phat-phap-van-dap-7-lieu-nghia-tam-bao-va-minh-dinh-phat-phap

* CÂU HỎI

Thế nào là Tam Bảo?

* PHÚC ĐÁP

Tam Bảo là 3 ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.

1. PHẬT BẢO

Là Thập phương Chư Phật, những Bậc Viên Giác với đức hạnh tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn, không thể nghĩ bàn.

Là quả vị Phật vô thượng chắc chắn sẽ thành tựu viên mãn rốt ráo nếu bất kỳ chúng sanh nào trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương phát Bồ Đề tâm sám hối thống thiết nguyện một lòng chơn tu Phật. Trang nghiêm, Phật độ.

Là Phật cốt (xá lợi của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật), hình tượng Phật mà chúng sanh thờ phụng để nơi tướng hiển Tánh, tâm hành theo hạnh Phật, tấn tu giải thoát.

Hỏi: Không xét đến Phật cốt vốn là “xá lợi” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì hình tượng Phật về bản chất chỉ là sản phẩm nhân tạo do nghệ nhân hay họa sĩ tạo thành, sao lại được xem là Phật Bảo?

Đáp: Dẫu hình tượng Phật chỉ là sản phẩm nhân tạo của thế gian nhưng nếu người thờ (tu sĩ, cư sĩ) là Phật tử chơn chánh, một lòng kính tín Phật, nghiêm trì giới đức nhẫn lực tu chơn vì đại sự hoằng truyền Phật Pháp, hóa độ chúng sanh thì ắt “cảm ứng” Phật lực 10 phương gia trì. Khi đó, bàn thờ Phật của vị chơn tu này sẽ rất trang nghiêm vi diệu, cùng với đạo hạnh huân tu của vị ấy mà trở thành nơi câu hội chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương tầm về lạy Phật, sám hối, tu hành. Đây chính là sự vi diệu nhiệm mầu của Phật Pháp.

Còn ngược lại, giả tu, phạm Giới, biếng lười, giải đãi… chắc chắn chiêu cảm tà ma quỷ mị câu hội, khi đó, dẫu hình tượng Phật đang được tôn thờ ở chùa chiền nghi ngút khói thập phương thì đó cũng chỉ là vật vô tri bị tà mị ám trú nhằm khiển những ai tà tâm, tà tín, vọng cầu thần quyền, lầm đường mê tín… thảy cho sa vào Tà chúng.

2. PHÁP BẢO

Là Diệu Pháp giác ngộ – giải thoát từ Kim khẩu của Đức Phật khai thị, các Bậc kiến Tánh truyền thừa (xem bài: Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật).

Như vậy, lời dạy của Đức Phật, Bồ Tát, Chư Tổ và những bậc Cổ Đức đã kiến Tánh chính là Pháp Bảo, tất cả chúng sanh cần y Giáo phụng hành.

Còn lại, lời của phàm phu chúng sanh như Tiên, Thiên, Thần, Thánh, A Tu La, Quỷ Thần, Phàm Tăng và Người không phải là Pháp Bảo. Đại chúng phải hết sức lưu ý!

Hỏi: Làm sao để biết một vị tu hành đã kiến Tánh hay chưa mà nương tựa tu hành?

Đáp: Vị ấy phải có công phu thiền định (Giới – Định – Huệ) thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, có đầy đủ đạo hạnh đạo lực (sâu rộng sai khác tùy tâm lượng và mật nguyện) cứu độ chúng sanh khắp cõi 10 phương hồi tâm sám hối quy Phật tu hành (độ Tử – độ Sanh). 

Hỏi: Làm sao để biết đâu mới đích thực là Pháp Bảo mà nương tựa tu hành, giữa thực trạng tu hành loạn Pháp biến tướng hiện nay?

Đáp: Để minh định đâu mới đích thực là Pháp Bảo (Chánh Pháp Phật), ta cần phải dựa vào lăng kính dưới đây để chiếu soi trạch Pháp, tránh “lộng giả thành chơn” mà tu lầm oan uổng, huệ mạng khó gìn:

a. Tam Pháp Ấn: Vô thường, Khổ và Vô ngã (hoặc Tứ Pháp Ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã và Niết Bàn Tịch Tịnh)

Vô thường: hàm nghĩa sự biến chuyển không ngừng trong từng sát na của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới vật chất và của ý niệm trong tâm thức chúng sanh theo tánh Duyên Khởi.

Khổ: vạn sự vô thường thành hoại theo duyên nên ẩn tàng mầm mống của khổ, trong đó có:

a) Khổ Khổ: là sự khổ do cảm thọ bằng tri giác (dù lạc thọ, khổ thọ hay bất lạc bất khổ thọ chung quy đều khổ);

b) Hoại Khổ: là sự khổ do biến hoại không ngừng của vạn vật, trong đó có tâm – sinh – vật lý của con người;

c) Hành Khổ: là sự khổ do duyên sanh nên sanh diệt vô thường của vạn pháp và chúng sanh. Chính vì khổ sanh – lão – bệnh – tử – luân hồi nghiệp báo của muôn vạn chúng sanh nên xưa, Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật) với lòng Từ Bi vô lượng hỷ xả thân mạng tầm đường giải thoát độ tận chúng sanh.

Vô ngã: vạn sự vô thường thành hoại theo duyên nên vô ngã, không thường hằng bất biến. Chúng sanh tự vô thỉ đến nay vì không thâm hiểu liễu ngộ được lý Vô thường – Vô ngã của vạn pháp (Duyên Khởi)Nhân Quả – Nghiệp báo luân hồi nên đắm chìm trong ái thủ ngã tướng là Ta, của Ta, tự ngã của Ta, vô minh tích tập, tạo nghiệp không ngừng thì lẽ dĩ nhiên theo luật Nhân Quả – Nghiệp báo phân minh phải trôi lăn luân hồi thống khổ trong 6 đường không dứt (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Nhơn, Thiên).

b. Ba yếu tính giác ngộ: Bồ-Đề tâm, Xả ly, Tánh Không
    Ba Vô Lậu học: Giới – Định – Huệ (đường lối tu Phật)

Bồ-Đề tâm: là những tâm lượng xuất trần, giác ngộ, vô ngã, giải thoát của hành giả vì đại sự hoằng truyền Phật Pháp và hóa độ chúng sanh, được quy nguyên ở Tứ Vô Lượng Tâm: Từ – Bi – Hỷ – Xả. Chỉ cần còn 1 chút “ngã” vi tế (Ta, của Ta, tự ngã của Ta) thì đó không phải là tâm Bồ Đề mà là tâm chúng sanh.

Xả ly: do Chánh kiến tư duy thấu triệt Vô thường – Khổ – Vô ngã nên tâm hành xả ly tất cả mọi tâm niệm chúng sanh (tức tâm Xả trong Tứ Vô Lượng Tâm), sống đời thiểu dục tri túc, nhiếp tâm tu trì, huân tu phạm hạnh, quyết cầu Đạo giác ngộ – giải thoát mà không màng sanh tử (Xả ba-la-mật).

Tánh Không: là tên gọi chung của Giác Tánh, Phật Tánh. Để liễu ngộ Tánh Không, không có con đường nào khác ngoài Giới – Định – Huệ. Nếu tâm thiền chưa thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (kiến Tánh) thì tuyệt đừng dùng tri kiến mê phàm mà luận giải Tánh Không vì có khác gì “Lìa Tánh thuyết Pháp, tức đồng Ma thuyết”, nghiệp tội khó thoát. Hãy ghi nhớ!

c. Tứ Y Cứ (hay Tứ Y Pháp): Y pháp bất y nhân, Y nghĩa bất y ngữ, Y trí bất y thức và Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa Kinh

Y pháp bất y nhân: sau khi minh định trạch Pháp dựa vào Tam Pháp Ấn và Ba yếu tính giác ngộ thì hành giả hãy y theo yếu nghĩa Phật Pháp tu hành; quyết không vì cổ lệ, truyền thống, tình cảm Thầy trò, thần tượng, thần thánh hóa, a dua, hám danh một ai… mà mù quáng nhắm mắt tin nghe.

Y nghĩa bất y ngữ: không chấp nhặt từ ngữ, câu cú mà hãy dùng Chánh kiến tư duy yếu nghĩa của Kinh văn để thọ trì chơn chánh, tránh rơi vào “thiên la địa võng” của ngụy Kinh, ngụy thư vốn bị tam sao thất bản hay bị phàm Tăng, tà Sư thêm thắt, cắt xén, diễn giảng theo tri kiến lầm mê của mình. Khi liễu ý, hãy quên lời!

Y trí bất y thức: trí là tuệ tri giải thoát, rốt ráo là Trí Huệ Vô Sư khi tâm thiền Vô Niệm. Thức là nghiệp nhân luân hồi trong Lục Đạo bao đời. Do đó, đừng ngã mạn và khinh suất vọng tin vào tâm thức phàm mê của mình mà lạm bàn Phật Pháp (vô minh ngợi ca hay phỉ báng) khi chưa kiến Tánh. Hãy lắng lòng tịnh tâm dùng Chánh kiến tư duy Diệu Pháp rồi thọ trì chơn chánh.

Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa Kinh: hãy theo liễu nghĩa giải thoát rốt ráo của Phật đà để tự tu – tự độ – kiến ngộ Phật Tánh chớ đừng bám chấp hay dừng lại ở phạm trù đạo đức phàm tình của thế gian vốn chỉ là nhân quả thiện lành của phước báu Nhơn – Thiên trong Lục đạo (làm Người, A-tu-la, Thiên). “Như nước biển chỉ có một vị, đó là vị mặn. Cũng thế, Pháp của Ta chỉ có một vị, đó là vị giải thoát” (Phật ngôn).

Tóm lại:

Pháp Bảo là Chánh Pháp Phật được Chư Phật khai thị, Tăng Bảo truyền thừa để độ tận chúng sanh kiến ngộ Phật Tánh, liễu thoát tử sanh. Đó chính là: Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Đạo, Diệt), Duyên Khởi (Vô thường, Vô ngã), luật Nhân Quả – Nghiệp báo luân hồi, Tứ vô lượng tâm (Từ – Bi – Hỷ – Xả vô lượng), Lục độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ). Đường lối tu hành là: Giới – Định – Huệ.

Với lăng kính Phật Pháp trên, cùng tâm thành cầu thị chơn lý thượng hướng hạ hóa, không phân tranh bộ phái, chia rẽ Tông môn, báng Phật – khinh Tổ – diệt Pháp thì chắc chắn ai ai cũng có thể minh định và thọ nhận được “Vô Lượng Quang Minh và Pháp vị giải thoát” của Diệu Pháp Phật, tiến tu bất thoái.

3. TĂNG BẢO

Theo lý mà nói, Tăng Bảo là những BẬC KIẾN TÁNH đã tâm thiền Vô Niệm, liễu thoát tử sanh. Chỉ có Bậc Kiến Tánh với mật nguyện từ bi mới đầy đủ Đạo hạnh, Đạo lực và Trí Huệ Vô Sư truyền thừa Diệu Pháp Phật, khai thị hướng hóa cứu độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương (độ Sanh – độ Tử) hồi tâm sám hối quy Phật tu hành đúng theo Chánh Pháp, không lầm lạc chướng trái.

Bậc Kiến Tánh có thể là tu sĩ xuất gia, cũng có thể là cư sĩ tại gia, nếu tâm thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật. Tu Phật yếu trọng tâm hành, không mê chấp giả tướng hư danh nên dẫu tướng Tăng (tu sĩ) hay Tục (cư sĩ), nếu đã kiến Tánh thì vị đó xứng danh Tăng Bảo.

Những vị tu sĩ đã hoàn toàn cắt ái ly gia, trường trai tuyệt dục, nghiêm trì tịnh giới, sống đời thiểu dục, phạm hạnh thanh cao nhưng công hạnh tu hành còn non cạn, chưa kiến ngộ Giác Tánh – khai mở Trí Huệ Vô Sư liễu trạch vạn Pháp nguồn Tâm thì đó chỉ là Tỳ Kheo Chơn Chánh (phàm Tăng), không phải Tăng Bảo. Vì sao? Vì phàm Tăng hoàn toàn có thể thoái thất Đạo tâm, thậm chí lạc Đạo Bồ Đề. Nếu tâm Đạo không kiên, chí nguyện không định để ngoại ma nội chướng khảo đảo suy vong, từ đó tham ái – chấp thủ ngã tướng ồ ạt dấy sanh, mở đường cho Ma sự hủy phạm Giới pháp chốn Phật môn thanh tịnh thì ngoài trăm hạnh huân tu đều bị phế sạch còn chiêu cảm Tà mị dẫn lối nhập vào Tà chúng, hành Tà hạnh hủy Phật báng Pháp, huệ mạng dứt lìa, khổ đọa muôn kiếp.

Với những kẻ mượn Đạo tạo Đời, giả tu, phạm Giới, lợi dưỡng để vinh thân phì da, tâm hành bất nhất thì đó là TÀ SƯ. Đại chúng tuyệt phải tránh xa, đừng lầm lạc a dua, sùng tín mê muội thì huệ mạng nơi Tam Bảo không còn, cộng nghiệp cùng gánh.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————

Tham khảo: