Duc-Ho-Phap

Bài: Chướng của người tu Phật hiện nay, Kiến giải và hành trì sai lệch trong tu Phật… đã chỉ rõ “chướng” và thực trạng tu hành loạn Pháp biến tướng của đại đa số người tu Phật hiện nay, giúp hành giả luôn tỉnh giác và nhẫn lực tinh tấn tự điều phục trên đường giác ngộ. Điều đó phản ánh tâm ý, tinh thần và trách nhiệm của người tu Phật vốn mỗi người mỗi vẻ do nghiệp lực sai biệt và căn trí chẳng đồng. Vậy, trước sự thịnh – suy của Phật Pháp, người con Phật phải nên thế nào?

Đạo Phật là Đạo Từ Bi – Trí Huệ. Người tu Phật nếu không hội đủ Từ bi và Trí huệ thì dễ lầm đường lạc lối, đại sự tu hành khó bề thành tựu. Do đó, Từ bi và Trí huệ phải luôn song hành trên lộ trình giác ngộ – giải thoát của mỗi người con Phật, tại gia cũng như xuất gia. Nghìn tay nâng đỡ, nghìn mắt chiếu soi, tầm thanh cứu khổ (nghìn tức nghĩa vô lượng) trong thiên hình vạn trạng vô minh cảnh giới khắp cõi 10 phương, dìu dắt con khờ (chúng sanh mê) tầm về nẻo Giác thể hiện oai đức ĐẠI HÙNG – ĐẠI LỰC – ĐẠI TỪ BI VÔ LƯỢNG không thể nghĩ bàn của Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát (Đức Phật Mẫu của 10 phương 3 đời Chư Phật) thì bên cạnh đó, những Hóa thân thị hiện tướng phẫn nộ của Ngài (Đức Tiêu Diện Đại Sĩ…) đã gia trì biết bao người tu trong điều phục nội chướng (nghiệp chướng của mỗi chúng sanh), ngoài hàng phục ngoại Ma (Tà ma ngoại đạo… ngu si can cường), hộ trì Phật Pháp cửu trụ Ta Bà đồng thời cũng thể hiện oai đức ĐẠI TRÍ – ĐẠI DŨNG VÔ BIÊN nơi Ngài. Đó cũng chính là HẠNH NGUYỆN VÔ LƯỢNG VÔ BIÊN CỦA 10 PHƯƠNG CHƯ PHẬT. Đó cũng chính là hạnh nguyện Từ bi Vô ngã mà mỗi hành giả tu Phật đều cần phải nhẫn lực hướng tới, khế hợp tương ưng, tiếp nối bổn hoài của Chư Phật. Vì thế, BI – TRÍ – DŨNG là kim chỉ nam, là đức hạnh không thể thiếu ở mỗi người tu Phật.

Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ – Giải Thoát chúng sanh khỏi khổ đọa sanh tử luân hồi. Đức Phật đã từng dạy: “Ta là Người chỉ đường, có đi hay không (giác ngộ giải thoát hay trầm mê khổ đọa) là tùy vào mỗi chúng sanh. Các con hãy lấy Giới Luật làm Thầy, hãy tự thắp đuốc Trí Huệ mà tu hành”. Con đường giác ngộ Ngài đã khai sáng, truyền thừa dìu dắt chúng sanh thẳng lối tu hành cho đến khi trọn thành Phật Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác nhưng than ôi, bao người tu có mấy ai nghiêm hành chơn chánh đúng những gì Phật dạy để rồi lầm đường lạc lối, thối đọa chẳng hay. Họ giải đãi hý luận, phóng dật buông lung, mê Sự bỏ Tánh, ngã vọng hư dối, mượn Đạo tạo Đời, đắp mê bồi ngã chất chồng nghiệp chướng thêm sâu dày, thậm chí thách thức nhân quả. Vì vô minh, tà kiến, ngã mạn, cố chấp, sân si… mà Diệu Pháp Phật ngay trước mắt, họ ngoảnh mặt gạt đi chẳng muốn thọ trì, thậm chí báng bổ. Đó là lý do vì sao xưa kia, số người tu kiến Tánh đạt Đạo rất nhiều, dĩ tâm ấn tâm tiếp nối bổn hoài Chư Phật; còn thời nay thì có mấy ai. Đời mạt tâm, chẳng phải mạt pháp vì Diệu Pháp của Chư Phật hiển bày Chơn lý, trực chỉ Chơn tâm phá mê khai ngộ thoát khổ trầm luân thì bất di bất dịch với thời gian và không gian. Hành giả tu Phật nếu nhẫn lực tinh tấn nghiêm trì đúng theo lời Đức Phật dạy thì chắc chắn sẽ thành tựu giác ngộ – giải thoát; còn ngược lại ắt phải trầm mê thống khổ luân hồi. Trước đây (thời Phật còn tại thế) như vậy, hiện giờ cũng vậy, mai sau cũng vậy, đời đời như thế vì Khổ não (Khổ đế), Vô minh (Tập đế), Con đường đoạn tận Vô minh (Đạo đế) và Thành tựu Giác ngộ – Giải thoát (Diệt đế) mà Đức Phật đã khai sáng truyền thừa mãi không thay đổi, muôn đời như thế. Rõ thấy, Đạo Phật thịnh hay suy không phải do nơi sự tướng giả huyễn vô thường mà chính do tâm hạnh tu hành của mỗi người con Phật có trang nghiêm chơn chánh hay không!

Người tu sĩ xuất gia chơn chánh, tâm hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả – Vô ngã – Vô trụ:

  • Với bản thân, họ kiên định Đạo tâm, thống thiết hành trì đúng lời Phật dạy, dõng mãnh đốn bỏ tham – sân – si – mạn – nghi – tà kiến, nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi, không màng sanh tử. Họ luôn nghe, nghĩ, suy tư Đạo lý (văn – tư), không ngừng huân tu phạm hạnh giải thoát (tu). Họ nghiêm trì Giới Đức, nhiếp tâm chẳng dám sai phạm dù một mảy may niệm bất thiện vi tế (nhiếp Tâm thành Giới). Họ thường năng sám hối lỗi lầm, tâm thường hổ thẹn, cẩn nghĩ sâu xa không dám tái phạm (chơn sám hối). Họ không bưng bít, bao che, ngụy biện thói hư tật xấu hay khuyết phạm lỗi lầm, sẵn sàng tự tứ trước Tam Bảo và chúng sanh thập phương, hướng đến sự toàn thiện đức hạnh. Họ an trú vào Chánh Pháp nhẫn lực trụ tâm thiền, lòng hằng tịnh chẳng đắm nhiễm nơi tục trần uế trược. Họ xem danh lợi, tiền, tài, sắc dục… như sạn thốn mắt. Họ không lạm dụng Phật Pháp và tín tâm của thập phương Thiện Tín để kêu gọi cúng dường, hùn phước vì bất cứ lý do gì. Họ không màng đến bằng cấp và danh vị hư dối (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học; Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng…), vì thế cũng chẳng khởi tâm khinh mạn hơn thua theo thói tục mê phàm. Họ trực tâm trang nghiêm chơn chánh (trực tâm Đạo tràng); không tà ngụy, hư dối, quanh co… Họ vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ, thống thiết trang nghiêm hành theo hạnh Phật, nối gót Từ Bi của Chư Phật.
  • Với chúng sanh, họ một lòng trưởng dưỡng tâm hạnh Từ – Bi – Hỷ – Xả; lấy niềm vui giải thoát chúng sanh, sẵn sàng hứng chịu nghiệp chướng thay họ, cảm hóa họ hồi tâm sám hối tu Phật làm chí nguyện đời đời tu hành. Thấy sự lỗi lầm, họ lên tiếng khuyên răn, nhắc nhở… Thấy sự trái Đạo lý, họ giúp người khai tâm, tỉnh giác, điều phục, hướng thiện… Màn đêm vô minh tăm tối đến đâu, họ nương nhờ ánh sáng Từ bi – Trí huệ (Phật Pháp) chiếu soi đến đó, một lòng hoằng dương – hộ trì Phật Pháp – nhiêu ích chúng sanh mà chẳng màng sanh tử.

Với những tu sĩ phá Giới buông lung, giải đãi, phóng dật…, họ không còn xứng đáng là Tăng, áo cà sa lẽ ra phải trả lại cho nhà Phật nếu chẳng tự răn mình sám hối ăn năn, quyết tâm tu niệm. Hãy nhớ: Áo cà sa không dễ khoác lên người, của thường trụ từ thập phương Thiện – Tín cúng dường không dễ gì thọ hưởng. Nếu không tu hành chơn chánh, dốc lòng hoằng dương và hộ trì Phật Pháp, phổ độ chúng sanh thì sao có thể đáp đền Tứ trọng ân (ân Cha Mẹ, ân Tam Bảo, ân Quốc gia Dân tộc và ân Chúng sanh vạn loại) trong muôn một. Mượn Đạo tạo Đời tội đọa muôn kiếp, dẫu Chư Phật hằng thương xót cũng không sao cứu được bởi nhân quả công bằng. Cũng vậy, mắt thấy, tai nghe, trí biết những hành vi phá Giới, hủy hoại Phật Pháp, mượn Đạo tạo Đời của Tà sư giả tu, người con Phật chơn chánh phải Bi – Trí – Dũng dõng mãnh lên tiếng để khai trừ thanh lọc, góp phần gìn giữ sự thanh tịnh trang nghiêm ngôi Tam Bảo cũng như tín tâm và huệ mạng của biết bao người. Dụng tâm bưng bít, che đậy, im lặng, làm ngơ trước những Tà hạnh và Ma sự chốn Phật môn, sợ “vạch áo cho người xem lưng”, “đừng nhìn lỗi người”, “ai làm nấy chịu, ai tu nấy hưởng”… là những tâm thái yếm thế, cả nể, vị kỷ… nhỏ nhoi, chẳng phải tinh thần và trách nhiệm của người con Phật chơn chánh vì lặng thinh câm nín nào khác gì đồng tình cổ xúy, cộng nghiệp khiến cho Pháp nạn hủy Phật báng Pháp càng thêm cường thịnh, mạng mạch Phật Pháp rồi sẽ về đâu? Sống đời thế tục, xã hội và pháp luật còn tôn vinh cho những cá nhân và tập thể sẵn sàng hy sinh lợi ích bản thân vì cộng đồng, ngăn trừ những hành vi phạm tội, góp phần gìn giữ cán cân công lý, đảm bảo sự công bằng của đời sống nhân sinh… thì huống gì Hạnh Nguyện gìn giữ trang nghiêm thanh tịnh chốn Phật môn, hoằng dương và hộ trì Phật Pháp cửu trụ Ta Bà. Đó nào phải chuyện thị phi nhân – ngã ở đời với tâm địa tham – sân – si thường tình nhỏ hẹp. Đạo Phật thịnh hay suy, trang nghiêm giải thoát hay bị biến tướng đầy tục lụy đều chính yếu do người con Phật có Chánh kiến hay không, có tu hành chơn chánh nguyện hộ trì Phật Pháp hay không, như Đức Phật đã từng dạy:

Này các Tỷ kheo, biển lớn không chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, không phải Sa môn mà tự xưng Sa môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, chứa đầy tham dục. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi chúng Tăng”.

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 5, phẩm Trưởng lão Sona, NXB TP.HCM, 1999, tr.215)

Thực trạng mà bài Pháp: Chướng của người tu Phật hiện nay, Kiến giải và hành trì sai lệch trong tu Phật… nói đến đều tồn tại nhan nhãn trong lòng xã hội hiện nay. Đời sống phạm hạnh giải thoát vốn có của người tu Phật nay bị biến tướng khôn lường trước mọi cám dỗ của xã hội và dục vọng vô minh của bản thân. Thời đại thông tin, thử hỏi có mấy ai không biết mà tà tâm bưng bít, che đậy hay ngụy biện cho Tà hạnh và Ma sự mình làm ở chốn Già lam thanh tịnh (?). Hệ lụy là làm mất tín tâm và huệ mạng của biết bao người Phật tử. Trước Pháp nạn trên, người tu Phật sao có thể giả điếc giả câm bàng quan vô tâm phớt lờ cho qua chuyện, không trực tâm lên tiếng thẳng thắn nhìn nhận đó là nghịch phạm để góp phần cảnh tỉnh răn người cải ác tùng thiện, trả lại sự trang nghiêm xuất thế vốn có của Đạo Phật tự bao đời? Chúng sanh tầm về Phật Đạo nương tựa là do lòng Từ bi – Vô ngã và Đời sống phạm hạnh giải thoát thể hiện nơi oai nghi thân – khẩu – ý giáo của người tu Phật chơn chánh chứ chẳng phải nói suông, tâm khẩu bất nghiêm, tri hành bất nhất. Trực tâm tự tứ và nhẫn lực tinh tấn điều phục những tâm chướng thô tế ẩn tàng sâu kín, chỉ rõ những khuyết phạm mê lầm, thanh trừ Tà hạnh và Ma sự chướng trái đang ký sinh nhiễu nhương cửa Phật, minh định Chánh Pháp phổ truyền đến mọi người giúp tự cảnh tỉnh tránh lầm lạc đường tu, hộ trì ngôi Tam Bảo thế gian luôn trang nghiêm giải thoát độ đời trầm mê, đó là thể hiện Bi – Trí – Dũng của người tu Phật chơn chánh.

Lành thay cho những ai phát tâm Bồ Đề kiên cố, nhẫn lực chơn tu, hồi Tà hiển Chánh, hộ trì Phật Pháp.

Xưa Đức Phật đã tu như thế nào, vậy hàng hậu học hãy noi gương Phật nghiêm tu hạnh Phật!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————————-

Tham khảo: