giải quyết một tranh cãi nghiêm trọng về sự phạm Giới của tu sĩ và sự bất đồng về yêu cầu thay đổi 10 điều Giới luật. Các điều này tuy không phải là những thay đổi lớn lao nhưng đủ để gây ra sự tách biệt Tăng đoàn thành Đại Chúng bộ (Mahàsamghika) mà đa số là các Tỳ-kheo trẻ muốn thay đổi, số còn lại bảo thủ các Giới luật nguyên thuỷ hình thành Thượng Tọa bộ (Theravada). Vua Kalasoka (cháu của vua A-Xà-Thế) là người bảo trợ cho kỳ kết tập lần này, được tổ chức ở Vesali. Có 700 vị Tăng cùng tham gia, trong đó Tôn giả Da-Xá (Yasa) làm chủ trì. 

– ĐẠI HỘI KẾT TẬP LẦN THỨ 3:  được tổ chức khoảng 218 năm sau Phật diệt độ (năm 326 trước TL) gồm 1.000 vị Tăng tham dự do Trưởng lão Mục-Kiền-Liên-Tử-Đế-Tu (Moggaliputta – Tissa) chủ trì dưới sự bảo trợ của Hoàng đế A-Dục (Asoka) ở tại Viên Lâm (Uyỳana), thành Hoa Thị (Pataliputta) nhằm tẩn xuất những tu sĩ suy thoái và giả dối, những quan điểm dị giáo. Luận tạng (Abhidhamma Piṭaka) cũng được đề cập tới trong Đại hội này. Sau khi kết thúc, con trai đã xuất gia của vua A-Dục là Đại đức Ma-hi-đà (Mahinda) đem Tam Tạng Kinh truyền bá sang Tích Lan (Sri Lanka ngày nay). Đây là giai đoạn đánh dấu sự phát triển của Phật giáo ra ngoài lãnh thổ Ấn Độ. Điều đáng lưu ý là có giả thuyết cho rằng trong lần kết tập kỳ này, Tam Tạng bắt đầu được ghi chép bằng văn tự Pàli. Tuy nhiên, giả thuyết này chưa được đa số các nhà Phật học chấp nhận.

– ĐẠI HỘI KẾT TẬP LẦN THỨ 4: có khá nhiều giả thuyết khác nhau, các tư liệu ghi lại không đồng nhất:

+ Thuyết thứ 1: diễn ra vào khoảng 313 năm sau Phật diệt độ (năm 232 trước TL), do vua Devànampiyatissa nước Tích Lan bảo trợ. Chư Tăng tham dự đại hội gồm có 68.000 vị, trong đó Ngài Ma-hi-đà (Mahinda) làm chủ tọa. Điểm kết tập là ngôi chùa tháp Thùpàrama ở thủ đô Anuradhapura.

+ Thuyết thứ 2 (theo truyền thống của Đại Chúng Bộ): diễn ra vào khoảng 400 năm sau Phật diệt độ (năm 144 trước TL), do vua Ca Nị Sắc Ca (Kanishka) nước Kiền Đà La (Gandhàra) khởi xướng. Có tất cả 500 vị Tỳ Kheo tham gia kết tập, trong đó Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) làm chủ tọa với sự trợ thủ của Hiếp Tôn Giả (Parsva). Sau khi hoàn thành, vua sai thợ khắc Tam Tạng Kinh Điển trên lá đồng rồi bảo quản tại một nơi cố định, không cho mang ra ngoài.

Song song với niên đại kỳ kết tập của Đại Chúng Bộ (khoảng năm 144 trước TL) thì tại thôn Mã Đặc Lê, phía Đông A Lư Ca, nước Tích Lan, vua Ba Tha Già Mã Ni (Vattagamani) cũng khởi xướng bảo trợ kết tập. Có 500 vị Tỳ Kheo tham gia, trong đó Tôn giả Maharakkhita làm chủ tọa. Tam Tạng Kinh Điển được tụng đọc lại rồi dịch sang tiếng Pàli, sau đó viết trên một loại giấy bằng lá bối-đa khô, chú giải bằng văn Tăng Già La (Tích Lan). Từ đó, Tam Tạng Pàli được thành hình. Các học giả đều công nhận đây là lần kết tập thứ 4 của Phật giáo Thượng Tọa Bộ tại Tích Lan.

– ĐẠI HỘI KẾT TẬP LẦN THỨ 5 (năm 1871) VÀ 6 (năm 1954): do Miến Điện tổ chức nhằm xem xét kỹ lưỡng có điều nào trong lời Phật dạy bị thay đổi, xuyên tạc hay đánh mất không. Sau đó, Tam Tạng Kinh đã được in bằng kỹ thuật in hiện đại và được xuất bản bằng chữ Miến.

– SỰ XUẤT HIỆN CỦA KINH ĐIỂN ĐẠI THỪA: bắt đầu khoảng từ giữa thế kỷ thứ 1 trước TL tới thế kỷ thứ 1 TL, hai danh từ Đại Thừa (Mahāyanā) và Tiểu Thừa (Hynāyanā) xuất hiện trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Khoảng thế kỷ thứ 2 TL, Đại-thừa trở nên xác định rõ ràng khi Luận sư Long Thọ phát triển thuyết học Tánh không và chứng minh tất cả mọi sự vật là Không tánh theo bổn luận gọi là Trung Quán Luận. Khoảng thế kỷ thứ 4 TL, có hai luận sư Vô Trước và Thế Thân đã viết rất nhiều bộ Luận về Đại-thừa. Từ đó, Kinh Luận Đại Thừa được dịch và phổ biến cho đến ngày nay. Điểm cần lưu ý là chúng ta không nên nhầm lẫn Tiểu Thừa với Thượng-tọa-bộ!

 

* Với những tóm lược trên, có những điểm cần bàn như sau:

 

1. Trong 3 lần kết tập đầu tiên, Giáo lý nhà Phật chỉ được ĐỌC TỤNG BẰNG TRÍ NHỚ và TRUYỀN MIỆNG từ người này sang người khác, từ thế hệ trước sang thế hệ sau trong Tăng đoàn. Phương thức KHẨU TRUYỀN này kéo dài từ khi Phật diệt độ cho đến Đại hội kết tập lần 4, hoặc sớm nhất là Đại hội kết tập lần 3, thì Tam Tạng Kinh Điển mới có thể được viết lưu bằng văn tự. Hơn 400 năm với bao biến động, lại không có hệ thống ghi chép chặt chẽ, Kinh văn do từ các cá nhân NHỚ, HIỂU và ĐỌC TỤNG LẠI trong ngần ấy thời gian qua nhiều thế hệ chắc chắn nảy sinh các DỊ BIỆT (do nhớ hiểu sai lầm hay tự thêm thắt) và thậm chí là bị THẤT TRUYỀN (do thiếu sót hay quên) như một điều tất yếu. Điển hình là sự phân chia bộ phái đã manh nha hình thành kể từ lần kết tập thứ 2, chỉ khoảng 100 năm sau khi Phật diệt độ, và sau đó đã cho thấy sự phân hóa về kiến giải và phương cách tu học khác nhau trong đội ngũ Tăng đoàn. KHÔNG MỘT AI TRONG CHÚNG TA CÓ MẶT VÀO THỜI PHẬT, LẠI KHÔNG GIẤY MỰC NÀO GHI CHÉP LỜI PHẬT DẠY KHI NGÀI CÒN TẠI THẾ, giờ hàng hậu học chúng ta hơn 2.500 năm sau lại quá chủ quan với tư kiến trí cạn của mình, khẳng định Kinh này do Phật thuyết, Kinh kia không phải, rồi báng Pháp khinh Tổ với bao bậc cổ Đức tiền nhân, bài xích Tông môn, thật là tội lỗi! Nghi phải nghi đến tận cùng, truy phải truy đến nguồn cội, chỉ có LỜI PHẬT DẠY KHI NGÀI CÒN TẠI THẾ MỚI LÀ KINH DO PHẬT THUYẾT mà thôi. Không có khái niệm gọi là: Kinh Nguyên Thủy, Đại Thừa hay Tiểu Thừa… trong LỜI PHẬT DẠY. Và để sáng tỏ vấn đề, trích dẫn đoạn sau trong Kinh Tăng Chi Bộ đã nói lên tình trạng TAM SAO – THẤT BẢN xảy ra như một điều tất yếu:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo học thuộc lòng kinh, được lãnh thọ sai lầm, với văn cú sắp đặt bị đảo lộn. Do văn cú bị sắp đặt đảo lộn, này các Tỷ-kheo, nên nghĩa lý bị hướng dẫn sai lạc. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ nhất đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất. 

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đối với các Tỷ-kheo nghe nhiều, thông hiểu các tập A-hàm, bậc trì Pháp, trì Luật, trì toát yếu. Các vị ấy không nói lại kinh cho người khác một cách cẩn thận. Khi họ mệnh chung, kinh bị cắt đứt tại gốc rễ, không có chỗ y cứ. Này các Tỷ-kheo, đây là pháp thứ ba đưa đến Diệu pháp hỗn loạn và biến mất.”

(trích Kinh Tăng Chi Bộ)

 

2. Xưa, Đức Phật vì chúng sanh nên khai phương tiện để PHÁ CHẤP cho chúng sanh, do đó, TU PHẬT CHỚ NÊN KIẾN CHẤP KINH VĂN vốn chỉ là phương tiện dẫn lối trở về nẻo Tâm. Đường lối tu Phật xưa nay vẫn thế, thấu lý Khổ – Không – Vô thường – Vô ngã mà trưởng dưỡng tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả, nghiêm trì Giới – Định – Huệ, hành Bát Chánh Đạo và Lục Độ nhằm đốn bỏ Tham – Sân – Si – Chấp Ngã – Chấp Pháp thì sự tu hành mới mong thành tựu giải thoát, cho dù tu theo hệ phái nào đi nữa.

Pháp Phật buông bỏ, hà huống Phi Pháp
Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm

Nếu kiến chấp Kinh văn tức rơi vào Chấp Pháp và Chấp Ngã vốn là chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành, làm sao có thể tiến tu giác ngộ?

Đức Phật đã từng dạy: “VĂN – TƯ – TU; CHỚ VỘI TIN LỜI TA NẾU KHÔNG DÙNG TRÍ HUỆ XÉT SUY XEM CÓ HỢP VỚI ĐẠO LÝ HAY KHÔNG; TỨ Y PHÁP (Y Pháp bất y Nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức, Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh)” thể hiện tinh thần hướng thượng cầu thị chơn lý mà không câu nệ, chấp trước vào sự tướng; giúp hành giả tỏ tường Pháp chánh – tà, hư – ngụy; tránh tu lầm đường lạc lối. Khi chưa có Phật Pháp tại thế gian, chúng sanh vốn đã vô minh tăm tối, tham sân si sai sử thì làm sao họ tiếp nhận Giáo Pháp mà Đức Phật thuyết sau khi thành Đạo? Phật nói Ngài là Người giác ngộ hoàn toàn, liễu thoát khổ sanh tử luân hồi thì người thời ấy dựa vào đâu để tin?… Điển hình như xưa, Đức Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất từng bái vị Bà-la-môn trứ danh San-Xà-Dạ làm thầy, sau cảm thấy học vấn thầy không đủ đáp ứng cho sức tìm hiểu và trí tuệ của mình nên đành cáo biệt mà tự thành lập học đoàn riêng, chiêu tập đồ đệ. Mãi cho đến khi Xá Lợi Phất duyên lành gặp vị Tỳ Kheo A Thị Thuyết, một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật, được nghe Pháp Duyên Khởi của Đức Phật liền tâm khai huệ sáng, về kể cho Mục Kiền Liên nghe. Người kể người nghe hoan hỷ xúc động vô bờ, bất giác rơi lệ liền quyết dẫn 200 đồ chúng đồng đến Trúc Lâm tinh xá quy y Phật-đà. Phải chăng đó chính là nhờ căn duyên túc trí, thái độ và tinh thần xả kỷ – hướng thượng tìm cầu chơn lý của người xưa mới là nhân tố quyết định việc họ tiếp nhận “nghe” Chánh Pháp Phật thuyết như thế nào (VĂN), từ đó suy nghiệm kỹ càng () rồi mới tin theo hành trì (TU) mà không ngã mạn vội vàng phủ nhận, chống trái?! Và quan trọng nhất là nơi sự tu hành đó, hành giả tu Phật mới trải nghiệm và lãnh hội được Pháp vị, mới trưởng dưỡng được niềm tin sâu sắc nơi Phật Pháp. Đức tin như thế mới là CHÁNH TÍN, XUẤT PHÁT TỪ SỰ TU HÀNH CHƠN CHÁNH nên rất kiên định, không gì lay chuyển được. Ngược lại, nếu thân tâm còn tham – sân – si, đắm say ngũ dục, nhục nhãn mê mờ, nghiệp lực chi phối thì cái hiểu, cái biết, cái tri kiến của phàm phu thường rất hạn hữu, sai lệch; lại do “ngã mê” nhiều đời nên thường tự mãn chấp thủ chỉ mình đúng – người sai, hý luận lao xao, tranh biện mãi hoài chẳng dứt làm lao nhọc thân tâm, mê sự bỏ Tánh, nào có ích lợi chi?! Thay vào đó hãy trực tâm tu hành miên mật nơi Pháp mình hữu duyên, GIỚI – ĐỊNH nghiêm trì, đến thời TRÍ HUỆ VÔ SƯ khai mở thì cái thấy mới “như thị”, mới trạch Pháp tỏ tường DIỆU LÝ CHƯ PHẬT TRAO TRUYỀN trong Kinh văn. Như Đức Lục Tổ Huệ Năng vốn chẳng biết chữ biết Kinh nhưng ngộ Tánh, ai hỏi Kinh gì (văn tự) Ngài đều không biết vì chưa từng xem qua, nhưng hỏi Diệu lý Phật Pháp trong đó thì Ngài đều thông suốt, trạch Pháp mà giáo hóa chỉ bày. Đó là nhờ Giác Tánh – Trí Huệ Vô Sư nên liễu Pháp thuyết thông vậy. Mạng mạch Phật Pháp được lưu truyền ngàn đời nhờ Thân chứng của những bậc chơn tu Giới Đức trang nghiêm như thế, nào phải chỉ nghiên cứu vài ba bộ Kinh, thống kê Kinh sử… rồi nghi mạn hý luận đả phá, báng Kinh diệt Tổ, tạo nghiệp bồi mê. Ví như có người chưa từng sinh thời Phật để trực tiếp nghe Ngài thuyết Pháp, hoặc chưa từng nhìn thấy bản gốc của Kinh văn (gọi là “gốc” nhưng đã tam sao – thất bản), hoặc thậm chí có nhìn thấy cũng không có khả năng đọc do đòi hỏi sự uyên thâm về ngôn ngữ, hoặc có khả năng đọc nhưng chưa có / đủ Trí Huệ để hiểu hết Diệu lý trong Kinh mà Đức Phật trao truyền, thì liệu họ có đủ khả năng phân định thật giả… trong Kinh điển hay chăng? Hơn nữa, nếu thật sự có đủ sự sáng suốt minh tâm, thiết nghĩ có nên nêu vấn đề vốn không hề đơn giản nhưng lại tiềm ẩn sự chia rẽ, phân tranh chướng trái, thị phi… này ra trước công luận? Cho nên, Đạo Tràng từng khuyên rằng TU PHẬT CHỨ ĐỪNG HỌC PHẬT, nghiên cứu suông là vậy! Không phải ngẫu nhiên Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma dạy rằng: Nếu không có công tu Thiền Định, đạo hạnh chơn thật thì chớ luận bàn Phật Pháp, vì đó là MA NÓI (tâm mê nói) rơi vào MA SỰ tạo nghiệp trầm luân mà chẳng hay. Do đó, hãy tự giác – tự lực – tự cường mà nhẫn lực tinh tấn tu hành chơn chánh (Giới – Định – Huệ), đến khi TRÍ HUỆ VÔ SƯ khai mở thì tự thông suốt liễu trạch vạn Pháp nguồn Tâm. Lúc ấy, với những vấn đề mình nghi hoặc, chưa thấu hay chướng trái, hành giả ắt tự tỏ rõ ngọn nguồn. Đó chính là “tự độ, tự giác” chơn thật vậy!

 

3. Cốt tủy Phật Pháp là Tứ Diệu Đế, 12 Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Lục Độ; là Khổ – Không – Vô thường – Vô ngã; là Giới – Định – Huệ.

Đức Phật đã từng thọ ký rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh (chủng tử Phật) nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm! Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu nhẫn lực tu hành chơn chánh theo lời Phật dạy vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh”. Người tu Phật sao chẳng rõ Lý Tánh mà chấp mê điên đảo Tổ Tàu, Phật Ấn, báng Pháp, khinh Tổ Sư? Nên nhớ, lời Phật dạy xiển dương chơn lý, trực chỉ Chơn tâm giúp chúng sanh kiến ngộ Giác Tánh – Phật Tánh, nào phải Phật vị độc tôn vô nhị? LỜI DẠY CỦA CHƯ TỔ (Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng…), NHỮNG BẬC ĐÃ KIẾN TÁNH VÔ SANH, ĐỀU KHẾ LÝ HIỆP CHƠN, KẾ THỪA PHẬT Ý, không lẽ chẳng đáng để hàng hậu học chúng ta theo đó tu hành? Những ai báng Pháp Đại Thừa hãy noi theo gương hạnh người xưa thời Phật còn tại thế như đã nói ở trên mà tiếp nhận Pháp sao cho đúng với tinh thần hướng thượng của người tu Phật. Căn trí phàm phu thượng thừa đến đâu, đạo hạnh tu hành cao thâm độ nào mà dùng tâm ý mê phàm đo lường Tâm Hạnh vô lượng bất khả tư nghì của Bậc kiến tánh, thậm chí còn dùng những ngôn từ bất tịnh mà bài xích, miệt khinh? Tâm niệm như thế khác gì bít lối cửa ngộ của chính mình và muôn vạn chúng sanh, khinh mạn Chư Phật 10 phương 3 ĐỜI, bài bác lời Phật dạy. Chư Tổ – Bậc đã kiến Tánh vô sanh thì chẳng còn chấp niệm nào trong tâm, vô ngã – vô pháp mà tùy duyên giáo hóa khai thị; với những tâm thái phân biệt, nhỏ nhen, khinh chê, bài xích hay ngược lại ca ngợi, tán thán, tôn kính… của phàm phu cũng chỉ là bụi trong mắt người chơn tu, huống gì đối với các Ngài; tuy nhiên xin nhớ: NHÂN NÀO – QUẢ NẤY mà đừng chuốc lấy khổ đọa báng bổ về sau. Bậc trí đức sẽ huân tu Thiện-hạnh, tu tâm dưỡng tánh, vô ngã vô cầu, thường hằng kính quý tất cả chúng sanh, chẳng dám khinh chê hàng hậu học, huống gì là với các bậc Cổ Đức tiền nhân, Chư Tổ, Chư Bồ Tát. Muốn bước lên Phật đạo, trước hãy vuông tròn Nhơn đạo thì phẩm hạnh công ngôn của người bình thường tối thiểu phải có và giữ gìn, huống gì mang danh là Phật tử. Hãy tịnh thân – khẩu – ý!

 

4. Ngoài những DỊ BIỆTTHẤT TRUYỀN về lời Phật dạy trong hơn 400 năm sau khi Phật diệt độ như đã nói ở trên thì:

– Sự ảnh hưởng của văn hóa, phong tục bản địa vùng miền nơi Phật đạo lan tỏa;
–  Rào cản về ngôn ngữ của dịch giả khi phiên dịch;
– Tri kiến, sở ngộ giới hạn của phàm Tăng khi luận giải Kinh văn; đôi khi hiểu cạn, lại thêm thắt tư kiến lan man làm sai lệch Chánh ý Phật trao truyền, mâu thuẫn bất nhất với cốt tủy Phật Pháp (nhất là khi họ không có công tu Thiền Định để trạch Pháp)

đã dẫn đến tình trạng tam sao thất bản, dị biệt khó tránh trong Tam Tạng Kinh Điển ngày nay.

Ngoài ra, thoái tâm của một bộ phận Tăng sĩ hành đạo sanh tư lợi dưỡng, phạm Giới, giả tu, mượn Đạo tạo Đời cũng góp phần không nhỏ làm tha hóa hình ảnh Đạo Phật trong mắt bao người. Nhiễu cảnh mê sự nghịch lý như cúng bái, cầu xin, cưới hỏi tại chùa, cúng sao giải hạn, tụng đám, lạm dụng Phật Pháp hay nạn Ma tăng, giả tu hoành hành…, Đạo Tràng đã có những bài viết lên tiếng cảnh tỉnh giúp sám hối, tự tứ, đoạn trừ; thậm chí phải thanh trừng nếu vẫn chấp mê điên đảo nhằm Hộ Trì Phật Pháp, trả lại sự thanh tịnh tôn nghiêm nơi cửa Phật và tín tâm bao người. Tuy nhiên, Pháp nạn trên là do những Tu sĩ tà tâm – tà hạnh mượn áo nâu sòng núp bóng Phật môn làm điều tà ngụy, trái Chánh Pháp (sư tử trùng thực sư tử nhục) chứ nào có liên quan gì đến Kinh Đại Thừa, chư Tổ và bao bậc Cổ Đức chơn tu? Như lời Phật dạy đã trên 2.500 năm nay nhưng chúng sanh vẫn mê mờ trong sanh tử, không lẽ lỗi ấy do Phật? Quy kết đánh đồng tất cả là hư ngụy vì Pháp nạn và những dị bản thêm thắt trong Kinh luận mà bài bác đi tất cả chơn giá trị giác ngộ – giải thoát vì chúng sinh bao đời của Chư Tổ là tâm thái cực đoan, tà kiến bài xích tiêu cực, chấp mê nên tránh. Có câu:

“Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan,
Ly Kinh nhất tự, tức đồng Ma thuyết!”

Đức Lục Tổ Huệ Năng cũng đã từng dạy: “Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của người. Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được Kinh. Miệng niệm tâm chẳng hành tức bị Kinh chuyển”. Cho nên, hành giả khi xem Kinh thì vấn đề trọng yếu là cần phải trực tâm tu hành chơn chánh mới có Trí huệ ngộ được Diệu lý ẩn tàng, ngay khi liễu ý thì hãy quên lời đốn chấp nhằm lợi lạc tu hành, chớ đừng để Kinh chuyển sanh kiến chấp gây tranh biện thị phi, phiền não, chướng ngại. Ngay như tinh thần học thuật của thế gian, những nhà khoa học, trí thức đích thực luôn nghĩ rằng: “Mình thật chẳng hề biết gì, dù chỉ một chút, trong bầu trời tri thức vô tận”; hoặc khi đọc sách, chúng ta vẫn phải thực hành theo nguyên tắc của người xưa: “Tín thư bất như vô thư” (đọc sách mà tin ngay vào sách thì chẳng bằng không đọc), thì huống gì Pháp bảo Phật truyền. Thậm chí lời từ chính Kim Khẩu của Đức Phật nói ra mà Ngài còn dạy chúng ta chớ vội tin, phải Văn – Tư – Tu mới ngộ được Phật ý, huống hồ là “chỉ đọc thấy” trên mảnh giấy, cho dù đó là Kinh văn?! Làm được thế, dù cầm quyển Kinh Nguyên Thủy hay Đại Thừa với bao điều dị bản thêm thắt trong tay, nhưng với tinh thần vô chấp cầu Đạo hướng thượng như thế, ta vẫn có thể gạn lọc được cốt tủy Phật Pháp mà vững bước tiến tu. Ngược lại, dù Đức Phật có tại thế trực tiếp dạy bảo khuyên tu nhưng tâm giải đãi, tà kiến điên đảo, nghi mạn chướng trái, chẳng hành trì chơn thật thì sanh tử mãi trôi lăn!

 

5. Rộng hơn, thiết nghĩ cần lắm Phật sự làm trong sạch lại Kinh Điển, gạt bỏ đi những dị bản thêm thắt, những đoạn trùng lắp, tối nghĩa mơ hồ… mà cô đọng, chắt lọc lại cốt tủy Chánh ý xiển dương Chơn lý; sau rộng truyền Chơn Kinh – Chánh Pháp đến với mọi người để tất cả đồng lợi lạc, an trú trong Diệu Pháp Như Lai trên đường Giác ngộ.

 

* TÓM LẠI 

Tên gọi chỉ là giả danh, Kinh điển chỉ là phương tiện dẫn lối tu hành. Do sự cần bàn nên mượn lời bày tỏ tâm tư, nào phải khơi gợi phân tranh để thị phi hơn thua theo thói đời ô trược. Muôn nhánh lá đều chung từ một cội. Xin đừng làm thân Phật chảy máu.

Diệu lý của Chư Phật chẳng dính dáng đến văn tự. Hành giả tu Phật xin hãy đọc Kinh điển với tâm sáng suốt thanh tịnh, vô cấu vô tranh mà Văn – Tư – Tu chớ đừng vội tin chắc vào bất kỳ điều gì, cũng đừng tranh biện thị phi hơn thua mà lao tâm tổn đức. Với Pháp mình hữu duyên khế cơ thì bản thân hãy nỗ lực hành trì thực nghiệm trong đời sống thường nhật mà trưởng dưỡng Đạo tâm, củng cố niềm tin vững sâu vào Chánh Pháp. Còn với những gì mình chưa thông suốt, chưa hiểu thấu đáo hay cảm thấy chướng trái, hãy tạm để đó mà chiêm nghiệm, nghiên tầm nhưng đừng vì mê Sự mà bỏ Tánh, sao lãng việc tu. Tuyệt đối không để mối nghi hoặc, Ngã chấp – Kiến chấp phát triển sai lệch thành sự bất kính tín Tam Bảo. Nên nhớ kỹ, Chấp (ngã, pháp) là chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành, cần phải tận trừ. Phật Pháp thậm thâm vi diệu, lý sự viên dung, khế lý khế cơ mà hóa độ muôn vạn chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương. Dẫu kẻ phàm phu may mắn được mang thân Người đến vạn kiếp thì muôn đời cũng không sao lãnh hội được Diệu Pháp Phật bằng trí Ta Bà. Nếu không trực tâm Giới Đức trang nghiêm, tu hành chơn thật (Giới – Định – Huệ) đến khi Trí Huệ Vô Sư khai mở, tuyệt không thể liễu ngộ nguồn Tâm, tinh thông vạn Pháp, liễu thoát tử sanh. Hiểu biết phàm phu thật quá nhỏ bé trong vũ trụ bao la, nắm lá Pháp trên lòng bàn tay Đức Phật mà ta còn chưa liễu ngộ nổi nữa là. Chỉ mong sao tất cả con Phật hãy sách tấn nhau trên tinh thần Lục Hòa, dìu dắt nhau kẻ trước người sau đồng ngộ Giác Tánh chớ đừng buông lời mê bất tịnh, tranh biện hơn thua, báng Pháp khinh Tổ mà gieo nghiệp khổ đọa muôn kiếp về sau.

Căn trí túc nghiệp chúng sanh chẳng đồng nên dụng tâm thọ Pháp cũng tùy duyên mà sai biệt. Đạo do tâm hành. Người thống thiết với sự vô thường sanh tử thoáng không hẹn trước sẽ kính quý Phật Pháp vô cùng, vượt sóng mê miên mật tu hành, không màng sanh tử. Còn xem Phật Pháp như môn học thuật thế gian, dùng nhục nhãn phàm phu – mê trí Ta Bà nghiên cứu mà hý luận, giải đãi, thị phi, không hành trì chơn thật thì chỉ đắp mê bồi ngã thêm chất ngất mà thôi, sanh tử mãi trầm mê. Một đứa trẻ có thể làu làu Kinh điển không thua kém, nhưng kẻ sống đến bạc đầu chưa chắc thực hành đốn bỏ nổi tham – sân – si.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————————-

Tham khảo thêm: