kien-giai-va-hanh-tri-sai-lech-trong-tu-phat

Dưới đây là những kiến giải và hành trì sai lệch trong tu Phật thời nay. Mong Đại chúng tịnh tâm thọ Pháp!

1. Y BÁO TRANG NGHIÊM CÕI PHẬT A DI ĐÀ

Dưới đây là trích đoạn miêu tả Y Báo trang nghiêm của cõi “Cực Lạc” như sau:

Xá Lợi Phất! Cõi đó vì sao tên là Cực lạc? Vì chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lạc. 

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có bảy từng báu lớn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng cây đều bằng bốn chất báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc. 

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất. Vàng bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường ở bốn bên ao; trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Trong ao có hoa sen lớn như bánh xe: hoa sắc xanh thời ánh sáng xanh, sắc vàng thời ánh sáng vàng, sắc đỏ thời ánh sáng đỏ, sắc trắng thời ánh sánh trắng, mầu nhiệm thơm tho trong sạch. 

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. 

Xá Lợi Phất! Lại trong cõi nước của Đức Phật đó thường trổi nhạc trời, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời Mạn Đà La. Chúng sanh trong cõi đó thường vào lúc sáng sớm đều lấy đãy hoa đựng những hoa tốt đem cúng dường mười muôn ức Đức Phật ở phương khác, đến giờ ăn liền trở về bổn quốc ăn cơm xong đi kinh hành. 

Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy. 

Lại nữa, Xá-Lợi-Phất! Cõi đó thường có những giống chim màu sắc xinh đẹp lạ thường, nào chim Bạch-hạc, Khổng-tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cọng-mạng. Những giống chim đó ngày đêm sáu thời kêu tiếng hòa nhã. Tiếng chim đó diễn nói những Pháp như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần v.v… Chúng sanh trong cõi đó nghe tiếng chim xong thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng! 

Xá-Lợi-Phất! Ông chớ cho rằng những giống chim đó thiệt là do tội báo sanh ra. Vì sao? Vì cõi của Đức Phật đó không có ba đường dữ. 

Xá-Lợi-Phất! Cõi của Đức Phật đó tên đường dữ còn không có huống gì lại có sự thật. Những giống chim đó là do đức Phật A Di Đà muốn làm cho tiếng Pháp được tuyên lưu mà biến hóa làm ra đấy thôi. 

Xá-Lợi-Phất! Trong cõi nước của Đức Phật đó, gió nhẹ thổi động các hàng cây báu và động mành lưới báu làm vang ra tiếng vi diệu, thí như trăm nghìn thứ nhạc đồng một lúc hòa chung. Người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sanh lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. 

Xá-Lợi-Phất! Cõi nước của Đức Phật đó thành tựu công đức trang nghiêm dường ấy”. 

(trích Kinh A Di Đà. Việt dịch: Hòa thượng Thích Trí Tịnh)

Diệu ý của đoạn trích trên nói về Y Báo vô cùng trang nghiêm vi diệu tối thắng của A Di Đà Phật Quốc, được thành tựu từ Tâm – Nguyện – Hạnh Từ Bi vô lượng vô biên của Đức Phật A Di Đà. Phật Quốc ấy là nơi mười phương ba đời Chư Phật đồng quy, đồng hiện tướng lưỡi dài rộng khắp (thuyết Pháp) để hóa độ thiên hình vạn trạng chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương tất thảy quy về. Tuy nhiên, điều kiện duy yếu để được quy về cõi Phật ấy là hành giả công phu niệm Phật phải thành tựu Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật (tức Niệm Phật Ba-la-mật) chứ không phải Nhất Tâm Bất Loạn, càng chẳng thể nhờ chút ít thiện căn phước đức nhân duyên rồi vọng cầu cho được. Vì vậy, người tu cần phải liễu tường những ý sau đây để thênh thang thẳng lối quy về, tránh mê lầm lạc Đạo:

  • Nhất Tâm tức tâm chỉ an trụ miên mật nơi Phật hiệu A Di Đà; Bất Loạn tức tâm an định, không vọng tưởng tạp loạn sinh khởi khi trì tâm niệm Phật trong một khoảng thời gian nhất định, dài ngắn tùy vào công phu sâu cạn sai khác. Như vậy, hành giả niệm Phật thành tựu Nhất Tâm Bất Loạn vẫn hoàn toàn có thể bị thoái thất nếu khởi tâm tự mãn, buông lung, thiếu nhẫn lực tinh tấn. Hỏi: Nếu hành giả niệm Phật tu hành mà còn chấp trước ngã – nhơn và pháp tướng, kể cả Y Báo trang nghiêm của cõi Phật, thì làm sao thành tựu Nhất Tâm Bất Loạn, huống gì Vô Niệm Ba-la-mật (Niệm Phật Ba-la-mật) để được giác ngộ – giải thoát quy về?
  • Ngôn ngữ phương tiện không thể diễn giải rốt ráo Diệu Pháp Phật-đà, huống gì cõi Phật trang nghiêm tịch tịnh. Bậc Đại Bồ Tát còn không thể luận suy, đo lường Tâm – Nguyện – Hạnh của Chư Phật, huống gì kẻ phàm ngu căn trí si muội. Do đó, mượn ngôn ngữ để diễn ý, được ý phải quên lời mà trạch Pháp – liễu Tâm hầu tiến tu bất thối, chớ đừng kiến chấp Kinh tự miêu tả mà vọng cầu, mê trái. Nếu hành giả không trực Tâm y Tánh tu hành, nhiếp phục 6 căn tịnh niệm tương tục đến khi kiến ngộ Giác Tánh, hỏi A Di Đà Phật Quốc tầm ở phương nao theo sắc tướng huyễn bào?
  • Đức Phật đã từng dạy: “Ưng vô sở trụ tu hành giải thoát. Nếu ai ái thủ sắc tướng và âm thanh (chấp Ngã – chấp Pháp) mà tu Đạo tức kẻ ấy đang hành Tà đạo”. Do đó, thiết tha khuyên Đại chúng đã tu Phật hãy giữ trọn lòng thanh tịnh vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ, chớ chấp niệm làm chi Y Báo trang nghiêm của cõi Phật mà tự chướng trái. Lìa Tâm tu Phật, ắt lạc Đạo Bồ-Đề. Lìa Tánh thuyết Pháp, tức đồng Ma thuyết. Mọi tâm niệm tham cầu, chấp trước nơi ngã – tướng, thần thông, diệu dụng, cảm thọ… khi tu Phật (thuyết Pháp, tu hành) đều là mê chướng, sớm muộn ắt sẽ bị Yêu – Tà – Quỷ – Mị dẫn lối, giả hiện cảnh Ma mà tự lầm cõi Phật rồi sa vào thì lạc mất huệ mạng còn đâu!
  • Hãy xem thêm các bài Pháp sau đã giảng rõ: 

2. MẬT CHÚ

“Mật“ tức bí mật nên không thể nghĩ bàn, tuyệt chẳng thể dùng trí thức phàm ngu mà diễn hiểu. “Chú” tức Mật ngữ lưu xuất từ Mật hạnh Từ Bi Vô Lượng Vô Biên của 10 phương Chư Phật. Mật chú có thể nói là Mật ngữ của Chư Phật với công năng diệu dụng mầu nhiệm vô lượng vô biên hóa độ thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương hồi tâm sám hối quy Phật tu hành cho đến khi trọn thành Phật Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Đức Phật vì lòng Từ Bi vô lượng nguyện độ tận chúng sanh kiến ngộ Phật Tánh, viên thành Phật đạo nên mới thị hiện trên đời, Hỷ Xả tất cả, chẳng tiếc thân mạng tầm phương cứu khổ độ đời trầm mê. Để rồi từ đó, Chánh Pháp Phật soi sáng tận nguồn mê, hạnh Từ Bi – Vô Ngã được lưu truyền hậu thế làm kim chỉ nam hành trì, đường lối tu chơn Giới – Định – Huệ khai ngộ biết bao người kiến Tánh, viên thành Phật đạo. Do Mật chú có từ hạnh nguyện Phật vô lượng vô biên như thế nên công năng diệu dụng hóa độ chúng sanh cũng tương ưng với Phật nguyện, không thể nghĩ bàn. Thế mà:

  • Nhiều vị tu sĩ và dịch giả hiện nay lại hành việc trái Pháp khi phiên dịch, diễn giải ý nghĩa và diệu dụng của Mật chú vốn là Mật ngữ của Chư Phật. Ngay cả Chư Đại Bồ Tát còn không thể liễu nghĩa hết Mật ngữ này, sá gì căn trí si muội mê ám của phàm phu. Làm như thế thì có khác gì “đem tâm phàm đo lường Phật trí”, lợi lạc chẳng thấy, chướng ngại muôn trùng.
  • Nhiều vị dịch / giảng rằng trì chú “thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời” (1), cầu trai được trai, cầu gái được gái, muốn gì được nấy, tùy cầu tức đắc. Dịch giảng như thế có khác gì biến Phật đạo giác ngộ – giải thoát thành đạo mê tín, thần quyền, trái luật Nhân – Quả; biến Mật chú vi diệu của Chư Phật giúp hóa độ chúng sanh kiến ngộ Phật tánh trở thành công cụ thỏa mãn tâm vọng mê cầu tham – sân – si không đáy của chúng sanh. Thật là tội lỗi!
  • Nhiều vị dịch / giảng rằng trì chú “mà muốn cầu quả báo xuất thế thì sẽ đạt được mục đích” (2). Dịch giảng như thế tức đi ngược lại tâm hạnh Hỷ – Xả, Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ của nhà Phật; đi ngược lại đường lối tu chơn mà Chư Phật trao truyền. Cầu tức tham, thuộc về tam độc tham – sân – si. Vậy cầu Phật hay cầu quả báo xuất thế tức tự mê chướng, hỏi sẽ đạt được thành tựu gì chơn chánh? Phổ biến kiến giải sai lầm này rộng khắp sẽ khiến bao người tự chướng ngại đường tu, tự bít lấp cửa ngộ, khác gì hủy báng 10 phương 3 đời Chư Phật.
  • Nhiều vị dịch / giảng rằng trì chú thì “hành giả có thể đập tan các loài Thiên ma ngoại đạo, Quỷ Thần thành từng mảnh vụn” (3). Than ôi! Dịch giảng như thế nào khác gì tà kiến ác độc, đi ngược lại với tâm hạnh Từ – Bi của Phật-đà, giết đi Phật-chủng từ bi nơi tâm địa chúng sanh, khiến họ lạc Đạo Bồ Đề mà chẳng biết. Dẫu trên đường tu có bị Tà – Ma – Yêu – Quỷ… khảo đảo, hoành hành thì người tu Phật chỉ với lòng Từ Bi vô lượng – Hạnh Nguyện vô biên mới có thể hóa độ họ cải Tà quy Chánh, hồi tâm sám hối quy Phật tu hành, hộ trì Phật Pháp mà thôi; nào có dụng tâm ác độc giết hại, chất chồng vô minh nghiệp chướng như thế bao giờ. Xưa, dưới cội Bồ Đề, trước khi viên thành Phật đạo, Bồ Tát Tất Đạt Đa đã từng bị Tà – Ma – Ngoại đạo… phá nhiễu bao lần hầu phá hủy đường tu nhưng Ngài vẫn an nhiên tịch tịnh vô ngại, lại còn từ bi khai thị hóa độ quy Chơn thẳng về nẻo Giác, là gương hạnh Từ Bi vô lượng muôn đời khai thông kẻ hậu tấn. Tất cả chúng sanh đều sẽ có Phật Tánh nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm nguyện tu hành chơn chánh vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh, hạnh nguyện của Chư Phật là độ tận chúng sanh viên thành Phật đạo, kể cả các loài Thiên Ma, Yêu, Tà, Quỷ, Mị… thì Chư Phật, Chư Hộ Pháp không vì độ riêng ai mà bỏ sót một ai, huống gì giết hại. Đó là lý tánh Từ Bi – Bình Đẳng của nhà Phật. Rõ thấy, thuyết giảng như thế là trái với Chơn tâm Giác tánh, hủy báng Phật hạnh, tức đồng Ma thuyết.
  •  Nhiều vị dịch / giảng rằng trì chú sẽ có thần thông, hoặc tập trung luận về diệu dụng, quyền biến thù thắng… sẽ phát sinh từ chú nơi thân tâm người trì. Đó là do tâm niệm chấp ngã vi tế nên luận diễn những điều huyền bí cao siêu, xem đó như là minh chứng cho sự đắc Pháp của mình; hoặc do tham muốn, mê cầu thần quyền, diệu dụng nên bị Yêu Tà dẫn dắt, Ma chướng không hay… Họ nào biết rằng nếu chưa tâm thiền đến Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật thì mọi tri kiến về diễn biến nơi thân tâm khi tu hành đều chẳng chơn thật, chấp trước mà chi tự chướng đạo Bồ Đề. Duy chỉ có tâm Từ Bi Hỷ Xả – Trí Huệ – Vô Trụ mới giúp hành giả tấn tu thẳng lối quay về; còn ngược lại, sớm muộn ắt lạc nẻo Tà chắc chắn.

3. TÀ THUYẾT

Đức Phật đã từng dạy: “Thời mạt Pháp, Tà sư thuyết Pháp nhiều như cát sông Hằng”. Thật vậy, không khó để nhận thấy rằng các vị tu sĩ xuất gia hiện nay đăng đàn thuyết Pháp nhưng lạm bàn quá nhiều chuyện Phi Pháp (không phải Phật Pháp) như kinh tế, chính trị, lịch sử, xã hội, tình cảm lứa đôi, hôn nhân, gia đình…, trong khi với Chánh Pháp Phật thì lại mê mờ, điên đảo. Có vị biến Phật Pháp thành môn đạo đức – tâm lý học thường tình, xa rời Đạo vị giác ngộ – giải thoát. Có vị thuyết hay nhưng hành chưa tới, thân giáo bất nghiêm, tâm – khẩu bất nhất. Có vị giảng thuyết lại nặng về học thuật, tự mãn với sở chướng “học Phật” của mình (tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân Phật học) nhưng Pháp hành chơn thật chẳng có, si ám mê chướng vẫn sâu dày chồng chất. Có vị giảng chuyên dùng những ngôn từ hoa mỹ có cánh, chưa an nói an, chưa tới nói tới… để đánh lừa cảm thọ và trí tín người nghe, khác gì ma mị ru ngủ trong mê vọng hư dối. Có vị giảng lại báng bổ cả Chư Phật, Chư Tổ, Cổ Đức, Chơn tu; bài xích Tông môn; chia rẽ Tín chúng bằng tâm thái ngã mạn nặng nề kiến chấp vô minh; tà kiến bẻ cong Phật Pháp theo ý mê của mình… Phải chăng tất cả đều vì vô minh, nghiệp chướng, hám danh, lợi dưỡng, lôi kéo và thu nạp tín đồ…?!

Xuất gia cốt yếu là tu giải thoát. Hạnh nguyện của người xuất gia là hoằng truyền Phật Pháp, hóa độ chúng sanh. Người xuất gia, thân thọ cơm cúng dường của đàn na tín thí, mặc áo giải thoát của Như Lai, trụ tại điện Phật, trì ấn lệnh Phật, sao không nhẫn lực tinh tấn nghiêm trì Chánh Pháp Như Lai, phổ truyền Giáo lý giải mê cứu khổ lợi lạc cho vũ trụ nhơn sanh mà lại phóng dật buông lung diễn thuyết chuyện đời, cao trào thế tục… trong khi đó, với kiến thức sở học thế gian thì không thiếu những vị học giả uyên bác, những chuyên gia đầu ngành trong mọi lãnh vực? Bậc chơn tu chẳng dám lộng ngôn, vọng ngữ bởi tâm chí hổ thẹn sâu xa, cảm mộ ân đức sâu dày của Tam-Bảo và chúng sanh. Họ tuyệt chẳng thuyết chuyện đời, chẳng bàn chuyện thế tục, chỉ một lòng hoằng Pháp độ sanh, thân giáo độ đời nghiêm hành hạnh Phật. Với những gì tâm hành chưa tới, họ quyết chẳng dám thuyết điều đó ra, vì hổ thẹn công hạnh chưa tròn, sợ vướng vào nghiệp nhân ắt phải gánh quả trả đền. Họ càng không dám lừa phỉnh tín tâm Đại chúng khi lấy sở ngộ của người xưa làm của mình rồi ê a hý luận, ba hoa, giải đãi, đắp mê bồi ngã. Thế mới biết: Phật Đạo hướng hóa độ Đời trầm mê, tuyệt đừng mê lầm thế tục hóa Đạo. Nếu Phật Pháp chẳng thông, tâm hành bất chánh, thân giáo bất nghiêm, lại ba hoa thế sự đảo điên, luận tranh thị phi đủ đường…, đó chính là Tà sư – Tà hạnh – Tà thuyết, Đại chúng hãy tỉnh giác tránh xa nhằm giữ gìn huệ mạng tu hành.

Tu sĩ xuất gia nếu không công phu trì giới – tâm thiền, sao có thể khai mở Trí Huệ Vô Sư, trạch Pháp Phật truyền mà “y (Giác) Tánh thuyết Pháp”: trên khế Phật lý, dưới thừa Phật nguyện, tùy cơ hóa độ? Nếu Tâm – Thân – Khẩu nghiêm hành chơn chánh, sẽ lợi lạc vô cùng cho tất cả. Còn ngược lại, như Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng răn tỉnh: “Lìa Tánh thuyết Pháp, tức đồng Ma thuyết”.

4. KÊU GỌI CÚNG DƯỜNG, HÙN PHƯỚC

Thực trạng tu hành bát nháo hiện nay cho thấy hầu hết tu sĩ nhân danh Phật giáo “kêu gọi” Phật tử cúng dường tịnh tài, “hùn Phước” để xây chùa to, tượng lớn, in Kinh, từ thiện… Điều này hoàn toàn không đúng Chánh Pháp vì:

  • Phước do tự tâm mỗi người tự nguyện làm với tinh thần vô cầu – vô ngã mới được thành tựu chơn thật. Phật sự hay Thiện sự gì thì chỉ khi tự giác tự tâm tự nguyện làm mới thật lợi ích trọn vẹn, đáng quý. Nếu làm với tâm ý mong cầu điều chi, kể cả tham phước trong đối đãi cho – nhận thì chiếu lý, nhân nào – quả nấy khắc tự tương ưng chiêu cảm, kết quả chẳng được gì lớn lao, chơn thật.
  • Từ đó, cho thấy “hùn Phước” là cách chơi chữ của tu sĩ đem Phật sự và Phước báu ra để “kêu gọi” cúng dường. Đây là sự lạm Pháp, là việc hành trái Pháp vì trọng trách của tu sĩ là tu hành giải thoát, không phải lao xao sự tướng thế gian, mê Sự bỏ Tánh. Giảng giải, khuyến hóa người hành việc Thiện, rộng làm Phật sự (Bố thí, Pháp thí…) khác với chủ trương kêu gọi Phật tử cúng dường, hùn Phước! Đó là chưa kể đến những hệ lụy phát sinh:

+ Về phía cư sĩ: tu sĩ đã hun đúc cho họ tâm niệm mong cầu tham Phước nhỏ hẹp trong Thiện sự mình làm, từ đó sanh tâm chấp Phước mà bỏ Tánh quên tu thì ngoài cái “quả” nhỏ nhoi có được theo ngã mê cầu, sự tu hành hướng Phật rốt cuộc có được lợi lạc gì đâu. Lỗi này do ai?

+ Về phía tu sĩ: phàm Tăng tâm tham – sân – si vẫn còn nên dễ bề sa đọa ngũ dục, đắm mê thói tục, hám danh lợi dưỡng không hay nên sẽ có muôn vàn khuất tất, chướng nạn phát sinh từ việc kêu gọi hùn Phước và nắm giữ tiền tài, vàng bạc, vật phẩm cúng dường. Thực trạng tu hành hiện nay đã minh chứng điều này. Nhiều vị lạm dụng danh nghĩa Phật Pháp để lôi kéo tín đồ, kêu gọi cúng dường sẽ được phước, cúng nhiều phước nhiều. Họ ăn trên ngồi trước, người rước lọng che hầu quạt, lại được phủ phục vinh danh như “Bồ Tát sống” mà bản thân nào có đổ một giọt mồ hôi sôi nước mắt để tìm kế sinh nhai, huống gì chắt chiu dành dụm từng chút tịnh tài có được cho Phật sự như Quý cư sĩ ở đời thường. Họ lại tự mãn khoe khoang thành tích được ghi nhận từ Giáo Hội cũng như chính quyền trong Phật sự mình làm (nhằm lôi kéo tín đồ, kêu gọi cúng dường) trong khi đó, tất cả tịnh tài đều do thập phương Thiện Tín lao động cật lực phát tâm quyên góp cúng dường; thế thì khác gì hám danh, cướp công, bòn phước của Quý cư sĩ. “Nhận cúng dường từ chúng sanh tức từ bi giúp họ gieo trồng ruộng phước” là câu nói biện minh cho tâm hạnh tà vạy bất chánh, bởi chỉ có Bậc chơn tu / Bậc Kiến Tánh mới xứng đáng là ruộng phước tối thắng cho chúng sanh mà thôi. Hãy nhớ, Bậc chơn tu chỉ nhận Tứ sự cúng dường gồm: y phục, vật thực, sàng tọa, thuốc men; ngoài ra, họ không tích trữ tài vật làm của riêng, không kêu gọi hùn Phước cúng dường vì bất cứ Phật sự gì, chỉ một lòng nghiêm cần giới hạnh chí nguyện tu hành. Với tất cả những gì mà Quý Phật tử “tự tâm” cúng dường Tam Bảo, Bậc chơn tu sẽ dùng toàn bộ tịnh thí đó cho Phật sự độ sanh.

  • Hiện nay, nhiều Phật tử tại gia có cùng tâm nguyện in Kinh Pháp thí, cúng dường trai Tăng, gieo kết thiện duyên nên đã tự lập thành nhóm rồi kêu gọi mọi người hữu duyên tham gia, quyên góp tịnh tài. Nếu có thể rõ ràng minh bạch thu – chi thì thật quý hóa vô cùng, lợi lạc cho tất cả. Quý Phật tử tại gia có cùng tâm nguyện có thể đồng hội đồng thuyền!

Đạo tại tâm hành nên mỗi người hãy tự tỉnh giác nghiêm trì tu tiến chớ đừng phan duyên, xen tạp, mê mờ. Hãy nhớ, Phước đức từ thiện sự chỉ trợ duyên trợ hạnh cho Công đức trì giới tâm thiền giác ngộ mà thôi. Hãy lấy lời Phật dạy làm kim chỉ nam tu hành tinh tấn thì dẫu Tăng hay Tục đều sẽ được Pháp lạc vô biên trên đường giải thoát.

5. TÀ MỊ LỘNG HÀNH

Thời mạt tâm nên Tà mị lộng hành, bày ra đủ chiêu trò lọc lừa, trái lý dưới danh từ thiện, núp bóng Thần, Phật để trục lợi mà không sợ nhân-quả báo ứng nhãn tiền. Họ là những người tự xưng Công chúa giáng thế, Cô/Cậu lên đồng, Ông/Bà nhập xác có khả năng trị bệnh (âm); là những người luyện bùa, Ngãi, Thiên Linh Cái… tự xưng Pháp Sư có khả năng trị bách bệnh, giải thư / ếm, giúp thỏa mãn đời sống lứa đôi, tài lộc dồi dào, an khang thịnh vượng, giúp thăng quan tiến chức, thậm chí khai mở tâm linh, chóng thành quả vị… (?) Họ luyện Tà thuật, vẽ bùa chú, nuôi luyện Ngãi, thu gom vong linh người đã khuất làm âm binh… để sai khiến, tăng thêm lực dụng cho Tà Pháp của mình nhằm phục vụ cho mục đích xấu ác. Họ thậm chí vay mượn giáo lý nhà Phật, chắp vá thêu dệt để lập đạo, rồi tự xưng đạo của mình thâu nhiếp vạn Pháp tại thế gian, kể cả Phật Pháp, thật là mê cuồng. Họ mượn tôn ảnh / tượng Phật rồi thờ chung với Quỷ – Thần – Thầy Tổ tại điện đền của họ để trá hình hầu che đậy cho Tà nghiệp – Tà mạng của mình, lừa phỉnh tín tâm Phật tử, dẫn dắt những ai nhẹ dạ sa vào Tà chúng. 

Biệt nghiệp và cộng nghiệp mà mỗi chúng sanh phải thọ lãnh trong đời sống ở hiện tại là túc nghiệp của bao đời mình gieo tạo chất chồng, nó chi phối đến thân (các căn đủ đầy hay khiếm khuyết, xinh đẹp hay xấu xí, khỏe mạnh hay bệnh tật…), tâm (thiện lành hay ác độc; biết hướng thượng, tầm cầu chơn lý, quy Phật tu hành hay chọn đường Tà mị…), bổn mạng (thọ hay yểu), tính cách (rộng lượng, khoan dung hay hẹp hòi, ích kỷ…), nghề nghiệp (có “Chánh” theo Bát Chánh Đạo hay không) cũng như đời sống vật chất (sung túc hay bần hàn); tuy nhiên, đó không phải là định nghiệp mà hoàn toàn có thể được chuyển hóa. Nếu biết làm lành, lánh dữ, biết niệm Phật, sám hối tu hành, gìn giữ thân – khẩu – ý trong sạch, trau dồi giới đức thì bệnh tật, nghiệp tội tự khắc suy giảm tiêu trừ, mọi sự dần sẽ hanh thông, gia đạo an lạc. Chớ vì kém hiểu biết, tham – sân – si ngu muội mà tầm đường Tà mị, thầy bà, đồng bóng… để thư ếm lẫn nhau, thỏa mãn mê cầu danh lợi, tình cảm yêu ghét, thói tục hơn thua… thì cuối cùng tiền mất tật mang, nghiệp tội chất chồng. Kẻ ác tâm hại người thì đến tầm thầy Tà để trù ếm; còn người bị hại thay vì nương nhờ Phật Pháp lại đi tầm thầy Tà để giải, đồng thời trả đũa thư ếm trở lại đối phương. Không ít người thậm chí còn uống cả đạo bùa… để Tà lậm trong người, khiến thần trí lơ mơ, mê man chẳng tỉnh. Kết cuộc cả hai, người hại và bị hại, trở thành đối tượng cho các thầy Tà thi triển đấu pháp, hơn thua tay nghề đến chí mạng. Nên nhớ: duy chỉ có Phật Pháp nhiệm mầu, tâm thành hướng Phật, sám hối tu chơn mới “giải nghiệp, độ Tà” rốt ráo mà thôi! Đức Phật đã trực chỉ nẻo Tâm, ban truyền Diệu Pháp phá mê khai ngộ, nếu mình không tự giác tự tu tự độ, hỏi ai cứu được? Đức Phật với hạnh nguyện Từ Bi vô lượng, Phật lực vô biên còn chẳng bao giờ “ban ơn, cứu rỗi” trái lý bất công một ai nữa là. Vạn sự đều thuận theo luật Nhân quả – Nghiệp báo chí công, bởi đó là cán cân công lý của tất cả chúng sanh trong 10 phương Pháp giới. Trang nghiêm – Phật độ!

Những ai bị thư ếm, Tà mị xâm nhập… thì trước bàn thờ Phật tại gia, hãy chí thành lạy Phật sám hối, quy Phật tập tu hành, gìn giữ thân tâm trong sạch, dõng mãnh tín tâm trì niệm Trì Cú Thần Chú của Đức Đăng Tôn Vương Như Lai thì ắt sẽ được giải trừ, thân tâm an ổn, tiến tu bất thối:

Xà lê ma ha, xà lê la ni, ưu khư mục khư sa bà đề, ma ha sa bà đề.

6. BẢN SẮC CỦA VIỆC TU HÀNH CHƠN CHÁNH

Đầu trọc, chiếc áo (cà sa) không làm nên người tu. Gõ mõ, tụng Kinh chưa hẳn đã tu hành chơn chánh.

Đại sự tu Phật là liễu sanh thoát tử (tự giác, tự độ), cứu độ chúng sanh (giác tha, độ tha) chớ không phải núp bóng Phật môn lãng tu thất niệm, lạm dụng Phật Pháp và của Thường trụ để mưu cầu sinh kế trên tín tâm Phật tử.

Đường lối tu Phật là Giới – Định – Huệ, nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi chớ không phải học Phật thuyết suông, thân giáo bất nghiêm, tri hành bất nhất.

Hạnh nguyện tu Phật là độ tận chúng sanh (độ sanh – độ tử) nơi khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương hồi tâm sám hối quy Phật tu hành chớ không phải lợi dưỡng hám danh để vinh thân phì da, đắp mê bồi ngã thêm lắm mùi tục lụy cấu uế, nghiệp mãi chất chồng.

Mạng mạch Phật Pháp tại thế gian thịnh hay suy là do oai nghi – phạm hạnh – tâm hành – thân giáo chơn chánh của người tu Phật nguyện tiếp gót Đức Thích Ca – dù tại gia hay xuất gia – chớ không phải chùa to, tượng lớn, học vị thêm cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học) mà tâm đắm nhiễm tục trần thêm lớn, ngã mê mỗi lúc một sâu dày chất ngất.

Đạo tràng Tịnh độ khắp 10 phương là Đạo tràng vô tướng, là ngôi chùa tâm linh trang nghiêm được khai sáng nơi Trí – Tín – Hành chơn chánh của mỗi người con Phật, tại gia cũng như xuất gia.

Ánh sáng Từ Bi – Trí Huệ quang minh vi diệu cộng hưởng từ mỗi ngôi chùa tâm linh đó là cách duy nhất giúp Diệu Pháp Như Lai cửu trụ Ta-bà, là cách duy nhất để người con Phật chúng ta đáp đền Phật Ân nói riêng và Tứ Ân thâm trọng nói chung trong muôn một.

* TÓM LẠI

Từ – Bi – Hỷ – Xả là tâm Phật. Vô Ngã là hạnh Phật. Nếu chẳng nghiêm hành như thế, tức lạc Đạo Bồ-Đề.

Người tu Phật hãy thấu lý vô thường, tin sâu Nhân quả – Nghiệp báo tuần hoàn mà nghiêm trì giới hạnh, buông xả thân tâm niệm Phật – tham thiền – trì chú, chớ sanh lòng chấp trước vào bất cứ điều chi nơi Ngã – Pháp thì Chư Phật là Thầy, Tánh Giác chiếu soi ắt sẽ tỏ lối quay về, thênh thang trên đường Phật Đạo Vô Thượng.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————-

CHÚ THÍCH

(1), (2): Nếu trên thế gian không còn ai niệm Chú Lăng Nghiêm, thì tất cả yêu ma quỷ quái đều xuất hiện ra đời. Tâm Chú này có hai câu: “A na lệ, tì xá đề”. Một câu nghĩa là “dọc cùng tam tế”, một câu nghĩa là “ngang khắp mười phương”. Một khi niệm hai câu Chú này, thì thiên ma ngoại đạo không có chỗ đào thoát. Chúng sẽ lão lão thực thực nghe vẫy kêu. Chỉ sức lực của hai câu Chú này, thật không thể nghĩ bàn. Nếu sáng sớm bạn tụng niệm Chú Lăng Nghiêm một lần, sau đó tụng tâm Chú 108 lần, thì sẽ được phước báu vô lượng vô biên. Cho nên nói, nếu bạn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, thì đời sau sẽ đắc được giàu sang phú quý bảy đời. Ðây là nói bạn muốn cầu phước báu trời người, nếu không muốn cầu, thì đương nhiên không cần. Nếu bạn muốn cầu quả báo xuất thế, thì sẽ đạt được mục đích. Ðây là “Chú ngữ đàn”.

(trích “Chú Lăng Nghiêm kệ và giảng giải”)

(3): “Giả kiết ra a tất đà dạ – Hán dịch là Kim cang luân, còn gọi là Kim cang Bạt chiết la… Đây là Bạt chiết la thủ nhã ấn pháp. Với Kim cang luân, hành giả có thể đập tan các loài thiên ma ngoại đạo, quỷ thần thành từng mảnh vụn. Bất luận đó là loại ma nào nó đều bị thu phục và vâng lời khi hành giả dùng Kim cang luân để thi hành ấn pháp này”.

(trích “Chú Giải Thần Chú Đại Bi”)

——————————-

Tham khảo thêm: