* CÂU HỎI

Kính bạch Thầy!

Con thường niệm Phật và tụng Chú Đại Bi mỗi ngày, đến nay đã hơn 10 năm, lòng cảm thấy rất nhẹ nhàng an lạc. Đặc biệt là mỗi khi xem điệu múa Thiên Thủ Thiên Nhãn, sự xúc động trong con lại dâng trào mà không biết sao diễn tả cho được. Con thường chia sẻ cho mọi người xem, nhất là trên mạng xã hội để mọi người cùng được lợi lạc, phước báu, công đức vô lượng.

Nay con hữu duyên đọc Pháp, biết được Đạo tràng, con kính xin Thầy khai thị!

Con kính ơn Thầy!

Nam mô A Di Đà Phật

* PHÚC ĐÁP

Vũ khúc Thiên Thủ Quán Âm được quay trực tiếp tại hiện trường đêm dạ hội đón Giao thừa mừng Xuân 2005 do Đoàn nghệ thuật khuyết tật Trung Quốc biểu diễn, được biên đạo bởi:

  • Đạo diễn: Trương Kế Cang.
  • Âm nhạc: Trương Thiện Nhật.
  • Trợ lý đạo diễn: Chiêm Hiểu Nam, Hà Hiểu Lam.
  • Hướng dẫn múa tay: Lý Lâm, Vương Sương, Trần Quế Huệ, Lý Bảo.
  • Biểu diễn: Đài Lệ Hoa và những người khuyết tật.
  • Đơn vị biểu diễn: Đoàn nghệ thuật khuyết tật Trung Quốc.
  • Người dịch: Thụy Anh.

Vũ khúc trên chủ ý thể hiện Diệu tướng của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát với 42 thủ nhãn ấn pháp thể hiện tâm Đại Từ – Đại Bi vô lượng của nhà Phật. Để trình diễn vũ khúc này, 21 vũ công khuyết tật (gồm 9 nam và 12 nữ đều là những người câm điếc) đã phải tập luyện trong gần 10 năm. Vũ khúc đã nhận được nhiều giải thưởng giá trị, đã được trình diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành hiện tượng đáng chú ý nhất của nghệ thuật múa đương đại lúc bấy giờ. Về sau, nhiều đoàn nghệ thuật ở các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng thể hiện lại vũ khúc Thiên Thủ Quán Âm theo cách riêng của mình.

Không luận bàn nghệ thuật vốn chỉ là Pháp thế gian thường tình, dưới lăng kính Phật Pháp, có mấy điều cần minh định liễu tri như sau:

1. Hạnh nguyện của Chư Phật, Chư Bồ Tát là vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn. Trong đó, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát là hiện thân của tâm Đại Từ Đại Bi vô lượng nhà Phật: tầm thanh cứu khổ – nghìn mắt chiếu soi – nghìn tay hóa độ thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương mà thị hiện dưới muôn hình vạn tướng để cứu độ chúng sanh thoát khổ, “ngộ nhập Phật tri kiến”.

Hỏi:

– Ai trên thế gian này thật thấy Diệu tướng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát?

– Nếu không, phàm phu chúng sanh lẽ ra chỉ nên khởi tâm chí thành kính tín phụng thờ và tu hành chơn chánh, cớ sao lại dùng tâm mê trí cạn vô cùng thiển cận lầm lạc của mình mà tục hóa Diệu tướng vô lượng trang nghiêm không thể nghĩ bàn của Đức Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm bằng:

      • Vũ khúc của thế tục?
      • Thân tướng bất tịnh của kẻ phàm mê?
      • Hóa trang biểu diễn với trang phục hở hang, trang sức diêm dúa, móng tay dài nhọn chẳng khác gì Tà mị, Quỷ thần (A Tu La, La Sát…) hay Yêu tinh…?

Làm như thế chắc chắn mang trọng tội phạm Thượng bất kính, báng bổ Chư Phật dù với lý do gì đi nữa.

2. Tự ngàn xưa, Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã đi vào tâm thức chúng sanh với tên gọi: Mẹ Quán Thế Âm, Mẹ thế gian bởi lòng Từ Bi cứu độ của Ngài đối với chúng sanh hơn mẹ thương con, quảng đại linh ứng vi diệu nhiệm mầu không thể nghĩ bàn. Khi gặp cảnh khổ não bức bách khó tự mình vượt qua, hay trong cơn nguy biến tai ương giữa lằn ranh sống chết, hay giữa cảnh oan trái khó giải bày cho tỏ…, hay nguyện mong có được thắng duyên gặp Diệu Pháp Phật giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay để thúc liễm tu hành, chúng sanh thường khởi tâm thống thiết quy kính trì niệm Mẹ Quán Thế Âm xin được độ trì: Nam mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát, hay Nam mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn quảng đại linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát, hay Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát.

Hỏi: 

– Diệu tướng Mẹ Quán Thế Âm trong tâm thức chúng sanh vô cùng Từ mẫn, quảng đại và trang nghiêm, cớ sao tục hóa bằng những hình ảnh múa máy lắc lư phản cảm đầy tục lụy?

3. Đức Lục Tổ Huệ Năng đã từng khai thị: “Công đức ở trong Pháp thân, chẳng ở tại tu Phước. Công đức phải do Tự Tánh tự thấy (tức thiền định), chẳng phải bố thí cúng dường mà cầu được nên Phước đức và Công đức khác nhau là vậy” (trích Pháp Bảo Đàn Kinh).

Hỏi: 

– Vũ khúc trên tục hóa Diệu tướng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nên việc chia sẻ phổ rộng mê lầm ắt phải cộng nghiệp gánh cùng, phước đức đã không, công đức vô lượng hỏi từ đâu có?

* TÓM LẠI

Hạnh nguyện và Diệu tướng của Chư Phật, Chư Bồ Tát là vô lượng vô biên trang nghiêm tối thắng không thể nghĩ bàn. Do đó, phàm phu chúng sanh chỉ nên khởi trọn lòng thành tôn kính mà quy Phật sám hối tu hành, tuyệt không được phi lý tác ý tục hóa bằng bất cứ phương tiện gì (Pháp thế gian) với bất kỳ mục đích nào. Ngược lại, chắc chắn sẽ mang trọng tội phạm Thượng bất kính Tam Bảo, tự chuốc khổ đọa về sau!

Công đức chỉ có được từ sự tu hành chơn chánh, tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi (Giới – Định – Huệ). Nếu không như thế mà tự cho là có công đức vô lượng thì khác gì tà kiến thưởng phạt thần quyền, ngã mạn điên đảo Phật Pháp, huệ mạng lầm lạc.

Tu Phật giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay, khuyên người Phật tử trước phải minh định liễu tường đâu là Chánh Pháp Phật rồi mới xuất chí nương tựa tu hành, sau mới góp phần phổ truyền Chánh Pháp đến tha nhân (nhấp xem bài: Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp). Điều này là vô cùng hệ trọng bởi tự mình tu lạc tự mình chịu thôi đành, nếu chủ quan dẫn hướng vạn người lầm theo thì chiếu lý Nhân Quả – Nghiệp báo chí công, người đó ắt phải thọ quả khổ đọa gấp vạn phần trong mai hậu.

Do đó, khi đối trước mọi sự, ta cần phải cẩn trọng tỉnh giác tịnh tâm dùng Chánh kiến tư duy (Chánh tư duy) thật tận tường thấu đáo, tránh phóng tâm đắp mê bồi ngã theo sắc tướng hư huyễn và tri kiến mê phàm mà thối đọa không hay. Hãy nghiệm minh lời Phật dạy cảnh tỉnh muôn đời:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị Nhơn hành Tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

(trích Kinh Kim Cang)

Tạm dịch:

Nếu dùng sắc thấy Ta,
Dùng âm thanh cầu Ta,
Người ấy hành đạo Tà,
Không thể thấy Như Lai.

“Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. 

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng…

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc, quý vị hãy đạt đến và an trú”.

(trích Kinh Kalama)

Mong rằng thời Pháp này giúp con khai mở Chánh kiến mà tỉnh tâm sám hối, tu hành!

Diệu Quán Thế Âm Bồ Tát _()_
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Tham khảo: