vo-niem-vo-tuong-vo-tru

KINH PHÁP BẢO ĐÀN

VÔ NIỆM – VÔ TƯỚNG – VÔ TRỤ

“Sư dạy chúng rằng: Thiện-tri-thức, CHÁNH GIÁO vốn chẳng đốn tiệm, tánh người tự có lợi độn. Kẻ mê tiệm tu, người ngộ đốn khế. Ðốn tiệm chỉ là giả danh kiến lập mà thôi, nếu tự nhận được bổn Tâm, tự thấy được bổn Tánh thì chẳng sai biệt vậy.

Thiện-tri-thức! Pháp môn này xưa nay lập VÔ NIỆM làm tông, VÔ TƯỚNG làm thể, VÔ TRỤ làm gốc.

VÔ TƯỚNG là ở nơi tướng mà lìa tướng.

VÔ NIỆM là ở nơi niệm mà chẳng niệm.

VÔ TRỤ là bản tánh của con người đối với tất cả sự vật, thiện ác, tốt xấu, kẻ thù, người thân trên thế gian, cho đến lúc bị người nói xấu, khi dễ… đều cho là không, chẳng nghĩ trả thù, niệm niệm chẳng nghĩ ngoại cảnh. Nếu niệm trước, niệm sau và đang niệm, niệm niệm theo cảnh chẳng dứt, gọi là trói buộc; ngược lại, đối với tất cả pháp, niệm niệm chẳng trụ tức là chẳng trói buộc vậy, đây là lấy VÔ TRỤ làm gốc.

Thiện-tri-thức! Ngoài lìa tất cả tướng gọi là VÔ TƯỚNG. Lìa tướng thì pháp thể thanh tịnh, đây là lấy VÔ TƯỚNG làm thể.

Thiện-tri-thức! Đối với mọi cảnh tâm chẳng nhiễm, trong niệm thường tự lìa mọi cảnh, chẳng ở trên cảnh sanh tâm gọi là VÔ NIỆM. Nếu là trăm điều chẳng nghĩ, làm cho niệm tuyệt, một niệm tuyệt liền chết, thọ sanh nơi khác, ấy là cái lỗi lầm lớn, người học đạo nên xét kỹ! Nếu chẳng hiểu ý Chánh Pháp, tự lầm còn đỡ, lại khuyên người khác học theo, tự mê chẳng thấy, lại thêm tội phỉ báng Kinh Phật, vì vậy nên lập VÔ NIỆM làm tông.

Thiện-tri-thức! Tại sao lập VÔ NIỆM làm tông? Chỉ vì kẻ mê miệng nói kiến Tánh mà khởi niệm trên cảnh, nơi niệm liền lọt vào tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng theo đó mà sanh. Tự Tánh vốn chẳng một pháp có thể đắc; nếu có sở đắc, vọng nói tội phước, tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập VÔ NIỆM làm tông.

Thiện-tri-thức! là Vô việc gì? NIỆM là Niệm vật gì?

VÔ là VÔ NHỊ TƯỚNG (Pháp đối đãi), VÔ tất cả tâm trần lao.

NIỆM là niệm CHƠN-NHƯ BỔN-TÁNH. Chơn-như là thể của Niệm, Niệm là dụng của Chơn-như. Chơn-như Tự Tánh khởi niệm, chẳng do nhãn nhĩ tỷ thiệt năng niệm. Chơn-như có tánh cho nên khởi niệm, nếu Chơn-như không tánh thì nhãn nhĩ sắc thanh ngay đó liền hoại. Thiện-tri-thức, Chơn-như Tự Tánh khởi niệm, lục căn dù có kiến văn giác tri mà chẳng nhiễm muôn cảnh, Chơn-tánh thường tự tại, cho nên Kinh nói: Khéo phân biệt được các pháp tướng mà nơi đệ nhất nghĩa thường chẳng động là vậy.”

(trích Kinh Pháp Bảo Đàn
Lục Tổ Huệ Năng)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

 Cổ Thiên

—————————————-

Tham khảo thêm bài viết: