phat-phap-van-dap-4-duc-phat-dan-sanh-vao-mung-8-4-al-hay-15-4-al

* CÂU HỎI

Kính Thầy!

Thầy cho con hỏi là trong Quyển “Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược” chương 12 trang 61, bài “Các ngày vía trọng yếu nên nghi nhớ” có ghi là: ngày mùng 8 tháng 4 vía Đức Phật Thích Ca giáng sanh, và ngày Rằm tháng Tư cũng ghi vía Đức Phật Thích Ca giáng sanh?

Theo con được biết thì hai hệ văn học chính của Phật giáo: Pali và Sanskrit đều ghi là Đức Phật đản sanh nhằm ngày trăng tròn tháng Vesak. Theo lịch Ấn Độ, tháng Vesak tương đương với tháng 4 âm lịch Trung Hoa và những nước chịu ảnh hưởng nền văn hoá Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam, do đó, ngày đản sinh của Đức Phật là ngày trăng tròn tháng 4 âm lịch, chứ không phải là ngày 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng trong sử Phật giáo Trung Quốc, từ các loại sách Sơ Đẳng Phật Học Giáo Khoa Thư cho đến các bộ sử hoặc truyện của các cao Tăng có liên hệ đến ngày Phật đản đều ghi lễ kỷ niệm Đức Phật đản sanh vào ngày 8 tháng 4 âm lịch. Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng Phật giáo Trung Quốc rất lớn, do đó cũng lấy ngày 8 tháng 4 âm lịch làm ngày kỷ niệm đản sanh của Đức Phật.

Thuở trước, lễ Phật đản sinh của Đức Phật Thích Ca là ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch, nhưng kể từ ngày Đại Hội Phật Giáo Thế Giới lần thứ II họp tại Đông Kinh (Nhật Bản) năm 1952 thì được đổi lại là ngày trăng tròn, tức là ngày Rằm tháng 4 âm lịch.

Kính mong Thầy thương xót con mà giảng giải ạ.

Diệu A Di Đà Phật_()_

 

* PHÚC ĐÁP

Dẫu kỷ niệm Đức Phật đản sanh vào mùng 8-4 AL hay 15-4 AL, hoặc đều kỷ niệm vào cả hai mùng ấy đi nữa thì nên biết rằng, tất cả mọi thời khắc trong cuộc sống của chúng ta đều để tưởng nhớ đến cuộc đời, ân đức từ bi vô lượng và hạnh nguyện độ tận chúng sanh vô biên không thể nghĩ bàn của Ngài mà tự giác – tự tu – tự độ chơn chánh, từ đó hoằng truyền Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh, đáp đền ân Phật trong muôn một.

Hãy nhớ: tu Phật phải hành theo tâm hạnh Phật mới xứng đáng là con Phật. Đó là: không tham cầu dục ái, không chấp thủ ngã tướng, không hủy phạm Giới hạnh, không phóng dật buông lung, không giải đãi hý luận, không mê tín dị đoan, không hành sự trái chướng, không mượn Đạo tạo đời…, giữ thân tâm trong sạch tu hành trang nghiêm. Đó mới chính là chơn cúng dường Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cùng 10 phương Chư Phật.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên