hieu-duong-va-bao-on-cha-me

HIẾU DƯỠNG VÀ BÁO ƠN CHA MẸ
(ĐẠI SƯ TÔNG BỔN KHAI THỊ)

Trong Liên Tông Bảo Giám có nói rằng: “Niệm Phật là pháp cốt yếu trong các Pháp; Hiếu dưỡng là hạnh đứng đầu trong trăm hạnh. Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu khác chi hạnh Phật! Muốn được đạo lớn như Chư Phật, trước phải lo hiếu dưỡng song thân”.

Cho nên Trạch Thiền sư nói rằng: “Một chữ hiếu là cửa mọi đạo mầu”. Lời Phật lấy hiếu làm tông, Kinh Phật lấy hiếu làm giới. Trong lời nói chẳng có điều ám muội, ngoài cửa miệng giữ gìn cho sáng suốt, thẳng suốt rõ ràng, mau khai tâm địa.

Phàm trong đạo hiếu, có cái hiếu của người tại gia, có cái hiếu của bậc xuất gia:

1. Hiếu của người tại gia là: cha mẹ có yêu, mình mừng mà chẳng quên; cha mẹ có ghét, mình nhọc mà chẳng oán. Đem hết sức mà phụng dưỡng, lưu tâm thuận theo vẻ mặt của mẹ cha (nghĩa là phải biết tùy theo sự buồn vui của cha mẹ mà hết lòng chiều chuộng, để cho cha mẹ được hài lòng).

2. Hiếu của bậc xuất gia là: cắt đứt tình ái, lìa bỏ người thân, tiết chế việc ăn uống mà quay về hợp với bản tính, hiểu sâu lý vô vi, trên đáp đền ơn đức cao dày, nương theo đường giải thoát, báo hiếu mẹ cha theo cách mạnh mẽ và nhanh chóng, chẳng những được lợi ích trong tương lai, mà ngay đời hiện tại cũng được phần công quả.

Cho nên, Đức Như Lai vượt thành lúc nửa đêm, thành đạo trên núi Tuyết; tổ Huệ Năng để tiền cho mẹ, nối pháp tại Hoàng Mai (1). Nhưng dù đã tu hành dứt lòng ái luyến, cũng phải lo việc báo đáp ân đức mẹ cha. Bởi vậy nên Phật lên cung Đao-lỵ thăm mẹ (2), về đền Ca-duy viếng cha (3). Dầu cho nghèo khó không chỗ nương nhờ, cũng nên đích thân phụng dưỡng hầu hạ. Cho nên, vì ông Tất-lăng-già tận hiếu mà Phật chế giới (4), Nhẫn Đại sư làm nhà nuôi mẹ (5), Trần Mục châu may dép nuôi mẹ (6), Lãng Pháp sư gánh cha mẹ đi tham học (7).

Vậy nên, bậc xuất gia lấy pháp vị làm mùi ngon ngọt, cũng không quên báo đáp công ơn nuôi dưỡng tự ấu thời; dù lấy Phật sự làm việc cần lao, cũng chẳng bỏ lễ nghi đúng đắn của thế tục.

Chẳng những cha mẹ một đời, mà cha mẹ nhiều đời cũng đều phải lo báo đáp; chẳng những cha mẹ của một thân này, mà cha mẹ ở khắp pháp giới cũng đều độ thoát, cùng đến bờ giác ngộ.

Há chỉ có Châu Công thuận với đạo trời (8), cảnh tỉnh kẻ lầm mê còn có Khảo Thúc được tôn thuần hiếu (9).

Đạo hiếu của hàng xuất gia, lợi ích phổ cập lớn thay! Còn như nhân duyên chưa hòa, cha mẹ chẳng thuận, thì nên gắng hết sức giữ tròn đạo hiếu tại gia, khuyến khích cha mẹ tu trì để tạo mối nhân duyên xuất thế. Nếu có thể biết tục là chân, cũng là con đường thẳng lên cõi Phật.

Những mong noi theo nết cũ, trở lại làm trẻ thơ (10), đừng rời xa giường gối mẹ cha (11). Đáp đền ơn nuôi dưỡng sanh thành, cũng là đến Nhất thừa trọn vẹn. Nếu người tại gia thật sự giữ tròn được hạnh Bồ Tát, thì những bậc xuất gia cao quý cũng nên noi theo gương ấy. Chẳng nên chăm chăm giữ việc tu hành theo Phật mà chẳng hết lòng hiếu dưỡng mẹ cha. Như ai có hiểu và cảm nhận được lẽ này, nên xét kỹ lại mình cho tròn đạo hiếu.

Than ôi! Ngày tháng trôi qua thấm thoát, công ơn cha mẹ há dễ quên sao? Còn được thấy cha mẹ hiện tiền, khác nào như có Phật tại thế. Lấy sự báo hiếu mẹ cha làm đức, đó chính là niệm Phật thành công.

Nên biết, cha mẹ vui lòng thì chư Phật hoan hỷ, tâm này trong sạch thì cõi Phật thanh tịnh. Có thể nói là:

Đồng nội trải xa không đồi núi,
Nắng soi nước chiếu chẳng phân hai.

——————————————————- 

CHÚ THÍCH

(1): Tổ Huệ Năng để bạc cho mẹ: Theo kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Đại sư họ Lư tên Huệ Năng, người xứ Lãnh Nam. Cha mất sớm, nhà nghèo thường đi đốn củi bán lấy tiền nuôi mẹ. Một ngày kia đến chỗ bán củi, nghe người ta tụng kinh Kim Cang bỗng nhiên tỉnh ngộ, liền hỏi thăm mới biết có Ngũ tổ đang truyền pháp ở huyện Hoàng Mai. Ngài muốn tìm đến học đạo, nhưng nhà nghèo và còn có mẹ già nên không biết làm sao ra đi. Khi ấy có người khách tặng cho mười lượng bạc. Ngài để bạc ở nhà cho mẹ, rồi tìm đến huyện Hoàng Mai tham học với Ngũ tổ. Sau được truyền pháp thành Tổ thứ sáu (Lục Tổ).

(2): Phật lên cung Đao-lỵ thăm mẹ: Trong Ma-da Kinh có ghi lại chuyện Phật lên cảnh trời Đao-lỵ, đến trong vườn Hoan Hỷ, an cư nơi cội cây Ba-lỵ-chất-đa-la trong ba tháng. Mẹ ngài trước đây là Hoàng hậu Ma-gia nay đã sanh lên cõi Trời này. Ngài liền đến thăm hỏi và thuyết pháp giúp mẹ tiêu trừ phiền não, chứng đạo giải thoát.

(3): Về đền Ca-duy viếng cha: Trong Phật Thuyết Tịnh Phạn Vương Bát Niết-Bàn Kinh có ghi rằng: Lúc ấy, Đức Thế Tôn ngự tại núi Linh Thứu, nhìn về thành Ca-duy (hay Ca-duy-vệ, phiên âm từ Kapilavastu, thường gặp hơn là cách đọc Ca-tì-la-vệ), thấy Phụ Vương nằm trên giường bệnh sắp băng. Phật liền phóng ra ánh đại quang minh, dùng phép Thần Túc mà bay về thành Ca-duy, có A-Nan và nhiều vị đệ tử khác cùng đi theo. Phật thăm viếng và thuyết pháp cho cha, nhờ đó mà vua Tịnh Phạn thăng hà một cách an ổn.

(4): Trong bộ Đại Luận có ghi việc ông Tất-lăng-già-bà-tá (Pilingavatsa) xuất gia làm Tỳ-kheo nhưng cha mẹ nghèo khó, không có gì ăn uống. Ông Tất-lăng-già chẳng dám đem của tín thí mà nuôi cha mẹ, mới đem việc ấy bạch với Phật. Phật thấy ông hết lòng hiếu thảo, liền dạy ông khuyên cha mẹ thọ Tam quy, Ngũ giới, rồi sau đó mỗi khi khất thực được phép mang thức ăn về cúng dường cha mẹ. Phật nhân đó chế thành điều giới, dạy chư Tỳ-kheo rằng: “Từ nay về sau, nếu ai chẳng làm đúng như vậy mà dùng của tín thí để nuôi cha mẹ thì phạm giới”.

(5): Nhẫn Đại sư nuôi mẹ có nhà: Tức là Ngũ tổ Hoằng Nhẫn Đại sư, được tâm pháp của Tứ tổ Đạo Tín. Ngài từ nhỏ đã sớm không có cha. Khi được Tứ tổ truyền pháp rồi, ngoài việc thuyết pháp độ sanh, ngài cũng không quên cất riêng một căn nhà để sớm hôm phụng dưỡng mẹ già.

(6): Trần Mục Châu: Tức là sư Đạo Minh, họ Trần, vì ở tại thành Mục Châu, nên gọi là Trần Mục Châu. Sư gốc người Giang Nam, lúc mới sanh ra có hào quang màu hồng tía chiếu khắp nhà, trên mặt có bảy ngôi sao, hình tướng khác người. Nhân khi đến chùa Khai Quang lễ Phật, liền phát tâm xuất gia, được cha mẹ cho phép. Ngài giữ giới hạnh tinh nghiêm, học thông Ba tạng Kinh điển. Khi ở chùa Khai Quang, Ngài may dép cỏ bồ để bán lấy tiền nuôi mẹ.

(7): Lãng Pháp sư gánh cha mẹ đi tham học: Tức là Tôn giả Tả Khê Lãng, ngài mặc một chiếc áo cà sa bảy miếng đến bốn mươi năm chưa bỏ, dùng một cái tọa cụ trọn đời không đổi. Khi Ngài rửa bát, có bầy khỉ theo bưng; khi Ngài tụng Kinh, có bầy chim bay tụ đến quanh đàn. Trong khi đi tham học, Ngài đặt cha mẹ ngồi ở hai đầu gánh mà gánh đi theo để chăm sóc, phụng dưỡng.

(8): Châu Công thuận với đạo trời: Châu Công họ Cơ tên Đán, là em của Võ vương Cơ Phát, (1134-1116 trước Công nguyên), người đã diệt nhà Thương của vua Trụ mà lên ngôi, lập ra nhà Châu trị vì trong khoảng 900 năm. Võ vương truy tôn cha là Cơ Xương hiệu Văn vương và phong cho Cơ Đán tước công, nên gọi là Châu Công. Châu Công giúp Võ vương chế ra nghi lễ của nhà Châu, đặt điều lệ tế tự trời đất, xem vua là bậc Thiên tử (con trời) thuận theo đạo Trời mà cai trị thiên hạ. Sau khi Võ vương băng hà, Thành vương nối ngôi cha lại dùng Châu Công làm nhiếp chánh. Trong sách Hiếu kinh, đức Khổng tử khen Châu Công là bậc đại hiếu.

(9): Khảo Thúc được tôn thuần hiếu: Trong sách Tả chuyện có ghi rằng: Trang công tên Mục Sanh là con trưởng của Võ công. Mẹ là Khương thị thương con nhỏ là Thúc Đoạn, em của Trang công, bèn bày mưu cho Thúc Đoạn cướp ngôi vua. Việc bất thành, Trang công liền giết em và đày mẹ ra đất Dĩnh. Có một vị quan là Khảo Thúc biết chuyện ấy, nói rằng: “Đành rằng mẹ chẳng ra mẹ, nhưng con không lẽ chẳng ra con!” Bèn kiếm lấy đầu con chim cú dâng lên vua. Trang công hỏi chim gì, Khảo Thúc thưa rằng: “Đó là chim cú, ban ngày nó chẳng nhìn thấy núi Thái sơn, nhưng ban đêm có thể trông rõ mảy lông mùa thu. Vậy nên nó sáng về việc nhỏ mà tối về việc lớn. Lúc nó nhỏ, mẹ nó nuôi nấng, tới chừng lớn lên nó cắn lại và mổ mắt mẹ. Nó là giống chim bất hiếu cho nên phải giết”. Vua ngồi lặng thinh. Bỗng có người đầu bếp dâng lên món thịt dê. Vua sai lấy một miếng vai mà ban cho Khảo Thúc. Thúc lựa lấy chỗ ngon mà gói vào ống tay áo. Vua lấy làm lạ, bèn hỏi duyên cớ. Khảo Thúc thưa rằng: “Thần ở nhà còn có mẹ già, thường ngày ăn đồ phụng dưỡng của tiểu thần chớ chưa hề được hưởng ơn vua. Cho nên thần cất đi một miếng đặng đem về dâng cho mẹ”. Vua khen rằng: “Khanh đáng gọi là hiếu thảo!” Nói xong, vua thở dài. Khảo Thúc hỏi duyên cớ, vua đáp rằng: “Khanh còn có mẹ già để phụng dưỡng, như Quả nhân đây thật chẳng bằng”. Khảo Thúc vờ như không biết, hỏi rằng: “Quốc thái phu nhân còn đó, cớ sao lại nói là chẳng bằng?” Vua đem việc đã làm ra kể lại. Khảo Thúc thưa rằng: “Thúc Đoạn đã mất không bàn đến, nay Quốc thái phu nhân hãy còn, nếu không phụng dưỡng, có khác gì chim cú!” Vua nói: “Trước ta có lời thề rằng, nếu chẳng tới suối vàng thì không nhìn nhau nữa. Vậy phải làm sao?” Khảo Thúc đáp: “Thần có một kế có thể giải lời thề ấy. Xin đào đất thành hầm sâu, làm một con suối vàng dưới đó, đưa Thái phu nhân xuống nơi ấy rồi vua mới đến mà ra mắt, xin ăn năn tội. Như vậy có thể chẳng trái với lời thề, rồi mới rước mẹ về phụng dưỡng”. Vua mừng rỡ làm y theo lời ấy, mẹ con mới gặp nhau. Vua rước mẹ về triều mà phụng dưỡng như xưa. Người trong nước khen rằng: “Khảo Thúc là bậc thuần hiếu, cảm hóa được Trang công”.

(10): Trở lại làm trẻ thơ: Sách Nhị thập tứ hiếu kể chuyện ông Lão Lai tử đời nhà Châu là bậc cao sĩ, thờ cha mẹ chí hiếu, thường dâng lên những món ngon ngọt. Tuổi ông đã bảy mươi nhưng chẳng tỏ vẻ già yếu, sợ cha mẹ thấy vậy rầu buồn. Ông thường mặc áo năm màu sặc sỡ, giả như trẻ thơ múa hát, đùa cợt bên cạnh cha mẹ để làm vui. Lại có khi bưng nước lên thềm, giả vờ trượt chân ngã rồi khóc oa oa để cha mẹ phải bật cười.

(11): Cha mẹ tuổi già phải chăm sóc mỗi ngày, mỗi giờ, không được rời đi nơi xa. Người xưa nói: “Phụ mẫu tại đường bất khả viễn du (cha mẹ còn sống, con chẳng được đi xa) cũng chính là ý này.

Mong tất cả trọn lành đạo Hiếu, tỉnh tâm TU PHẬT!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Tham khảo:

Lòng mẹ
– 
Hiếu hạnh vi tiên
– 
Hạnh hiếu là hạnh Phật
– 
Sám Mục Kiền Liên
– 
Cảm niệm Vu Lan
– 
Kệ nhớ ơn cha mẹ