chanh-kien-ve-niem-phat-vang-sanh

Xét thấy có rất nhiều ngộ nhận về Pháp môn Niệm Phật và Vãng sanh không chỉ trong giới Cư sĩ tại gia mà còn cả trong giới Tu sĩ xuất gia, làm ảnh hưởng không nhỏ đến Tín tâm, sự hành trì và thành tựu của một đời tu hành gian khó nên bài Pháp này được viết với tâm nguyện nhằm giúp Đại chúng có Chánh kiến về niệm Phật vãng sanh, từ đó liễu Pháp trực tâm để không còn mơ hồ, lầm lạc, nghi hoặc… chướng trái; dõng mãnh phát Bồ Đề tâm, nguyện Chánh Tinh Tấn hành trì Diệu Pháp trên đường hướng tới giác ngộ – giải thoát. Có mấy điều cần sáng tỏ, liễu tri như sau:

1. CHƠN TÍN – NGUYỆN – HẠNH

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng thọ ký rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh (chủng tử Phật) nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm! Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu nhẫn lực tu hành chơn chánh theo lời Phật dạy vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh”.

Lời thọ ký trên chính là Diệu Pháp Phật truyền về CHÁNH TÍN cần có nơi tất cả mỗi người tu Phật, dù theo bất kỳ Tông môn nào đi nữa (Tịnh Độ tông, Thiền tông, Mật tông). Rõ ràng, không có Phật vị “độc tôn, vô nhị”, không có sự “ban ơn, giáng họa” thần quyền cảm tính trái với Luật Nhân – Quả chí công thì ai thống thiết với khổ sanh tử luân hồi sẽ tự nhẫn lực tu hành không mỏi, mặc sự đời thịnh – suy, thăng – trầm dâu bể… Đó là ngoài tin sâu luật Nhân quả – Nghiệp báo tuần hoàn, lòng Từ Bi vô lượng và Hạnh Nguyện vô biên của mười phương Chư Phật, trực tâm y theo Diệu Pháp Như Lai tu hành chơn chánh thì hành giả tu Phật phải xác tín một niềm tin tuyệt đối vào khả năng giác ngộ viên mãn của chính mình như lời Phật thọ ký. Nếu không tin hay nghi hoặc, dù chỉ một chút, thì cả đời tu hành sẽ luống công vô ích. Căn cơ thấp – cao là lý của kẻ mê, Pháp môn thượng – hạ là lời của kẻ chấp, hỏi tâm ngã chấp mê sao thành Chánh Giác? Thế mà bao người tu chẳng tín tự tâm, nặng lòng “phó thác” cầu Phật tiếp dẫn vãng sanh mà chẳng phản quan tự kỷ, hồi quang phản chiếu trong từng sát na tâm niệm xem mình đã thật sự tu hành tinh tấn hay chưa, công hạnh điều phục thân – tâm hướng thượng tinh chuyên đến độ nào (?). Nên nhớ: nếu gieo nhân tự giác – tự độ – tu hành chơn chánh theo Diệu Pháp Như Lai thì chắc chắn có ngày thành tựu quả giác ngộ – giải thoát lẽ tự nhiên trong mai hậu! Đây chính là Lý Tánh Từ Bi – Trí Huệ – Bình Đẳng – Vô Ngã thậm thâm vi diệu, bất khả tư nghì của nhà Phật!

Có câu: “Đức Tin, tức Chánh Tín, là cửa ngõ vào Đạo, là cội nguồn của Công đức và Vạn hạnh xuất thế”. Ngoài Chánh Tín tuyệt đối vào Tam Bảo, nhờ có niềm tin tuyệt đối vào khả năng giác ngộ viên mãn của chính mình nên hành giả thúc liễm tu chơn (Giới – Định – Huệ) mà không màng sanh tử, đến khi thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (kiến Tánh) thì Chơn tâm Giác tánh tự phát NGUYỆN TỪ BI – lập HẠNH VÔ NGÃ hóa độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương (xem bài: Hạnh nguyện người tu Phật). Do đó, CHÁNH TÍN TÂM là tư lương vô cùng quan trọng đối với tất cả những ai hướng Phật tu hành vì đại sự liễu sanh thoát tử, nối gót Chư Phật chứ không phải chỉ dành riêng cho hành giả tu Thiền, càng không phải là mê cầu vãng sanh trái nghịch lý Đạo như bao tu sĩ đã lầm tri diễn thuyết. Bất luận theo Tông phái nào, Tôn chỉ tu Phật chính là Ưng vô sở trụ thì Tín – Nguyện – Hạnh cũng phải tương ưng khế hợp, có như thế sự tu hành mới mong thành tựu. Đó chính là: CHÁNH TÍN TÂM – NGUYỆN TỪ BI – HẠNH VÔ NGÃ trang nghiêm vi diệu. Đại chúng nên liễu rõ lý này!

2. LIỄU NGHĨA VÃNG SANH

Thế nào là Vãng sanh? Vãng sanh là chỉ cho phàm phu chúng sanh phải thọ báo trôi lăn trong khắp cõi luân hồi do túc nghiệp chiêu cảm khi hết duyên mãn phần. Ngược lại, liễu sanh thoát tử là chỉ cho thành tựu tu hành của Bậc Kiến Tánh (tâm thiền Vô Niệm). Đạo Phật là Đạo Giác Ngộ – Giải thoát, không phải Đạo Vãng Sanh. Hãy ghi nhớ!

– Nếu vẫn chấp khư 2 chữ “vãng sanh” trong tâm nguyện tu hành thì hãy liễu tri “vãng sanh” theo Pháp Tứ Y (y Pháp bất y Nhân, y Nghĩa bất y Ngữ, y Trí bất y Thức, y Liễu nghĩa kinh bất y Bất liễu nghĩa kinh) để tránh mê lầm: vãng sanh hàm nghĩa là giải thoát tử sanh.

– Từ đó, nếu tâm nguyện “vãng sanh về cõi Phật A Di Đà” thì hãy liễu tri nơi Pháp hành: phàm phu chúng sanh muốn vãng sanh về cõi Phật A Di Đà thì công hạnh tu hành phải thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (tức Niệm Phật Ba-la-mật), kiến ngộ Giác Tánh (kiến Tánh) thành Bậc Vô Sanh (A La Hán). Nói cách khác, nguyện vãng sanh về cõi Phật A Di Đà tức nguyện giác ngộ – giải thoát về cõi Phật A Di Đà.

Do đó, người tu Đạo khi đã có căn bản về Phật Pháp thì nên liễu nghĩa tu hành, chớ sanh tình chấp, vọng cầu chướng trái. Thế gian vạn sự vô thường do duyên hợp – tan giả tạm theo Nhân Quả tuần hoàn – Nghiệp báo chí công thì Đại sự hướng Phật tu hành giải thoát là y thuận theo Lý Tánh, nào có ngoại lệ chi. Đức Cổ Phật Vương A Di Đà cùng 10 phương Chư Phật từ bi vô lượng, hạnh nguyện vô biên sẽ gia trì độ tận bất kỳ chúng sanh nào trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương tấn tiến tu hành cho đến khi viên thành Phật đạo nếu và chỉ nếu họ tỉnh giác nhẫn lực tinh tấn chơn tu, nối gót Từ Bi mà không màng sanh tử. Dẫu thế, tuyệt đừng tà tri hạnh nguyện từ bi, mê lầm nhân quả; tuyệt đừng phạm Thượng đánh đồng tục hóa thần quyền Đức Phật A Di Đà, gán ghép Ngài trong những hạnh nguyện đầy ngã tướng phi nhân quả xa rời đạo lý vốn chỉ xuất phát từ tâm trí mê lầm của phàm Tăng… thêm thắt vào Kinh văn (tam sao thất bổn). Nhân bao biển Quả, Quả suốt nguồn Nhân nên Quả giác ngộ – giải thoát phải do Nhân tu Phật chơn chánh mà thành tựu. Vì thế, hãy dùng Chánh kiến tư duy nghiệm suy tận tường Lý Tánh nhà Phật, minh định liễu tường Diệu Pháp, y theo tôn chỉ Ưng vô sở trụ mà tu hành, đừng vội lầm tin vào sự tam sao thất bổn của Kinh điển hay mê trí của phàm ngu kẻo sa vào hầm sâu tà kiến ma nghiệp thì huệ mạng khó gìn.

3. TỊNH ĐỘ NƠI TÂM, CHỚ CẦU CHƯỚNG TRÁI

Tập khí chúng sanh bao đời do Vô minh cùng tam độc Tham – Sân – Si ứng nơi 6 thức khi 6 căn xúc duyên 6 trần khiến tam nghiệp Thân – Khẩu – Ý chất chồng, từ đó chiêu cảm nghiệp báo luân hồi trong Lục Đạo thống khổ nên hành giả tu Phật nếu không tịnh nhiếp 6 căn, tọa thiền tâm niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT tương tục không ngừng, tuyệt không thể điều phục thân tâm trước tập khí vô minh và cám dỗ của thế sự.

Niệm Phật tức tâm niệm, chẳng phải miệng tụng. Nếu hành giả không khởi 10 tâm thù thắng gồm: Tín tâm, Thâm trọng tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm, Xả ly tâm, An ổn tâm, Đà-ra-ni tâm, Hộ giới tâm, Ba-la-mật tâm, Bình đẳng tâm và Phổ Hiền tâm, sao có thể niệm Phật đúng Pháp, thành tựu Chơn niệm Phật (xem bài: Chơn niệm Phật)? Nếu hành giả không đoạn trừ tâm Sát – Đạo – Dâm – Vọng khi hành thiền (niệm Phật, tham thiền) thì ắt lạc lối rơi vào Tà mị, sao có thể giữ gìn Huệ mạng đời đời nơi Tam Bảo, tiến tu bất thối (xem bài: Tâm sát – đạo – dâm – vọng khi tu thiền)…?

Do đó, Chơn niệm Phật chính là nền tảng tối cần tối yếu nếu muốn thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (Niệm Phật Ba-la-mật). Niệm Phật là niệm Tâm, nếu tâm chẳng chơn chánh, còn tham – sân – si, chấp Ngã – chấp Pháp nặng nề thì tuyệt không thể thành tựu nhất tâm, nói gì đến Vô Niệm (Niệm Phật Ba-la-mật). Thế nên, Đại chúng đừng dụng tâm chọn dễ bỏ khó mà lầm, bởi “ngọc bất trác bất thành khí” thì huống gì thành tựu Đạo quả giác ngộ giải thoát khi tu Phật. Nếu sanh tiền giải đãi biếng tu, mải mê tạo nghiệp, phút lâm chung bèn niệm trả phó thác vọng cầu chướng trái thì ắt phải hối hận muộn màng. Vạn sự trong vũ trụ nhơn sanh đều thuận theo Nhân Quả – Nghiệp báo chí công, kể cả Đại sự tu Phật liễu sanh thoát tử nên có cầu cũng không được bởi Giác siêu – Mê đọa lẽ công bằng. Đó là Đạo lý bất di bất dịch tự xưa nay.

Đạo tại tâm hành! Có câu:

Tự Tánh Di Đà (*), duy tâm Tịnh độ.
Tâm tịnh tức Phật độ tịnh.

(*) Chủng tánh Di Đà (chủng tử Phật) có được là nhờ buổi ban sơ, hành giả tự tâm phát nguyện 1 lòng chơn tu Phật, quyết ly sanh tử, nối gót Từ Bi cứu độ chúng sanh nên cảm ứng Đại Nguyện Lực Vô Lượng Vô Biên của Đức Cổ Phật Vương A Di Đà, từ đó mới được Chư Hộ Pháp gia trì tiến tu đúng Pháp, không lầm đường lạc lối. Tâm Phật vô lượng vô biên thì Tịnh Độ Di Đà cũng vô cùng vô tận, trùm khắp 10 phương Pháp giới. Vì vậy, hành giả thiết tha khuyên Đại chúng bất luận trong hoàn cảnh nào, dù thuận hay nghịch, cũng đừng lay chuyển chí nguyện Từ Bi, thối tâm Bồ-Đề mà hãy nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi, đến khi công hạnh viên mãn thì giác ngộ – giải thoát tự nhiên thành tựu, vì trang nghiêm Phật độ. Tuyệt đối đừng niệm Phật cầu sanh nơi khác mà hãy tin tuyệt đối vào khả năng giác ngộ viên mãn của chính mình; lấy Chánh tín, nguyện Từ Bi và Giới hạnh Chơn tu Vô Ngã làm gốc (Chánh tín tâm, Nguyện Từ Bi, Hạnh Vô Ngã). Ngược lại, mong cầu, phóng dật, buông lung, giải đãi, biếng lười trong sa đọa, đắp mê bồi ngã… thì giác ngộ mãi còn xa. Điều này chứng tỏ người tu Phật không nên sợ quả mà phải sợ nhân bởi Đạo lý Nhân – Quả cảm ứng thiên nhiên chí công là Chơn lý tuyệt đối. “Bồ Tát sợ nhân, Chúng sanh sợ quả” là nghĩa này vậy!

Cõi Phật Quang Vô Lượng Vô Biên tuyệt không có bóng dáng của vô minh tăm tối, tâm hạnh cấu uế hạ liệt, nghiệp chướng não phiền trói buộc. Hãy ghi nhớ!

Niệm Phật tức niệm Tự Tâm,
Tức tâm tức Phật, Phật nào đâu xa.
Dù cho bao nổi phong ba,
Di Đà Chủng Tánh khắc sâu tâm thiền.
Tín Tâm miên mật tự hành,
Từ Bi phát Nguyện, Hạnh thời tương ưng.
Xả thân tu Đạo chẳng màng,
Tiếp theo gót Phật, nguyện thừa Như Lai.
Vô Sanh, Giải thoát đến “thời”,
Di Đà Phật Quốc rạng ngời Tâm Minh!

(Cổ Thiên)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————————-

Tham khảo: