y-nghia-cua-viec-cat-chua-va-duc-ve-hinh-tuong

KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP

Ý NGHĨA CỦA VIỆC CẤT CHÙA & ĐÚC VẼ HÌNH TƯỢNG

“… HỎI: Trong Kinh nói: Phật dạy chúng sanh cất chùa, đúc vẽ hình tượng, thắp hương đèn, rải hoa, ngày đêm 6 thời quanh tháp hành đạo, ăn chay lễ bái ; làm hết thảy công đức ấy đều được thành Đạo. Nếu chỉ quán Tâm nhiếp hết các hạnh, như thế té ra bao nhiêu chuyện Kinh nói đều thành hư luống sao?

ĐÁP: Phật có nói ra điều gì đều là vô lượng phương tiện vì tất-cả chúng sanh ngu tối, căn cơ thấp kém chẳng tỏ nghĩa lý sâu mầu, nên mới mượn việc thế gian hữu vi để mà thí dụ. Nếu chẳng lo tu hạnh ở trong, chỉ chạy ra ngoài mà cầu hy vọng được phước thì thật là vô lý.

Nói chùa cũng như nói nơi thanh tịnh. Nếu dứt trừ 3 độc, thường tịnh 6 căn, thân tâm rỗng lặng, trong ngoài thanh tịnh, đó là nghĩa CẤT CHÙA.

Còn nói ĐÚC VẼ HÌNH TƯỢNG là nói tất cả chúng sanh mong cầu đạo quả; cách hạnh giác để tu là phỏng theo chân dung Diệu tướng cuả Như-Lai, chớ đâu phải nói chuyện hữu vi vật chất. Cho nên người cầu giải thoát phải lấy Thân làm lò, dùng Pháp làm lửa, dùng Trí huệ làm thợ khéo, 3 Tụ-tịnh-giới cùng 6 Độ là khuôn. Ung-đúc Chơn như tánh Phật trong thân cho vào khuôn Giới luật. Nếu kỉnh nhận thực hành đừng cho sai chạy, tự nhiên thành tựu.

Còn nói HÌNH TƯỢNG CHÂN DUNG là nói PHÁP THÂN THƯỜNG TRỤ, VI DIỆU CỨU CÁNH, chớ không phải cái thân hữu vi bại hoại. Nếu người cầu đạo chẳng rõ cái nghĩa ung đúc như thế, vậy vẽ chân dung bằng cứ nơi đâu mà nói là công đức?”

(trích Luận Phá Tướng
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)

 

———————————————

LỜI BÀN

 

– 3 độc: Tham, Sân, Si.

– 6 căn: Mắt, Tai, Mũi, Miệng, Thân, Ý.

– 3 tụ tịnh giới: ba món giới cấm, bao gồm:

. Nhiếp luật nghi giới: giới thâu nhiếp luật nghi. Giới luật có nhiều bậc: 10 giới trọng – 48 giới khinh của Bồ Tát, 250 giới của Tỳ Kheo, 348 giới của Tỳ Kheo Ni, 10 giới của Sadi, 5 giới của người tại gia… Rốt ráo thì tâm vô nhiễm tức Giới (viên mãn). Tùy theo địa vị của mình mà giữ giới thể. Đừng làm những điều ác, siêng tu các hạnh lành. Thường giữ thân-khẩu-ý cho trong sạch. Phật đã từng dạy: “Khi Ta nhập diệt, các con hãy tự thắp đuốc (Từ Bi – Trí Huệ) lên mà đi. Hãy lấy Giới Luật làm Thầy. Giới còn là Phật Pháp còn vậy”.

. Nhiếp thiện pháp giới: đối với Pháp lành (Chánh Pháp), những Pháp môn trong Đạo Phật, người con Phật tu hành theo thì được muôn phần lợi ích, giúp dễ dàng nhiếp phục thân tâm, tiến tu trên lộ trình giải thoát. “Pháp môn (Chánh Pháp) vô lượng thệ nguyện học” là nghĩa này vậy.

. Nhiếp chúng sanh giới: còn gọi là Nhiêu ích hữu tình giới. Người con Phật phải lấy Từ Bi – Trí Huệ soi đường, nguyện cứu độ hết thảy chúng sanh, làm lợi ích cho chúng sanh không ngưng nghĩ. “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” là nghĩa này vậy.

– 6 độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn Nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí Huệ.

Có thực trạng đáng buồn là các tu sĩ hiện nay đua nhau kêu gọi Phật tử cúng dường để cất chùa to, rộng; đúc tượng Phật lớn để tự khẳng định, hơn thua nhau nhằm tôn vinh cái bản ngã vô minh của chính mình, làm ngơ trước sự lầm than, bất hạnh của bao người cơ khổ. Họ là những tu sĩ, lẽ ra phải từ “Có” trở về “Không”, từ “Tướng” tầm về “Tánh”, mọi sự ở Đạo-Đời sao cho viên dung-vô ngại, nhưng than ôi…! Cần lắm một mái chùa cho chúng sanh thập phương tầm về tu học, đặc biệt ở những vùng quê nghèo, xa xôi đói Pháp (Chánh Pháp Như Lai), nhưng không nên chạy theo danh nghĩa, sắc tướng mà quên mất bổn phận, trọng trách “Sứ giả Như Lai” của mình. Trang nghiêm ngôi Tam Bảo chính là từ nơi Giới-Định-Huệ mà mỗi người con Phật, đặc biệt là tu sĩ, cẩn mật tu trì, tham thiền nhập định. Hoằng dương Phật Pháp chính là từ thân giáo làm lợi lạc, nhiêu ích chúng sanh mà không màng sanh tử, hướng họ nơi ngã-tướng mà trở về Tánh giác. Được như thế thì ngôi Tam Bảo thế gian mới thường còn, mới không hổ thẹn vì phụ lấy ơn chư Phật – chư Tổ bao đời.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên