thien-tinh-song-tu

* CÂU HỎI

Kính gửi Thầy,

Theo dõi Đạo tràng, đệ tử thấy Thầy dạy cả 3 Tông: Thiền, Tịnh, Mật; trong đó, Thầy giảng nhiều về cách niệm Phật (Tịnh). Tuy nhiên, theo thiển ý của đệ tử, căn cơ duyên nghiệp của mỗi người mỗi khác biệt nên mới cần phải chọn lựa Pháp môn cho phù hợp với mình. Thiền là Thiền, Tịnh là Tịnh, Mật là Mật nên đã tu Tịnh mà còn dính mắc Thiền hay Mật, sao có thể gọi là Nhất Tâm; hoặc tu Thiền mà còn dính mắc Tịnh hay Mật thì làm sao mà thành tựu được…?

Trong Duy Lực Ngữ Lục, ở Giải Đáp Thắc Mắc (Phần 1: Từ năm 1983 – 03/05/1993), cố Hòa Thượng Thích Duy Lực có dạy rằng: Pháp môn niệm Phật là chấp thật, cần có chữ Tín; tham Thiền là phá chấp thật, cần có sự nghi. Tức là niệm “A Di Đà Phật” cần có lòng tin, còn tham câu “Niệm Phật là ai?” cần phải nghi. Do đó, nói “Thiền Tịnh song tu” là không được, hễ tu Tịnh Độ phải đúng theo Tông chỉ của Tịnh Độ, tham Thiền phải theo đúng Tông chỉ của Thiền tông, nếu Thiền Tịnh song tu thì dứt khoát hai cái đều không thành”.

Đệ tử mong được giải nghi!

* PHÚC ĐÁP

Thời mạt tâm, căn trí chúng sanh chẳng đồng, chướng nghiệp sai biệt, đạo hạnh huân tu sâu cạn có khác nên hiện đời ứng hiện hữu duyên với Pháp môn mình đang hành trì: có người tu Tịnh, có vị tu Thiền, có người trì Mật. Tuy nhiên, cần liễu tri những điểm trọng yếu sau đây để nghiệm soi lại mình, tránh bị lầm lạc:

  • Trong Phật đạo, Thiền định chính là định tâm tịnh hóa mọi vọng tưởng tạp niệm nhờ trụ tâm thiền miên mật vào Diệu Pháp Phật: Tọa Thiền Niệm Phật (Tịnh tông), Tham Tổ Sư Thiền (Thiền tông), Mật Trì Mật Chú của Chư Phật (Mật tông). Thành tựu của thiền định (Chánh định) chính là Vô Niệm Ba-la-mật. Do đó, đừng nhầm lẫn hay vọng gán Thiền định chỉ với Thiền tông!
  • Tịnh, Thiền và Mật – đó là Diệu Pháp Phật lưu xuất từ tâm Từ Bi vô lượng với Phật nguyện vô biên độ tận thiên hình vạn trạng chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương nên dung thông vô ngại nhiếp độ tận mọi căn cơ. Nói cách khác, bất luận căn trí – tâm lượng chúng sanh dẫu sai khác thế nào, dù hạ căn hay thượng căn, thì tất cả đều phải nhẫn lực tinh tấn trụ tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi theo trình tự thứ lớp tu tiến: Tịnh (Tọa Thiền Niệm Phật) – Thiền (Tham Tổ Sư Thiền) – Mật (Mật Trì Mật Chú của Chư Phật) mới có thể liễu sanh thoát tử, nối gót Từ Bi. Nói rõ hơn, muốn Tham Tổ Sư Thiền, hành giả phải có công phu Tọa Thiền Niệm Phật thành tựu Nhất Tâm Bất Loạn làm nền tảng; muốn Mật Trì Mật Chú của Chư Phật, hành giả phải có công phu Tọa Thiền Niệm Phật và Tham Tổ Sư Thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật làm nền tảng. Đây chính là Đường lối tu Phật chơn truyền tự xưa nay.
  • Tôn chỉ tu Phật (Tịnh, Thiền, Mật): Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ.
  • Thời mạt tâm cách Phật đã xa (hơn 2560 năm), Kinh điển bị tam sao thất bản, Phàm tu thời nay (tại gia cũng như xuất gia) đa phần bị cấu nhiễm bởi sắc dục lợi danh, với Phật Pháp chẳng những không liễu tường rốt ráo mà còn Tà kiến đảo điên, sở hành trái Pháp. Vì chấp thủ Ngã – Pháp nặng nề, không thể tự rõ biết căn trí và nghiệp duyên của chính mình và người, lại không liễu tri minh tường Tôn chỉ và Đường lối tu Phật theo trình tự như đã giảng ở trên nên ai nấy “tự duyên’’ với Pháp môn theo sở ý mê lầm, từ đó dẫn đến thực trạng tu hành biến tướng, nhiễu nhương Pháp nạn, công phu thiền định chơn chánh (nếu có) cũng bị trọng khuyết nền tảng tối cần yếu buộc phải có trước khi tấn tiến những tầng bậc sau. Đại sự tu hành, vì thế, rất khó bề thành tựu! 
  • Liễu triệt được Tôn chỉ và Đường lối tu Phật, hành giả sẽ trực chỉ quy nguyên không còn mù mịt lạc lối trong Đại sự tu hành; không còn tâm thái tự ti mặc cảm hay ngã mạn khinh chê, bồi mê đắp ngã; không còn phạm Thượng bài xích Tông môn, tự đoạn duyên với Phật Pháp trong mai hậu. Mầm mống chia Tông rẽ phái trong Phật đạo từ đó cũng tự tận tiêu trừ. Thực trạng tu hành bát nháo loạn Pháp hiện nay cũng ắt tự không còn.

TÓM LẠI:

Tịnh – Thiền giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh. Mật giúp Bậc Kiến Tánh viên mãn hạnh nguyện (chơn nguyện) độ tận chúng sanh, trọn thành Phật đạo vô thượng.

Tịnh là nền tảng tối cần yếu trước khi Tham Thiền. Tịnh – Thiền là nền tảng tối cần yếu trước khi tấn tiến trên đường Mật đạo thậm thâm vi diệu không thể nghĩ bàn.
Lưu ý: Mật không có sự truyền thừa ở thế gian.

Tịnh – Thiền – Mật, mỗi mỗi đều dung thông vô ngại nhiếp độ tận mọi căn cơ.

Tịnh, Thiền hay Mật không dành riêng cho hạng căn cơ chúng sanh nào, càng không phải để chúng sanh tùy tâm mê ý phàm mà so đo lựa chọn khởi tu. Chỉ vì không liễu triệt Tôn chỉ và Đường lối tu Phật theo trình tự thứ lớp khi hành thiền nên chúng sanh lầm đường lạc lối, tự chướng chấp lẫn nhau, tự bít cửa ngộ.

Duy chỉ khi liễu triệt rồi nghiêm hành Tôn chỉ và Đường lối tu Phật, hành giả mới thênh thang thẳng tiến trên đường Phật đạo vô thượng.

Khi chưa kiến Tánh, tuyệt đừng vọng làm Thầy của ai, đừng tùy tiện thuyết Pháp giảng Kinh, cũng đừng lấy tri kiến mê phàm của mình làm chuẩn mực tu hành cho người, dẫn họ cùng lầm đường lạc lối thì quả báo khổ đọa cực cùng không sao trả dứt. Đức Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng răn dạy cảnh tỉnh:

– “Nếu tự mình không thấu suốt, thì phải nên tìm tham học với Thiện-tri-thức nào đã dứt khoát nguồn cội sanh tử. Nếu chẳng thấy Tánh thì không được gọi là Thiện-tri-thức. Nếu không như thế, dẫu cho có giảng được hết cả Kinh Phật cũng chẳng khỏi sanh tử luân hồi, vẫn ở trong 3 cõi chịu khổ mãi mãi… 

– Nếu chưa minh bạch được đen trắng mà kỳ vọng nói tuyên-bày giáo-pháp của Phật, chê Phật kỵ Pháp, những bọn như thế, thuyết-pháp như thế, hết thảy đều là Ma nói… 

– Nếu chẳng thấy Tánh, dẫu cho giảng được hết Kinh Phật đi nữa cũng chẳng qua là Ma nói, là quyến thuộc nhà Ma, chẳng phải đệ-tử của Phật. Đã chẳng biện được đen trắng thì căn cứ nơi đâu mà khỏi sanh tử?”. 

Con xin thành kính phụng thỉnh Tâm Kệ Phó Pháp của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cho Đức Tổ Ma-Ha-Ca-Diếp để soi đường khai thông kẻ hậu tấn:

Pháp bổn pháp Vô Pháp,
Vô Pháp pháp diệc Pháp,
Kim phó Vô Pháp thời,
Pháp Pháp hà tằng Pháp.

Tạm dịch:

Pháp gốc pháp Vô Pháp,
Pháp Vô Pháp cũng Pháp,
Nay khi trao Vô Pháp,
Mỗi Pháp đâu từng Pháp.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————

Xem các bài Pháp liên quan: