Ảnh: sưu tầm

* CÂU HỎI

Kính Thầy!

Tôi đã xem qua bài: Phật Pháp Vấn Đáp 22: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?, thấy lời Thầy giảng ngược lại hoàn toàn với tất cả những vị chuyên tu và hoằng Tịnh xưa nay. Thầy dạy niệm Phật phải tự tu tự độ, không cầu vãng sanh, không mong Phật tiếp dẫn, vậy thì chúng sanh thời mạt Pháp căn cơ hạ liệt, làm sao giải thoát sanh tử luân hồi nếu không đới nghiệp vãng sanh?

Trích đoạn sau đây là lời giảng về đới nghiệp vãng sanh của Pháp sư Tịnh Không nổi tiếng khắp nơi, được xem là Bồ Tát đáo lai độ người tu Tịnh trở về Lạc Bang. Đọc, chiêm nghiệm không biết bao nhiêu lần giữa bài Pháp của Thầy và Pháp sư Tịnh Không khiến lòng tôi rối bời, phân vân khó tả, làm sao tháo gỡ bây giờ? Thầy dạy dù theo tông môn nào cũng phải y Tánh tu hành, nhưng nghiệp chúng sanh sâu dày, trong đó có tôi, thì đâu dễ gì được giải thoát một đời nếu không nhờ đới nghiệp (cầu) vãng sanh?

Mong được chỉ giáo từ lời giảng của Pháp sư Tịnh Không.

A Di Đà Phật!

—————————————–

 “Ðời mạt Pháp, Tà sư nhiều như cát sông Hằng. 

“Ðồng tu Tịnh Tông nghe xong khởi lên rất nhiều nghi vấn”, những người này vô tri, ngu muội, là những người đáng thương! Giống như mấy năm trước đây ông Trần Kiến Dân ở Mỹ đã tuyên bố khắp thế giới rằng: “đới nghiệp không thể vãng sanh”, làm những người niệm Phật khắp thế giới vô cùng phân vân, thắc mắc. Ðó là ma, không phải là Phật đâu! Ngay cả những vị như lão cư sĩ Châu Tuyên Ðức cũng lung lay lòng tin. Khi tôi đến Los Angeles ông ra phi trường đón tôi, vừa gặp mặt liền hỏi: 

“Pháp sư, hiện nay có người nói: đới nghiệp không thể vãng sanh, phải tiêu nghiệp mới có thể vãng sanh, vậy thì phải làm sao?” 

Tôi bèn nói với ông: “Không vãng sanh thì thôi!”. 

Ông nghe xong lời này vô cùng hoang mang; tôi nhìn ông đờ cả người, đứng đó nói chẳng nên lời. 

Tôi nói: “Nếu không đới nghiệp, thì Tây phương Cực Lạc thế giới chỉ có Đức Phật A Di Ðà cô độc một mình trên đó, ông còn lên đó làm gì?” 

Ông vẫn còn chưa hiểu, tôi mới nói thêm: “Quán Thế Âm Bồ Tát, Ðại Thế Chí Bồ Tát đều là Ðẳng Giác Bồ Tát, vẫn còn một phẩm Sanh Tướng vô minh chưa phá trừ, như vậy có phải là đới nghiệp hay không?” 

Nghe xong ông mới tỉnh ngộ. Quán Âm, Thế Chí đều đới nghiệp, chỉ có một mình A Di Ðà Phật là chẳng đới nghiệp mà thôi. 

Nhưng trong Kinh chẳng có nói đới nghiệp vãng sanh? 

Tôi trả lời: “Trong Kinh có nói đến bốn cõi, ba bậc, chín phẩm hay không?” 

“Có!” 

“Nếu không đới nghiệp thì mọi người đều bình đẳng, vậy thì đâu có ba bậc, chín phẩm phải không?” 

Ðây là lời Đức Phật dạy chúng ta: ‘Noi theo nghĩa chứ không noi theo lời nói’, tuy Đức Phật chẳng có nói đới nghiệp vãng sanh, nhưng có nói đến ba bậc, bốn cõi, chín phẩm, vậy thì ý tứ của chữ đới nghiệp đều nằm trọn trong đó rồi. Bạn đem theo nghiệp nhiều thì phẩm vị của bạn thấp; bạn đem theo nghiệp ít thì phẩm vị của bạn sẽ cao. Ðâu có đạo lý chẳng đới nghiệp! 

Người học Phật phải khai mở trí huệ, tại sao có thể vừa nghe người ta nói hai ba câu thì lung lay lòng tin liền, mê hoặc điên đảo như vậy? Bạn nói người như vậy có đáng thương hay không? Niệm Phật suốt cả đời, bảy tám chục tuổi rồi, vừa nghe lời đồn đãi của người ta thì lung lay niềm tin, thiệt là đáng thương quá! Vì vậy nên Đức Phật dạy chúng ta: ‘Y Pháp chứ đừng y theo người’, ‘Y nghĩa chứ không y theo lời nói’, Pháp là Kinh điển; Kinh điển của Tịnh Tông là năm Kinh, một Luận, phải hiểu lời dạy của Ngài. 

‘Bổn nguyện niệm Phật’ có sai không?  

Không sai! 

Vậy thì ‘bổn nguyện’ là gì? 

Năm Kinh, một Luận là bổn nguyện, bốn mươi tám nguyện là bổn nguyện của Đức Phật A Di Ðà, rút một câu trong đó ra thì không được! Rút ra bất cứ một câu nào trong đó, nếu bạn hiểu được ‘một tức là nhiều’, một câu tức là toàn bộ năm kinh và một luận, nếu bạn có công phu đến mức này thì có thể hiểu như vậy, có thể như vậy. Nếu không có công phu đến mức này thì hãy ngoan ngoãn, thực thà theo thứ tự mà bước đi từ từ, học tập theo thứ lớp đàng hoàng, được vậy bạn sẽ thành công. Hễ không đúng như pháp, giải sai, lệch lạc ý nghĩa của bổn nguyện niệm Phật thì đều là ma hết; ma sợ bạn thành tựu ngay trong một đời này nên mau mau kéo bạn trở lại, đẩy bạn vô địa ngục A Tỳ xong thì ma mới vui! Ðược rồi, tôi giải thích vấn đề này cho các bạn đến đây thôi.”

(trích đoạn trong bài giảng vào ngày 5 tháng 1, 2000 tại Báo Ân Ðường Tịnh Tông Học Hội Tân Gia Ba)

(trích: Ý Nghĩa chân thật của ‘Bổn Nguyện Niệm Phật’) 

—————————————–

Câu “đới nghiệp vãng sanh” là chỉ người tu Tịnh Ðộ mà nói; đối với các Pháp môn khác nếu đới nghiệp thì tuyệt đối chẳng thể giải thoát, chẳng thể liễu sanh tử. Nhưng đa phần người tu Tịnh Ðộ hiểu lầm là dù còn tạo tội nghiệp vẫn có thể vãng sanh, vẫn có thể thành tựu. Do nói như vậy nên trong mười người tu, tám chín người chẳng thành công được. 

Trong hai mươi lăm năm tại Ðài Trung, có hơn hai ngàn vị đồng tu đã qua đời, nhưng lúc mất có lưu lại tướng vãng sanh để chứng nghiệm thì chẳng nhiều hơn mười người. Sao lại đáng buồn đến thế ấy? 

Ý nghĩa chân thực của việc “đới nghiệp vãng sanh” là như sau:  

a) Nghiệp là túc nghiệp thiện ác  

Nghiệp là những tội nghiệp đã tạo. Phải biết là ai cũng do thân, khẩu, ý tạo mười ác nghiệp, nhưng chẳng phải là gây tạo trong đời này, mà là từ trong bao kiếp lâu xa luân hồi trong Lục đạo đã tạo vô lượng, vô biên tội nghiệp. Kinh nói: “Nếu tội nghiệp có hình thể sẽ sớm chật cả Hư Không”. Tạo tội thì phải đền trả trong Lục đạo. Tội cũ chưa xong, đã gây nghiệp mới, làm sao giải thoát được? Vì thế trong ngàn vạn người, không một ai được giải thoát. 

Hoặc bảo: “Niệm Phật một tiếng tiêu trọng tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử”. Ai ai cũng nghĩ là niệm Phật tiêu tội. Ðiều này không sai, nhưng “Ðạo cao một thước, Ma cao một trượng”. Sức Ma lớn là vì ma sự nhiều. Chúng sanh từ bao kiếp lâu xa đến nay toàn làm ma sự, bây giờ chỉ niệm Phật dăm ba năm thì làm sao tiêu được? “Ma cao” là ma nghiệp nhiều. Niệm Phật tiêu nghiệp là như lửa nung chảy băng. Ví như khối băng to như cái bàn, đốt ngọn lửa nhỏ như đầu nén hương thì lửa ít, băng nhiều, làm sao tan băng được? Vì thế người tu hành mới thấy sức ma lớn lao, Phật lực không linh; bởi thế lắm kẻ thoái chuyển. Nhưng nếu chẳng tu hành thì một phân đạo cũng không có. Chúng ta có được một phân, một tấc đạo là đã chẳng uổng rồi!  

b) Ðoạn Hoặc giải thoát theo cách thông thường 

Ngoại trừ Phật pháp không có biện pháp nào khác để thoát khỏi luân hồi. Các tôn giáo khác đều cho rằng Thượng Ðế là chí cao vô thượng, nhưng Thượng Ðế vẫn còn ở trong luân hồi Lục đạo. Mục tiêu của nhà Phật là thoát luân hồi. Làm thế nào để thoát? Phải “nghiệp tận tình không”, nghiệp trong nhiều kiếp lẫn nghiệp hiện tại phải nhất loạt tiêu sạch. Ðời này không tiêu hết thì gắng tiêu trong ngàn kiếp, vạn kiếp. Thành bậc A La Hán còn phải sanh tử trong nhân gian hay cõi trời bảy lần mới đoạn hết Kiến Tư Hoặc, liễu sanh tử, nhưng vẫn còn Trần Sa Hoặc chưa đoạn. Ðủ thấy đoạn Kiến Tư Hoặc khó khăn. Ví như có vạn phẩm Hoặc, dù đoạn được chín ngàn chín trăm chín mươi chín phẩm, vẫn còn một phẩm chưa đoạn thì cũng chưa giải thoát. Học nhân học Phật hơn năm mươi năm, một phẩm còn chưa đoạn được, biết làm sao đây?  

c) Ðới nghiệp là chế phục nghiệp hoặc chẳng cho chúng khởi dậy  

Học nhân tu hành, giảng Kinh năm mươi năm, gặp được vài vị minh sư, đối với học lý cũng biết được một hai phần, nhưng một phẩm Hoặc cũng chưa đoạn được. Quý vị tu hành chưa lâu, Hoặc là thứ gì còn chưa biết rành thì đoạn Hoặc sao được? Khác nào mài đao chẳng biết đao như thế nào thì mài sao được? Chúng ta chưa đoạn được Hoặc thì chẳng thể giải thoát. Vì thế đức Thích Ca Mâu Ni đại từ, đại bi nói ra pháp môn Tịnh Ðộ, dạy chúng sanh niệm A Di Ðà Phật, chẳng cần phải đoạn Hoặc, chỉ cần chế ngự được Hoặc liền có thể giải thoát. 

Ðoạn Hoặc và Phục Hoặc (chế ngự Hoặc) khác nhau như thế nào? Ðoạn Hoặc giống như trong chén đã thanh tịnh, vô nhiễm, dù có nghiêng đi cũng chẳng đổ cát bụi ra. Phục Hoặc giống như trong chén có cát bụi, dùng vật khác đậy lên, có nghiêng chén cũng chẳng đổ bụi ra, nhưng cát bụi vẫn còn chứa bên trong. Nghiệp tận chẳng bị luân hồi, tu Tịnh phục Hoặc thì cũng chẳng lọt trong Lục đạo. 

Nhưng Hoặc vẫn còn thì phải làm sao? Luôn luôn dùng sáu chữ hồng danh đè nén chúng, lâu ngày thuần thục, đến lúc mạng chung, nếu khởi tâm niệm Phật thì các tạp niệm bị chế phục chẳng khởi lên nên có thể mang theo nghiệp đi vãng sanh (đới nghiệp vãng sanh). Sanh qua cõi kia rồi mới đoạn Hoặc, chỉ mấy ngày là thành công. Ðấy là Phục Hoặc.  

d) Phục Hoặc thì tâm và Phật giao cảm với nhau 

Chỉ cần chế phục Hoặc sẽ chẳng tạo nghiệp nữa, nên sẽ cảm ứng đạo giao cùng Phật. Ðấy chính là ý nghĩa chân thực của “đới nghiệp vãng sanh”, tuyệt đối chẳng phải là vừa niệm Phật, vừa tạo tội vẫn được vãng sanh!  

(trích trong Tuyết Hư Lão Nhân Tịnh Độ Tuyển Tập của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam)

 

* PHÚC ĐÁP

Chư Phật dạy Nhân Quả – Nghiệp báo tuần hoàn, KHÔNG dạy “cầu vãng sanh”, càng KHÔNG dạy “đới nghiệp vãng sanh”. Thật nương tựa Tam Bảo tu hành vì đại sự liễu sanh thoát tử của muôn vạn chúng sanh thì hãy y theo Tôn chỉ: VÔ DỤC – VÔ CẦU – VÔ ĐẮC – VÔ NGÃ – VÔ TRỤTÂM HÀNH cẩn mật, trang nghiêmNếu dụng tâm lập ngã (tự nghĩ mình thượng căn, trung căn hay hạ căn) tham cầu chướng trái (cầu vãng sanh Tây Phương, cầu thành Phật, cầu thần thông…) thì tu Phật ích gì, chỉ khiến cho tam độc tham – sân – si và bản ngã bao đời thêm chất ngất mà thôi.

Nếu cúng sao giải hạn, cầu tài lộc, sự nghiệp, con cái, sức khỏe, may mắn, bình an… trước điện Phật là mê tín Thần quyền thì cầu vãng sanh hay đới nghiệp vãng sanh lại càng mê tín gấp bội, là chướng trái Tôn chỉ tu Phật, là lìa Tánh tu hành, là trái luật Nhân – Quả chí công thì dù ai diễn thuyết nhiều nói hay đến đâu đi nữa cũng chỉ là kiến giải mê lầm huyễn hoặc của kẻ phàm phu. Họ điên đảo Phật Pháp hô biến tà kiến – tri kiến mê lầm của mình thành khuôn vàng thước ngọc khi vọng gán nó dưới danh Phật Pháp, Phật thuyết, Phật nguyện… rồi ra sức phổ truyền, dẫn dắt bao người tu vọng sa vào lưới ma mà tự chẳng biết, chẳng thoát. Đây chính là MA THUYẾT hủy Phật báng Pháp thời nay.

Do đó, trước thực trạng tu hành loạn Pháp nhiễu nhương, người Phật tử trước cần phải cẩn trọng tỉnh giác dùng Chánh kiến tư duy minh định liễu tường đâu là Chánh Pháp Phật rồi mới nương tựa tu hành, sau phổ truyền rộng khắp. Đừng vì thần tượng, hám danh hay thần thánh hóa một ai… mà cổ xúy mê Pháp tu lầm thì huệ mạng nơi Tam Bảo khó gìn. Bài Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp sẽ giúp Đại chúng có đầy đủ Chánh kiến trạch Pháp tu Phật, tránh lầm đường lạc lối.

Hãy nghiệm minh lời Phật dạy:

Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. 

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau, quý vị hãy từ bỏ chúng… 

Nhưng này quý vị Kalama, khi nào quý vị tự mình biết rõ: Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc, quý vị hãy đạt đến và an trú“.

(trích Kinh Kalama)

Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng cảnh tỉnh hậu thế:

“… Nếu tự mình không thấu suốt, thì phải nên tìm tham học với Thiện-tri-thức nào đã dứt khoát nguồn cội sanh tử. Nếu chẳng thấy Tánh thì không được gọi là Thiện-tri-thức. Nếu không như thế, dẫu cho có giảng được hết cả Kinh Phật cũng chẳng khỏi sanh tử luân hồi, vẫn ở trong 3 cõi chịu khổ mãi mãi…

Xưa có Tỳ-Kheo Thiện-Tinh giảng được hết cả Kinh Phật nhưng vẫn chẳng khỏi luân-hồi, cũng chỉ vì chẳng thấy Tánh. Thiện-Tinh đã như thế, người nay bất quá giảng được năm ba bổn Kinh Luận rồi vội cho là mình thực hành Pháp Phật, đó là thuộc về hạng người mê. Nếu chẳng biết tự tâm, chỉ tụng không theo mặt chữ của Kinh đều là vô dụng. Nếu muốn tìm Phật phải nên thấy Tánh. Tánh tức là Phật. Phật tức là tự tại, rảnh rang, vô sự. Nếu chẳng thấy Tánh suốt ngày chật vật dong ruỗi ra ngoài mà tìm, tìm làm sao được! 

Nếu chẳng thấy Tánh, dẫu cho giảng được hết Kinh Phật đi nữa cũng chẳng qua là Ma nói, là quyến thuộc nhà Ma, chẳng phải đệ-tử của Phật. Đã chẳng biện được đen trắng thì căn cứ nơi đâu mà khỏi sanh tử? Nếu đã thấy Tánh tức là Phật, chẳng thấy Tánh tức là Chúng-sanh. Nếu lìa Tánh Chúng-sanh mà riêng có Tánh Phật có thể được, vậy Phật hiện ở chỗ nào?…”

(trích Luận Huyết Mạch, 
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)

Tóm lại, người tu Phật hãy luôn ghi nhớ:

– Một niệm cầu (tức: tham, bản ngã), tự phá tan Đạo nghiệp. Hãy tiêu trừ chứ đừng trưởng dưỡng bản ngã, tam độc khi tu Phật!

– Hãy y theo Tôn chỉ, trực tâm y Tánh tu hành! Đến khi công hạnh tròn đầy thì Đại sự tự nhiên thành!

– Đừng biến Đạo Phật thành Đạo mê tín, Đạo cầu xin, Đạo Thần quyền trái Lý bất công. Đừng vội tin, hám danh, thần thánh hóa 1 ai.  

– Tu theo Phật – hành theo hạnh Phật, quyết không tu theo ai khác.

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

—————————————

Tham khảo: