he-thong-kinh-a-ham-co-noi-den-the-gioi-cuc-lac-va-phap-mon-niem-phat

Đạo tràng xin phép tác giả và BBT Người Phật tử (http://nguoiphattu.com) được chia sẻ bài nơi đây.

Đại chúng xem qua hãy Chánh Kiến – Tư Duy mà vững bước tiến tu chớ đừng sanh tâm phân tranh hay tác niệm mê cầu mà tự chướng.

Hãy VÔ TÂM NIỆM PHẬT!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

—————————————————

HỆ THỐNG KINH A HÀM CÓ NÓI ĐẾN
“THẾ GIỚI CỰC LẠC” VÀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Bản Địa Phong Quang

(nguồn: http://nguoiphattu.com/…/9625-he-thong-kinh-a-ham-co-noi-de…)

—o0o—

Pháp môn niệm Phật vi diệu này không chỉ Phật dạy cho các tỳ kheo, mà chư Phật còn dạy rộng khắp cho các chúng sinh hữu duyên, bao gồm cả chư thiên cũng biết đến pháp môn niệm Phật này. Đây đều là những đoạn kinh văn trong hệ kinh A Hàm, tuyệt đối không phải là hư cấu.

I. DẪN NHẬP

Trong mấy năm gần đây, một nhóm những người tu theo Tiểu thừa (Phật giáo Nam truyền) dưới sự dẫn dắt sai lầm của các ác tri thức, ra sức phỉ báng kinh điển Đại thừa, cho rằng “Đại thừa phi Phật thuyết”, đồng thời cực lực bài bác pháp môn Tịnh Độ của Phật giáo Bắc truyền. Họ cho rằng các bộ kinh của pháp môn Tịnh Độ ra đời sau khi Phật nhập diệt hàng trăm năm, được các Tổ sư Trung Quốc ngụy tạo ra, thậm chí có người còn cho rằng đó là sự gán ghép giáo lý của đạo Bà La Môn vào trong Phật giáo. Hoang đường hơn, có người còn cho rằng hình tượng Phật A Di Đà còn là sự mỹ hóa phong tục thờ thần lửa của các bộ tộc phía Tây…Vậy rốt cuộc, Phật Thế Tôn có từng giảng về pháp môn niệm Phật và thế giới Cực Lạc hay không? Bài viết dưới đây sẽ một phần nào làm sáng tỏ điều này.

II. VẤN ĐỀ NGÔN NGỮ VĂN TỰ TRONG KINH ĐIỂN

Nhóm những người tu theo “Tiểu thừa cực đoan” này cho rằng khi Phật tại thế không từng thuyết kinh điển Đại thừa, cũng chưa từng thuyết về thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà. Họ chỉ dùng trí tuệ phàm phu để tin vào những gì mắt thấy tai nghe, cho rằng chỉ có kinh điển Nikaya bằng tiếng Pali mới là xác thực, mới truyền tải những nội dung nguyên thủy nhất của Phật giáo. Kỳ thực, đây là một nhận định sai lầm theo chủ nghĩa duy vật, tức là dựa trên kết luận khoa học, khảo cổ học CHO TỚI THỜI ĐIỂM NÀY chứ không dựa theo giáo lý Phật pháp, họ cho rằng cái gì nhìn thấy mới là thật. Bản thân điều này đã trái ngược với nội dung Phật pháp rồi, huống hồ còn rất nhiều điều khác họ chưa từng biết, khảo cổ học còn chưa khai quật hết. Chỉ bằng hai lý do đơn giản sau cũng để thấy rằng trong cách nói của họ đã có vấn đề:

– Một là: Phật khi tại thế, đi khắp nơi dành thời gian thuyết pháp 49 năm, không lẽ chỉ thuyết một bộ kinh duy nhất, một pháp môn duy nhất (A Hàm, Bát Chính đạo)? Trong khi rõ ràng kinh điển A Hàm cũng chỉ cho chúng ta thấy Phật Thế Tôn còn thuyết rất nhiều nội dung khác của Đại thừa, những nội dung thâm sâu vi diệu hơn tất cả những gì các La Hán được biết, được học. Chưa kể, mục đích tối thượng của Phật đến nhân gian để dạy cho chúng sinh con đường tu thành Phật, chứ không phải chỉ dạy về pháp môn Giải thoát sinh tử, trở thành La Hán, nhập Niết Bàn và không có lợi ích gì cho chúng sinh.

– Hai là: Ấn Độ xưa nay vẫn được coi là một nước rộng lớn với hàng ngàn bộ tộc, ngôn ngữ vô cùng phong phú, tương đương với hàng ngàn thứ tiếng nói khác nhau. Hiện nay, ở Ấn Độ có đến 22 NGÔN NGỮ QUỐC GIA CHÍNH THỨC được sử dụng, tương đương với 22 hệ chữ viết cùng song song tồn tại được pháp luật thừa nhận. Xét về ngữ hệ mà nói, thì ở Ấn Độ cũng có nhiều ngữ hệ khác nhau, chứ không hề đồng nhất, trong đó có ngữ hệ Ấn-Aryan (được 72% người Ấn Độ sử dụng) và ngữ hệ Dravidan (được 25% người Ấn Độ sử dụng). Các ngôn ngữ khác tại Ấn Độ thuộc về các ngữ hệ Miến-Tạng, ngữ hệ Nam Á và một số hệ ngôn ngữ phụ và các ngôn ngữ biệt lập. Tuy nhiên , thời Ấn Độ cổ có đến hàng ngàn ngôn ngữ khác nhau, đến nay đã bị mai một, diệt vong rất nhiều rồi. Đến năm 1961, Ấn Độ còn tồn tại khoảng 1100 loại ngôn ngữ, nhưng hiện nay, gần 220 loại trong đó đã biến mất. Báo Times of India dẫn lời Ganesh Devy, đồng trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và In ấn Bhasha cho biết: “Chúng tôi tìm được 780 ngôn ngữ, và có thể mất dấu khoảng 100 ngôn ngữ, nhưng gộp lại cũng được gần 880 loại. Phần còn lại đã biến mất hoàn toàn”. Với tình hình phát triển và diệt vong của các loại ngôn ngữ ở Ấn Độ cổ như vậy, chúng ta không có lý do chắc chắn nào để tin rằng tiếng Pali là ngôn ngữ duy nhất, chính thức sao chép kinh Phật. Phật đi thuyết pháp 49 năm ở rất nhiều vùng và địa phương khác nhau, chứ không ở tại một chỗ, do đó việc sao chép kinh điển bằng nhiều chữ viết khác nhau là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra. Ngoài chữ Pali, cũng không phải chỉ có chữ Tạng, tiếng Phạn mà còn có thể có những chữ viết thuộc ngôn ngữ khác mà chưa được khai quật.

Tuy nhiên, đó là vấn đề thuộc lĩnh vực ngôn ngữ và khảo cổ học. Điều mà chúng cần quan tâm là nội dung của kinh điển chứ không phải là nó được viết bằng ngôn ngữ nào. Bởi chính Phật Thế Tôn đã từng nói: “Hãy để mọi người tùy theo ngôn ngữ quốc tục của mình để giải nghĩa, tụng đọc và học kinh Phật” (“Tứ Phần Luật” quyển 52, Đại Chính Tạng, sách 22, trang 955). Nói cách khác, Phật không đồng ý với đề nghị của một tỳ kheo người Bà La Môn xin Phật cho phép dùng ngôn ngữ, văn tự của “chủng người siêu đẳng Bà La Môn” để độc quyền viết kinh Phật.

III. PHÁP MÔN NIỆM PHẬT CÓ NÔNG CÓ SÂU, KHÔNG CHỈ CÓ MỘT LOẠI DUY NHẤT

Tiếp theo chúng ta hãy cùng bàn đến vấn đề pháp môn NIỆM PHẬT. Nói đến “Niệm Phật”, mọi người thường chỉ biết đến pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” để cầu vãng sinh về Tây phương Cực Lạc dựa trên hạnh nguyện của Phật A Di Đà. Tuy nhiên, không mấy người biết rằng pháp môn Niệm Phật có rất nhiều loại, có nông có sâu, có thứ tự tu hành theo từng cấp cao thấp khác nhau, chứ không phải là chỉ có một pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh duy nhất.

Kỳ thực, pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh Tịnh Độ là một pháp môn trong hệ thống pháp môn niệm Phật Hữu Tướng. Ngoài niệm Phật lục tự hồng danh, còn có niệm Phật Quán tượng và niệm Phật Quán tưởng nữa. Sở dĩ gọi chung là niệm Phật Hữu Tướng là vì chúng có chung một đặc điểm là niệm Phật có kèm theo âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ, danh hiệu Phật, công đức Phật…bất kể là có niệm ra thành tiếng hay không thành tiếng.

Pháp môn Tịnh Độ thì có phần đặc biệt ở chỗ sau khi được vãng sinh, tùy theo công đức và công phu tu hành mà được vào các liên phẩm khác nhau. Sau khi hoa sen mở, hành giả được ra ngoài, lúc này mới bắt đầu tu tập các pháp môn Đại thừa, cho đến khi Ngộ đạo (thực chứng được Chân Tâm – Thực tướng của mình), trở thành Bồ Tát ở các cấp độ (quả vị) khác nhau, đi đến các thế giới cứu độ chúng sinh, cuối cùng thành Phật. Do đó, việc niệm Phật cầu vãng sinh mới chỉ là một phương tiện đưa hành giả đến Tịnh Độ, còn để Ngộ đạo và thành Phật thì vẫn cần một quá trình tu tập nhất định. Cho nên, câu nói “niệm Phật thành Phật” là một cách nói vắn tắt, ẩn giấu đi quá trình tu tập, chứ không phải cứ niệm Phật, vãng sinh đến Tịnh Độ, ra khỏi hoa sen là thành Phật (Câu nói “Kiến tính thành Phật” ở bên Thiền tông cũng có ý nghĩa ẩn giấu QUÁ TRÌNH TU HÀNH tương tự). Thời gian tu hành ở Tịnh Độ rất dài, dài hơn rất rất nhiều so với ở Ta Bà. Song, vì vấn đề này không nằm trong phạm vi bài viết này nên tạm gác lại không nói. Chỉ có điều, ngoại đạo và một số người chấp tà kiến trong Phật môn (nhóm những người tu Tiểu thừa mà hay phỉ báng kinh điển Đại thừa) không hiểu “QUÁ TRÌNH TU HÀNH” ẩn giấu ở đây nên họ thường đem câu kệ trong kinh Kim Cương ra để công kích: “Nếu lấy sắc mà thấy ta, lấy âm thanh mà cầu ta, người đó theo đạo tà, không thể thấy Như Lai”, cho rằng pháp môn Tịnh Độ đi trái ngược với lời Phật dạy. Kỳ thực, họ không biết rằng sau khi hành giả đến Tịnh Độ, đợi đến khi hoa sen nở, tùy theo mức độ tu hành mà có thể gặp chim, cây, Bồ Tát hay gặp Phật, phải tu tập một thời gian rất dài mới Ngộ đạo (Thấy Như Lai tức là thấy Chân Tâm – Phật tính của chính mình). Do đó, đứng về góc độ tu hành có thứ tự, có quá trình thì pháp môn niệm Phật không có gì mâu thuẫn với câu kệ trong kinh Kim Cương. Chẳng qua những người đó quá “thật thà”, chỉ biết luận nghĩa kinh Phật theo mặt chữ nên mới phỉ báng Phật mà không tự biết.

Tiếp theo, ở mức độ cao hơn của pháp môn niệm Phật Hữu Tướng là pháp môn niệm Phật Vô Tướng, tức là niệm Phật mà không có kèm theo hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ, hình tượng. Đây là pháp môn niệm Phật mà Đại Thế Chí Bồ Tát đã tu hành thành công và báo cáo Kiến đạo trước mặt Phật Thế Tôn (Xem “Đại Thế Chí Bồ Tát niệm Phật viên thông chương”). Qua đây cũng để thấy, việc có hòa thượng nổi tiếng thế giới rao giảng rằng các Bồ Tát đều “niệm Phật” vãng sinh đến Thế giới Cực Lạc là một cách nói chưa thật chính xác, bởi đúng là niệm Phật, nhưng không có nghĩa là niệm Phật lục tự hồng danh. Đây là một “điểm mù” mà nhiều người học Phật chưa được làm rõ, khiến tất cả đều ngộ nhận về câu nói của vị hòa thượng nọ. Tôi cho rằng đây là một thiếu sót đáng tiếc, khiến cho người học Phật không có được chính tri chính kiến. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi phủ nhận sự vi diệu của pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh, bởi có rất nhiều người sơ cơ và phàm phu cần đến pháp môn Tịnh Độ này.

Ở tầng cao hơn, thâm sâu hơn của pháp môn Niệm Phật còn có niệm Phật Thể Cứu, niệm Phật Tam muội, niệm Phật Thực tướng, đều là pháp môn niệm Phật dành cho những bậc Bồ Tát đã khai ngộ, tức đã Minh Tâm – Kiến Tính rồi. Vì vấn đề nằm quá xa so với những người đang tu học pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh, cũng ngoài tầm hiểu biết của tôi nên không lạm bàn.

Như vậy để chúng ta thấy, “pháp môn niệm Phật” chỉ là một danh từ chung, nội dung của nó có nông có sâu, vi diệu khó lường, từ chỗ dành cho phàm phu đến người đã khai ngộ, cho đến Bồ Tát ở các quả vị khác nhau đều có thể tu học theo pháp môn tương ứng với trình độ của mình, chứ không phải “pháp môn niệm Phật” là từ chỉ dành riêng cho niệm Phật lục tự hồng danh cầu vãng sinh Tịnh Độ như tuyệt đại đa số mọi người đang lầm tưởng.

Qua đây, tôi cũng hé lộ thêm một manh mối nữa để mọi người tiếp tục suy nghĩ, đó là câu mà vị hòa thượng nổi tiếng nọ cũng thường giảng, đại ý là “Tam thế chư Phật (gồm cả Phật Thích Ca) niệm Phật để thành Phật”. Kỳ thực, đúng là như vậy, song bản thân vị hòa thượng ấy cũng chưa chắc đã hiểu chư Phật “niệm Phật” là theo pháp môn nào mà thôi, dẫn đến nhiều người hiểu lầm là chư Phật niệm lục tự hồng danh và ngoại đạo (bao gồm cả nhóm những người tu Tiểu thừa trong Phật môn) công kích cho rằng: chư Phật niệm Phật (A Di Đà) để thành Phật, vậy Phật A Di Đà niệm Phật gì để thành Phật? Nếu hiểu rõ được nội hàm nông sâu khác nhau trong tổng thể “pháp môn niệm Phật” thì chúng ta sẽ có câu trả lời: Chư Phật đều niệm Pháp thân Phật của chính mình. Song vì vấn đề này không nằm trong nội dung tu hành của ngoại đạo và bên Tiểu thừa, cho nên họ không thể hiểu được rốt cuộc nó là cái gì mà thôi.

IV. PHẬT THÍCH CA KHI TẠI THẾ ĐÃ GIẢNG VỀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT VÀ THẾ GIỚI CỰC LẠC

Theo mạch tư duy phá tà kiến trong Phật môn bấy lâu nay, tôi tiếp tục sử dụng bằng chứng trong hệ thống kinh A Hàm mà Phật giáo Nam truyền (Tiểu thừa – Phật giáo nguyên thủy – Phật giáo nguyên chất – Đạo Phật gốc) đang tu học để chứng minh rằng Phật khi tại thế đã từng giảng về pháp môn “niệm Phật” và “Thế giới Cực Lạc”. Nếu như sử dụng kinh điển Đại thừa để nói thì sẽ không có ý nghĩa thuyết phục, bởi hiện nay nhóm những người tu “Tiểu thừa cực đoan” luôn miệng phủ nhận hệ thống kinh điển Đại thừa rồi. Cho nên, nếu dùng chính hệ thống kinh điển Tiểu thừa để chứng minh thì họ sẽ không thể tiếp tục phỉ báng được nữa. Có như thế mới có cơ hội cứu họ thoát khỏi sự dẫn dắt sai lầm của các ác tri thức như Thích Thông Lạc, Thích Nhật Từ…, sau đó thông qua sám hối chí tâm thống thiết thì mới có cơ hội thoát khỏi trọng nghiệp Tam ác đạo được. Sau đây là các ví dụ chứng minh:

1. PHẬT GIẢNG VỀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

– “Trường A Hàm kinh” quyển 8, “Chúng tập kinh, đệ 5”: “Lại có 6 pháp này, gọi là Lục tư niệm: PHẬT NIỆM, Pháp niệm, Tăng niệm, Giới niệm, Thí niệm, Thiên niệm. Là vì Chính pháp mà Như Lai nói, nên cùng nhau soạn tập, để phòng tranh cãi, khiến cho phạm hạnh được trụ mãi, đem lại nhiều lợi ích, thiên nhân đều được an”.

– “Trường A Hàm kinh” quyển 9, “Thập thượng kinh, đệ 6”: “Thế nào là Lục pháp tu? Đó là Lục niệm: NIỆM PHẬT, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên”.

– “Trường A Hàm kinh” quyển 9, “Tăng nhất kinh, đệ 7”: “Thế nào là Lục pháp tu? Đó là lục niệm: NIỆM PHẬT, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên”.

Như vậy, theo kinh “Trường A Hàm” thì Phật Thế Tôn khi tại thế đã dạy chúng đệ tử về pháp môn Lục niệm, trong đó có NIỆM PHẬT rồi. Pháp môn này không chỉ nói một lần mà còn nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nhiều nơi, chứng tỏ cho thấy đây là một pháp môn quan trọng chứ không phải chỉ điểm qua một lần là xong.

– “Phật thuyết thập nhất tưởng tư niệm Như Lai kinh” (Thuộc bộ Tăng Nhất A Hàm): “Ta nghe như vầy: khi đó, Bà Già Bà ở trong núi Kỳ Xà Quật thành La Duyệt, cùng với 250 đại tỳ kheo. Khi ấy, Thế Tôn nói với các tỳ kheo: ‘Nên tư niệm Như Lai bằng mười một tưởng, tư niệm xong thì nên phát Từ tâm nơi Như Lai. Thế nào là mười một? Giới ý thanh tịnh (là một); Uy nghi đầy đủ (là hai); Các căn không khuyết (là ba); Tín ý bất loạn (là bốn); luôn có Dũng kiện ý (là năm); Nếu càng khổ lạc mà không cho đó là Âu lo (là sáu); Ý không đánh mất (là bảy); Chỉ quán hiện trước mắt (là tám); Ý tam muội không ngừng nghỉ (là chín); Ý trí tuệ vô lượng (là mười); Quán Phật không chán ngán (là mười một). Đúng thế, các tỳ kheo nên tư niệm Như Lai bằng 11 tưởng này. Sau khi tư niệm Như Lai thì nên phát Từ tâm nơi Như Lai, thế gọi là tỳ kheo tu hành NIỆM PHẬT trong tỳ kheo. Tỳ kheo đó đã tu hành NIỆM PHẬT, trong Nhị quả nên cầu Nhất quả, trong pháp hiện tại đắc tự tại, thành Vô Dư A Na Hàm’. Khi đó, các tỳ kheo nghe Phật nói xong, vui vẻ phụng hành”.

Qua đoạn kinh văn này, chúng ta thấy rõ ràng rằng Phật không chỉ giới thiệu về niệm Phật trong “pháp môn Lục niệm” mà còn đi vào cụ thể, dạy các tỳ kheo niệm Phật như thế nào, bằng tâm thái gì nữa. Điều cần chú ý ở đây là Thế Tôn dùng hai chữ “Như Lai” để nói về “Phật” tức là Pháp thân Phật, chứ không phải là niệm bản thân Đức Thế Tôn. Cũng tương tự, chúng ta biết câu “Như Lai chưa từng nói một câu!”, ở đây hai chữ “Như Lai” không phải là nói về bản thân Thế Tôn mà là nói về Chân Tâm đoạn mọi đạo ngôn ngữ. Hãy suy nghĩ kỹ về câu “thế gọi là tỳ kheo tu hành NIỆM PHẬT trong tỳ kheo”. Đó chẳng phải là niệm Chân Tâm – Pháp thân Phật trong mỗi người hay sao? Vì thế, ở trên tôi mới nói NIỆM PHẬT không đơn giản chỉ là niệm ra bằng miệng, cũng không phải là nghĩ đến hình tượng, âm thanh, Phật hiệu…Đoạn kinh văn ở dưới còn cho thấy thiên nhân còn biết “trầm mặc Niệm Phật” cũng đã là khác xa so với mở miệng niệm Phật rồi.

– “Tạp A Hàm kinh” quyển 50, số 1349: “Ta nghe như vầy: Khi đó, Phật đi du thuyết trong nhân gian ở nước Câu Tát La, nghỉ ở một khu rừng. Khi đó, có một thiên thần, là người sống ở khu rừng đó, thấy dấu chân của Phật, cúi đầu quán sát CHÂN THỰC, tu pháp PHẬT NIỆM. Khi đó, có con chim Ưu Lâu nghỉ ở giữa đường, nhảy theo dấu chân Phật.

Khi đó, thiên thần liền nói kệ rằng:

Này con chim Ưu Lâu
Mắt tròn đậu trên cây
Đừng loạn dấu Như Lai
Phá ta niệm Phật cảnh

Khi ấy, thiên thần nói kệ xong, trầm mặc NIỆM PHẬT”.

Pháp môn niệm Phật vi diệu này không chỉ Phật dạy cho các tỳ kheo, mà chư Phật còn dạy rộng khắp cho các chúng sinh hữu duyên, bao gồm cả chư thiên cũng biết đến pháp môn niệm Phật này. Đây đều là những đoạn kinh văn trong hệ kinh A Hàm, tuyệt đối không phải là hư cấu.

2. PHẬT GIẢNG VỀ THẾ GIỚI CỰC LẠC

– “Ương Quật Ma La kinh” quyển 3: “Khi đó, Thế Tôn như chim Nhạn vương, cùng đại chúng gồm Ương Quật Ma La, Xá Lợi Phất, Đại Mục Liên, Văn Thù Sư Lợi phò tá…như quần tinh vây quanh trăng tròn, từ dưới cây Vô Ưu bay lên hư không, đi đến chỗ cây Thất Đa La, cách thành Xá Vệ chừng 40 tiếng bò rống. Khi ấy, mẹ Ương Quật Ma La cùng chư thiên, long, dạ xoa, càn đạt bà, khẩn na la, ma hầu la già bày biện đại lễ cúng dường đến rừng Kỳ Đà. Lúc ấy, Thế Tôn như chim Nhạn vương, đi vào vườn Cấp Cô Độc ở rừng Kỳ Đà, tiến lên tòa Sư tử, (cảnh tượng khi ấy khiến) tam thiên đại thiên thế giới bằng phẳng như lòng bàn tay, sinh ra các loài cỏ mềm mại như AN LẠC QUỐC.”

Đoạn kinh văn trên rõ ràng cho chúng ta thấy các La Hán khi kết tập kinh điển có nhắc đến An Lạc Quốc, một tên gọi khác của Thế giới Cực Lạc rồi. Sở dĩ có câu kinh văn mô tả sự thù thắng trên là chỉ tình cảnh rất trang nghiêm, tuyệt diệu. Chúng ta biết mỗi lần Phật thuyết pháp hoặc Bồ Tát thuyết chú, đều có những sự kiện tương tự như đại địa chấn động, hoa từ trên trời rơi xuống như mưa, mùi thơm ngào ngạt, nhạc tấu nổi lên…Vì thế, việc cả tam thiên đại thiên thế giới bỗng trở nên thanh mình, tĩnh lặng và mềm mại như Thế giới Cực Lạc là chuyện hết sức bình thường, không phải tự thêm thắt vào cho thành văn vẻ.

– “Ương Quật Ma La kinh” quyển 3: Khi đó, Thế Tôn hỏi Văn Thù và những người khác: “Các thế giới Như Lai đó ra sao?”. Nhóm Văn Thù đáp rằng: “Các thế giới đó không có sa thạch, bằng như nước trong, cảm giác mềm mại như bông, như AN LẠC QUỐC không có ngũ trọc, cũng không có nữ nhân, Thanh Văn, Duyên Giác, duy chỉ có NHẤT THỪA mà không có các Thừa khác”.

Phật nói với Văn Thù và những người khác: “Nếu như có thiện nam tử, thiện nữ nhân, xưng niệm danh hiệu tất cả các chư Phật đó, dù đọc dù viết dù nghe hay cười đùa nói chuyện, hoặc thuận theo người khác mà đọc hay tự mình muốn thể hiện, nếu như có mọi chuyện sợ hãi thì chúng đều biến mất; tất cả chư thiên, long, dạ xoa, càn đạt bà, a tu la, gia lâu la, khẩn na la, ma hầu la già…không thể gây nhiễu loạn. Chúng nghe thấy đều ủng hộ, đóng cửa Tứ thú (Tam ác đạo và A tu la). Ta nói đó là đối với người chưa phát tâm mà đắc cái nhân Bồ Đề, huống hồ là người có tâm thanh tịnh đọc, tụng, viết, nghe?”

Đoạn kinh văn này cho biết Văn Thù Bồ Tát khi trả lời Thế Tôn về các thế giới khác bên ngoài thế giới Ta Bà đã ví quang cảnh của các thế giới đó tựa như AN LẠC QUỐC…Chúng ta biết rằng, Thế giới Cực Lạc có rất nhiều tên gọi khác nhau như Tịnh Độ, An Lạc, Liên Bang, Tây phương Cực Lạc, Tây phương Tịnh Độ, đồng thời ở đó chỉ có thuần thiện, không có ác pháp, không giống như Ta Bà là nơi ngũ trọc ác thế. Văn Thù Bồ Tát đã lấy An Lạc Quốc – Thế giới Cực Lạc ra để so sánh, cho mọi người hình dung về các thế giới xa xôi khác, chứng tỏ rằng cảnh giới của Thế giới Cực Lạc rất quen thuộc với mọi người lúc đó rồi, cho nên chỉ cần nói vậy là mọi người hiểu ngay. Chúng ta thường ví von “mềm như bông”, “trắng như tuyết”, “vàng như nghệ”…tức lấy cái mà mọi người đã biết như bông, tuyết, nghệ để hình dung về một trạng thái nào đó tương tự. Đây là một biện pháp so sánh lấy cái đã biết để nói về cái chưa biết hết sức thông thường mà bất cứ ai cũng có thể hiểu được, đủ thấy các tỳ kheo khi đó đều biết An Lạc Quốc là thế giới như thế nào rồi.

Đồng thời đoạn kinh văn này một lần nữa hé lộ cho chúng ta biết Nhất Thừa – tức Phật thừa (Pháp Đại thừa) cũng đã được mọi người biết đến, cho nên Văn Thù Bồ Tát mới so sánh để mọi người hiểu. Điều này cũng phù hợp với Tịnh Độ, vì hành giả khi đã vãng sinh đến An Lạc Quốc thì chỉ có một con đường tu lên thành Bồ Tát ở các quả vị khác nhau, cuối cùng thành Phật. Đó chính là con đường Phật Bồ Đề chứ không phải là đạo Giải thoát mà các La Hán đang tu hành.

* KẾT LUẬN

Như vậy, qua các đoạn kinh văn thuộc hệ thống kinh A Hàm nói trên, chúng ta có thể thấy khi Phật Thế Tôn truyền pháp, ngoài pháp Tiểu thừa của đạo Giải thoát, Người cũng đã truyền dạy các pháp Đại thừa của đạo Phật Bồ Đề, trong đó có nói đến các pháp môn Niệm Phật rồi. Pháp môn niệm Phật lục tự hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” cũng nằm trong số đó, vì thế mà các La Hán cũng biết đến thế giới Cực Lạc – An Lạc Quốc mà không có chút hồ nghi, ghi chép lại rõ ràng. Vấn đề khác biệt duy nhất ở chỗ đó không phải là con đường tu đạo mà các La Hán mong muốn, bởi phải trải qua vô số kiếp tu hành, phải chịu khổ cực luân hồi sinh tử, hoàn toàn trái ngược với ước nguyện giải thoát trong một đời của họ, do đó mà các La Hán không tu học, cũng không ghi chép lại đầy đủ trong tứ A Hàm mà thôi.

Đến đây, sau loạt bài “Phá tà kiến của nhóm người tu Tiểu thừa chuyên phỉ báng Đại thừa”, có lẽ tất cả mọi người đã nhận diện rõ nét hơn về tình hình truyền bá và tu tập Phật pháp khi Phật còn tại thế. Rõ ràng là Phật Thế Tôn đã giảng rất nhiều pháp Đại thừa để giúp chúng sinh tu thành Phật đạo. Riêng pháp Tiểu thừa chỉ là một bộ phận trong đó, Thế Tôn trích ra nói riêng để đáp ứng nguyện vọng tu tập và giải thoát trong một đời của các La Hán. Do hạnh nguyện khác biệt nên các La Hán khi kết tập kinh điển đã chủ yếu lưu lại những gì mà Thế Tôn đã thuyết giảng về pháp môn Bát Chính Đạo, chứ không đi sâu vào pháp Đại thừa. Nhưng do sự liên quan, liền mạch của sự việc, nên trong khi kết tập kinh điển, các La Hán vẫn kết tập một phần nội dung của kinh điển Đại thừa ở mức độ hết sức thô lược. Nhưng những thông tin này cũng đủ chứng minh cho chúng ta thấy một sự thật không thể chối cãi rằng Phật Thế Tôn khi tại thế đã thuyết pháp Đại thừa, còn Tiểu thừa chỉ là một bộ phận nhỏ ở trong đó mà thôi. Song vì vấn đề diễn biến lịch sử, nên người đời sau đã hiểu lầm một cách nghiêm trọng rằng Thế Tôn chỉ thuyết pháp Tiểu thừa mà không thuyết Đại thừa. Sự hiểu lầm này căn bản đã là một sự phỉ báng Thế Tôn rồi, huống chi là nhóm những người tu “Tiểu thừa cực đoan” trí mỏng đức cạn, tu tập không đến nơi đến chốn, dưới sự dẫn dắt sai lầm của các ác tri thức, tối ngày lên mạng xã hội hoặc viết sách ra sức phỉ báng kinh điển Đại thừa, phỉ báng Phật Pháp Tăng. Đây thực sự là những tà kiến nguy hiểm thời mạt Pháp, có liên quan mật thiết đến sự an nguy, trường tồn của chính pháp Như Lai cũng như pháp thân huệ mạng của chính những kẻ phỉ báng Tam Bảo.

Một lần nữa, dựa trên những bằng chứng sắt đá này, tôi kêu gọi những người vì mê lầm tin theo ác tri thức, hãy bình tâm tự phản tỉnh, suy xét cho kỹ vấn đề, đọc lại chính những bộ kinh điển mà mình đang tu học để đối chứng, đừng dại dột chấp mê bất ngộ, “y nhân bất y pháp” mà phỉ báng Tam Bảo và kinh sách Đại thừa. Hãy gạt qua mọi thể diện, hiểu biết phàm tục thế gian mà dũng cảm ăn năn sám hối trước Tam Bảo, quay về bảo vệ chính pháp, hồi Tiểu hướng Đại, lấy công chuộc tội, kẻo đến khi “chân lạnh” thì không kịp hối nữa rồi.

Mong các đạo hữu phát tâm Bồ Đề, chia sẻ rộng rãi thông tin này cho tất cả mọi người cùng biết, tránh để bạn bè, người thân đi vào vết xe đổ này, cùng nhau hộ trì chính pháp, cứu độ chúng sinh, đồng đăng Phật địa.

Trong quá trình dịch kinh, nếu có gì sai sót, kính mong các bậc thiện tri thức từ bi chỉ giáo.

Đệ tử dập đầu trước Tam Bảo, nguyện chư Phật Bồ Tát từ bi minh chứng.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Đại Thế Chí Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Huyền Trang Bồ Tát Ma Ha Tát!

Bản Địa Phong Quang

cẩn bút
(15.10.2015)

———————————————

Tham khảo bài:

Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
– Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị về Niệm Phật
– Lục Tổ Huệ Năng khai thị về Niệm Phật
– Phật Pháp vấn đáp 22: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?