dai-chi-bo-tat-khai-thi-niem-phat-tam-muoi

Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo khắp chư Đại Bồ Tát và hàng vô lậu Đại A La Hán trong chúng rằng:

– Các vị là hàng Bồ Tát và A La Hán trong pháp Ta đã chứng quả Vô học, nay Ta hỏi các vị: trong lúc mới phát tâm, nơi Thập bát giới, ở giới nào mà ngộ được Viên Thông, và do phương tiện gì được vào Tam Ma Địa.

Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:

– Con nhớ hằng sa kiếp trước có Phật Vô Lượng Quang ra đời; thuở đó, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Vị Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang đã dạy con tu “Niệm Phật Tam Muội”.

– Ví như có người thì chuyên nhớ, người thì chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không kể gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy, cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm cho đến đời này, đời khác thì như hình với bóng, chẳng cách xa nhau.

– Mười phương Như Lai tưởng nhớ Chúng sanh như Mẹ nhớ Con. Nếu con trốn tránh thì dù nhớ cũng chẳng làm gì được; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Bản nhân của con là dùng TÂM NIỆM PHẬT, đắc Vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do NHIẾP CẢ LỤC CĂN, TỊNH NIỆM TƯƠNG TỤC VÀO TAM MA ĐỊA là hơn cả.

(trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm) 

 

————————————————

LỜI BÀN

 

TỊNH NIỆM tức tâm niệm trong sạch, nghĩa rốt ráo là ngoài câu Phật hiệu “Nam mô A Di Đà Phật”, chẳng có một sát na niệm ngũ dục của thế gian (tài, sắc, danh, thực, thùy).

TỊNH NIỆM TƯƠNG TỤC nghĩa là trong tâm hành giả chỉ có DUY NHẤT CÂU NIỆM PHẬT tương tục TIẾP NỐI NHAU KHÔNG NGỪNG. Nói cách khác, đó là “Nhất tâm bất loạn”.

Để đạt NHẤT TÂM BẤT LOẠN thì hành giả khi tọa thiền dụng công cần phải TÂM NIỆM PHẬT, TAI NGHE tiếng niệm khởi lên từ Tâm, niệm đến đâu TRÍ GHI NHẬN từng từ từng chữ đến đó, NHIẾP CẢ SÁU CĂN bất luận khi duyên với cảnh trần trong sinh hoạt đời thường hay lúc công phu niệm Phật. MẮT thấy như không thấy, chẳng dính mắc nơi sắc tướng xấu – đẹp; TAI nghe như không nghe, chẳng dính mắc tiếng thị phi, khen – chê; MŨI ngửi như không ngửi, chẳng dính mắc mùi thơm – thối; MIỆNG nếm như không nếm, chẳng dính mắc vị dở – ngon; THÂN chẳng dính mắc, câu nệ khi tiếp xúc lạnh – ấm, lúc ốm đau – mạnh khỏe; Ý chẳng phân biệt, đắm nhiễm các pháp hữu vi bất luận hoàn cảnh thuận – nghịch, khen – chê, buồn – vui, sướng – khổ, thành công – thất bại ở đời; lại chẳng dính mắc, chấp trước các pháp vô vi khởi tưởng khi dụng công, chỉ miên mật nơi câu niệm Phật mà thu nhiếp và tịnh hóa vọng – nghiệp. Được như thế mới gọi là NHIẾP CẢ SÁU CĂN mà niệm Phật, công phu cho đến TỊNH NIỆM TƯƠNG TỤC (tức nhất tâm bất loạn) mà vào TAM MA ĐỊA, khi được VÔ NIỆM liền thành tựu Niệm Phật Ba-la-mật, Tánh Giác hiện tiền.

Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, CHẲNG NHỜ PHƯƠNG TIỆN, TÂM TỰ KHAI NGỘ, như người ướp hương thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm”. Điều này ngụ ý rằng NGƯỜI TU PHẬT CHƠN CHÁNH nếu tự lực tự giác công phu niệm Phật như vừa nói ở trên thì sẽ được Đức Phật A Di Đà cùng 10 phương chư Phật gia trì, giúp công phu tinh tiến bất thối, nhanh chóng vào Tam Ma Địa, tự kiến Phật tánh của chính mình. Đó là do Nguyện Lực vô lượng vô biên, bất khả tư nghì của Đức Phật A Di Đà.

Tuy nhiên, tất cả đều có sự tương ưng, khế hợp theo nhân quả chí công. Nếu giả tu, giải đãi, lười biếng, miệng nói mà tâm chẳng hành trì chơn thật, với đại sự sanh tử chỉ hý luận trên đầu môi chót lưỡi thì mong gì được Phật độ. Đừng tà kiến một đời tạo nghiệp, phút lâm chung niệm niệm cầu xin, rồi vin vào Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà như chiếc phao cứu sinh cầu mong hiển linh tiếp dẫn vô điều kiện thì uổng công vô ích, hối hận muộn màng. Chỉ những ai tu hành chơn chánh, giới đức trang nghiêm, kế thừa hạnh nguyện chư Phật độ tận chúng sanh, nhẫn lực tự giác công phu ba thời chẳng mỏi “nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm tương tục” như lời Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát khai thị ở trên thì mới khế hợp với Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà, được 10 phương chư Phật gia trì, tiếp độ. Đó chính là TRANG NGHIÊM – PHẬT ĐỘ trong sự tu hành hướng Phật.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————-

Tham khảo thêm các bài viết: