qua-bao-cua-tam-trom-cap-khi-tu-thien-dinh

NGHIỆP “SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG”

3. QUẢ BÁO CỦA TÂM TRỘM CẮP KHI TU THIỀN ĐỊNH

“A Nan ở trong chúng sửa áo chỉnh tề, chắp tay đảnh lễ, nơi tâm sáng tỏ, lòng bi hoan hỷ. Vì muốn lợi ích cho chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay con đã ngộ pháp môn thành Phật, theo đó tu hành, chẳng còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói: tự mình chưa ngộ mà độ người khác trước, ấy là chỗ phát tâm của Bồ Tát. Tự Giác đã trọn, hay giác ngộ người khác, ấy là sự độ thế của Như Lai. Con dù chưa được ngộ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. Thế Tôn, những chúng sanh này cách Phật ngày càng xa, bọn tà sư thuyết pháp như hằng sa, muốn nhiếp tâm họ nhập Tam Ma Địa thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng như thế nào để xa lìa các ma sự, được chẳng lui sụt nơi tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng khen ngợi A Nan:

– Lành thay! Lành thay! Như con hỏi về sự an lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, con hãy lắng nghe, Ta sẽ vì con mà nói.

A Nan và đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.

Phật bảo A Nan:

– Con thường nghe Ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là: NHIẾP TÂM thành Giới, từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ, gọi là BA VÔ LẬU HỌC (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ).

– A Nan! Làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?

– A Nan! Lại như chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng TRỘM CẮP thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.

– Người tu chánh định cốt ra khỏi trần lao, nếu tâm trộm cắp chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt tâm trộm cắp, ắt phải lạc vào TÀ ĐẠO. Hạng trên thành Tinh Linh, hạng giữa thành Yêu Mị, hạng dưới thành Kẻ Tà. Bọn Tà đạo kia cũng có đồ chúng mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo Vô thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn Tà Ma kia sôi nổi trong thế gian, che giấu sự gian dối, tự xưng là Thiện-tri-thức, đã được pháp Thượng Nhân, lừa gạt kẻ không biết khiến lạc mất bản Tâm. Hễ họ đến chỗ nào thì người chỗ đó gia tài bị tiêu tan.

– Ta dạy các Tỳ Kheo tùy nghi khất thực, xả bỏ lòng tham mới thành đạo Bồ Đề. Các Tỳ Kheo chẳng tự nấu ăn, huyễn thân tạm gởi nơi Tam giới, thị hiện một đời sanh tử, đi rồi chẳng về (giải thoát sanh tử thì ra khỏi luân hồi, chẳng về Tam giới). TẠI SAO BỌN GIẶC MẶC ÁO ĐẠO PHẬT, GIẢ MẠO TỲ KHEO BUÔN BÁN NHƯ LAI, TẠO ĐỦ THỨ NGHIỆP ĐỀU NÓI LÀ PHẬT PHÁP? Kỳ thật, HỌ CHẲNG PHẢI CHƠN XUẤT GIA CÓ THỌ GIỚI TỲ KHEO THẬT SỰ. Do vậy, khiến vô số chúng sanh mắc phải nghi lầm, đọa địa ngục A Tỳ. Sau khi Ta diệt độ, nếu có Tỳ Kheo phát tâm quyết định tu Tam Ma Địa, ở trước hình tượng Phật đốt một lóng tay hay đốt một liều trên thân, Ta nói người ấy, những nợ xưa từ vô thỉ đều sẽ được dần dần trả hết, từ giã thế gian, thoát hẳn phiền não, dù chưa được ngộ đạo vô thượng nhưng đối với Phật pháp đã có lòng tin quyết định. Nếu chẳng làm cái nhân xả thân nhỏ mọn này thì dẫu thành vô vi, ắt phải còn sanh cõi Người, trả các nợ xưa như quả báo Mã Mạch của Ta chẳng có sai khác (Mã Mạch: lúa mì để cho ngựa ăn).

– Con dạy người đời tu Tam Ma Địa, PHẢI DỨT TÂM TRỘM CẮP, ấy là lời dạy rõ ràng trong sạch, gọi là NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ BA của chư Phật.

– A Nan! Nếu chẳng dứt tâm trộm cắp, mà tu Thiền định, cũng như người lấy nước rót vào bình chảy, mong cho đầy bình, dù trải qua vô số kiếp, cũng không thể đầy.

– Nếu hàng Tỳ Kheo ngoài y bát ra, mảy may không tích trữ; xin ăn có dư bố thí cho kẻ đói; giữa nơi nhóm họp, chắp tay đảnh lễ chúng; có người đánh mắng, đồng như khen ngợi; quyết định xả bỏ thân tâm; với tất cả chúng sanh cộng chung một da thịt xương máu. Chẳng lấy thuyết bất liễu nghĩa của Như Lai làm chỗ hiểu của mình rồi dạy lầm mà hại cho kẻ sơ học thì Phật ấn chứng người ấy được CHƠN TAM MUỘI.

– Như lời Ta thuyết gọi là Phật thuyết. Chẳng thuyết như thế tức Tà ma thuyết”.      

(trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

 

————————————————-

LỜI BÀN

 

Gốc của TRỘM CẮPTÂM THAM, một trong tam độc THAM – SÂN – SI khiến tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý chồng chất, chiêu cảm quả báo trầm luân thống khổ.

Người đời do tham đắm Ngũ dục thế gian (tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghĩ) khiến thân – tâm chẳng lúc nào “an” được. Được một muốn mười, được mười muốn bội phần; lại thường hay đứng núi này trông núi nọ… Có người vì “bần cùng sanh đạo tặc”; hoặc vì muốn giàu sang, sung sướng trong nhàn hạ mà hành nghề phạm pháp, bất lương, đôi khi chẳng màng SÁT HẠI người khác; hoặc vì tranh nhau tài sản mà bạc bẽo tình thâm, đối xử vô tâm cho “máu chảy ruột mềm”; hoặc vì đam mê sắc dục mà rước họa vào thân (bệnh tật, danh dự…), thậm chí loạn luân chẳng bỏ, gia đình ly tán; hoặc vì hám danh thủ lợi mà cạnh tranh khốc liệt, đôi khi sẵn sàng buông bỏ lòng tự trọng, bán rẻ nhân cách mà luồn cúi, xỏ xiên…; hoặc vì muốn ăn ngon, mặc đẹp, ở nhà cao cửa rộng, tiện nghi đầy đủ mà bất chấp thủ đoạn, tình nghĩa và đạo lý sống ở đời. Chính TÂM THAM không đáy đã che mờ mắt trí, khiến ta mất sáng suốt mà tạo nghiệp mê say, phải chịu Nhân-Quả trả vay (luật pháp, nghiệp báo), hối hận muộn màng. Hãy nhìn xuống để thấy mình may mắn hơn vạn người cơ khổ, để Tâm TỪ trải rộng muôn nơi, hơi ấm tình thương đong đầy khắp nẻo! Hãy tập buông xả dần tâm tham dục! Hãy biết đủ và trân quý những gì mình hiện có!

Người xuất gia và những ai chuyên tu thiền định, hướng tới liễu sanh thoát tử cần phải tinh tấn đoạn trừ tâm THAM – SÂN – SI. Tuyệt đối KHÔNG ăn cơm Phật mà phân biệt, đòi hỏi vị dở ngon, ăn uống phi thời phi chỗ; KHÔNG mặc áo Phật mà lòe loẹt gấm hoa, kiểu cọ xập xình; KHÔNG trụ tại điện Phật, nương náu cửa Từ Bi mà tà tâm bỏn xẻn, ngũ dục đê mê, kêu gọi bố thí xây chùa to, tượng lớn để vinh thân phì da, ngã mạn thêm lừng lẫy; KHÔNG trì ấn lệnh Phật mà công phu hành trì chẳng có (tham thiền, niệm Phật, trì chú), Giới luật – oai nghi tế hạnh chẳng kham giữ cho nghiêm, lại hay nói suông, giải đãi, hý luận, ba hoa, với Diệu Pháp Như Lai thì mê mờ chẳng tỏ, với pháp thế gian thì chìm đắm chẳng buông; KHÔNG thừa sự Phật mà lợi dụng lòng tin của Thiện nam – Tín nữ, sanh tà tâm lợi dưỡng của Thường trụ thập phương, lạm dụng Phật Pháp cho thỏa ý “mê” say, thiêu rụi tín tâm bao người hướng Phật, lạc mất Đạo Bồ Đề. Đã nguyện dấn thân trên con đường giác ngộ, sao không sống đời Phạm hạnh; thiểu dục tri túc; Giới Luật tinh nghiêm; ăn cơm Chánh Pháp, mặc áo Giải thoát của Như Lai; thân tâm nhất như an trụ nơi Diệu Pháp; trì ấn lệnh Phật mà công phu miên mật ba thời chẳng mỏi; thừa sự Phật mà không màng sanh tử, nguyện độ tận tất cả chúng sanh an trú nơi Diệu Pháp, giải thoát tử sanh, viên thành Phật đạo? Còn đó lời Phật dạy:

– “NGƯỜI TU THIỀN ĐỊNH (tham thiền, niệm Phật, trì chú) nếu không đoạn trừ tâm TRỘM CẮP thì lạc vào TÀ ĐẠO (TINH LINH, YÊU MỊ, KẺ TÀ), mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo Vô thượng. Sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn Tà Ma kia sôi nổi trong thế gian, che giấu sự gian dối, tự xưng là Thiện-tri-thức, đã được pháp Thượng Nhân, lừa gạt kẻ không biết, khiến lạc mất bản Tâm”.

– Đó là “BỌN GIẶC mặc áo đạo Phật, giả mạo Tỳ Kheo buôn bán Như Lai, tạo đủ thứ nghiệp đều nói là Phật Pháp. Kỳ thật, họ chẳng phải Chơn xuất gia có thọ giới Tỳ Kheo thật sự”.

Ngược lại với tâm Tham là TÂM BỐ THÍ (Tài thí, Vô úy thí, Pháp thí), xuất phát từ TÂM TỪ – BI – HỶ – XẢ của người tu Phật chơn chánh. Cuộc sống khó khăn, còn nhiều lắm những mảnh đời gian truân, bất hạnh. Mong sao tất cả hãy cùng chung tấm lòng của người con Phật mà chia sẻ khốn khó với tha nhân, tuyệt đừng sanh tâm nghĩ ngợi, chấp trước việc gì dù nhỏ nhặt hay lớn lao. Trước hãy “Tài thí, Vô úy thí” cho họ bớt khổ, an tâm; sau tùy duyên “Pháp thí”, gieo chủng tử Bồ Đề cho Huệ Mạng của họ ở hiện đời và mai sau được nương nhờ nơi Tam Bảo thì thật quý báu vô cùng. Đó cũng chính là góp phần mang Đạo Từ – Ánh Sáng Phật Pháp phổ chiếu khắp nơi nơi, đáp đền ơn Phật.

Ngoài ra, quý Phật tử tại gia nhất thiết cần nên sáng suốt, phân minh cho tỏ tường bậc CHƠN TU GIẢI THOÁT với hạng TÀ SƯ, GIẢ TU mượn Đạo tạo Đời trước khi theo tu học hay làm Phật sự cúng dường, như lời Phật cảnh tỉnh. Tuyệt đối tránh để bị lợi dụng tín tâm và tài vật của mình mà cưu mang cho TÀ HẠNH, TÀ MẠNG của họ thêm chất ngất, mê say thì chẳng những không được ích lợi gì mà còn vô tình tạo nghiệp không hay, gián tiếp dung dưỡng cho thêm lừng lẫy, ô uế cửa Phật môn trang nghiêm – thanh tịnh. Đừng vì THAM PHƯỚC, tham làm việc Thiện, lại thiển nghĩ “ai tu nấy hưởng, ai tạo nghiệp ráng chịu, chẳng ảnh hưởng liên hệ gì nhau” mà nhắm mắt cúng dường, gởi gắm Huệ mạng của mình nơi nẻo chẳng ngại thì sẽ vướng lụy khổ não về sau.

Đức Tiêu Diện Đại Sĩ

Ngược lại, cần lắm tinh thần BI – TRÍ – DŨNG ở người tu Phật, tại gia cũng như xuất gia, để hồi Tà hiển Chánh, xiển dương Giới luật và Diệu Pháp Như Lai, thanh trừng bọn Tà Sư giả tu nhằm trang nghiêm chốn Phật môn, gìn giữ cho Phật tử khỏi lạc mất Bồ Đề, tăng huy tín tâm người người hướng Phật… Thời MẠT TÂM (chẳng phải mạt pháp) đến tận cùng thì tinh thần HỘ PHÁP như thế nơi người tu Phật càng quý báu và cần thiết hơn bao giờ hết, góp phần cho mạng mạch Phật Pháp được trường cửu nơi Ta Bà ngũ trược.

Rốt ráo hơn, khi công hạnh (niệm Phật, tham thiền, trì chú) sâu dày đạt đến “Vô niệm”, Định – Huệ khai mở thì hạnh BỐ THÍ sẽ thành tựu BA-LA-MẬT. Lúc đó, chúng sanh khắp thập phương – tam cõi nơi khôn cùng cảnh giới sẽ nương nhờ “Pháp thí Ba-la-mật” từ tâm hạnh của hành giả, cùng với sự gia trì của Phật lực khắp 10 phương mà diệu dụng hóa độ, chuyển mê – khai ngộ là vô lượng, vô biên, bất khả tư nghì. Đó cũng chính là HẠNH NGUYỆN của người tu hành chơn chánh, là CHƠN CÚNG DƯỜNG kính dâng lên khắp mười phương Chư Phật.

Mong  tất cả liễu tri – Nhiếp tâm thành Giới – Y giáo phụng hành!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————————-

Tham khảo: