khuc-go-troi-song
Ảnh sưu tầm

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi. Trên bờ sông Hằng, Ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng sông, thấy vậy liền gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, các ông có thấy khúc gỗ to lớn này đang trôi theo dòng nước sông Hằng không?

Thưa có, bạch Thế Tôn. 

Này các Tỷ kheo, nếu khúc gỗ ấy không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị người và Chư Thiên nhặt lấy, không bị mắc vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong; như vậy, này các Tỷ kheo, khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, sẽ xuôi theo biển, sẽ nhập vào biển.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu các ông không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị người và Chư Thiên nhặt lấy, không bị mắc vào nước xoáy, không bị mục nát bên trong. Như vậy, này các Tỷ kheo, các ông sẽ hướng về Niết bàn, sẽ xuôi theo Niết bàn và sẽ nhập vào Niết bàn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ IV, phẩm Rắn độc,
phần Khúc gỗ, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.293)

————————————

LƯU Ý

Trong lời dạy trên, cần liễu nghĩa:

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, nếu các ông:

  • không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia: ngụ ý không chấp kẹt vào Tà kiến mà phải có Chánh kiến, Chánh tư duy.
  • không chìm giữa dòng: ngụ ý không bị tham ái và chấp thủ ngã tướng nhấn chìm.
  • không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị người và Chư Thiên nhặt lấy: ngụ ý không bị thế tục hóa, lầm lạc mà phải kiên định chí nguyện giác ngộ – giải thoát.
  • không bị mắc vào nước xoáy: ngụ ý phải nhẫn lực tinh tấn điều phục mọi chướng ngại.
  • không bị mục nát bên trong: ngụ ý phải trang nghiêm giới hạnh và huệ mạng tu hành.

————————————

Xem thêm: