nhung-dieu-tam-niem-bo-thi
Những kẻ có căn lành, lòng Từ là cội gốc (ảnh sưu tầm)

Những kẻ có căn lành, lòng Từ là cội gốc.

Kinh Niết Bàn

Từ tâm tức là nhơn duyên của tất cả sự an vui. Rời bỏ Từ Bi thời chẳng còn có Pháp lành.

Kinh Ưu Bà Tắc Giới

Bồ Tát là nhà đại thí chủ, có bao nhiêu của cải đều bình đẳng thí cho chúng sanh mà không hối tiếc. Chẳng mong quả báo, chẳng cầu danh vọng, chẳng cầu sanh về chỗ hơn, chẳng cầu lợi dưỡng mà Bồ Tát chỉ muốn cứu độ tất cả chúng sanh, muốn học theo bốn hạnh của các Đức Phật, muốn thọ trì bốn hạnh của các Đức Phật, muốn hiển hiện bổn hạnh của các Đức Phật, muốn khiến tất cả chúng sanh lìa tất cả khổ được giác ngộ và giải thoát.

Kinh Hoa Nghiêm

Người trí tu hạnh bố thí chẳng vị mong trả ơn, chẳng vì cầu được việc, chẳng vì hộ kẻ xan tham, chẳng vì sanh các cõi trời hưởng vui, chẳng vì tiếng tốt lưu bố ra ngoài, chẳng vì sợ hãi nỗi khổ ba ác đạo, chẳng vì cầu việc chi hết, chẳng vì chẳng dùng, chẳng vì tục lệ của gia truyền, chẳng vì để gần gũi.

Người trí tu bố thí vì lòng thương xót, vì muốn khiến kẻ kia được an vui, vì muốn họ cũng sanh lòng bố thí, vì muốn cùng các bậc Thánh nhơn mà tu đạo, vì muốn phá trừ phiền não và vì muốn vào cõi Niết Bàn đoạn hữu vậy.

Người không có của tự nói không có của là không thật. Tại sao? Là người ai lại không có được một chén nước, một cọng cỏ…? Những kẻ nghèo xơ, đem nước hay đem một hạt cơm thí cho con kiến cũng được phước báo. Dầu cho những người cực nghèo trong thiên hạ, ai lại không có một hạt cơm, hay một miếng bánh bằng bột… 

Nầy Thiện nam tử! Dầu cho những kẻ bần cùng trong thiên hạ đi nữa, đâu phải họ không có cái thân. Nếu họ không có vật chi bố thí thì mỗi khi thấy có kẻ khác tu bố thí, hãy đem thân đến mà hiệp lực giúp đỡ với kẻ kia.

Nếu người không có tâm bố thí thì dầu cho làm đến vị Quốc Vương cũng chưa chắc bố thí cho ai được chút gì!

Kinh Ưu Bà Tắc Giới

Đời lắm kẻ ngu, giữ chặt lòng bủn xin chẳng bố thí, chứa vàng của vạn ức, cho là vật sở hữu của ta. Đến khi chết, mắt thấy ác quỷ, dao phong cắt thân, tuyệt hơi thở. Bấy giờ, tùy theo lòng tham nặng nhẹ mà lãnh lấy quả báo đau khổ. Đến chỗ chịu khổ mới biết ăn năn, đâu còn kịp nữa!

Kinh Bồ Tát Xử Thai

Nếu có người bần cùng, không của bố thí, khi thấy kẻ khác bố thí thì nên sanh tâm tùy hỷ; phước báo tùy hỷ không khác với phước báo kẻ tu bố thí. Ấy là việc rất dễ tu, ai tu chẳng đặng vậy.

Kinh Nhơn Quả

Nếu thấy có người đến xin mà mặt mày nhăn nhó, thời phải biết người ấy họ đang mở cửa Ngạ Quỷ.

Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh

Xưa có người muốn sắp mở hội mời số khách đông để cúng dường sữa bò. Rồi tự nghĩ: “Nếu từ nay, cứ mỗi ngày nặn lấy sữa thì sữa sẽ nhiều không đồ chứa; mà chứa để lâu ngày sợ e sữa hư; chi bằng chứa luôn trong bụng bò, đến ngày khách đến sẽ nặn lấy một lần cho tiện“. Thế rồi liền dắt bò con đem cột riêng xa bò mẹ. Qua thời gian một tháng mới mời khách đến, đem bò ra nặn sữa, sữa đã khô mất hết, nặn không ra một giọt!

Người muốn đợi cho giàu to mới tu đại bố thí, chớ thường ngày chẳng chịu bố thí. Đến khi muốn bố thí, thời của cải đã bị nước, lửa, giặc cướp đoạt mất hết chẳng còn gì mà thí! Cũng như chứa sữa trong bụng bò.

Kinh Bách Dụ

Nếu vì muốn sanh Thiên mà tu bố thí, hoặc cầu tiếng khen, hoặc mong trả báo, hoặc vì sợ hãi mà tu bố thí thì quả (thiện) báo chẳng được thanh tịnh.

Kinh Phân Biệt Nghiệp Báo

Ba việc như sau là bất tịnh thí:

    1. Trước nghĩ muốn cho nhiều, khi cho lại cho ít.
    2. Lựa những vật xấu đem cho người, vật tốt để lại mình.
    3. Đã cho xong, tâm sanh hối tiếc.

Lại có 8 việc thí xong mà chẳng được thành tựu quả báo tốt:

    1. Thì rồi tìm thấy lỗi của kẻ thọ.
    2. Khi thí, tâm chẳng bình đẳng.
    3. Thí rồi có ý lợi dụng kẻ thọ.
    4. Thí rồi vui sướng tự khen ngợi lấy.
    5. Chỉ nói suông chớ chẳng cho gì cả.
    6. Cho rồi, ác khẩu mắng chửi.
    7. Cho rồi, cầu trả lại gấp đôi.
    8. Cho rồi sanh lòng nghi.

Kẻ thí chủ như vậy, không thể gần gũi và gặp gỡ các Đức Phật và các bậc Hiền Thánh.

Kinh Ưu Bà Tắc Giới

Lại có 5 món chẳng nên đem thí cho người:

    1. Phi lý cầu, chẳng nên thí, vì của bất tịnh.
    2. Rượu và vật độc chẳng nên thí, vì loạn chúng sanh.
    3. Lưới giăng, cạm bẫy chẳng nên thí, vì hại chúng sanh.
    4. Dao, cung, tên chẳng nên thí, vì giết chúng sanh.
    5. Đồ âm nhạc và nữ sắc chẳng nên thí, vì hoại tịnh tâm.

Kinh Bảo Tích

Nước Xá Vệ co cô gái nghèo tên Nan Đà, thân thế cô độc sanh sống bằng lối đi xin. Bấy giờ cô thấy các vị Vua chúa, quan Đại thần, trưởng giả v.v… cúng dường Phật và chư Tăng, cô tự hối trách lấy mình: “Ta mắc tội báo gì mà sanh vào nhà bần tiện thế này nên không thể cúng dường Đấng Phước Điền?!“.

Qua một ngày nọ, cô đi xin chỉ được một đồng tiền liền đến nhà bán dầu để mua. Người bán dầu hỏi: mua một đồn số dầu rất ít dùng sao được, vì sao mua ít thế? Cô tỏ bày nỗi niềm và tâm nguyện của mình. Sau khi nghe, người bán dầu thương tình mà bán cho số dầu gấp đôi. Nan Đà xiết nỗi vui mừng, đem thẳng đến tịnh xá Kỳ Viên dâng cúng Đức Thế Tôn, rồi phát nguyện rằng: “Nay con xin đem một ngọn đèn mọn này cúng dường Đức Phật, nguyện đời sau con được trí huệ sáng suốt, và được trừ dứt ngu ám cho tất cả chúng sanh“. Phát nguyện xong, cô lễ Phật và lui về.

Quá nửa đêm, các ngọn đèn kia đều tự tắt hết, chỉ còn một ngọn đèn này không tắt. Ngài Mục Kiền Liên ba lần tắt, nó chẳng tắt. Đức Phật thấy, bảo: “Này Mục Kiền Liên, ngọn đèn đây do người Tín nữ đem tâm nguyện Bồ Đề mà cúng dường, dầu cho lấy nước bốn biển cả mà đổ lên, nó vẫn chẳng tắt”.

Kinh Hiền Ngu

—————————————

Tham khảo: