tin-hanh-nguyen

1. LUẬN VỀ ĐỨC TÍN

Tín có nghĩa là tin, đại lược như tin các chơn thiệt ngữ của Phật dạy, tin Tam Bảo chuyển mê khai ngộ, tin luật nhân quả chí công, tin chánh đạo cảm ứng mầu nhiệm, tin công đức tu hành sáng suốt của mình, tin nguyện lực hoằng thâm của chư Phật và Bồ Tát, tin nhứt tâm tịnh niệm Nam mô A Di Đà Phật thì chắc được tự tại an lạc.

Bộ Vân Thê Tịnh Độ có nói: “Đức Tín là yếu môn đệ nhất để nhập Đạo”.

Kinh Duy Ma có câu: “Muốn đến cảnh Tây Phương cốt do đức Tín thâm sâu”.

Kinh Hoa Nghiêm có dạy: “Đức Tín là nguồn của chơn lý, mẹ của công đức, nuôi lớn các căn lành, ra khỏi đường tà mị, vào được cảnh Chánh Định, giải thoát biển sanh tử, thành tựu đạo Bồ Đề”.

 2. LUẬN VỀ ĐỨC HẠNH

Thiết tưởng: làm người dầu giàu sang tột bậc, dầu học giỏi cực điểm mà không có Hạnh cũng thất nhân tâm. Vả chăng, người vô Hạnh thường chiều theo dục vọng, không tự chủ được mình, nặng lòng tự ái, trầm trọng bệnh chấp ngã, hành động lợi kỷ tổn nhân, gây ra vô số nghiệp chướng phiền não.

Vậy Phật tử có bổn phận xây dựng đức Hạnh, đại lược như:

Thường nhựt, Phật tử phải chuyên cần công phu tu tập do các bậc Thanh tịnh Tăng truyền dạy, như: giữ giới, trì trai, sám hối, lễ bái, cúng dường, tụng kinh, trì chú, tham thiền, quán tưởng niệm Phật…

Suốt đời, Phật tử phải biết điều chế ba nghiệp: thân, khẩu, ý. Thân không làm dữ mà chuyên làm lành, khẩu không nói dữ mà chuyên nói lành, ý không tưởng dữ mà chuyên tưởng lành. Làm, nói và tưởng đều theo gương “trọn lành” của chư Phật mà thực hành.

Trong sự sinh hoạt, phải kiện toàn hai đức tánh thiểu dục và tri túc, vì người thiểu dục và tri túc dẫu nghèo cũng an tâm, quý hơn kẻ đa dục và bất tri túc dầu giàu sang cũng khổ tâm.

Phật tử phải ngăn ngừa các tật xấu làm tổn bình sinh chi đức như: cống cao ngã mạn, tự phụ kiêu căng, khinh người ngạo vật, mục hạ vô nhân…

Phật tử phải siêng làm các việc phước đức khế hiệp với Luật nhân quả như: hiếu dưỡng Cha Mẹ, phụng sự Sư Trưởng, cúng dường Tam Bảo, thuyết pháp tạo tự, ấn tống kinh tượng, bố thí phóng sanh, bồi lộ, cứu kẻ lâm nguy. Tóm lại, Phật tử luôn luôn phải nương theo tôn chỉ Từ Bi mà xử thế, lúc nào cũng khiêm tốn ôn hòa, giữ lấy đức “Nhân” làm căn bản vì “Nhân” là giềng mối phát huy các đức tánh: hiếu để, trung, thứ, tín, mục, liêm, tiết, thành, kỉnh, khiêm cung… Giữ tròn đức “Nhân” tức là đề cao nhân vị, tương xứng nhân phẩm, sáng suốt cả hai phương diện cá thể và xã hội, sẵn sàng độ lượng, quảng đại vị tha, tùy khả năng và cơ duyên giúp đời tiến hóa lành mạnh.

 3. LUẬN VỀ ĐỨC NGUYỆN

Nguyện có nghĩa là tự mình phát tâm làm việc phước đức hoặc cầu cho được thành tựu phước đức, đại lược như:

Nguyện sám hối tam nghiệp tội; nguyện dứt điều dữ, năng làm việc lành, trau dồi tâm đức; nguyện cần học Chánh pháp, cần tu Chánh đạo không hề thối chuyển; nguyện quy y Phật-Pháp-Tăng, giữ một lòng thủy chung như nhứt, y giáo phụng hành; nguyện thành tâm niệm Phật A Di Đà, nương nhờ Phật lực bảo hộ cho tu hành; nguyện khi lâm chung, dự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm không tham luyến, ý bất điên đảo như nhập thiền định; nguyện sanh Cực Lạc, nguyện thành Chánh Giác, cứu độ chúng sanh cũng như chư Phật. Đó là Chánh Nguyện.

Chư Bồ Tát có bốn đại nguyện:

1. Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ
2. Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn
3. Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
4. Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành

Các bậc đại đệ tử của Phật đã phát Bồ Tát tâm, thọ Bồ Tát giới, hành Bồ Tát hạnh, đều thể theo gương hoằng thệ đó mà làm việc tự lợi kiêm lợi tha, tự giác kiêm giác tha.

Phàm khi làm được công đức chi, Phật tử nên đem công đức ấy mà phát nguyện hồi hướng vãng sanh Cực Lạc, chẳng những hồi hướng cho mình mà lại có thể hồi hướng cho người.

Khế Kinh dạy: “Có Hạnh không Nguyện, Hạnh ấy cô đơn. Có Nguyện không Hạnh, Nguyện ấy khó thành. Có Hạnh có Nguyện nhưng không Tín, chung cuộc cũng vô ích”.

Bởi nên Phật tử phải giữ Tín cho sâu, Hạnh cho tròn, Nguyện cho thiết, thì nhiên hậu công đức tu hành chắc chắn viên mãn.

(trích Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược
Thiền sư Thích Từ Quang)
 
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
 
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
 
Cổ Thiên