qua-bao-cua-tam-dai-vong-ngu-khi-tu-thien-dinh

NGHIỆP “SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG”

4. QUẢ BÁO CỦA TÂM ĐẠI VỌNG NGỮ KHI TU THIỀN ĐỊNH

“A Nan ở trong chúng sửa áo chỉnh tề, chắp tay đảnh lễ, nơi tâm sáng tỏ, lòng bi hoan hỷ. Vì muốn lợi ích cho chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay con đã ngộ pháp môn thành Phật, theo đó tu hành, chẳng còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói: tự mình chưa ngộ mà độ người khác trước, ấy là chỗ phát tâm của Bồ Tát. Tự Giác đã trọn, hay giác ngộ người khác, ấy là sự độ thế của Như Lai. Con dù chưa được ngộ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. Thế Tôn, những chúng sanh này cách Phật ngày càng xa, bọn tà sư thuyết pháp như hằng sa, muốn nhiếp tâm họ nhập Tam Ma Địa thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng như thế nào để xa lìa các ma sự, được chẳng lui sụt nơi tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng khen ngợi A Nan:

– Lành thay! Lành thay! Như con hỏi về sự an lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, con hãy lắng nghe, Ta sẽ vì con mà nói.

A Nan và đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.

Phật bảo A Nan:

– Con thường nghe Ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là: NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI, từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ, gọi là BA VÔ LẬU HỌC (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ).

– A Nan! Làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?

– A Nan! Chúng sanh lục đạo trên thế giới, dù nơi thân tâm chẳng còn SÁT, ĐẠO, DÂM (đã bàn ở 3 bài viết trước), nếu mắc phải ĐẠI VỌNG NGỮ, thì với Tam Ma Địa chẳng được trong sạch, thành giống MA ÁI KIẾN, lạc mất giống Phật. Chưa đắc quả nói đã đắc, chưa chứng ngộ nói đã chứng; như bảo người khác rằng: “Nay tôi đã được quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật, cho đến Bồ Tát Thập Địa”; hoặc vì cầu sự thù thắng bậc nhất nơi thế gian, hoặc vì tham sự cúng dường, bảo họ lễ sám. Bọn Nhất Xiển Đề này tiêu diệt giống Phật, như người lấy dao chặt cây Đa La (cây này hễ gãy thì chẳng sống được nữa), Phật thọ ký người ấy mất hẳn thiện căn, chẳng có Chánh kiến, chìm đắm trong Tam ác đạo, chẳng thể thành tựu Chánh định.

– Ta phó chúc các Bồ Tát và A La Hán, sau khi Ta diệt độ, nên ứng thân trong thời mạt pháp, hiện đủ thứ hình tướng, cứu độ chúng sanh bị luân chuyển. Hoặc làm Sa Môn, Bạch Y Cư Sĩ, vua, chúa, quan lại, đồng nam, đồng nữ, như thế cho đến người dâm nữ, quả phụ, kẻ gian dối, trộm cắp, đồ tể v.v… cộng sự với họ, khen ngợi Phật thừa, khiến thân tâm họ được vào Tam Ma Địa. Trọn chẳng tự nói ta là Chơn Bồ Tát, chơn A La Hán, tiết lộ mật nhân của Phật để khinh kẻ hậu học, đến khi lâm chung càng có sự phó chúc cho người nối pháp làm sao người ấy lại mê hoặc chúng sanh thì tự tạo tội thành Đại vọng ngữ, phải vào ngục A Tỳ!

– Con dạy người đời tu Tam Ma Địa, sau cùng PHẢI DỨT TRỪ ĐẠI VỌNG NGỮ, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ TƯ của chư Phật.

– A Nan! Nếu chẳng dứt Đại vọng ngữ, cũng như lấy phẩn người khắc hình cây Chiên Đàn, muốn được mùi thơm thì chẳng có chỗ đúng.

– Ta dạy Tỳ Kheo TRỰC TÂM LÀ ĐẠO TRÀNG, tất cả hạnh nơi tứ oai nghi còn chẳng giả dối, làm sao lại tự xưng đã được pháp Thượng Nhân, ví như người nghèo vọng xưng là vua chỉ tự cầu tội chém, huống là trộm cắp danh hiệu của Pháp Vương!

– Cần phải biết, nhân địa chẳng chơn thì chiêu quả quanh co, nếu như thế mà cầu đạo Bồ Đề, cũng như người muốn tự cắn rốn mình, đâu thể thành tựu!

– Nếu các Tỳ Kheo, tâm ngay thẳng như dây đàn, tất cả chơn thật, vào Tam Ma Địa hẳn không kẹt ma sự, Ta ấn chứng người ấy thành tựu Bồ Tát vô thượng tri giác.

– Như lời Ta thuyết gọi là Phật thuyết. Chẳng thuyết như thế tức Tà ma thuyết”.     

   (trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

 

——————————————————

LỜI BÀN

 

KHẨU NGHIỆP gồm có 4 chi phần:

1. Vọng ngôn (nói dối trá, nói xằng bậy, phù phiếm).
2. Lưỡng thiệt (nói hai lời).
3. Ác khẩu (nói độc ác, nói xấu, đâm thọc, nguyền rủa).
4. Ỷ ngữ (nói thêu dệt).

Về phương diện Nhân-Quả – Nghiệp báo: Khẩu nghiệp nằm một trong Tam-nghiệp THÂN – KHẨU – Ý, có nguồn gốc từ tam độc THAM – SÂN – SI mà ra. Khẩu nghiệp cũng nằm một trong NGŨ NGHỊCH TRỌNG TỘI, thường liên quan đến tội phỉ báng Phật Pháp, phá hòa hợp Tăng (1- làm thân Phật chảy máu, 2- giết A La Hán, 3- giết Mẹ, 4- giết Cha, 5- phá hòa hợp Tăng).

Về phương diện Giới-Luật: vọng ngữ là một trong Ngũ giới (hay Thập giới) cấm mà Phật đã dạy.

Về phương diện hành trì: Phật dạy Bát Chánh Đạo (Chánh ngữ), Tứ Nhiếp Pháp (Ái ngữ nhiếp), Lục Hòa (Khẩu hòa vô tranh).

noi-doi

Tự xưa nay, con người vì tập khí vô minh nhiều đời mà chấp lầm, mê nhận mọi sự “giả” ở thế gian làm “chơn”, từ đó nơi Bản ngã – Tham-Sân-Si mà miệng nói, thân làm gây ra không biết bao nhiêu nghiệp chướng ai oán, bi thương… Xưa, vì những lời xiểm nịnh, đâm thọc… của gian thần mà bao bậc trung quân phải lãnh “tử”, thậm chí gia tộc bị tru di, hành hình thảm khốc; còn nước nhà lâm cảnh loạn lạc, chiến tranh, nồi da xáo thịt, dân tình oán thán, thê lương… Nay, con người vì mưu sinh, trục lợi mà dối trá lẫn nhau, nhiều lời bất nhất, tác nghiệp chất chồng. Có người vì “nhàn cư vi bất thiện” mà tụ năm tụ bảy để nói chuyện thị phi, phù phiếm vô ích, gây khổ não cho người, lắm khi còn tự chuốc họa vào thân. Có người vì hám danh trọng vị mà nói lời xu nịnh, luồn cúi để mưu tính thiệt hơn. Có người vì tham công tư lợi mà làm ít kể nhiều, đủ điều thêu dệt. Có người vì ganh tài, đố kỵ mà đâm thọc, xỏ xiên nhằm hạ bệ uy tín, phẩm chất và năng lực đối phương cho vững vàng đường tiến. Có người vì tà tâm mà hành nghề đồng bóng, bói sao, xủ quẻ nói điều mê tín dị đoan, gieo rắc tà kiến cho những ai nhẹ dạ cả tin. Có người vì thù sâu mà oán trả, nói xấu nhau trên những lời cay độc, thậm chí nguyền rủa cho gia đạo người tuyệt tự, ly tán, vạn kiếp bất sinh. Có người vì tiêm nhiễm thói hư, vòi vĩnh không được sự như ý mà đạp đổ tình thâm, bất hiếu chửi cha, mắng mẹ không tiếc lời; hoặc vì mâu thuẫn, bất đồng mà buông lời hiềm khích khiến tâm sân bốc hỏa, gia đạo tương tàn. Có người vì chút việc tốt giúp ai liền tính toán so đo, kể công chẳng mệt. Có người vì tà kiến si mê, chướng ma tự tâm mà buông lời bác bỏ Nhân-Quả – Nghiệp báo, phỉ báng Tam Bảo không thôi. Có người vì chút kiến thức Phật học mình biết mà sanh tâm giải đãi, hý luận, buông lung, chẳng chịu nhiếp tâm, “tịnh khẩu”. Có người vì Ngũ dục đắm mê, tham sự cúng dường mà tà tâm lợi dưỡng, vọng ngữ bảo người lễ sám, cúng dâng. Có người vì chút công hạnh tu tập được mà ngã mạn, khoe khoang, chưa ngộ nói ngộ, chưa đắc nói đắc, khinh kẻ hậu học, khiến đạo hạnh thoái thất, mất hẳn thiện căn nơi Tam Bảo… Rõ là lời nói như vũ khí vô hình, có thể gây ra quốc nạn diệt vong, gia đình ly tan, người người cơ khổ, lầm than. Không chỉ thế, lời nói cũng như dao hai lưỡi, không chỉ gây đau khổ oán hận cho người, trục lợi cho mình một chiều như thiển nghĩ mà NGHIỆP KHẨU, vì vậy, phải tự mình đa mang đền trả theo Nhân-Quả tuần hoàn chí công. Có câu: “Bệnh tùng Khẩu nhập, Họa tùng Khẩu xuất” (bệnh tật từ miệng mà vào, tai họa từ miệng mà ra), hay “Công vi thủ, tội vi khôi” (công đứng trước mà tội cũng đứng đầu) đều ngụ ý chúng ta cần cẩn trọng với cái MIỆNGKHẨU NGHIỆP của mình. Hãy suy xét nhân-quả, hệ lụy trước sau trước khi nói và làm một điều gì!

luoi-khong-xuong

Vọng ngữ, nghiệm kỹ, có thể xem như tật bẩm sinh của loài người. Có câu: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Miệng không vành méo mó lung tung”. Từ lúc tấm bé đến khi trưởng thành rồi già yếu mất đi, thử hỏi ai sống trên đời chưa từng vọng ngữ (?). Đời người, “thành” hay “bại”, phần lớn cũng từ cái miệng mà ra. Sống trong cộng đồng phải giao tiếp nhau bằng ý nghĩ, lời nói và hành động, lẽ dĩ nhiên sẽ khó tránh khỏi sự mâu thuẫn, bất hòa, đụng chạm… Lăn lộn giữa dòng đời ô trược để kiếm miếng cơm manh áo, há có dễ giữ cho tâm niệm trong sạch, thân vẹn toàn, miệng ăn ngay nói thẳng để khỏi tác “nghiệp” lụy mang (?). Do túc nghiệp và tập khí huân tập nhiều đời mà mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tính cách, suy nghĩ và quan điểm sống khác nhau, phải chăng chúng ta do nơi “đối đãi nhau” để sống, để tồn tại? Và sau đó có còn đọng lại chút gì “AN” trong thân-tâm sau mỗi “cuộc chơi”, để rồi vay – trả, trả – vay, nghiệp tạo mãi hoài không dứt? Còn với tu sĩ xuất gia đã có thắng duyên nơi Tam Bảo nhiều đời, há có giữ được “tâm hướng Phật như thuở ban đầu” mà tinh tấn công phu, nhiếp Tâm thành Giới, nhiêu ích hóa độ chúng sanh; hay cuối cùng cũng không thoát khỏi Ngũ dục mê say, tà tâm lợi dưỡng làm đủ điều trái khuấy dưới danh nghĩa Phật Pháp? THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC! Một khi vọng ngữ nói ra thì khẩu nghiệp đã vướng thân, “Ngã” sẽ về đâu trong Lục Đạo luân hồi? Cho nên Phật dạy chúng ta Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo để soi đường chỉ lối, đốt đuốc Trí-Huệ phá trừ nghiệp mê, sống đúng theo tinh thần Tứ Nhiếp – Lục hòa – Từ Bi Hỷ Xả của nhà Phật, giúp cho bản thân và cộng đồng ngày càng “trong sạch”, hướng thượng. Người tu Phật, tại gia cũng như xuất gia, quý nhất là TRỰC TÂM chân thật, không quanh co, dối gạt, điên đảo, hư ngụy, vọng mê. Do tin sâu Nhân-Quả, Vô thường, Nghiệp báo nên oai nghi tế hạnh giải thoát nơi thân còn chẳng dám khởi tâm buông lung phóng dật thì sá gì tâm niệm giả dối thường tình, lừa phỉnh gạt mình gạt người. Lại nữa, người tu Phật phải hằng trưởng dưỡng lòng Từ – Bi, với oán nghiệp nhiều đời thường hành Hỷ – Xả, đoạn trừ tâm Tham – Sân – Si – Mạn – Nghi – Tà kiến, tịnh Thân-Khẩu-Ý để khỏi rơi vào nghiệp quả ĐẠI VỌNG NGỮ mà chuốc lấy Khổ nghiệp về sau, hối hận muộn màng.

Còn đó lời Phật dạy: “Chúng sanh lục đạo trên thế giới, dù nơi thân tâm chẳng còn SÁT, ĐẠO, DÂM, nếu mắc phải ĐẠI VỌNG NGỮ, thì với Tam Ma Địa chẳng được trong sạch, thành giống MA ÁI KIẾN, lạc mất giống Phật… Ta thọ ký người ấy mất hẳn thiện căn, chẳng có Chánh kiến, chìm đắm trong Tam ác đạo, chẳng thể thành tựu Chánh định…, tự tạo tội thành Đại vọng ngữ, phải vào ngục A Tỳ”.

sen-vo-nhiem-5

Cần lưu ý rằng, xưa, lời nói chỉ có thể lan truyền trong một phạm vi nhất định nên ảnh hưởng của nó có giới hạn. Nay, với các phương tiện và công nghệ truyền thông hiện đại (báo, đài, điện thoại, internet…) thì lời nói cũng đồng thời được chuyển tải thành văn tự, do đó sức lan truyền và ảnh hưởng của nó là trên phạm vi toàn cầu, vượt không gian – thời gian. Một lời nói hòa nhã mang tính xây dựng, chia sẻ, hàn gắn, an ủi, động viên, khuyến tấn, tán thán… đúng thời đúng lúc có thể xoa dịu nỗi đau, vơi đi muộn phiền, giúp thức tỉnh, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực, cải thiện những hành vi ứng xử sai trái, tránh những việc làm bất thiện… cho tình Người thêm ấm áp, cho những điều hay ý đẹp và đạo lý sống ở đời được rộng khắp nhân lên. Một lời nói Pháp chân thật từ Bậc chơn tu có Giới Đức trang nghiêm như ánh Từ Quang chiếu soi vô minh tăm tối, cho người người và chúng sanh khắp nơi thọ nhận Diệu Pháp Như Lai, tăng huy Tín tâm chúng sanh, hạt giống Bồ Đề nảy mầm trưởng dưỡng, tâm Từ-Bi và ánh sáng Trí Huệ được cộng hưởng giao thoa phá trừ “mê” tối, xóa nhòa ranh giới vô tâm và khoảng cách giữa những phận người khác biệt trong xã hội để đời thêm tươi sáng, an vui, thái hòa, tất cả đồng thọ Pháp lạc vô bờ trên lộ trình giác ngộ – giải thoát, tiếp gót Như Lai. Ngược lại, lời vọng ngữ từ kẻ Mê hay Tà sư sẽ như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, khiến cho người người bất an, phẫn nộ sân-si; đưa họ đến vực thẳm tội lỗi, oán nghiệp chất chồng; gieo bao bi kịch, khổ não, tang thương; thậm chí đánh mất Bổn tâm, lạc mất Bồ Đề. Vì vậy, KHẨU NGHIỆP trên Huệ Mạng của mỗi mỗi chúng sanh nơi Tam Bảo sẽ là quả báo vô cùng thống khổ nơi ngục A Tỳ, khó có ngày siêu thoát.

Mong mọi người hãy tự giác cảnh tỉnh, cẩn ngôn trong sinh hoạt đời thường. Nếu không cần thiết, tốt nhất chúng ta hãy im lặng mà giữ Chánh niệm, tịnh Thân – Khẩu – Ý.

 

————————————————

LỜI KẾT

 

Qua 4 bài Pháp, Đức Phật đã dạy rất rõ rằng: NGƯỜI TU THIỀN ĐỊNH (tham thiền, niệm Phật, trì chú) nếu không đoạn trừ tâm DÂM DỤC thì quả báo là lạc vào MA ĐẠO (Ma Vương, Ma dân, Ma nữ); không đoạn trừ tâm SÁT HẠI thì lạc vào ĐẠO QUỶ THẦN (Qủy, Dạ Xoa, La Sát); không đoạn trừ tâm TRỘM CẮP thì lạc vào TÀ ĐẠO (Tinh linh, Yêu mị, Kẻ tà); không đoạn trừ ĐẠI VỌNG NGỮ thì lạc mất chủng tử Phật, thành giống MA ÁI KIẾN. Do đó, tu sĩ xuất gia và những ai chuyên tu thiền định vì đại sự giải thoát tử sanh phải đoạn trừ cho dứt tuyệt tâm SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG. Ngược lại sẽ phải luân hồi nơi Tam ác đạo khổ não khôn cùng, khó bề siêu thoát.

Suy cho cùng, “Tâm dẫn đầu các Pháp, Tâm làm chủ tạo tác”, “Phước do Tâm sanh, Tội do Tâm diệt”, nên người tu Phật phải TRỰC TÂM ĐẠO TRÀNGNHIẾP TÂM THÀNH GIỚI, Từ – Bi – Hỷ – Xả, đoạn Tham – Sân – Si – Mạn – Nghi – Tà kiến, tịnh Thân – Khẩu – Ý, sống đời phạm hạnh – thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, Tâm tri – Miệng nói – Thân hành phải HIỆP NHẤT làm THÂN GIÁO mà hoằng khai Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh, hướng hóa – nhiếp độ – cảnh tỉnh quần mê, hồi Tà hiển Chánh, cho tất cả chúng sanh khắp vạn cõi 10 phương thấm nhuần Diệu Pháp Như Lai, chuyển mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh, đồng thành Phật đạo.

Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm là chủ tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với TÂM NIỆM BẤT TỊNH
Khổ não liền theo sau
Như xe theo bò vậy.

Tâm dẫn đầu các Pháp
Tâm là chủ tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với TÂM NIỆM THANH TỊNH
An lạc liền theo sau
Như bóng chẳng rời hình.

Như ngôi nhà vụng lợp
Nước mưa len lỏi vào
TÂM KHÔNG TU cũng vậy
Tham dục rỉ rả vào.

Như ngôi nhà khéo lợp
Nước mưa không thấm vào
TÂM KHÉO TU cũng vậy
Tham dục khó lọt vào.

AI MẶC ÁO CÀ SA
Tâm chưa sạch uế trược
Không tự chế không thực
KHÔNG XỨNG mặc cà sa.

Ai tẩy trừ uế trược
Giới Luật khéo nghiêm trì
Tự chế sống chân thật
XỨNG ĐÁNG mặc pháp y.

(trích Kinh Pháp Cú – Phẩm Song Yếu)

Nếu các Tỳ Kheo, tâm ngay thẳng như dây đàn, tất cả chơn thật, vào Tam Ma Địa, hẳn không kẹt ma sự, Ta ấn chứng người ấy thành tựu Bồ Tát vô thượng tri giác“.

(lời Phật dạy)

Mong tất cả liễu tri – Nhiếp tâm thành Giới – Y giáo phụng hành!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————————

CHÚ THÍCH

Vọng ngữ là thuật ngữ chung dùng cho bài Pháp này, bao hàm “vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ”.

Tứ Nhiếp Pháp: gồm

1) Bố thí nhiếp
2) Ái ngữ nhiếp
3) Lợi hành nhiếp
4) Đồng sự nhiếp.

Lục hòa: gồm

1) Thân hòa đồng trú
2) Khẩu hòa vô tránh
3) Ý hòa đồng duyệt
4)  Giới hòa đồng tu
5) Kiến hòa đồng giải
6) Lợi hòa đồng quân.

———————————————-

Tham khảo: