lam-sao-de-co-chanh-kien

* CÂU HỎI

Kính thưa Thầy,

Qua bài Bát Chánh Đạo, xin Thầy cho con hỏi: người Phật tử phải làm sao để có Chánh Kiến mà tu hành?

Nam mô A Di Đà Phật!

* PHÚC ĐÁP

Giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay, muốn có Chánh kiến tu Phật, Phật tử trước hết phải liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp (nhấp xem bài: Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp).

Sau đó, Phật tử cần phải:

1. Ngộ vạn sự VÔ THƯỜNG giả tạm, sợ tử – sanh luân hồi thống KHỔ, phát tâm Bồ Đề dõng mãnh kiên cố, một lòng xả thân cầu Đạo giác ngộ, thống thiết quy Phật tu hành giải thoát, nguyện độ tận chúng sanh mà chẳng màng sanh tử (VÔ NGÃ)

Đây chính là 3 Pháp ấn (Vô thường, Khổ, Vô ngã), 3 yếu tính giác ngộ (Bồ Đề Tâm, Xả Ly, Tánh Không) cần có để nhập Đạo tu hành, là nền tảng cho Chánh kiến nói riêng cũng như vạn hạnh giải thoát nói chung sanh trưởng. Ai dẫu ban sơ chưa biết gì về Phật Pháp nhưng cảm ngộ lẽ Vô thường và sự thống Khổ từ cuộc sống ngắn ngủi giả tạm mà sẵn sàng buông xả tất cả, sanh tử chẳng màng vì tâm cầu Đạo chí thành thống thiết thì sẽ tự nhiên được 10 phương Chư Phật độ trì gặp được Chánh Pháp Phật, từ đó tránh sa vào hầm sâu Tà kiến hành Tà hạnh cộng nghiệp Ma sự phá Đạo Phật truyền, vững vàng tiến tu bất thoái.

Xem bài:

2. Nương tựa Tam Bảo tu hành

– Phật Bảo: 10 phương Chư Phật.

– Pháp Bảo: Diệu Pháp từ Chư Phật khai thị và Tăng Bảo truyền thừa để độ tận chúng sanh kiến ngộ Phật Tánh, liễu thoát tử sanh.

– Tăng Bảo: những bậc thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật (Giới – Định – Huệ) với hạnh nguyện độ tận chúng sanh (độ Tử – độ Sanh).

Xem bài:

3. Văn – Tư – Tu theo tinh thần Tứ Y Pháp của nhà Phật

– Văn: tức đọc, nghe chỉ những giáo lý căn bản, cốt tủy của Đạo Phật mà thôi. Tỉnh giác không rơi vào chướng học Phật.

– Tư: tức dùng Chánh kiến tư duy minh định trạch Pháp theo chuẩn mực đã giảng trong Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp.

– Tu: nhẫn lực tinh tấn hành trì Diệu Pháp (Bát Chánh Đạo, Lục Độ ba la mật), trưởng dưỡng Đạo tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả vô lượng), huân tu phạm hạnh giải thoát (Giới – Định – Huệ).

Rốt ráo, chỉ có công phu thiền định của nhà Phật (Giới – Định – Huệ), tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi mới khai mở Trí huệ, tăng trưởng Chánh kiến. Đến khi Trí Huệ Vô Sư khai mở thì hành giả kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh.

Xem bài:

* TÓM LẠI

Để có Chánh kiến tu Phật, người Phật tử phải hội tụ đủ 3 điều trên!

Tuy nhiên, giữa thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay, bất kỳ ai dẫu sơ cơ chưa biết tu hành, chưa có thắng duyên gặp được Tăng Bảo hay Minh Sư (chơn tu) thì bài giảng: Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp sẽ giúp Tín chúng có đầy đủ chuẩn mực minh định Diệu Pháp Phật truyền để từ đó sám hối, tự tu, tự độ, không lầm đường lạc lối. Đồng thời, hãy kiên định lòng cầu Đạo thống thiết; quyết không nhắm mắt a dua, xu hướng, hám danh, thần thánh hóa, lầm lạc theo Tà sư; tâm hằng khấn nguyện 10 phương Chư Phật gia trì cho gặp được Tăng Bảo và Pháp Bảo để nương tựa tu hành. Trực tâm chí thành không mỏi như thế, ắt sẽ được toại nguyện!

Từ đó, ta càng thấu rõ: Thân Người khó được! Phật Pháp khó nghe! Hành trì sao cho đúng với Diệu Pháp Phật lại càng khó muôn phần!

Rốt ráo hơn, dẫu có thắng duyên gặp được Diệu Pháp Phật để tu hành nhưng bản ngã, tập khí, nghiệp chướng và oán trái bao đời cũng như Tà chúng khắp cõi 10 phương luôn cản bước đường tu khiến thoái thất đạo tâm, công phu lạc lối, hỏi: nếu không được sự gia trì của Chư Phật và trợ duyên hóa độ của Tăng Bảo thì đạo nghiệp sẽ về đâu?

Trang nghiêm – Phật độ!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————

Xem thêm: