Đạo Phật là đạo Từ Bi cứu khổ. Lòng từ Chư Phật thương xót chúng sanh hơn Mẹ thương con. Cũng bởi vì chúng sanh khổ mà Phật thị hiện trên đời để giúp chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, vĩnh viễn giải thoát khỏi biển khổ sanh tử luân hồi.
Tâm chúng sanh vốn dĩ tham – sân – si mà thân – khẩu – ý tạo nghiệp không ngừng, chiêu cảm quả báo trong Lục đạo luân hồi không dứt. Tất cả cũng vì nhu cầu không ngừng của ăn, mặc, ở, (điều trị) bệnh. Ăn sao cho ngon mà không ngừng giết hại sanh mạng của muôn loài; mặc sao cho đẹp, cho hợp thời nhằm tô điểm sắc thân giả tạm; muốn ở nhà cao, giường rộng, tiện nghi thoải mái mà bất chấp có phải là Chánh nghiệp hay không; khi bệnh tật thì lại sát sanh hại mạng giúp bồi dưỡng thây thúi này… Tất cả cũng vì vô minh, chấp ngã – chấp pháp mà ra. Đến khi thọ khổ lầm than thì than trời trách đất sao quá đỗi bất công; nếu gieo nhân lành được giàu sang thì lại sanh tâm bủn xỉn, keo kiệt, được một muốn bội phần… mà không chia sẻ với những người bất hạnh; rồi vì tà tâm – tà tín mà biến Đạo Phật thành đạo mê tín để cầu xin, cầu tự hay cúng bái cho thỏa dục vọng của bản thân; đến khi sự mong cầu không như ý thì khinh chê, phỉ báng Phật Pháp không linh nghiệm. Sao không ngộ rằng khi thọ khổ là kết quả của nghiệp bất thiện mình gieo tạo trước đây, cũng là cơ duyên giúp cảnh tỉnh mà tự biết phải thành tâm sám hối tu hành giải nghiệp; còn được giàu sang phú quý do thiện nghiệp thì nên vun bồi trưởng dưỡng tâm Bồ-đề, hành thiện sự giúp đẹp đời đẹp Đạo. Tham – sân – si thật đáng sợ vô cùng, nghiệp tội gieo sẽ thọ khổ khôn xiết.
Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật,
Chúng sanh độ tận, phương chứng Bồ-Đề!
Trong Lục đạo, sự thống khổ nơi Địa ngục là nhiều nhất. Nếu còn một chúng sanh nào phải thọ báo ở Địa ngục thì nguyện không thành Phật, còn một chúng sanh nào trong Lục đạo luân hồi thì nguyện không chứng Bồ Đề. Đó chính là Hạnh – Nguyện vô lượng vô biên của 10 phương 3 đời Chư Phật. Người con Phật, tu theo hạnh Phật, sao có thể khác được. Thế nhưng, phải lập nguyện như thế nào mới đúng là Chơn nguyện?
1. Đa phần người tu hiện nay hiểu về nguyện không rốt ráo. Không phải hành giả thắp hương, khấn nguyện trước bàn thờ Phật là mình đã lập nguyện rồi. Vì sao? Vì đó là vọng tâm phàm phu tác ý nguyện chứ không phải Chơn tâm nguyện. Rõ ràng, thân đứng thắp hương, tâm còn nghĩ tưởng chọn lựa nguyện nào cho phù hợp với ý mình (có tác ý chứ không phải tự nhiên), câu cú sao cho có vần điệu, hợp với sở cầu… nên đó hoàn toàn là vọng ngã nguyện, không phải trong trạng thái Thiền Định Ba-la-mật thì sao gọi là Chơn nguyện được. Chư Phật cũng không chứng cho những vọng nguyện đầy ngã tướng tục lụy này.
2. Nên biết, Chơn nguyện xuất phát từ lòng Từ-Bi vô lượng muốn cứu độ hết thảy muôn vạn chúng sinh, sẵn sàng hy sinh thân mình mà không màng sanh tử. Trong trạng thái Thiền Định Ba-la-mật, tâm hành giả hoàn toàn vô ngã – vô trụ nên Chơn nguyện xuất sanh. Nói rõ hơn, nếu ai công phu niệm Phật thì phải thành tựu Niệm Phật Ba-la-mật (tức tâm muốn khởi niệm “Nam mô A Di Đà Phật” thì đều không khởi lên được, dù chỉ một từ); hoặc ai tham thiền phải thành tựu Vô Niệm (câu thoại đầu không còn khởi lên được nữa) thì trong Chánh định Vô Niệm Ba-la-mật ấy, Chơn tâm của hành giả khởi lập nguyện mà không hề tác ý. Đó mới đúng là Chơn nguyện vì nguyện ấy xuất phát từ tâm Từ Bi – Vô Ngã, từ Giác Tánh của Bậc Kiến Tánh (thành tựu Vô Niệm tức kiến Tánh, liễu thoát tử sanh) nên 10 phương Phật chứng. Rõ thấy, nếu công phu chưa thành tựu Vô Niệm, hành giả muốn khởi câu niệm Phật (hay tham thoại đầu) đều có thể tùy ý, muốn dừng thì dừng; còn khi thành tựu Vô Niệm thì dù muốn khởi câu Phật hiệu (hay tham thoại đầu) cũng tuyệt không khởi lên được.
Hỏi: Sao Chơn nguyện có thể tự khởi khi tâm đã Vô Niệm, không khởi lên được niệm nào (dù niệm Phật hay thoại đầu)?
Đáp: Vì thành tựu Vô Niệm nên hành giả kiến ngộ Giác tánh Từ – Bi – Hỷ – Xả vô lượng nên trước thống khổ trầm luân của muôn vạn chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương, Chơn tâm Giác tánh của hành giả tự phát nguyện lập hạnh cứu độ tất cả. Chính mật nguyện Từ Bi tự nhiên lưu xuất đó khế hợp với hạnh nguyện của Chư Phật khắp 10 phương nên được Phật chứng. Tu đến đây, tâm Từ của hành giả đã trải rộng khắp 10 phương, hành giả đích thực là “Sứ giả Như Lai hành Như Lai sự”, tùy duyên khai thị hóa độ chúng sanh, vô ngã vô pháp. Thế mới thấm thía lời Phật thọ ký năm xưa: “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh (chủng tử Phật) nếu chí thành quy Phật phát Bồ-Đề tâm! Ta là Phật đã thành, Chúng sanh là Phật sẽ thành nếu nhẫn lực tu hành chơn chánh theo lời Phật dạy vì khổ luân hồi của muôn vạn chúng sanh”.
Rốt ráo mà nói, Vô Niệm tức Vô Ngã – Vô Pháp, còn tự ngã – chúng sanh, còn hạnh nguyện, còn pháp để diễn bày sao. Tuy nhiên, xét thấy sự quan yếu của hạnh nguyện người tu Phật trong Đai sự tu hành mà bất đắc dĩ phải dụng ngôn để hiển bày lẽ Đạo cho tỏ tường sự lý. Bản thân hành thiền, lập nguyện ra sao, nay chia sẻ Pháp hành đến Đại chúng. Mong Đại chúng liễu ý quên lời, tiến xa hơn nữa buông hết sự lý – ngã tướng vướng mắc trong tâm, vun bồi giới hạnh, nhẫn lực tinh tấn dụng công (niệm Phật, tham thiền) sao cho miên mật ba thời, mọi sự lấy Từ – Bi – Hỷ – Xả, Vô Ngã, Vô Trụ làm kim chỉ nam cho sự hành trì thì ắt có ngày thành tựu kiến Tánh, liễu thoát tử sanh!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
—————————————-
Xem thêm:
- Đại Thế Chí Bồ Tát khai thị Niệm Phật Tam Muội
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị về Niệm Phật
- Lục Tổ Huệ Năng khai thị về Niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Chơn niệm Phật
- Tà kiến về Pháp môn Niệm Phật
- Chánh kiến về Niệm Phật vãng sanh
- Phật Pháp vấn đáp 29: Đới nghiệp vãng sanh
- Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp
- Làm sao để có Chánh kiến?
- Làm sao để có Chánh tín?
- Bổn Quán Hạnh vào Đạo