phat-phap-van-dap-15-bat-niem-tu-niem-co-duoc-vang-sanh-khong

* CÂU HỎI

Thầy ơi, xin cho con được hỏi. Khi con đang ngồi niệm Phật thì con nghe tiếng niệm Phật bên tai, kể cả lúc đang chạy xe trên đường hay đang làm việc, con cũng nghe rất là rõ. Đây có phải là cảnh giới bất niệm tự niệm không hả Thầy? Con nghe nói niệm Phật tới bất niệm tự niệm là đảm bảo được vãng sanh?

Con rất mong được hồi âm của Thầy.

Nam mô A Di Đà Phật!

* PHÚC ĐÁP

Muốn giác ngộ, liễu thoát tử sanh thì hành giả công phu niệm Phật phải thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, vì niệm Phật được Nhất tâm bất loạn vẫn còn có thể thoái thất. 

Khi thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, tức không niệm mà niệm – niệm mà không niệm, bởi niệm khởi từ Giác Tánh chứ không phải nơi ý căn. Có 2 trường hợp cần phân biệt cho rõ, tránh ngộ nhận mê lầm:

1. Nếu công phu thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật thì khi hành giả khởi tâm niệm Phật, thật không thể nào khởi niệm lên được dù chỉ một từ trong câu Phật hiệu (như đã từng giảng trong bài: Chia sẻ kinh nghiệm công phu niệm Phật). Lúc đó, dẫu có tác ý niệm Phật nhưng thật chẳng thể khởi được niệm nào nên nói niệm mà không niệm, tuy ý niệm không thể khởi được niệm nào nhưng chơn niệm Phật hằng lưu xuất nơi Giác Tánh nên nói không niệm mà niệm. Do đó, bất niệm tự niệm là diệu dụng của Giác Tánh chỉ khi tâm thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật. Có đôi điều lưu ý:

  • Khi tâm thiền Vô Niệm, hành giả kiến ngộ Giác Tánh, tự tại tử sanh.
  • Không hẳn bất kỳ ai công phu đạt đến cảnh giới Vô Niệm cũng đều có biểu hiện bất niệm tự niệm (tai nghe tiếng niệm từ Giác Tánh dù không tác ý). Đó là do căn trí và tâm lượng mỗi người mỗi khác nên sức dụng của Giác Tánh từ cảnh giới Vô Niệm cũng sai biệt chẳng đồng.
  • Dù hành giả công phu đạt nhất tâm bất loạn thì cũng chưa đủ để có được biểu hiện này (Bất niệm tự niệm).

2. Nếu công phu chưa thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật mà nghe tiếng niệm Phật bên tai, kể cả lúc đang chạy xe trên đường hay đang làm việc thì có 2 lý do:

  • Hoặc tâm vọng cầu, mong muốn, chấp trước vào nó nên vọng cảnh sanh, chẳng phải do chơn tâm biến hiện. Đây thuộc về tâm chướng (nội chướng).
  • Hoặc tâm vọng cầu, mong muốn, chấp trước vào nó nên chiêu cảm Tà mị biến hiện Ma cảnh dẫn dắt đúng theo sở cầu khiến tâm niệm (niệm Phật) khi ấy thất tán vì mê mải chấp nghe, cuối cùng lạc Tà mà chẳng tự biết. Đây thuộc về Ma chướng (ngoại Ma).

Do đó, đừng ngộ nhận, đánh đồng nội chướng – ngoại Ma là cảnh giới diệu dụng bất niệm tự niệm từ Chơn tâm Giác tánh mà lạc Đạo Bồ Đề.

Muốn thoát nội chướng – ngoại Ma, hành giả phải tỉnh giác trì tâm niệm Phật cho miên mật không ngừng, không để niệm lực thất tán. Tâm niệm, tai nghe, trí khắc sâu ghi nhận từng từ trong câu Phật hiệu; ngoài ra, KHÔNG BIẾT. Theo đó tinh tấn hành trì, ắt sẽ tự thoát.

* TÓM LẠI

Công phu niệm Phật từ Niệm đến Vô Niệm, phải trải qua cảnh giới Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu tác ý để tâm không niệm gì khiến cho niệm tuyệt, đó là thiền bệnh Vô Ký Không, chẳng phải cảnh giới minh tâm kiến tánh Vô Niệm Ba-la-mật.

Bất niệm tự niệm chỉ là một trong vô lượng diệu dụng của Giác Tánh khi tâm thiền Vô Niệm. Do đó, nếu công phu niệm Phật chưa thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, đừng vọng cầu tham chấp mà tự chướng vào cảnh Ma.

Vậy, nếu tâm vẫn khởi niệm Phật được, lại nghe tiếng niệm bên tai rồi chấp nghe mà bỏ niệm thì đó là chướng lạc Đạo Bồ Đề.  

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

———————————-

Tham khảo: