tam-dieu-giac-ngo-cua-bac-dai-nhan

TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ CỦA BẬC ĐẠI NHÂN

* CHÁNH VĂN KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC

Vi Phật đệ tử
Thường ư trú dạ
Chí tâm tụng niệm
Bát Ðại Nhân Giác.

1. Ðệ nhứt giác ngộ
Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã
Sanh diệt biến dị
Hư ngụy vô chủ
Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu
Như thị quán sát
Tiệm ly sanh tử

2. Ðệ nhị giác tri
Ða dục vi khổ
Sanh tử bì lao
Tùng tham dục khởi
Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại.

3. Ðệ tam giác tri
Tâm vô yểm túc
Duy đắc đa cầu
Tăng trưởng tội ác
Bồ Tát bất nhĩ
Thường niệm tri túc
An bần thủ đạo
Duy tuệ thị nghiệp.

4. Ðệ tứ giác tri
Giải đãi trụy lạc
Thường hành tinh tấn
Phá phiền não ác
Tồi phục tứ ma
Xuất ấm giới ngục.

5. Ðệ ngũ giác ngộ
Ngu si sinh tử
Bồ Tát thường niệm
Quảng học đa văn
Tăng trưởng trí tuệ
Thành tựu biện tài
Giáo hóa nhất thiết
Tất dĩ đại lạc.

6. Ðệ lục giác tri
Bần khổ đa oán
Hoạnh kết ác duyên
Bồ Tát bố thí
Ðẳng niệm oán thân
Bất niệm cựu ác
Bất tắng ác nhân.

7. Ðệ thất giác ngộ
Ngũ dục quá hoạn
Tuy vi tục nhân
Bất nhiễm thế lạc
Thường niệm tam y
Ngõa bát pháp khí
Chí nguyện xuất gia
Thủ đạo thanh bạch
Phạm hạnh cao viễn
Từ bi nhất thiết.

8. Ðệ bát giác tri
Sanh tử xí nhiên,
Khổ não vô lượng
Phát đại thừa tâm,
Phổ tế nhất thiết,
Nguyện đại chúng sanh
Thọ vô lượng khổ
Linh chư chúng sanh
Tất cánh đại lạc.

Như thử bát sự
Nãi thị chư Phật
Bồ Tát Ðại Nhân
Chi sở giác ngộ
Tinh tấn hành đạo
Từ bi tu huệ
Thừa pháp thân thuyền
Chí Niết Bàn ngạn

Phục hoàn sanh tử
Ðộ thoát chúng sanh
Dĩ tiền bát sự
Khai đạo nhất thiết
Linh chư chúng sanh
Giác sanh tử khổ
Xả ly ngũ dục
Tu tâm thánh đạo

Nhược Phật đệ tử
Tụng thử bát sự
Ư niệm niệm trung
Diệt vô lượng tội
Tiến thú Bồ Ðề
Tốc chứng chánh giác.
Vĩnh đoạn sanh tử
Thường trụ khoái lạc.

(Đại Sư An Thế Cao dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán) 

* VIỆT DỊCH (TỲ KHEO THÍCH TRÍ THỦ)

Làm người Phật tử ở đời
Đêm ngày tụng niệm những lời dạy khuyên
Tám điều giác ngộ kinh truyền
Ghi lòng tạc dạ tinh chuyên tu hành

1. Thứ nhất là tâm thành giác ngộ
Cảnh thế gian quốc độ vô thường
Sắc, tâm, sanh diệt khôn lường
Tứ đại, ngũ uẩn, theo đường khổ, không.
Nguồn tội ác bởi lòng dục vọng
Nghiệp oan gia như bóng theo hình
Suy đi nghĩ lại cho tinh
Lần lần giải thoát tử sinh luân hồi.

2. Thứ hai là ghi lời giác ngộ
Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều
Dạt dào sanh tử bao nhiêu
Cũng vì tham dục mọi điều gây nên
Muốn sống đời bình yên tự tại
Hãy mở lòng quảng đại vô vi.

3. Thứ ba là nhớ ghi tâm trí
Lòng tham cầu như ý khó vừa
Chất chồng tội ác ngàn xưa
Cũng vì không chán, không chừa cầu mong.
Bậc Bồ-Tát giữ lòng biết đủ,
An phận nghèo quy củ tu hành
Trau dồi trí thức thông minh,
“Huệ là sự nghiệp” bình sinh đạo thường. 

4. Thứ tư là nhớ đường giác ngộ
Lười biếng gây gốc khổ lầm than
Thường tu tinh tấn không ngần
Dẹp giặc phiền não ma quân phục tùng
Phá địa ngục muôn trùng kiên cố
Thoát thành sầu cùng khổ ấm, duyên.

5. Thứ năm là giác ngộ cơ thiền
Ngu si là gốc nhân duyên mê lầm
Bậc Bồ-Tát chuyên tầm học vấn
Nghe thấy nhiều diệt tận nguồn mê
Khai thông tâm trí Bồ-đề
Biện tài thành tựu đề huề chúng sanh
Thường giáo hóa an lành tất cả
Ban nguồn vui hỷ xả cho nhau.

6. Thứ sáu là nhớ câu giác ngộ
Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều
Nợ oan vay trả bao nhiêu
Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay
Bậc Bồ-Tát ra tay bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Quên điều tội cũ thương phần khổ đau.

7. Giác thứ bảy thân dầu ở tục
Lòng thường vui ngũ dục tránh xa
Giữ gìn ba áo ca sa
Tay bưng bình bát yên hà vui say
Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ
Phẩm hạnh lành đức cả cao xa
Sao cho trong sạch lòng ta
Từ Bi cứu thoát hằng hà chúng sanh. 

8. Thứ tám là đinh ninh giác ngộ
Lửa tử sanh đau khổ vô cùng
Bồ-đề tâm phát bao dung
Thề đều tế độ thoát vòng truân chuyên
Chúng sanh khổ lòng nguyền thay thế
Dầu lao đao chẳng kể chẳng phiền
Miễn cho muôn loại đều yên
Hoàn toàn giải thoát lên miền Chân-như.

Tám điều ấy lời chư Phật dạy
Bậc đại nhân như vậy tu hành
Đạo tâm tinh tấn chí thành
Giong thuyền lên bến Vô-sanh Niết-bàn.

Thừa nguyện lực nhân hoàn trở gót
Bể trầm luân cứu vớt sanh linh
Y theo tám việc thực hành
Tuyên dương tiếp dẫn siêu sinh giác đài
Ngộ tử sanh đêm dài đau khổ
Thoát năm trần siêu độ tâm linh

Là người Phật tử chân thành
Hằng ngày nhất niệm, phước sanh tội trừ
Đoạn sanh tử lên bờ giải thoát
Chứng Bồ-đề cực lạc huy hoàng
Cúi đầu lạy đấng Giác Hoàng
Cầu xin chứng giám đạo tràng Từ Bi. 

 

———————————————— 

LỜI BÀN

 

1. Thứ nhất là tâm thành giác ngộ
Cảnh thế gian quốc độ vô thường
Sắc, tâm, sanh diệt khôn lường
Tứ đại, ngũ uẩn, theo đường khổ, không.
Nguồn tội ác bởi lòng dục vọng
Nghiệp oan gia như bóng theo hình
Suy đi nghĩ lại cho tinh
Lần lần giải thoát tử sinh luân hồi.

Ngộ rằng thân tâm của mình và vạn sự ở thế gian theo duyên hợp – tan mà biến đổi tạm bợ không ngừng trên từng sát na sanh diệt, mong manh, vô thường không có thật ngã.

Ngộ rằng muôn tội do tâm “vô minh – tham – sân – si – mạn – nghi – tà kiến” sanh, sai sử cho miệng nói, thân làm khiến tam nghiệp thân – khẩu – ý chất chồng mà chiêu cảm quả báo trong Lục đạo luân hồi, trầm luân thống khổ.

Ngộ rằng “đức (phước đức và công đức) do tâm sanh, tội do tâm diệt” nên dõng mãnh chí nguyện xuất trần, tu theo hạnh Phật, điều phục thân tâm, liễu sanh thoát tử.

 

2. Thứ hai là ghi lời giác ngộ
Tham dục nhiều lụy khổ thêm nhiều
Dạt dào sanh tử bao nhiêu
Cũng vì tham dục mọi điều gây nên
Muốn sống đời bình yên tự tại
Hãy mở lòng quảng đại vô vi.

3. Thứ ba là nhớ ghi tâm trí
Lòng tham cầu như ý khó vừa
Chất chồng tội ác ngàn xưa
Cũng vì không chán, không chừa cầu mong.
Bậc Bồ-Tát giữ lòng biết đủ,
An phận nghèo quy củ tu hành
Trau dồi trí thức thông minh,
“Huệ là sự nghiệp” bình sinh đạo thường.

Ngộ rằng nhân của luân hồi sanh tử là do tâm tham đắm ngũ dục thế gian (tài, sắc, danh, thực, thuỳ), chấp thật, bảo thủ, cầu nhiều chẳng buông xả. Nếu dục vọng, tham cầu càng nhiều thì nghiệp tạo, khổ lụy càng lớn; như lòng sâu không đáy, mờ mịt vô minh, khó bề giải thoát.

Ngộ rằng muốn tu đạo giải thoát, thân tâm được an nhiên tự tại thì phải sống đời thiểu dục tri túc, an bần thủ đạo, phạm hạnh thanh cao, thiện toàn Giới – Định – Huệ, tịch tịnh xả ly mọi đắm nhiễm tục luỵ nơi trần cấu ô trược.

 

4. Thứ tư là nhớ đường giác ngộ
Lười biếng gây gốc khổ lầm than
Thường tu tinh tấn không ngần
Dẹp giặc phiền não ma quân phục tùng
Phá địa ngục muôn trùng kiên cố
Thoát thành sầu cùng khổ ấm, duyên.

Ngộ rằng người tu nếu lười biếng công phu niệm Phật, tham thiền, trì chú; lại hay giải đãi, hý luận thì nào khác kẻ phàm phu ba hoa vọng ngữ, nói và hành không tương ưng, thân-tâm chẳng thể điều phục khiến buông lung, phóng dật theo nghiệp duyên. Lại nữa, với sở học Phật Pháp càng cao (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ Phật học) thì càng dễ sanh tâm kiêu mạn, chấp Ngã – chấp Pháp. Đó cũng bởi chuyên “học” Phật mà lười “tu”. Nghiệp tội nhiều đời bởi vô minh, chấp ngã, chấp Pháp nay vì sự giải đãi, biếng trễ đoạn trừ mà thêm chồng chất; hạnh lành chẳng những không sanh mà phước còn bị tổn hoại; lại bị ngoại ma – nội chướng khảo đảo hoành hành… khiến cho thân tâm phiền não chẳng an, đọa lạc trong ngục tù ngũ ấm và Tam giới.

Do đó, tinh tấn là hạnh không thể thiếu của người tu Phật để trong điều phục nội chướng, đoạn trừ phiền não vô minh, chuyển mê khai ngộ (tự giác); ngoài hàng phục tà ma chướng đạo (không ngoại trừ những hạng giả tu nhân danh Thích tử mua bán Phật Pháp, mượn Đạo tạo Đời), hồi Tà hiển Chánh, xiển dương Chánh Pháp, dìu dắt chúng sanh trở về nẻo Giác (giác tha), cho Diệu Pháp Như Lai cửu trụ Ta Bà. Thế nên, người tu Phật cần phải “Thường hành tinh tấn”.

a. Tinh tấn đoạn trừ các điều ác chưa sanh, ngăn không cho chúng sanh ra (rất vi tế).

b. Tinh tấn đoạn trừ các điều ác đã sanh, không cho chúng phát triển nhẫn đến đoạn trừ vĩnh viễn.

c. Tinh tấn tu hành, khơi dậy các điều thiện, hạnh giải thoát chưa sanh được sanh ra (phải dụng công tham thiền, niệm Phật, trì chú).

d. Tinh tấn tu hành, phát huy các điều thiện, hạnh giải thoát được tăng trưởng tột bực đến vô cùng vô tận (ba-la-mật).

 

5. Thứ năm là giác ngộ cơ thiền
Ngu si là gốc nhân duyên mê lầm
Bậc Bồ-Tát chuyên tầm học vấn
Nghe thấy nhiều diệt tận nguồn mê
Khai thông tâm trí Bồ-đề
Biện tài thành tựu đề huề chúng sanh
Thường giáo hóa an lành tất cả
Ban nguồn vui hỷ xả cho nhau.

Ngộ rằng do vô minh, ngu si can cường nên căn tánh ám muội, không có trí huệ để thấu hiểu Sự – Lý tận tường, đúng – sai bất phân, Chánh – Tà lẫn lộn, bỏ lành làm dữ, không tin sâu Nhân-Quả nghiệp báo, báng bổ Chánh Pháp, bài xích Bậc chơn tu, hủy phạm Giới luật… nên khởi Hoặc tạo Nghiệp luân hồi sinh tử, thống khổ vô cùng.

Ngộ rằng chỉ có tu hành chơn thật, Giới – Định – Huệ nghiêm trì, nhẫn lực dụng công ba thời chẳng mỏi đến khi “vô niệm” (xem bài viết trước) mới sanh trí Bát Nhã Vô Sư mà chiếu soi vô minh tăm tối, thoát sanh tử luân hồi. Cũng chính nhờ Huệ khai nên bậc Đại Nhân khéo dùng phương tiện thiện xảo, biện tài vô ngại mà tuỳ duyên nhiếp độ, giúp chúng sanh trạch Pháp trực thẳng lối về Chơn tâm, không lầm lạc vọng mê, an vui nơi Diệu Pháp.

 

6. Thứ sáu là nhớ câu giác ngộ
Nghèo khổ nhiều đau khổ càng nhiều
Nợ oan vay trả bao nhiêu
Dây oan buộc chặt lắm điều đắng cay
Bậc Bồ-Tát ra tay bố thí
Bình đẳng tâm không nghĩ oán thân
Càng thương những kẻ ác nhân
Quên điều tội cũ thương phần khổ đau.

Ngộ rằng cuộc sống nghèo khổ là do nhân bất thiện nhiều đời gieo tạo. Có câu: “Nhìn cuộc sống hiện tại mà biết rõ Nhân đời trước. Nơi thân-khẩu-ý hiện tại sẽ biết được Quả đời sau”. Lại có câu: “Bần cùng sanh đạo tặc”. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, túng quẫn, khổ nghiệp trần lao che mờ mắt trí khiến họ thường hay sanh tâm oán hận, trách đời; lại vì mong muốn mau thoát nghèo hay được đổi đời sung sướng, giàu sang trong nhàn hạ mà không màng đạo lý gieo kết nhiều ác duyên, làm nhiều chuyện phi pháp, bất thiện chẳng hay khiến nghiệp tội chất chồng, lẽ dĩ nhiên hiện đời và mai hậu không tránh khỏi quả báo khổ đau.

Người tu Phật ngộ rõ điều này nên đồng cảm xót thương, tầm phương cứu khổ, hóa giải nghiệp oán trái không phân biệt thân sơ, ghét bỏ. Có câu: “Có thực mới vực được Đạo”. Bậc Đại Nhân trước sẽ dụng tâm bình đẳng mà bố thí Tài thực, Vật thực, giúp đỡ hết lòng cho cuộc sống của họ bớt khó khăn; sau dùng Từ tâm mà cảm hóa khuyến thiện, tuỳ nghi Pháp Thí gieo chủng tử Bồ Đề giúp họ phát tín tâm chơn chánh nơi Diệu Pháp Như Lai mà tinh tấn tu hành, lòng không niệm chấp.

 

7. Giác thứ bảy thân dầu ở tục
Lòng thường vui ngũ dục tránh xa
Giữ gìn ba áo ca sa
Tay bưng bình bát yên hà vui say
Chí xuất gia tháng ngày giữ dạ
Phẩm hạnh lành đức cả cao xa
Sao cho trong sạch lòng ta
Từ Bi cứu thoát hằng hà chúng sanh.

Ngộ rằng ngũ dục thế gian làm thốn xót mắt tâm, nếu sanh tâm mê đắm sẽ chướng ngại đường tu, trì trệ đạo niệm, thoái thất đạo nghiệp. Ngộ rõ vạn sự trên đời vốn Khổ – Không – Vô thường – Vô ngã nên an bần thủ đạo, sống đời phạm hạnh Giới luật tinh nghiêm; xem y bát pháp khí là tượng trưng cho Từ Bi Hỷ Xả – Giới Định Huệ, cho tâm ấn Phật, cho sự hoằng truyền Phật Pháp khắp thế gian, cho chí nguyện và đạo nghiệp giải thoát chúng sanh; thân tuy ở Ta Bà ngũ trược nhưng tâm hằng xả ly tất cả, kể cả ý niệm vô trụ vô cùng vi tế cũng đốn siêu, an nhiên tịch tịnh.

 

8. Thứ tám là đinh ninh giác ngộ
Lửa tử sanh đau khổ vô cùng
Bồ-đề tâm phát bao dung
Thề đều tế độ thoát vòng truân chuyên
Chúng sanh khổ lòng nguyền thay thế
Dầu lao đao chẳng kể chẳng phiền
Miễn cho muôn loại đều yên
Hoàn toàn giải thoát lên miền Chân-như.

Ngộ rằng cái khổ nhất của chúng sanh chẳng phải ở cơm áo, tiền tình hay bệnh tật mà là vô minh tăm tối, không biết đạo lý của vũ trụ nhơn sanh (Phật đạo), không liễu ngộ được Tánh Giác. Nghiệp chúng sanh gieo tạo, như Phật dạy: “Cả Hư không cũng không sao chất chứa”, thì lẽ tự nhiên phải nhận quả báo khổ não khôn cùng. Nhân duyên Phật thị hiện trên thế gian là vì lòng Từ Bi vô lượng độ tận chúng sanh, giúp chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Có câu:

“Ta không vào địa ngục thì ai vào?”

“Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-Đề”

Người tu Phật chơn chánh, ăn cơm Phật, mặc áo Phật, trụ tại điện Phật, trì ấn lệnh Phật, trước nghiệp sanh tử của muôn vạn chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp 10 phương, nếu chẳng tiếp nối Hạnh Nguyện của Chư Phật thệ độ tận chúng sanh, sao có thể xứng danh Thích-tử, đáp đền Tứ trọng ơn trong muôn một?

“Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thệ nguyện hành,
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”

Xưa Phật tu như thế nào, nay đệ tử Phật cứ theo đó mà tu!

 

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————————— 

CHÚ NGHĨA

BỐN MA: gồm

1. Phiền não ma: là chỉ tập khí tham sân si… làm não hại thân tâm.

2. Ngũ ấm ma: là chỉ năm ấm: sắc, thọ, tưởng, hành, thức hay sinh ra tất cả đau khổ.

3. Tử ma: là chỉ sự chấm dứt mạng căn sinh tồn của chúng sinh.

4. Thiên ma: là chỉ tà ma ngoại đạo làm hư hoại thiện căn của chúng sinh.

NGU SI: còn gọi là vô minh, gồm có ngu si về kiến giải (kiến hoặc) và ngu si về tư tưởng (tư hoặc).

A. Ngu si về kiến giải có năm loại:

1. Thân kiến: không ngộ rằng thân và vật trong vũ trụ nhơn sanh là do nhân duyên hòa hợp mà giả có, lại nhận giả làm chân. Đó là thân kiến.

2. Biên kiến: những kiến giải chấp thường, chấp đoạn, thiên lệch một bên. Đó là biên kiến.

3. Tà kiến: tin vào Thượng đế vạn năng, bài báng luật Nhân-Quả, không hiểu được các pháp duyên khởi. Đó là tà kiến.

4. Giới thủ kiến: chấp giữ những giới điều phi lý, mê tín. Đó là giới thủ kiến.

5. Kiến thủ kiến: chấp trước một hay nhiều kiến giải như trên, lầm tưởng mê vọng cho là chân lý cứu cánh. Đó là kiến thủ kiến.

B. Ngu si về tư tưởng cũng có năm loại, chính là năm căn bản phiền não:

1. Tham dục: gặp những gì yêu thích liền khởi tâm tham trước. Do tham ngã, tham ái nên hình thành tâm tự tư. Đó là tham dục.

2. Sân hận: gặp chuyện trái ngang liền sinh tâm sân hận, lại không biết nhẫn nại mà tranh cãi, hơn thua, âm mưu làm hại, oán trời trách người. Đó là sân hận.

3. Ngu si: không biết thức tỉnh, sáng suốt suy xét để sống hợp với đạo lý, lại buông lòng mặc ý chạy theo vật dục, si mê không thích nghe điều thiện, lại ham làm việc ác… Mê muội, điên đảo như vậy gọi là ngu si.

4. Kiêu mạn: thấy mình hơn người, ỷ mình lấn hiếp người khác… Đó là kiêu mạn.

5. Nghi hoặc: với sự lý chân thật còn do dự, với chân lý không khởi chánh tín, đem phàm tình so lường Thánh trí. Đó là nghi hoặc.