chon-cung-duong-tam-bao
Ảnh: sưu tầm

Xưa, khi còn sanh tiền, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ân cần dạy bảo chúng sanh hãy sáng suốt quy y Tam Bảo gồm: PHẬT – PHÁP – TĂNG mà nương tựa tu hành. Vì vậy, cúng dường Tam Bảo chính là cúng dường Phật Bảo, cúng dường Pháp Bảo và cúng dường Tăng Bảo.

 

1. CÚNG DƯỜNG PHẬT BẢO

Chư Phật là gương mẫu tu hành chánh đại quang minh, tự tại giải thoát, đã từng hóa độ biết bao chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương kiến ngộ Phật tánh, trọn thành Phật đạo. Trong đó, Đức Phật A Di Đà là Đức Phật Mẫu của 10 phương 3 đời Chư Phật (xuất thế gian Phật Bảo).

Vì lòng Từ Bi vô lượng muốn cứu độ tất cả chúng sanh thoát khỏi vô minh tăm tối, đoạn tận sanh tử luân hồi mê mải, vào năm 624 trước Tây lịch, ở miền Trung Ấn Độ (bây giờ là nước Nepal, một nước ở ven sườn dãy Hy Mã Lạp Sơn, tiếp giáp với Tây Tạng), tại vườn Lâm Tỳ Ni, Đức Phật đản sanh là Thái tử Tất Đạt Đa (họ Cù Đàm, thuộc chi phái Thích Ca), con của Vua Tịnh-Phạn và Hoàng hậu Ma-Da, nước Ca Tỳ La Vệ. Năm 16 tuổi, Thái tử kết duyên với Công chúa Gia-Du-Đà-La. Đến năm 29 tuổi, Thái tử có được một Hoàng nam, đặt tên là La-Hầu-La. Sau khi tận mắt chứng kiến và cảm thấu đến tột cùng khổ sanh – lão – bệnh – tử từ những lần xuất cung ra thành thị chúng, Ngài trầm tư quán chiếu những thống khổ trên hiện không ai tránh khỏi và không đường giải thoát. Cuộc sống quyền uy vương giả, vợ đẹp con thơ không thể níu giữ gót Từ Bi dũng mãnh xuất ly tầm đường giải thoát, Ngài cắt ái ly gia, hỷ xả tất cả, rời khỏi Hoàng cung, sống đời Sa môn, không màng sanh tử. Sau khi tham học với 2 vị Đạo sĩ nhưng vẫn không tìm được cứu cánh thật sự, Ngài bèn từ giã và chuyên tu Khổ Hạnh ép xác với 5 anh em Đạo sĩ Kiều Trần Như suốt gần 6 nằm ròng. Đến khi ngộ ra lý Trung Đạo tối yếu trong sự tu hành: không lợi dưỡng hay đày đọa thân xác khiến sức khỏe và tâm trí bị hệ lụy theo, chướng ngại lộ trình giác ngộ, Ngài từ bỏ lối tu Khổ Hạnh, tự mình đến dưới tàng cây Pipala (nay đặt tên là Bồ Đề) cạnh dòng sông Ni Liên Thiền tọa thiền liên tục 49 ngày đêm, cuối cùng thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, khai sáng Phật đạo – con đường giác ngộ giải thoát chúng sanh vĩnh viễn khỏi luân hồi khổ não – tại thế gian. Lúc đó, Ngài được 35 tuổi, lấy Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni (thế gian trụ trì Phật Bảo). Từ đó, ánh sáng Phật Pháp phổ chiếu hóa độ biết bao chúng sanh vô minh tăm tối dong thuyền Bát Nhã đồng lên Bờ Giác. Khi Phật sự viên mãn, Ngài nhập Niết Bàn dưới rừng cây Sa La tại Câu Thi Na (Ấn Độ) vào năm 544 trước Tây lịch.

Trải theo dòng thời gian hơn 2500 năm với bao thăng trầm biến động, hiện nay, chúng ta chỉ còn lưu giữ phụng thờ Xá Lợi của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Bên cạnh đó, những Tôn tượng / Tôn ảnh khắc họa về Ngài cũng như Chư Phật, Chư Bồ tát cũng được tùy duyên phổ truyền rộng rãi để Thập phương Thiện – Tín quy ngưỡng, thờ phụng, tu hành. Vì vậy, chúng ta cúng dường Phật Bảo ngoài ý nghĩa thể hiện lòng tôn kính và xưng tán 10 phương Chư Phật còn là nương nơi Sự tướng hiển ngộ Lý tánh, giác tỉnh thúc liễm tu chơn, noi theo hạnh nguyện Từ Bi vô lượng vô biên của Bậc Viên Giác hầu tiến tu bất thoái trên đường Phật đạo vô thượng.

Phật tử thường sắm lễ vật dâng cúng Phật tại tư gia hay chùa chiền, gọi là hành lễ cúng dường. Những lễ vật cúng dường nên dùng gồm: nhang, đèn sáp, hoa (sen, huệ), quả, tịnh thủy.

Khi hành lễ cúng dường, chúng ta cần sửa soạn các món lễ vật cho tinh khiết, sắp đặt có thứ tự trên bàn thờ sao cho đơn giản mà trang nghiêm, tránh rườm rà, rối rắm. Ví dụ: ở giữa phía trong bàn thờ: đứng ngoài ngó vô, sắp hoa bên tay phải, quả bên tay trái, tịnh thủy ngay chính giữa. Cận phía trước bàn thờ, nhang thắp ở giữa, đèn sáp đốt 2 bên (như dùng đèn điện thì miễn đèn sáp).

Ngoài ra, những ai phát tâm muốn thờ Phật tại tư gia nhưng không có điều kiện tài chánh thì Quý vị có thể góp tịnh tài thỉnh Tôn tượng hay Tôn ảnh Phật cho họ, đồng thời có thể giúp họ kiến lập bàn thờ Phật tại gia sao cho trang nghiêm đúng Pháp, tạo duyên lành cho họ hướng Phật tu hành. Nếu làm được vậy với tâm trong sạch vô cầu, không mảy may nghĩ tưởng cầu phước hay mong chờ đền đáp… thì đây cũng chính là cúng dường Phật Bảo cao quý.

Tuy nhiên, chơn cúng dường quý báu hơn hết thảy chính là Tâm chí thành tu hành chơn chánh của người con Phật. Thật vậy, Quảng Tu Cúng Dường là Hạnh Nguyện Phổ Hiền Vương, là kim chỉ nam soi đường hậu thế y Giáo phụng hành. Chỉ có Quảng Tu – tức sự tu hành trang nghiêm từ tâm nguyện Từ bi và đức hạnh Vô ngã vì Đại sự giải thoát khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh, khế hiệp với hạnh nguyện Chư Phật – mới là Chơn cúng dường cao quý nhất kính dâng lên 10 phương Chư Phật.

Tham khảo:

 

2. CÚNG DƯỜNG PHÁP BẢO

Pháp Bảo là Lời khai thị từ chính Kim khẩu của Đức Phật thuyết giảng, được Tăng Bảo (ở đây là chỉ những Bậc kiến Tánh, không phải phàm Tăng) truyền thừa để hóa độ chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương y Giáo phụng hành, phá mê khai ngộ, liễu thoát khổ trầm luân. Đó chính là Giáo lý: Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Tứ Vô Lượng Tâm, Lục Độ, Nhân quả – Nghiệp báo… (xuất thế gian Pháp Bảo).

Nay, vì tâm nguyện hoằng truyền Phật Pháp cửu trụ Ta Bà, người con Phật phát tâm ấn tống Kinh điển (thế gian trụ trì Pháp Bảo) phổ truyền sâu rộng đến mọi người, giảng giải Chánh Pháp dìu dắt nhau tấn tu trên đường giác ngộ – giải thoát của Chư Phật. Đó gọi là cúng dường Pháp Bảo hay Pháp thí, thuộc về hạnh Bố thí (Tài thí, Pháp thí, Vô úy thí) trong Lục Độ Ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ). Nên nhớ, cúng dường Pháp Bảo với tâm trong sạch vô ngã mới thật quý báu cao thượng. 

Tham khảo:

 

3. CÚNG DƯỜNG TĂNG BẢO

Xuất thế gian Tăng Bảo là các bậc Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, A La Hán đã chứng quả Vô sanh.

Thế gian trụ trì Tăng Bảo là các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni chơn chánh (Thanh-tịnh Tăng) đã hoàn toàn cắt ái ly gia, trường trai tuyệt dục, nghiêm trì tịnh giới, thiểu dục tri túc, đức hạnh thanh cao.

Do đó, cúng dường Tăng Bảo là cúng dường Chư Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, A La Hán và các vị tu sĩ xuất gia tu hành chơn chánh. Tuyệt đối không cúng dường cho những kẻ tà sư, giả tu, phạm Giới, mượn Đạo tạo Đời, có những hành vi che đậy, đích thực không phải Sa-môn nhưng hiện tướng Sa-môn, không sống Phạm hạnh lại giả hiện tướng có Phạm hạnh nhưng nội tâm hôi hám đầy những tham dục và sở hành bất tịnh…; lại càng không nên gần gũi, thân cận, lầm gởi Huệ mạng tu hành của mình cho Tà đạo ắt sẽ lầm đường lạc lối, phá kiến đọa tâm, điên đảo Phật Pháp, chuốc lấy cộng nghiệp khổ đọa về sau. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”! Chính sự nghiêm trì Giới đức, thân – khẩu – ý trọn hành theo lời Phật dạy, sống đời an bần thủ Đạo, thiểu dục tri túc, phạm hạnh thanh cao, nhẫn lực tinh tấn chuyên tu Thiền định, Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã độ sanh là những chuẩn mực giúp nhận biết rõ vị Tu sĩ xuất gia tu hành chơn thật hay giả dối, giới hạnh có chơn chánh hay không, có xứng đáng là bậc mô phạm cho thập phương Tín chúng. Hãy ghi nhớ!

Những lễ vật cúng dường Tăng Bảo gồm: thực phẩm, y phục, sàng tòa (ngọa cụ) và y dược (thuốc men). Ngoài Tứ sự cúng dường trên, Phật tử tuyệt đối không cúng dường bất kỳ gì khác như tiền, xe, điện thoại… mà trái Pháp. Cũng thế, Tăng lữ tu hành không được nhận bất kỳ sự cúng dường nào khác ngoài Tứ sự, càng không được tích góp làm của riêng hay lạm dụng của Thường trụ mà phạm Giới, trái với tôn chỉ Từ bi – Vô ngã hạnh người tu Phật.

Tham khảo:

 

* TÓM LẠI

Quảng tu là Chơn cúng dường cao quý nhất dâng lên 10 phương Tam Bảo. Người con Phật, tu sĩ xuất gia cũng như cư sĩ tại gia, hãy noi theo hạnh nguyện tối thắng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni cùng 10 phương Chư Phật, Chư Bồ Tát mà thúc liễm thân tâm tu hành chơn chánh.

Hành lễ cúng dường là phương tiện mà qua đó, nơi Sự hiển Lý, nơi Tướng hiển Tánh nên hành giả phát tâm cúng dường cần trì giữ thân tâm trong sạch, thanh tịnh. Được thế thì Lý – Sự viên dung, sự cúng dường mới được viên mãn.

Lễ vật cúng dường Phật Bảo ở chùa hay tại tư gia chỉ là: nhang, đèn sáp, hoa (sen, huệ), quả, tịnh thủy, nhưng quý nhất chính là tâm hạnh chơn tu. Lễ vật cúng dường Tăng Bảo, tức bậc Thanh-tịnh Tăng chỉ là: thực phẩm, y phục, sàng tòa (ngọa cụ) và y dược (thuốc men). Ngoài ra, Quý Phật tử có thể tùy tâm thỉnh Tôn tượng / Tôn ảnh Chư Phật / Bồ Tát cho người tín tâm muốn thờ tại tư gia, hay Pháp thí Chánh Pháp rộng rãi đến mọi người để tất cả sớm tỉnh ngộ hồi tâm tu Phật.

Ở những vùng quê nghèo xa xôi… chưa (hoặc rất ít) có ngôi Tam Bảo, nếu nhận được sự kêu gọi ủng hộ của Tăng lữ quyên góp tịnh tài nhằm xây dựng mái Chùa cho Đại sự hoằng truyền Phật Pháp, cho thập phương Thiện – Tín nương tựa tu hành, thiết nghĩ Phật tử có thể cúng dường tịnh tài tùy tâm hầu góp phần cho Phật sự được viên thành. Ngoài trường hợp trên, Quý Phật tử tuyệt đối KHÔNG CÚNG TIỀN cho chùa, cho Tăng Ni mà trăm điều mê sự, trái chướng phát sinh từ đây. Nạn đập chùa cũ xây chùa mới to hơn, đẹp hơn… với những lý do không chánh đáng diễn ra nhan nhãn khắp nơi, thật là lãng phí. Bên cạnh đó, đời sống xa hoa, đua đòi lợi dưỡng, ăn uống phi thời phi chỗ, vinh thân phì da lắm mùi tục lụy, ngũ dục mê say của đội ngũ Tăng lữ cũng không còn hiếm thấy hiện nay. Thực trạng “tu vẹt”, phá Giới, hủy hoại Thanh quy, lạm dụng Phật Pháp, buôn Kinh bán Phật, mượn Đạo tạo Đời, gieo rắc mê tín với dịch vụ cúng sao, giải hạn, cầu an, cầu siêu, ma chay, hằng thuận… đã không ngừng ký sinh, xâm thực và bành trướng nơi cửa Tịnh trang nghiêm dưới danh nghĩa Phật Pháp. Nhiễu sự mê tâm CUNG – CẦU nhức nhối đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng, biến niềm tin trọn lành ban sơ của Phật tử thành mê tín thần quyền, tục hóa Chư Phật – Bồ Tát thành Thánh Thần ban phước lộc, Đạo Phật giác ngộ giải thoát thành công cụ nhằm thỏa mãn bản ngã ngu si can cường chất ngất, tham cầu vô độ và dục vọng vô đáy, bất chấp nhân quả kéo nhau vào đường khổ đọa mà chẳng cần suy xét. Từ đó, hầu như ai ai trong xã hội cũng tránh xa, gièm pha cửa Phật, xem việc xuất gia tu Phật độ sanh vốn dĩ vô cùng cao thượng lại là cái NGHỀ ĐẮC TÀI ĐẮC LỘC nhàn hạ nhất thế gian, bởi tu sĩ sống chẳng cần lao công nhọc sức mà vẫn được người người cung phụng, cúng dường, lễ bái, đi đứng có lọng che người quạt, ăn trên ngồi trước…; còn khi gia đình nào có hữu sự đến chùa thì “dịch vụ mua bán Phật Pháp” luôn sẵn sàng đáp ứng với giá cả tùy tâm hoặc được định sẵn; nếu ai có thắc mắc nghi hoặc gì thì cưỡng từ đoạt lý dưới danh nghĩa “phương tiện nhập thế, tạo phước điền cho chúng sanh…”. Than ôi! Tất cả đều do TIỀN, do DANH LỢI xoay vòng trước mắt, do THAM – SI của những tu sĩ tà tâm lợi dưỡng làm biến tướng Đạo Phật, lung lạc Tín tâm bao người. Trong khi nhìn quanh còn biết bao mảnh đời cơ nhỡ, bất hạnh phải mò cua bắt ốc sinh nhai, lượm từng mảnh ve chai khiến tay sần vết cắt, bán từng tờ vé số lê mòn cả gót chân, ăn từng hạt cơm thừa canh đổ, nhà dột nát lạnh thân khi trái gió trở trời, kẻ bệnh tật khóc đau chờ chết vì không tiền chữa trị, người già vẫn tiếp tục oằn gánh vai gầy trơ xương ngược xuôi tất tả…, âu cũng vì miếng cơm, manh áo, viên thuốc lúc ốm đau bệnh tật mà sao quá đỗi gian truân, hẩm hiu phận bạc. Lại nữa, rất nhiều người tuy nghèo nhưng tín tâm trong sáng, họ sẵn sàng trích từng đồng tiền chắt chiu ít ỏi dành dụm do mồ hôi nước mắt lao động cật lực mới có được để cúng dường Tam Bảo, để Tăng lữ yên tâm tu hành, bởi họ nghĩ Tu sĩ là Trưởng tử của Phật, là bậc mô phạm đức hạnh đáng kính cho mình nương tựa. Thế nhưng, các tu sĩ đang sống nhờ của đàn na tín thí sao chẳng rõ sự khổ ở đời (?); chẳng tường tâm nguyện thiết tha mà chúng sanh gởi gắm (?); chẳng “liễu” Phật tại tâm hành chơn chánh chứ nào nơi sắc tướng giả tạm (?); tu hành chỉ cần vài tấc đất để tọa thiền hay đặt lưng nằm thì há có cần chùa rộng cao sang (?); trường trai ngày một cử Ngọ, thân tự lo miếng ăn nước uống của mình chớ nào dám phiền hà ai thì cớ sao lại phi thời phi chỗ, món dở món ngon thay tùy khẩu vị, chờ người cung phụng (?); mặc y hoại sắc, chân trần hay dép cỏ chớ nào phải áo mão xềnh xang, gấm hoa lòe loẹt (?); trì theo hạnh Phật nhất bát tam y, thiểu dục tri túc, giới đức trang nghiêm, từ bi vô ngã độ tận sanh linh chớ nào phải a dua đua đòi lợi dưỡng, hưởng thụ theo thói tục, đắp mê bồi ngã (?). Than ôi! Hạnh vô tướng, vô ngã, vô trụ chỉ còn có thể tìm thấy trong điển tích xưa thời Đức Phật và Chư Tổ tại tiền thôi ư? Rõ thấy, THAM ÁI, THAM DỤC và CHẤP THỦ NGÃ TƯỚNG là gốc rễ VÔ MINH, cùng với NGŨ DỤC (tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghĩ) là cám dỗ sa lầy đã khiến bao kẻ tu Đạo chìm đắm vào TÀ HẠNH, TÀ NGHIỆP, TÀ MẠNG, đọa phần chắc chắn. Vì thế, phàm Tăng vốn còn bản ngã si mê, ái dục chưa xả ly trong sạch nên trước cám dỗ ngũ dục lục trần, hãy nhẫn lực tinh tấn tịnh nhiếp 6 căn trụ tâm thiền trang nghiêm chơn chánh hầu giữ gìn Huệ mạng đời đời nơi cửa Phật, mạng mạch Phật Pháp được cửu trụ Ta Bà. Còn cư sĩ tại gia, nếu có cúng dường nên sáng suốt phân biệt ngụy – chơn, tránh nhắm mắt vô tâm vì tham cầu phước báu cho bản thân mà mê lầm tiếp tay cho Tà sư dung dưỡng tà hạnh, góp phần hủy hoại Phật Pháp thì sẽ chuốc lấy khổ đọa về sau.

tu-si-chon-chanhThanh quy chốn Tòng lâm thời chư Tổ là: tu sĩ hàng ngày “lên núi khai hoang, xuống ruộng cày bừa”, “một ngày không làm, một ngày không ăn”, nào dám mống tâm an ổn nhàn lạc, thong dong biếng lười sa đọa, thọ của đàn na tín thí sống lần lựa qua ngày mà đắm chìm trong dục lạc thiêu thân. Do đó, dẫu xuất gia chuyên tu giải thoát nhưng nếu có thể sắp đặt một nền tảng kinh tế tự túc, không thọ của bá tánh thập phương, lại tùy cơ duyên đem Phật Pháp từ bi độ hóa đời cải ác vi thiện, vừa tự giác vừa giác tha trong thời buổi hiện nay thì thật là quý báu vô cùng. Ngược lại, nếu không thể tự túc cho đời sống tu hành của mình thì tu sĩ chỉ có thể thọ hưởng tứ sự cúng dường mà thôi, tuyệt đối không được nhận tiền bạc… làm của riêng hay cấp gửi cho thân bằng quyến thuộc mà hủy phạm Giới Luật, Huệ mạng chẳng còn, ắt khổ đọa muôn kiếp về sau.

Còn đó lời Phật dạy cảnh tỉnh hậu thế nghiêm trì:

Sau khi Ta nhập diệt, các con hãy lấy Giới Luật làm Thầy, y theo Chánh Pháp mà tu hành, tự thắp đuốc mà đi”.

Giới còn là Ta (Phật Pháp) còn”.

Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”.

“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai”

(nếu ái thủ ngã tướng (chấp ngã, chấp Pháp) khi tu Phật thì người ấy đang hành Tà đạo, giác ngộ mãi còn xa)

“Đừng làm các điều ác,
Tu tập mọi hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đó là lời Phật dạy!”

 

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————-

Tham khảo: