le-hang-thuan
Lễ Hằng Thuận

A. XUẤT XỨ VÀ Ý NGHĨA CỦA NGHI LỄ HẰNG THUẬN

Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, cụ đồ Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu là Đồ Nam Tử (1883 – 1940) là người đầu tiên nghĩ đến việc tổ chức lễ cưới tại chùa. Ông vốn là một nhà Nho quê ở Hải Dương, sau quy y Tam Bảo. Với lòng nhiệt thành phụng sự Phật Pháp, ông cho rằng việc tổ chức lễ cưới tại chùa sẽ có lợi ích cho gia đình Phật tử, nhất là đời sống đạo đức tâm linh. 

Năm 1930, tại chùa Từ Đàm – Huế đã tổ chức lễ cưới cho con gái của bác sĩ phật tử Tâm Minh – Lê Đình Thám – là bà Lê Thị Hoành với ông Hoàng Văn Tâm. Đây là lễ cưới đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước nhà. 

Đến năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa đã chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là Lễ Hằng Thuận. Mục đích chính của lễ Hằng Thuận là làm thế nào để cho đôi vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của nền tảng đạo đức tâm linh trong đời sống gia đình, để từ đó hướng đến một đời sống hôn nhân thật sự an lạc hạnh phúc. Điều này có nghĩa là vợ chồng phải luôn sống trên tinh thần hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm và bổn phận của người vợ người chồng trong đời sống lứa đôi, đối với ông bà cha mẹ và con cái của mình; vừa hướng đến con đường tu tập giác ngộ giải thoát trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và tu tập theo Bát Chánh Đạo… 

Trong buổi lễ, ngoài một vài lễ nghi truyền thống của một đám cưới như tuyên bố lý do, trao nhẫn cưới, nhận lời chúc tụng của hai họ, thì nghi thức Hằng Thuận trong ngày cưới còn bao gồm việc tạo điều kiện cho cô dâu – chú rễ được đảnh lễ chư Phật, được Quy y Tam Bảo, được chư Tăng đứng ra chứng minh hôn sự ngay nơi Chánh điện, đồng thời được qúy Thầy tận tình hướng dẫn đạo lý vợ chồng trong đời sống hôn nhân như lời đức Phật đã dạy trong kinh Thiện Sanh hay kinh Ca Thi La Việt…

Phật dạy người chồng phải có năm bổn phận đối với người vợ:

1. Phải biết tôn trọng vợ.
2. Không bất kính hay đối xử tệ bạc với vợ.
3. Phải chung thủy, trung thành với vợ.
4. Phải tin tưởng giao tài sản, tiền bạc cho vợ quản lý.
5. Phải sắm đồ nữ trang cho vợ một khi  có điều kiện.

Đồng thời Ngài cũng dạy người vợ phải làm tròn năm bổn phận đối với người chồng:

1. Phải luôn làm tròn bổn phận trong nhà.
2. Phải vui vẻ tử tế với quyến thuộc bên chồng.
3. Phải luôn chung thủy với chồng.
4. Giữ gìn cẩn thận đồ trang sức và luôn coi sóc giữ gìn của cải, đồ dùng trong nhà.
5. Luôn siêng năng, không bao giờ trút tháo công việc cho người khác.

 

B. LỄ HẰNG THUẬN. CÓ NÊN HAY KHÔNG?

Có một số điểm cần luận rõ:

 

1. Chùa chiền là nơi trang nghiêm thanh tịnh để Quý Tăng – Ni tu hành, những người đã thệ nguyện cắt ái ly gia, trường chay tuyệt dục, tinh chuyên thiền định (Giới – Định – Huệ), huân tu tâm hạnh xuất thế, hướng đến viên mãn Đại sự liễu thoát tử sanh không chỉ riêng mình mà cả muôn vạn chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương. Chùa chiền cũng là nơi hội tụ quy Phật sám hối tu hành của không chỉ người cư sĩ tại gia vốn còn chịu sự buộc ràng bởi nghiệp duyên tục trần chưa dứt mà còn tất thảy chúng sanh trong khắp cõi 10 phương. Rõ ràng, ngôi Tam Bảo là nơi giải thoát tôn nghiêm, là nơi quy ngưỡng Phật của tất cả chúng sanh tầm về nương tựa tu hành, tiếp gót Chư Phật.

  • Xưa, Thái tử Tất Đạt Đa vì lòng Từ Bi vô lượng trước nỗi thống khổ sanh – lão – bệnh – tử luân hồi của muôn vạn chúng sanh mà tầm đường giải thoát, độ tận tất cả. Cha già, ngôi vị Đế Vương, vợ đẹp, con thơ, quốc gia, dân tộc…, tất cả Ngài dứt khoát xả ly, chí nguyện xuất trần định kiên bất động. Đối trước bao khổ nhọc nguy nan, ngoại Ma khảo chướng luôn chực hờ vây khốn, Ngài chẳng những không hề từ nan chùng bước mà lòng Từ mẫn càng trùm khắp cao sâu, quyết ngộ Đạo mầu độ thoát chúng sanh, chẳng màng sanh tử. Cuối cùng, Ánh Đạo Từ phổ chiếu tận cùng khắp cõi vô minh, dìu dắt 10 phương pháp giới chúng sanh tầm về Tánh Giác.
  • Gương giác hạnh xưa còn đó, thế mà hiện nay rất nhiều vị Tăng / Ni lại đồng thuận tổ chức lễ cưới trong chùa dưới sự chứng minh của Tam Bảo? Hẳn ai cũng biết, ái dục là cội nguồn của luân hồi sanh tử, là gốc rễ của khổ não trần lao, là nội chướng khó buông xả nhất của người tu Phật trên lộ trình giải thoát. Trong khi đó, lễ cưới cho đôi uyên ương chính là sự khởi đầu của đời sống vợ chồng, trong đó có đời sống tình dục lứa đôi, sinh con đẻ cái, tiếp nối duyên nợ của nhau trong tiền kiếp. Vậy cớ sao Tăng / Ni lại tổ chức Hỷ sự trong chùa khi nó đi ngược lại tinh thần giác ngộ – giải thoát của nhà Phật? Thái tử Tất Đạt Đa (Đức Phật) đã hỷ xả tất cả tầm đường thoát Khổ độ tận chúng sanh thì lẽ ra Tăng / Ni – những người mặc áo giải thoát của Phật, trụ tại điện Phật, trì ấn lệnh Phật – phải nghiêm hành theo hạnh Phật, hoằng khai và hộ trì Giáo lý giải mê cứu khổ lợi lạc khôn cùng đến khắp vũ trụ nhơn sanh, cớ sao lại tà kiến điên đảo hành nghịch hạnh hủy Phật báng Pháp khi muốn Phật cùng mình (kẻ phàm Tăng vô minh tăm tối) chứng minh và chúc phúc cho Tập Khổ ấy tại chốn Phật môn thanh tịnh? Chứng minh cho điều gì khi đó là sự khởi đầu tiếp nối của khổ não ngục tù lại tiếp tục gồng gánh đa mang trong ái dục tình trường vô thường giả tạm; chúc phúc cho điều gì khi chúng sanh cứ mãi chìm đắm miệt mài đắp mê bồi ngã, gốc rễ luân hồi càng chồng chất thêm sâu; lại được chính Thích tử đồng thuận mang vào khuấy nhiễu chốn Phật môn trang nghiêm thanh tịnh? Đây không phải là Chánh kiến, Chánh nghiệp, Chánh mạng của người tu sĩ chơn chánh mà là Tà kiến vô minh được hằng thuận dưới danh nghĩa hoằng Pháp lợi sanh của đa số Tăng lữ tục hóa Đạo Phật thời mạt tâm.

 

2. Tu sĩ là những người cắt ái ly gia, nguyện trọn đời nghiêm trì Thanh quy và Giới luật nhà Phật để tự bảo hộ đường tu, nhẫn lực tinh tấn tịnh nhiếp sáu căn trụ tâm thiền (niệm Phật, tham thiền hay trì Chú) miên mật ba thời chẳng mỏi để tịnh hóa tam nghiệp thân – khẩu – ý trọn lành, không cho thoái thất. Với vô minh và ái thủ ngã tướng tích tập bao đời, khi chùa chiền tổ chức Lễ Hằng Thuận cho đôi lứa, minh chứng và chắp cánh cho đời sống hôn nhân được bay bổng thì tu sĩ (phàm Tăng) sao có thể điều phục được thân tâm, tịnh trụ các căn không cho loạn động? Với lương duyên thế tục mình chứng minh và chúc phúc trước mắt, tu sĩ (phàm Tăng) sao có thể tránh khỏi những rung động, bồi hồi, xao xuyến… chuyện lứa đôi, để rồi thối thất Đạo tâm, đuổi hình bắt bóng những dục niệm, hư ảnh và cảm thọ bất tịnh đang ồ ạt dấy khởi khảo hành? Đó là “nội chướng” khó vượt qua nhất được buông lung cho khuấy động tung hoành, chưa kể đến “ngoại Ma” luôn hờ cơ khảo đảo, hủy hoại Đạo nghiệp người tu hành. Xưa, Đức Thích Ca Mâu Ni lúc chưa viên mãn Phật quả đã từng bị Ma Dâm Dục hiện thân quấy phá, khảo tâm trong suốt 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ Đề; nay, thực tế cho thấy có không ít tu sĩ đã không điều phục nổi chướng ái dục mà phá Giới phạm dâm, Huệ mạng không còn, khổ đọa chắc chắn. Do đó, Quý tu sĩ đừng phan duyên nghịch hành tự chướng, buông lung phóng dật tự đẩy Huệ mạng tu hành của chính mình đến bờ vực thẳm; đừng tự “trợ duyên” cho nội chướng ngoại Ma cường liệt khảo đảo mà tự hủy hoại Đạo nghiệp không còn.

 

3. Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Đó là phương tiện thiện xảo để tùy duyên hóa độ nhằm dìu dắt chúng sanh thấm nhuần Chánh Pháp, tinh tấn tu hành phá mê khai ngộ chứ không phải để “tùy thuận, thỏa hiệp” tham, sân, si, dục vọng mê mờ không đáy của chúng sanh, khiến họ đặng trầm mê. Hãy mang Pháp vị giải thoát – Bản Lai Diện Mục của Phật Đạo – hướng hóa độ tận chúng sanh chứ đừng pha tạp thêm đủ vị sanh diệt lắm mùi tục lụy uế trược phù hư dưới danh nghĩa Phật Pháp. Đức Phật đã dạy nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với người thân trong gia đình, mọi người ngoài xã hội, với quốc gia dân tộc cốt yếu là để hoàn thiện Nhơn-đạo ở đời cho vuông tròn trước khi bước sang con đường Phật-đạo chuyên tu giải thoát. Hạnh nguyện của Chư Phật là độ tận chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh, tấn tiến vô ngại cho đến khi trọn thành Phật-đạo vô thượng. Vì thế, là Phật tử, tuyệt đừng mống tâm hủy Phật báng Pháp, tục hóa, gán ghép, đánh đồng Phật Pháp với những gì được cho là ý nghĩa hay mục đích của Lễ Hằng Thuận – vốn chỉ là Tà kiến điên đảo và cách hành trái Pháp nghịch Đạo của đa số phàm Tăng thời nay – rồi đồng thuận nhau cổ xúy. Rồi đây, nếu như cặp uyên ương nào cũng rủ nhau vào chùa tổ chức cưới hỏi thì sự trang nghiêm giải thoát chốn thanh tu có còn chỗ đứng? Tu sĩ rồi sẽ phải bận rộn cho những Lễ Hằng Thuận ấy thế nào, Đạo nghiệp giải thoát ngã về đâu? Người đến chùa lễ Phật sẽ không còn chỗ để mà phủ phục, suy ngẫm, thúc liễm tập tu hành bởi nơi tôn nghiêm ấy đang được cô dâu, chú rể cùng họ hàng nội ngoại hai bên và các Tăng / Ni chuyển “công năng” vào Hỷ sự thế tục vui vầy. Than ôi! Mỗi người sống trên đời đều có vai trò, trách nhiệm và bổn phận riêng của mình, Quý tu sĩ hãy trực tâm tỉnh giác trở về đúng với vai trò của một “Sứ giả Như Lai” chơn chánh.

 

4. Theo quan niệm của Đạo Ki-tô, cặp đôi nào được đức Cha ban phước tại nhà thờ mới thực sự thành vợ, thành chồng và được hưởng phúc. Điều này dường như không còn là ngoại lệ trong suy nghĩ, dù vi tế, của những người con Phật (?). Hiện nay, bên cạnh rất nhiều “sao” hoạt động trong giới nghệ thuật, còn có rất nhiều bạn trẻ, Phật tử tổ chức lễ cưới trong chùa. Họ mong một đám cưới được tổ chức trong Chùa, dưới sự minh chứng của Đức Phật và sự chúc phúc trăm năm của chư Tăng / Ni thì không khí sẽ thêm phần thiêng liêng, trang trọng; hạnh phúc vợ chồng sẽ được bền chặt dài lâu. Vì sao? Bởi cuộc sống thời nay sao hỗn độn quá, ai cũng sống vội, thực dụng khiến cho mọi thứ cứ rối tung lên, thay đổi xoành xoạch…; trong đó, tình yêu và hôn nhân cũng không ngoại lệ trước bao cám dỗ của tiền tài, vật chất, lợi danh… Sự mong manh, khó nắm bắt dường như vô hình của hạnh phúc khiến cho người trong cuộc bất an, chẳng biết tin vào đâu trong “thế giới phẳng” này thì cửa Phật, như một điều hiển nhiên, là nơi họ sẽ tìm đến để “tự an tâm”, bởi họ thiển nghĩ những gì được nương nhờ nơi cửa Phật, được Chư Phật chứng minh thì luôn được che chở, phù hộ an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế, cái phúc đó có thực không, hạnh phúc có bền chặt không lại tùy thuộc vào chính sự hòa hợp của 2 vợ chồng và duyên nghiệp của họ quyết định chứ nào phải ai khác. Dẫu đã từng tổ chức hôn lễ trong chùa, được Tăng / Ni chúc phúc; hoặc có níu kéo, năn nỉ; hay nghe đi nghe lại lời Phật dạy về sự thủy chung, trách nhiệm, bổn phận của vợ chồng đối với nhau đi nữa (?) để hồi tâm cứu vãn khi hôn sự có vấn đề… thì kết cuộc cũng vô phương thay đổi khi 2 người đã hoàn toàn hết nợ duyên. Đây là sự tất yếu của luật Duyên Khởi, Nhân – Quả, Vô thường mà Đức Phật đã từng khai thị. Đó là chưa nói đến Quý Phật tử đã vô tình tạo nghịch chướng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự thanh tu của Tăng lữ cũng như sự trang nghiêm chốn Không môn (như đã giảng ở mục 1 và 2). Vì vậy, là Phật tử, cần phải có Chánh kiến tư duy để tỏ tường, trạch Pháp trước mỗi hành động và quyết định của mình, trong đó có Hỷ sự của đời người, sao cho phù hợp với Chánh Pháp và khuôn phép nhà Phật.

 

5. Không còn lạ gì nữa, báo mạng đã từng xôn xao, giật tít tin về đám cưới của một gia đình thuộc hàng “đại gia” được tổ chức ở chùa. Như một trào lưu mới, các nhân vật được quy vào hàng “sao” trong làng giải trí, thể thao, nghệ thuật cũng lần lượt tay trong tay tổ chức lễ cưới hỏi trong chùa. Ai ai cũng hiếu kỳ, không chỉ đọc qua loa mà còn muốn mục sở thị coi họ tổ chức hoành tráng thế nào, bày vẽ ra sao trong chốn Phật môn thanh tịnh để rồi lại lắc đầu thở dài ngao ngán: “Đúng là phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi Đạo Phật vượt lên được thế giới công nhận là tôn giáo Từ Bi, Bình Đẳng, Hòa Bình và Khoa Học nhất trong lịch sử đời sống nhân loại… thì những đám cưới của các “sao” có phần nào thỏa mãn tâm tánh chơi trội của những người trong cuộc. Thời buổi công nghệ số, những giá trị nhân văn, đạo đức thậm chí có thể mua bằng tiền cho mục đích đánh bóng tên tuổi, sự nghiệp thì có gì là ngoại lệ, kể cả chốn Thiền môn? Ngược lại, tổ chức những tiệc cưới như thế này, sự cúng dường không hề nhỏ và tu sĩ có tư tâm lạm Pháp lợi dưỡng?… Và, còn nhiều nữa những câu hỏi không có hồi kết. Nếu đúng là như vậy thì than ôi, cửa Phật môn đã bị lấm lem bởi bã lợi danh lắm mùi tục lụy cấu trược! Thật là xót xa!

 

* TÓM LẠI

Chánh Pháp Phật là Kim chỉ nam để giáo hóa chúng sanh tu tập trên đường giác ngộ – giải thoát. Sự nghiệp hoằng khai và hộ trì Phật Pháp phụ thuộc vào sự hành Pháp chơn chánh của mỗi người con Phật, dù là tu sĩ hay cư sĩ; tuy nhiên, cần dưới con mắt trí huệ trạch Pháp để việc hành Pháp luôn giữ được sự tinh túy vi diệu, tinh thần giải thoát uyên nguyên vốn có của Đạo Phật mà giác ngộ độ đời. Ngược lại, thế tục hóa Đạo Phật sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng đến Tín tâm, sự định hướng tu hành đúng đắn cũng như Huệ mạng chơn chánh của người con Phật, làm mất đi tính “Bổn Lai Diện Mục” của Phật Đạo trong lòng mọi người, từ đó chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến Đại sự hoằng truyền Phật Pháp, cứu độ chúng sanh.

Trên tinh thần Bi – Trí đó, hãy gác lại hôn lễ cưới hỏi thế tục ngoài cửa chùa. Tu sĩ KHÔNG được tổ chức lễ cưới trong chùa vì đó không phải là Chánh nghiệp, Chánh mạng người xuất gia.

Mọi người nói chung, Quý Phật tử nói riêng nếu có Hỷ sự thì tốt nhất nên:

  • Tổ chức tại nhà hàng hoặc tại tư gia với các món chay thanh đạm phù hợp với đạo Từ Bi, lại đỡ tốn kém xa hoa không cần thiết.
  • Trước hoặc sau hôn lễ, đôi uyên ương và gia đình 2 họ có thể đến chùa lễ Phật, đồng thời trình bày nguyện vọng, mong ước chính đáng trong đời sống hôn nhân và gia đình mà mình kỳ vọng để Quý tu sĩ ở chùa sắp xếp buổi Pháp đàm phù hợp (Kinh Thiện Sanh, Kinh Ca Thi La Việt…), nơi đó không chỉ có sự thuyết giảng từ Tăng / Ni và lắng nghe một chiều từ Phật tử tại gia mà thật sự là cuộc luận đàm 2 chiều từ 2 phía.

Làm như thế vừa giữ được sự trang nghiêm – thanh tịnh vốn có chốn Phật môn, tinh thần giác ngộ – giải thoát của Phật đà mà vẫn mang lời Phật dạy phổ biến đến với mọi người, giúp tốt Đời – đẹp Đạo.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

 

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên