kinh-phap-cu-pham-cau-ue
Thư pháp Đăng Học

 

235. Ngươi nay như lá héo,
Diêm sứ đang ngóng chờ,
Trước cửa chết trơ vơ,
Tư lương ngươi chẳng có.

Ngươi đã giống như ngọn lá khô, Diêm ma sứ giả (Tử Thần) ở sát bên mình. Ngươi đang đứng trước ngưỡng cửa chết, bước lữ hành của ngươi thiếu hẳn lương thực.


 

236. Hãy tự xây hòn đảo.
Sáng suốt gấp tinh chuyên,
Trừ tham dục, cấu uế,
Lên Thánh địa Chư Thiên.

Ngươi hãy tự lo tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch phiền não trần cấu, để bước lên thánh cảnh chư Thiên (*).

———————————

(*). Thánh cảnh hàng Chư Thiên đây là chỉ 5 cõi Trời Tịch Cư (Panca Anddhvasabhumi): Vô phiền (A-viha), Vô nhiệt (Atappa), Thiện hiện (Suddassa), Thiện kiến (Suddssi), Sắc cứu kính (Akanittha), là năm chỗ của hàng A Na Hàm ở.


 

237. Ðời ngươi nay úa tàn,
Sắp bị Diêm sứ mang,
Ðường trường không chỗ nghỉ,
Chẳng còn chút hành trang.

Đời sống ngươi sắp lụn tàn, ngươi đang dịch bước đến gần Diêm Vương, giữa đường không nơi ngơi nghỉ, bước lữ hành của ngươi thiếu hẳn lương thực.


 

238. Hãy tự xây hòn đảo,
Sáng suốt gấp tinh chuyên,
Trừ tham dục, cấu uế,
Dứt sanh, lão, ưu phiền.

Ngươi hãy tạo lấy cho mình một hòn đảo an toàn, gấp rút tinh cần làm kẻ khôn ngoan, gột sạch phiền não trần cấu, chớ trở lui đường sanh lão nguy nan.


 

239. Bậc Trí tẩy cấu uế,
Gột rửa từng sát na,
Như thợ bạc tinh luyện,
Từ từ lọc quặng ra.

Hết sát na này đến sát na khác, người trí lo gột trừ dần những cấu uế nơi mình, như người thợ vàng cần mẫn gột trừ cặn bã khỏi chất vàng ròng.


 

240. Sét phát sanh từ sắt,
Lại ăn sắt dần dà,
Phạm nhân chịu đau khổ,
Do ác nghiệp mà ra.

Như sét do sắt sinh ra rồi trở lại ăn sắt, ác nghiệp do ngươi gây ra rồi trở lại dắt ngươi đi vào cõi ác.


 

241. Không tụng, sét sách Kinh,
Không siêng, dơ cửa nhà,
Lười biếng, bẩn thân ta.
Bê tha, nhớp người gác.

Không tụng tập là vết nhơ của sự học kinh điển, không siêng năng là vết nhơ của nghiệp nhà, biếng nhác là vết nhơ của thân thể và nơi ăn chốn ở, phóng túng là vết nhơ của phép tự vệ.


 

242. Tà hạnh, nhơ đàn bà,
Keo kiệt, bẩn kẻ thí,
Ác phép, vết han rỉ,
Cả đời nay đời sau.

Tà hạnh là vết nhơ của người đàn bà, xan lẫn là vết nhơ của sự cúng dường. Đối với cõi này hay cõi khác thì tội ác chính là vết nhơ.


 

243. Trong các loại bẩn ấy,
Vô minh nhớp tột cùng,
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Tỳ Kheo ắt viên dung.

Trong các nhơ cấu đó, vô minh cấu là hơn cả. Các ngươi hãy trừ hết vô minh để thành Tỷ kheo thanh tịnh.


 

244. Dễ thay sống trơ tráo,
Lỗ mãng như quạ diều,
Miệng bêu rêu, ngạo mạn.
Lòng ô nhiễm, tự kiêu.

Sống không biết xấu hổ, lỗ mãng như quạ diều, sống chê bai kẻ khác, sống đại đởm khoa trương, sống ngạo mạn tà ác; sống như thế chẳng khó khăn gì.


 

245. Khó thay sống khiêm tốn.
Thanh tịnh tâm vô tư,
Giản dị đời trong sạch,
Sáng suốt trọn kiếp người.

Sống biết hổ thẹn, sống thường cầu thanh tịnh, sống không đam mê dục lạc, sống khiêm tốn, trong sạch và dồi dào kiến thức; sống như thế mới thực khó làm.


 

246. Ở đời ai sát sanh,
Láo khoét không chân thật,
Lừa đảo trộm tài vật,
Gian díu vợ người ta,

———————————-

247. Say sưa đến sa đà,
Nghiện ngập suốt ngày tháng,
Hạng người ấy không quản,
Bứng gốc mình đời nay.

246 – 247. Trong thế gian này, ai hay sát sinh, hay nói dối, hay lấy cắp, hay phạm dâm, hay say đắm rượu chè; ai có các hành vi đó tức là đã tự đào bỏ thiện căn của mình ngay ở cõi đời này.


 

248. Bậc thiện nhơn nên biết,
Không tự chế là ác,
Ðừng để tham, phi pháp,
Dìm ngươi khổ triền miên.

Các ngươi nên biết: “Hễ không lo chế ngự tức là ác”. Vậy chớ tham, chớ làm điều phi pháp, để khỏi sa vào thống khổ đời đời.


 

249. Do tín tâm hoan hỷ,
Nên người ta bố thí,
Ai đem lòng ganh tị,
Miếng ăn uống của người,
Kẻ ấy trong tâm tư,
Ngày đêm chẳng an tịnh.

Vì có tâm tin vui nên người ta mới cúng dường, trái lại kẻ có tâm ganh ghét người khác được ăn, thì ngày hoặc đêm kẻ kia không thể định tâm được.


 

250. Ai nhổ, chặt gốc rễ,
Tận diệt thói ghét ghen,
Người ấy cả ngày đêm,
Tâm thường được an tịnh.

Nhưng kẻ nào đã đoạn được, nhổ được, diệt được tâm tưởng ấy thì ngày hoặc đêm, kẻ kia đều được định tâm.


 

251. Lửa nào bằng Tham dục.
Chấp nào bằng hận Sân.
Lưới nào bằng Si ám.
Sông nào bằng Ái ân.

Không lửa nào dữ bằng lửa tham dục, không cố chấp nào bền bằng tâm sân giận, không lưới nào trói buộc bằng lưới ngu si, không dòng sông nào đắm chìm bằng sông ái dục.


 

252. Lỗi người thật dễ thấy.
Lỗi mình khó thấy thay!
Lỗi người thì cố bới,
Như sàng sảy trấu mày.
Lỗi mình thì cố giấu,
Như bẫy chim, núp ngay.

Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình thì khó. Lỗi người ta cố phanh tìm như tìm thóc lẫn trong gạo; còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài.


 

253. Nhìn thấy lỗi của người,
Mình sanh tâm tức giận,
Thế là phiền não tăng,
Lậu hoặc khó diệt tận.

Nếu thấy lỗi người thì tâm ta dễ sinh nóng giận mà phiền não tăng thêm, nếu bỏ đi thì phiền não cũng xa lánh.


 

254. Hư Không không dấu vết,
Ngoại đạo không Sa môn,
Nhân loại thích chướng ngại.
Như Lai thoát chướng phiền.

Giữa hư không thì làm gì có dấu vết, trong ngoại đạo thì làm gì có Sa môn (*). Chúng sanh thì thích điều hư vọng mà Như Lai làm gì còn hư vọng (2*).

———————————

(*). Sa môn (samano) ở đây chỉ những vị chứng ngộ bốn Thánh quả. 

(2*). Nguyên văn: Papanca, gồm có nghĩa hư vọng và chướng ngại. Ở đây đặc biệt chỉ cho  Ái (Tan-ha), Kiến (Ditthi), Mạn (Mano).


 

255. Hư Không không dấu vết,
Ngoại đạo không Sa môn,
Năm Uẩn không vĩnh cửu,
Chư Phật không động sờn.

Giữa hư không thì làm gì có dấu vết, trong ngoại đạo thì làm gì có Sa môn. Năm uẩn thì không thường trú mà Như Lai thì chẳng loạn động bao giờ.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú