kinh-phap-cu-pham-phap-tru
Thư pháp Đăng Học

 

256. Người ấy thiếu công bình,
Vì phân xử vội vã.
Bậc Trí nên xét cả,
Hai trường hợp Chánh – Tà.

Xử sự lỗ mãng (*) đâu phải hạnh của người phụng thờ Chánh Pháp, vậy người trí cần biện biệt đâu chánh và đâu tà.

———————————

Pháp Trụ (Dhammattha), có nghĩa là thực hành đúng pháp, an trụ phụng thờ đúng pháp, nên cũng dịch là “Phụng pháp”.

(*). Lỗ mãng (Sahasa), bao hàm nghĩa cẩu thả, khinh xuất, độc đoán. Ở đây chỉ cho cái quan niệm bất chính xác, bởi chịu ảnh hưởng của tham, sân, si, bố úy mà sinh ra.


 

257. Bậc Trí hướng dẫn người,
Vô tư và Đúng pháp.
Người bảo vệ luật pháp,
Hẳn tôn trọng pháp luật.

Không khi nào lỗ mãng, đúng phép và công bình mới là người dẫn đạo. Kẻ trí nhờ sống đúng pháp nên gọi là người an trụ pháp.


 

258. Không phải vì nói nhiều,
Là xứng danh Bậc Trí.
Người an tâm, vô úy,
Thân thiện là hiền tài.

Chẳng phải cậy nhiều lời cho là người có trí, nhưng an tịnh không cừu oán, không sợ hãi, mới là người có trí.


 

259. Không phải vì nói nhiều,
Là thọ trì Chánh Pháp.
Người nghe ít Diệu Pháp,
Nhưng trực nhận viên dung,
Chánh Pháp không buông lung,
Là thọ trì Chánh Pháp.

Chẳng phải cậy nhiều lời cho là hộ trì pháp, nhưng tuy ít học mà do thân thực (*) thấy pháp, không buông lung, mới là người hộ trì pháp.

———————————

(*): Do thân (Kayena), nguyên chú thích là “do danh thân” (Namakayena). Trong văn Pali chia năm uẩn ra hai loại: A. Danh thân (Namakayena), tức danh uẩn là thọ, tưởng, hành, thức uẩn; B. Sắc thân (Rupakayena) tức là sắc uẩn. Như vậy, do thân thật thấy Chánh Pháp tức là nói do tâm thật thấy Chánh Pháp, là do tự nội tâm chứng ngộ Chánh Pháp, đích thực, chứ không vịn lấy chỗ ngộ do người làm cho mình ngộ … Chữ thân là một chứa nhóm, đồng nghĩa với chữ uẩn.


 

260. Không phải vì bạc đầu,
Là xứng danh Trưởng Lão.
Vị ấy dù tuổi cao,
Nhưng là sư già hão!

Trưởng lão (*) chẳng phải vì bạc đầu. Nếu chỉ vì tuổi tác cao mà xưng trưởng lão, thì đó là chỉ xưng suông.

———————————

(*). Trưởng lão (Thera), tiếng tôn xưng người đã giữ giới Tỷ kheo mười năm trở lên, nhưng vốn trọng về thực tu thực chứng, nếu không thì chỉ là cách gọi suông.


 

261. Sống chân thật, chánh hạnh,
Vô hại, điều phục mình,
Bậc Trí trừ cấu uế,
Là Trưởng Lão cao minh.

Đủ kiến giải chân thật (*), giữ trọn các pháp hành (2*), không sát hại sinh linh, lo tiết chế (3*) điều phục (4*), người có trí tuệ đó trừ hết các cấu nhơ, mới xứng danh Trưởng lão.

———————————

(*). Chỉ lý Tứ Đế.

(2*). Chỉ bốn quả, bốn hướng và Niết Bàn.

(3*). Chỉ hết thảy giới luật.

(4*). Đặc biệt chỉ điều phục năm căn: nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân.


 

262. Không phải tài hùng biện,
Hay vóc dáng đường đường,
Là ra bậc hiền lương,
Nếu ganh, tham, dối trá!

Những người hư ngụy, tật đố và xan tham, tuy có biện tài lưu loát, tướng mạo đoan trang, cũng chẳng phải người lương thiện.


 

263. Nhổ chặt sạch gốc rễ,
Dập tắt tâm tham lường,
Bậc Trí diệt sân hận,
Là xứng danh hiền lương.

Những người trí nhờ diệt trừ tận gốc lòng sân hận, mới là người lương thiện.


 

264. Không phải đầu cạo nhẵn,
Là nên danh Sa Môn,
Nếu buông lung láo khoét,
Ðầy tham dục tâm hồn!

Người vọng ngữ và phá giới, dù cạo tóc cũng chưa phải là Sa môn; huống còn chất đầy tham dục, làm sao thành Sa môn?


 

265. Ai hàng phục trọn vẹn,
Mọi ác nghiệp tế thô,
Vị ấy là Sa Môn,
Nhờ trừ nghiệp thô tế.

Người nào dứt hết các điều ác, không luận lớn hay nhỏ, nhờ dứt hết các ác mà được gọi Sa môn.


 

266. Không phải đi khất thực,
Là đích thực Tỳ Kheo,
Bậc đích thực Tỳ Kheo,
Là sống theo Giới Luật.

Chỉ mang bát khất thực, đâu phải là Tỷ kheo? Chỉ làm nghi thức tôn giáo cũng chẳng phải Tỷ kheo vậy.


 

267. Ai siêu việt thiện ác,
Sống đức hạnh tuyệt vời,
Thấu triệt được lẽ đời,
Là Tỳ Kheo đích thực.

Bỏ thiện (*) và bỏ ác, chuyên tu hành thanh tịnh, lấy “Biết” (2*) mà ở đời, mới thật là Tỷ kheo.

———————————

(*) . Thiện đây chỉ cái thiện hữu lậu, là cái Thiện làm với tâm bỉ thử ngã nhân.

(2*) . Biết giới, biết định, biết tuệ.


 

268. Im lặng nhưng ngu si,
Ðâu phải là Hiền trí,
Như cầm cân công lý,
Bậc Trí chọn điều lành.

———————————-

269. Từ bỏ mọi ác pháp,
Là xứng danh Bậc Trí,
Người được gọi Hiền sĩ,
Am hiểu cả hai đời.

268 – 269. Kẻ ngu muội vô trí, dù làm thinh cũng không thể gọi được là người tịch tịnh. Kẻ trí tuệ sáng suốt như bàn cân, biết cân nhắc điều thiện lẽ ác mà chọn lành bỏ dữ, mới gọi là người tịch tịnh. Biết được cả nội giới và ngoại giới, nên gọi là người tịch tịnh.


 

270. Còn sát hại chúng sanh,
Ðâu phải là Hiền thánh,
Không sát hại chúng sanh,
Là đích thị Thánh hiền.

Còn sát hại chúng sanh, đâu được xưng là Thánh hiền, không sát hại chúng sanh mới gọi là Thánh hiền (*) .

———————————

(*). Chữ Ariya có nghĩa là hiền đức, cao thượng. Phật đối với người đánh cá tên Ariya mà nói ra bài này.


 

271. Không phải giữ Giới Luật,
Khổ hạnh hay học nhiều,
Thiền định, hay ẩn dật,
Mà sanh tâm tự kiêu.

———————————–

272. “Ta hưởng phúc xuất thế,
Phàm phu hưởng được nào”,
Tỳ Kheo, chớ tự mãn,
Lậu hoặc hãy triệt tiêu.

271 – 272. Chẳng do giới luật, đầu đà (*), chẳng phải do nghe nhiều, học rộng (2*), chẳng phải do chứng được tam muội, chẳng phải do ở riêng một mình, đã vội cho là ”hưởng được cái vui xuất gia, phàm phu không bì kịp”. Các ngươi chớ vội tin điều ấy, khi mê lầm phiền não của các ngươi chưa trừ.

———————————

(*). Giới luật đây chỉ cho Biệt giải thoát luật nghi giới, căn bản luật nghi giới. Đầu đà (Dhutanga) là hạnh tu kham khổ, tiết độ trong việc ăn, mặc, ở, để dứt sạch phiền não, gồm có mười hai hạnh, riêng cho một số người tu.

(2*). Học ba Tạng (Tripitaka).


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú