* CÂU HỎI

Thầy ơi! Thầy giúp con giải thích cái này với, con thấy không đúng lắm Thầy ạ. Tại con đang cố gắng bỏ đi ái dục mà cái này lại đi ngược lại với suy nghĩ của con. Đây là nguyên văn bài viết từ Báo Giác Ngộ:

Mua dâm có phạm Giới tà dâm?

HỎI: Tôi năm nay 32 tuổi, khỏe mạnh, công việc và kinh tế ổn định. Là nam cư sĩ, hiện đang tu học theo pháp môn niệm Phật, cầu vãng sanh Cực lạc nhưng do một số điều kiện khách quan nên tôi hiện sống độc thân (cũng có thể độc thân suốt đời). Vì sống độc thân, nhu cầu sinh lý không được đáp ứng đầy đủ như người có gia đình nên tôi thường bị bức xúc, ức chế, không thể tập trung làm việc cũng như tu niệm tốt được.

phat-phap-van-dap-14-mua-dam-co-pham-gioi-ta-dam

Tôi có ý định tìm gái bán hoa làm bạn tình trong vài giờ nhằm cân bằng tâm sinh lý; tôi biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, tôn trọng đối tác, cả hai đều tự nguyện và đều vui. Theo bản thân tôi, chỉ có cách đó tôi mới cân bằng tâm sinh lý, sau đó mới toàn tâm toàn ý làm việc cũng như tu niệm. Xin hỏi, tôi mua dâm như vậy thì có phạm giới tà dâm của người Phật tử không?

(HUY PHƯƠNG, [email protected])

ĐÁP: Bạn Huy Phương thân mến! 

Người cư sĩ được khuyến nghị tiết dục chứ không bị ngăn cấm hành dục. Nên Phật tử lập gia đình, nguyện giữ giới không tà dâm cốt để giữ thủy chung với người bạn đời của mình nhằm xây dựng đời sống hôn nhân hạnh phúc. 

Phạm vi của giới không tà dâm rất rộng: Ngay trong quan hệ vợ chồng cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện, dâng hiến, có chừng mực, hợp thời, phải chỗ; ngay cả sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, buông thả phóng dật, cũng bị xem là tà dâm. Nói chung, theo quan điểm của Phật giáo, những sự quan hệ nam nữ không được giới luật, luật pháp và luật tục thừa nhận đều được xem là tà dâm. 

Bạn đã trưởng thành, khỏe mạnh nên có nhu cầu sinh lý là chuyện bình thường. Hiện bạn còn độc thân nên vấn đề chung thủy với người bạn đời chưa được đặt ra. Do đó, bạn mua dâm mà “biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, cả hai đều tự nguyện và đều vui”, theo giới luật của hàng cư sĩ tại gia, bạn không phạm tà dâm. Kinh Ưu-bà-tắc ngũ giới tướng, Phật dạy: “Nếu Ưu-bà-tắc (nam cư sĩ) cùng dâm nữ (gái điếm) hành dâm, quỵt không trả tiền, phạm tà dâm không thể sám hối, trả đủ tiền thì không phạm” (Minh Lễ dịch, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, 1994, tr.52). 

Như vậy, về mặt giới luật của người cư sĩ và luật tục (một số tập tục như lệ làng), người trưởng thành sống độc thân, có hành vi tình dục trước hôn nhân hay mua dâm, trong chừng mực nào đó, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, về mặt luật pháp, ở nước ta hiện nay, mua dâm là hành vi phi pháp. Theo Điều 22, Pháp lệnh số 10/2003/UBTVQH11 ngày 17-3-2003 về phòng, chống mại dâm: “Người mua dâm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền. Người mua dâm người chưa thành niên hoặc biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. 

Mặc dù hoạt động mua bán dâm khá phổ biến trong đời sống xã hội nhưng đều không chính thức, nước ta không có “phố đèn đỏ” hoạt động hợp pháp và công khai như ở một số nước trên thế giới, vì thế mua dâm là phạm pháp (đa phần bị xử phạt hành chính). 

Ngay đây, bạn cần lưu ý là, dù giới luật và luật tục tạm “du di” cho bạn có thể mua dâm nhưng vì luật pháp hiện hành lại không cho phép, do đó, nếu bạn mua dâm tức phạm vào tà dâm. Những Phật tử đã thọ Bồ-tát giới tại gia, vi phạm luật pháp dĩ nhiên là phạm giới. “Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di (nam, nữ cư sĩ) đã thọ tại gia Bồ-tát giới, phạm luật pháp nhà nước, ấy là phạm tội thất ý, giới thể không vững, đọa lạc, bất tịnh, bị chướng ngại” (Ưu-bà-tắc giới kinh, Giới khinh thứ 22). Mặc dù đây là giới luật của những Phật tử thọ Bồ-tát giới tại gia, nhưng nếu các Phật tử chỉ thọ năm giới mà vi phạm pháp luật (nhân cách chưa trọn) thì cũng xem là khuyết giới, phạm giới vậy. 

Tóm lại, hiện nay ở nước ta, người cư sĩ độc thân mua dâm là phạm tà dâm (nhưng nếu mua dâm tại các “phố đèn đỏ” ở nước ngoài hoạt động hợp pháp thì không phạm). Trong hoàn cảnh của bạn, nên quán niệm rằng ở đời không có ai là hoàn hảo, mỗi người mỗi nghiệp nặng nhẹ khác nhau đồng thời thành tâm sám hối tội nghiệp tà dâm của mình. Sám hối liên tục cho đến khi nhẹ nghiệp. 

Chúng ta đang sống trong cõi dục nên dục vọng không có gì là xấu. Quan trọng là biết điều hòa và làm chủ thân tâm, không để cho dục vọng chi phối quá mức dẫn đến mất tự chủ, dễ dàng tạo ác nghiệp. Cần xác quyết rằng, mua dâm (nếu được giới luật và pháp luật cho phép) cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Do đó, lập gia đình, xây dựng hạnh phúc hôn nhân vẫn là giải pháp tối ưu và bền vững nhất cho bạn để “toàn tâm toàn ý làm việc cũng như tu niệm” ở hiện tại và tương lai. 

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

([email protected]) 

(nguồn: http://giacngo.vn/)

* PHÚC ĐÁP

Người sống có lòng tự trọng, đạo đức và nhân cách thì dẫu cuộc sống có bần hàn khốn khó đến đâu cũng không bao giờ bán thân để no dạ, vui hưởng sự sung túc trên nhục dục xác thân. Đó là khuôn phép đạo đức làm Người, là văn hóa nhân nghĩa đời thường tự xưa nay. Do đó, xã hội và pháp luật đều lên án, bài trừ nạn mại dâm vì những hệ lụy khôn lường đối với sự định hướng và phát triển nhân cách con người, hạnh phúc gia đình, văn minh của xã hội.

Theo Bát Chánh Đạo của nhà Phật, bán dâm KHÔNG phải là Chánh nghiệp, Chánh mạng. Vậy thì mua dâm có Chánh hay không, bất luận là đã lập gia đình hay chưa, hoặc “trả đủ tiền, biết điều độ và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, cả hai đều tự nguyện và đều vui…”? Nếu đã không Chánh mà vẫn cố biện minh là không phạm Giới tà dâm bằng nhiều lẽ, hỏi Chánh kiến ở chỗ nào?

Trong cuộc sống, người với mỗi ngành nghề mưu sinh khác nhau đều do phước đức – nghiệp duyên chiêu cảm mà thành, dù muốn hay không. Việc bán dâm để kiếm sống cũng ẩn khuất đằng sau nhiều mảnh đời bất hạnh, số phận trái ngang. Có kẻ tự nguyện, cũng có người bị lọc lừa sa vào dâm ô, trụy lạc khó thoát… Người hướng Phật tu hành sao có thể mặc tình cho dục tính dấy sanh mà buông bỏ đạo lý, giới hạnh; chỉ vì thỏa mãn nhu cầu xác thân mà mua dâm thác loạn trên nhân – quả bất thiện của người khác? Còn đâu lòng bi mẫn tôn nghiêm, hướng hóa độ đời của người con Phật chơn chánh? Dẫu không đủ đạo hạnh từ bi để tùy duyên cảm hóa độ người lầm lỡ trở về nẻo ngay, cũng đừng để lửa dục thiêu rụi Phật chủng từ bi, gieo nhân thất tâm tổn đức mà sẽ chịu khổ lụy về sau.

DIỆU PHÁP NHƯ LAI CHỈ CÓ 1 VỊ, ĐÓ LÀ VỊ GIẢI THOÁT. Đại sự tu hành là liễu thoát tử sanh, tức phải tận diệt nhân của luân hồi thống khổ là ái dục tình trường. Vì thế, bất cứ ai, dù tại gia hay xuất gia, thật tâm thống thiết tu Phật thoát khổ luân hồi sanh tử đều phải xả ly ái dục, tức trước phải kiên tâm dừng tuyệt thân hành dâm dục bồi mê đắp ái (tuyệt dục), sau an trú Diệu Pháp trụ tâm thiền nhẫn lực tinh tấn tịnh hóa tận diệt ái thủ (Giới – Định – Huệ).  Cư sĩ tại gia nếu đã lập gia đình ắt có tâm niệm hành vi ái dục gần gũi với bạn đời, dẫu có tu niệm tinh tấn đến đâu đi chăng nữa thì kết quả cũng chỉ vô cùng hạn lượng nhỏ nhặt mà thôi, tuyệt không thể nào liễu sanh thoát tử vì gốc luân hồi ái dục cứ mãi si mê bồi đắp, sống chết ghì chặt không buông. Nếu may mắn chưa lập gia đình thì khuyên người đừng vì nhu cầu sinh lý tức thời mà quên mất bổn Tâm, hành việc trái Đạo; ngược lại, hãy hỷ thuận duyên lành chưa bị đời sống lứa đôi trói buộc mà nhẫn lực tinh tấn tu hành, trưởng dưỡng Đạo tâm, giữ bền chí nguyện giải thoát. Tùy theo tâm lượng và căn trí mỗi người mà sự tu hành rốt ráo đến đâu, thành tựu thế nào đều do nơi mình vậy. Muốn giác ngộ – giải thoát khổ não trầm luân, người tu Phật buộc phải trường chay – tuyệt dục làm nền tảng cần yếu để nhập Đạo tu hành.

Chỉ khi NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI, TRỰC TÂM ĐẠO TRÀNG thì Giới thể tự tịnh thanh, đâu cần lao nhọc từ chương xét suy phạm kỵ trong 250 hay 348 điều giới… Ngược lại, tâm ý không chánh trực, thiếu từ bi – trí huệ trạch Pháp thì cấu nhiễm Giới theo mê tâm, lời dịch thuyết không phải là Phật Pháp.

Trước thế sự đầy chướng ngại cám dỗ, người con Phật hãy luôn tỉnh giác giữ gìn Giới hạnh, lấy Bát Chánh Đạo làm kim chỉ nam, Từ Bi Hỷ Xả làm gốc, trực tâm y Tánh tu hành!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————————-

Tham khảo: