chon-niem-phat-ba-la-mat-tam

CHƠN NIỆM PHẬT

8. BA-LA-MẬT TÂM

“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:

– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.

– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?

Đức Phật dạy rằng:

“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁPTỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:

1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm

Thế nào gọi là BA-LA-MẬT TÂM?

Nầy Diệu-Nguyệt! Người niệm Phật phải phát Tâm chí tu trì những thứ BA-LA-MẬT sau đây:

THÍ BA-LA-MẬT, vì xả bỏ tất cả sỡ hữu trong thân cũng như ngoài thân, không lẫn tiếc.

GIỚI BA-LA-MẬT, vì thanh tịnh các cõi Phật.

NHẪN BA-LA-MẬT, vì an trụ nơi lực dụng của Bản-nguyện.

TINH TẤN BA-LA-MẬT, vì tất cả chướng duyên chẳng có thể làm thối chuyển tín tâm.

THIỀN-ĐỊNH BA-LA-MẬT, vì chuyên nhất nhớ tưởng một cõi Phật, một danh hiệu Phật.

BÁT NHÃ BA-LA-MẬT, vì đúng như thật mà quán sát tất cả tướng trạng và thể tánh của các Pháp không rời nhau.

TÍN BA-LA-MẬT, vì thường xuyên an trụ nơi Phật lực bất khả tư nghị.

NGUYỆN BA-LA-MẬT, vì đầy đủ những Hạnh – Nguyện của Phổ-Hiền.

LỰC BA-LA-MẬT, vì hân hoan thể hiện tất cả năng lực tự tại của danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

PHÁP BA-LA-MẬT, vì sẵn sàng xả thân cho Chánh Pháp, cho Bồ-Tát đạo.

Niệm Phật với TÂM BA-LA-MẬT ấy, mới được gọi là Chân Chánh Niệm Phật!”

(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)

 

————————————————

LỜI BÀN

 

Có thể nói 10 Tâm Ba-la-mật kể trên là cốt tủy tinh yếu cho sự tu trì Phật Pháp, gồm có: Tín-Hạnh-Nguyện Ba-la-mật, Từ-Bi-Hỷ-Xả Ba-la-mật (Pháp Ba-la-mật), Lục Độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì Giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền Định, Bát Nhã), Lực Ba-la-mật (tự lực tu hành và Phật lực gia trì nếu tu hành chơn chánh). Đó chính là những Tâm-Hạnh không thể thiếu của người tu Phật chơn chánh trên đường hướng tới giác ngộ – giải thoát.

Lại nữa, người tu Phật không chỉ dừng lại ở chỗ PHÁT KHỞI những tâm hạnh đó mà còn không ngừng trưởng dưỡng đến BA-LA-MẬT, nghĩa là đến “ĐỘ VÔ CỰC” trùm khắp Hư không, biến khắp Pháp giới, vô lượng vô biên THÔNG QUA CON ĐƯỜNG THIỀN ĐỊNH. Ngoài Thiền Định, không thể đoạn trừ vô minh, tâm Tham – Sân – Si – Mạn – Nghi – Tà kiến; không thể công huân và trưởng dưỡng những Tâm-Nguyện-Hạnh xuất thế gian; không thể giác ngộ – giải thoát tử sanh trầm luân thống Khổ; không có 10 phương 3 đời Chư Phật. Nên nhớ kỹ rằng dẫu có túc trí đa văn, có là học giả Phật Pháp đi nữa mà không chuyên tu Thiền Định thì cuối cùng cũng ôm bụng Pháp trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Đó là chưa nói đến tri thức “học Phật” do tích lũy nhiều sẽ sanh loạn tâm – bồi ngã, Giác càng lúc càng xa vì đi ngược lại với đường lối, tôn chỉ “tu Phật”. “Pháp Phật buông bỏ, hà huống Phi Pháp”, Kiến-Văn-Giác-Tri là chướng của người tu Phật, cần nên xả ly! Hãy nhất tâm tọa thiền niệm Phật cho miên mật ba thời!

Nhờ sức Thiền Định của người tu Phật chơn chánh và Phật lực gia trì của Chư Phật khắp 10 phương mới có thể ĐỘ SANH – ĐỘ TỬ ở khôn cùng cảnh giới được rốt ráo, viên mãn. Đó cũng chính là Mật nghĩa vi diệu của BA-LA-MẬT: BẤT KHẢ TƯ NGHÌ.

Không Thiền Định, không có Tâm – Nguyện – Hạnh Ba-la-mật!

Không Thiền Định, đạo nghiệp tu Phật sẽ về đâu?

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————————-

Tham khảo: