neo-chanh-de-tu-hanh

CẨM NANG TU ĐẠO CỦA HÒA THƯỢNG QUẢNG KHÂM

NẺO CHÁNH ĐỂ TU HÀNH

1. TRỪ TƯỚNG

– Hỏi: Thưa Thầy, khi thực hành mới thấy không giản dị!

Ðáp: Ðừng nói là “không giản dị.” Bạn cứ làm thì sẽ hết sức giản dị!

– Hỏi: Song con là kẻ phàm phu cho nên…

Ðáp: Nói mình là “phàm phu”, tức là chấp trước!

– Hỏi: Song con không có tu hành gì…

Ðáp: Ðừng nên nói không có tu hành (rồi không tu). Bạn cần phải có lòng tin, rằng: “Tôi cũng có khả năng thành Phật. Tôi cũng có khả năng tu tới nơi tới chốn.” Nghĩ như vậy thì bạn mới tinh tấn hơn. Ðừng nên cứ thường nói: “Tôi, tôi…”; bởi chính nó (quan niệm về “tôi”) tác quái, làm chướng ngại bạn đấy!

– Xưa kia có một vị quan từ chức, xuất gia tu hành. Ông ta sợ kẻ khác biết được thân phận của mình, do đó không hề tiết lộ thân thế cao quý (kẻ có chức vị cao, ăn mặc đầy đủ thì rất dễ bị đọa lạc vì phú quý không thể vĩnh cửu). Ông ta làm đủ thứ việc thấp kém như lau chùi, quét dọn…; không ai biết thân thế của ông. Một ngày nọ, ông ta quét dọn rồi khai ngộ! Ông ta biết ra là xưa kia mình đã từng làm bể bao nhiêu cái chén cái bát của chùa, do đó cấp tốc bồi thường cho chùa.

Chính vì ông ta không có ý niệm về cái “tôi” (ngã tướng) nên mới được khai ngộ. Bởi vậy, hãy trừ sạch ngã-tướng.

– Cần phải không có tâm phân biệt thì mới trừ nổi ngã-tướng. Khi còn chấp chặt vào ý niệm về “tôi” thì tu chẳng đến đâu. Trừ được ngã – tướng thì trí huệ mới khai phát.

– Tu hành, không thể chấp trước. Chấp trước tức sanh phiền não.

Tu Ðạo là cần trừ tham, sân, si; đạt tới thân, miệng, ý thanh tịnh.

– Muốn trừ cái cái chấp về “tôi” thì phải từ nơi mặc áo thô, ăn cơm đạm mà dụng công, giảm bớt ham muốn, không có tâm phân biệt, không suy nghĩ về mình, về người, về chúng sanh, hay về thọ mạng.

– Mọi thứ đều là anh – tôi tranh chấp mà ra. Coi xem bạn có thể tu đến chỗ chẳng còn anh-tôi, mình-người chăng? Bạn cần tu nhẫn bởi nhẫn nhục, nhẫn nại là căn bản, gốc rễ của việc tu. Nếu bạn không thể tu nhẫn thì chỉ uổng công mang ngoại biểu, hình tướng kẻ xuất gia!

– Ðừng nên cho mình lúc nào cũng đúng. Thái độ như vậy không thể tu tâm.

– Tu hành không cần có ý niệm về “tôi.” Không nên kể lể mình hồi xưa, lúc chưa xuất gia, thì có chức phận thế này, địa vị thế nọ. Nếu làm vậy thì không thể buông bỏ mọi thứ, không thể tu Ðạo. Khi đã xuất gia thì chẳng còn chức phận, địa vị, học lực, bằng cấp, tài năng…; mọi người đều như nhau cả.

– Tốt thì mỉm cười, xấu cũng mỉm cười; bởi tốt hay xấu đều do tâm phân biệt đặt bày ra. Do đó, đừng phân biệt. Khi gặp việc khiến bạn cao hứng, vui vẻ, hãy tự hỏi: “Ai đang vui vẻ?”. Khi gặp chuyện phiền não, hãy tự hỏi: “Ai đang buồn lo?”.

– Khi bạn có ý nghĩ không tốt, hoặc khi có phiền não, thì hãy hướng về Ðức Phật A-Di-Ðà mà nói. Hễ những thứ ý niệm xấu ấy đến thì đập nát chúng ngay. Do đó bạn cần niệm Ðức A-Di-Ðà, tự nói rằng: “Phiền não! Hãy mau đi khuất, chẳng có việc gì cho bây cả!”. Ðó là dùng tâm trị tâm vậy.

2. XẢ BỎ TÂM PHÂN BIỆT

– Con đường tu cần phải trải qua gian khổ; như vậy mới có thể khai ngộ. Không nên hy vọng mọi người đối với mình tốt. Nếu người tu chẳng vậy thì không khác gì kẻ thế tục.

– Tu hành thì phải chịu thiệt thòi, thua lỗ; có vậy tu mới tiến bộ.

– Tu hành là làm những việc mà không ai chịu làm; luôn dũng mãnh, tinh tấn chứ không phải tính toán, so đo rằng: “Việc này đâu phải để tôi làm!”, bởi đó là thái độ chẳng khác người đời.

– Làm những việc mà kẻ khác không làm, đó là cách tu phước huệ. Tu hành không phải là làm việc tính toán so đo. Không cần phải toan tính, sắp đặt.

– Ðiều tốt thì góp nhặt để học; điều xấu thì vất qua một bên. Tự mình trong lòng thông hiểu là đủ rồi; thuận theo đây mà tu hạnh Nhẫn-nhục Ba-la-mật. Tu thì đừng hỏi “đúng” với “sai”, đừng kể “hữu lý” hay “vô lý.”

– Tu thì đừng nói thị phi, ai đúng ai sai. Dù mình đúng lý mà người khác nói mình sai, mình cũng cứ tiếp nhận ý kiến ấy. Hễ bạn tự nhận mình sai – dù mình đúng – thì phiền não sẽ không khởi; bằng ngược lại, tâm bạn sẽ không an, phiền não sẽ kéo tới.

– Trên đường tu, có rất nhiều thứ không giống với đường đời, thế tục; do đó, đừng nên tranh chấp “đúng” với “không đúng.”

Xưa, có hai người đồ đệ cùng tọa Thiền, một người ngồi rất nghiêm trang, còn người kia thì nghiêng qua ngả lại nhưng Sư-Phụ của họ lại lấy roi quất người ngồi nghiêm trang. Nếu là người thời nay thì có lẽ y đã nổi giận, sanh phiền não rồi; song, người đệ tử ấy thì lại vô cùng xấu hổ, thỉnh vấn Sư-Phụ khai thị dạy bảo.

Tu hành không phải là tranh chấp “đúng” với “sai.” Tu hành cần phải có công phu nhẫn nhục; dù mình đúng mà bị trách là sai, mình cũng phải nhận chịu.

– Nếu bạn thật có lòng muốn tu, thì đó chính là phước của bạn. Do vậy cần tu cả phước lẫn huệ. Mỗi người cần trừ sạch hết những nghiệp chướng đã tạo xưa kia, rồi đừng tạo thêm nghiệp mới nữa; như vậy thì phước, huệ sẽ tăng gia.

(Phương pháp: niệm Phật, lạy Phật, phát tâm làm việc lao tác ở chùa, không tính toán. Hễ tính toán thì sanh phiền não, tức là tạo thêm nghiệp mới)

3. TÂM KIÊN CỐ

– Khờ khạo mà tu hành, ngốc nghếch mà ăn uống, niệm Phật cho nhiều.

Hôm nay là hôm nay. Ngày mai là ngày mai. Chuyện gì cũng đừng rớ tay, xỏ mũi vào. Ðó chính là tâm kiên cố, chính là tu hành.

Khi tu thì cứ tu, cần gì phải suy nghĩ, tính toán nào là đi học Phật-học, lấy bằng cấp, làm này làm nọ? Ðó đều không phải là chuyện tu hành.

– Sau này, khi tôi (Hòa-Thượng Quảng Khâm) không còn, các bạn đừng buồn; chỉ nghe theo lời tôi mà niệm Phật, tu Khổ-hạnh. Ðối với hoàn cảnh tốt hay xấu, đều không nên chấp trước, cần phải tùy duyên.

– Tu hành cần phải gạt bỏ cái thân. áo quần, ăn uống, chỗ ở đều phải giản dị. Cần phải mặc áo thô, ăn cơm lạt. Nếu quá chú trọng đến ăn, mặc, ở thì bạn nào khác gì kẻ thế tục? Khi bạn coi nhẹ việc ăn, mặc, ở thì mới trừ nổi tham, sân, si.

Khi những thứ ấy (áo quần, ăn uống, nhà cửa…) quá sung túc, thì dục vọng sẽ phừng phừng, lòng tham sẽ cao ngất. Do đó, muốn buông bỏ thân tâm thì phải từ nơi ăn, mặc, ở mà hạ thủ công phu.

– Khi có chuyện tốt xấu gì bạn cũng đừng để hiện ra ngoài mặt. Như bạn sanh bệnh thì chớ để kẻ khác biết bạn bị bệnh. Như tôi tuy có bệnh, song ai nhìn tôi cũng nói: “Trông Thầy thân thể khỏe lắm”; không ai biết tôi lúc ấy có bệnh cả.

4. CANH GÁC SÁU CĂN

a) Mắt

– Khi thấy khuyết điểm, lỗi lầm của kẻ khác, đừng nên khỏi tâm phân biệt, so sánh. Hãy quán sát chính mình. Ai ai cũng có Phật tánh cả.

– Không nên tối ngày cứ dòm ngó lỗi xấu của người. Phải thường xuyên tự nhìn xem mình có lỗi lầm, sai trái gì hay không. Tu như vậy mới không đi ngược lại với Ðạo.

– Phàm thấy việc gì cũng đừng quá chấp tướng. Thấy tướng mạo tốt thì chớ sanh lòng vui thích; thấy tướng mạo xấu cũng chớ khởi phiền não.

b) Tai

– Tu hành cần phải tự tại. Ðừng để tâm vào lời dư luận phê bình bạn này nọ.

Nói bạn tốt, phê bình bạn xấu: Ðây chẳng phải là người ta sai, mà thật ra là bạn không an định.

– Người khác phê bình bạn: Chính đây là nơi bạn phải tu.

– Tu hành cần có cảnh giới tới thử thách thì mình mới tu đặng. Tự tu, tự ngộ – phiền não là Bồ-đề. Tu hành chính là tu ở chỗ đó. Khi có kẻ công kích mà tâm bạn vẫn an nhiên, bình lặng, không nổi sóng gió thì đó là tu.

Không phải nói rằng: “Mỗi ngày tôi lạy Phật bao nhiêu lạy, niệm Phật bao nhiêu chuỗi” và cho như thế là đủ. Phải biết đó là những nhân duyên thiết yếu (song phải biết tu trong những lúc còn lại).

– Khi bạn quét chùa sạch sẽ rồi, có Thầy lại hằn học nói bạn quét chưa sạch. Nếu lúc đó bạn cùng Thầy ấy biện bác, giải thích, thì bạn còn tánh tình kẻ tục. Nếu bạn chấp nhận lời mắng nhiếc, rồi trả lời: “Vâng, tôi sẽ quét sạch ngay” thì đó là tu hành.

– Khi tu tới chỗ có chánh niệm, lòng sáng tỏ thì tai bạn thích nghe lời tốt hay lời xấu, bạn đều cảm nhận rất rõ. Khi tai bạn chỉ thích nghe lời hay lời tốt thì hãy đem lời xấu lại mà tu.

c) Miệng

– Khi nói, lời lẽ cần phải tinh (chỉ nói điểm chính) và giản (đơn giản). Khi lời không cần phải thốt ra, đừng nói!

– Tu hành đừng nên thị phi (chê bai, nói xấu người khác), đừng đặt điều.

– Trong đạo Phật, sợ nhất là nói thị phi. Kẻ nói chuyện thị phi là kẻ thị phi (không đáng tin cậy), chỉ tạo khẩu nghiệp. Tu hành chính là ở chỗ này mà tu thành; nếu không thì là kẻ chỉ biết ăn ngày ba bữa!

– Ðừng nói thị phi, vì nói thị phi thì sẽ dẫn tới thất bại, và khiến kẻ khác không được yên ổn.

– Muốn nói gì về người khác, trước hết hãy tự hỏi lương tâm mình.

– Ðừng phê phán người khác là sai, là có lỗi. Lời nói một khi thốt ra, bạn đã sai trái rồi. Do đó, cái miệng thật quan trọng lắm!

– Mỗi ngày phải tự huấn luyện để lòng đừng tham, đừng nói lăng nhăng.

Khi mở miệng, hãy nói về Phật Pháp, cầu sanh Tây Phương. Chủng tử “thói quen thế tục” bạn đã trồng trong tâm quá đủ rồi; do đó, đừng nên tiếp tục nói những lời thế tục, thi phi nữa!

– Có kẻ khi nói thường làm cho người nghe phiền não, tâm không thể an định; khiến người nghe không biết phải xử lý làm sao cho đúng. Ðã vậy, y còn làm người ta phải nghe y mà chẳng biết y có nghe cho họ chăng? Kết quả là người nghe phiền não, buồn bực, không cách gì giải khai nổi.

– Trong chùa, không được hai, ba người tụm lại nói chuyện lăng nhăng; hoặc kết bè đảng, phê bình người này kẻ nọ, thị phi đúng sai trong lúc họ không hiện diện. Nếu làm vậy sẽ dễ gây ra sự bất an trong chúng, phạm vào giới quấy nhiễu Đại-chúng.

– Tu hành cần phải trong ngoài nhất trí, không tự mâu thuẫn; nghĩa là không được “khẩu thị tâm phi” (miệng nói một đằng, tâm nghĩ một ngả).

– Tu hành phải chú ý đến khẩu nghiệp. Miệng tốt thì tâm mới tốt. Ðừng cho rằng: “Tôi miệng tuy không tốt, song lòng tốt!”.

Sau khi xuất gia rồi, trong chùa vẫn có kẻ nói chuyện thị phi. Song le, bạn đừng cùng bọn họ nói thị phi là đủ. Ðừng nên cứ mở miệng là thị phi hoài. Kẻ nào nói phiếm, lẻo mép về chuyện người khác thì y là kẻ thị phi.

Hễ có thời giờ rảnh rỗi, bạn hãy lạy Phật, niệm Phật.

– Khi bạn khởi phiền não, buồn lo, chớ nên kiếm kẻ khác nói này nói nọ. Nói lui nói tới, thế nào bạn cũng mắc vào thói thị phi lăng nhăng. Tốt nhất là hãy lạy Phật cho nhiều để giải trừ phiền não.

– Hỏi: Nghe Thầy giảng về tiết thực nên con không dám ăn nhiều quá, ăn no quá; song sức lực yếu ớt, con phải làm sao đây?

Ðáp: Cần ăn cho đủ. Chủ yếu là không tham, không chấp trước.

Không phải là hễ thức nào ngon thì ăn nhiều một chút, thức nào dở thì ăn ít một tí. Ðừng tham cầu hương, vị, xúc, pháp.

– Khi bạn khởi ý nghĩ xấu, đừng chấp trước nó; hãy tự nhủ thầm: “Mình không nên nghĩ ác!”. Không thể dùng hình phạt, bởi vì hình phạt chỉ làm tổn hại chính mình mà thôi.

– Sự vật có tướng trạng thì dễ thấy, việc vô hình vô tướng thì khó thấy (như nói thị phi…). Ta cần có lòng cứng rắn, đừng để bị chúng lôi kéo.

– Hỏi: Có nghiệp mang theo thì làm sao khai trí huệ?

Ðáp: Niệm “Nam mô A-Di-Ðà Phật” cho nhiều.

– Nếu các bạn noi gương đức hạnh của Sư-Phụ (Hòa-Thượng Quảng Khâm) thì đi đâu cũng yên ổn cả.

– Thân thể giả dối của chúng ta khó tránh bệnh tật; song, thân bệnh là bệnh nhỏ. Có vọng tưởng, tham, sân, si mới là bệnh lớn. Còn vọng tưởng là còn tiếp nối chuỗi luân hồi, không dứt được vòng sanh tử.

Ðể bảo đảm có được chánh niệm ở giây phút lâm chung, bình thường mình cần phải uống thuốc “A-Di-Ðà Phật”; nếu không, chết rồi chẳng biết về đâu!

– Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, phải luôn thể hội Phật pháp, giác ngộ đạo lý; vậy mới không uổng phí thời gian. Thời gian qua rất chóng, phải tận dụng nó để thể nghiệm. Nếu tu như vậy, ý nghĩ xấu mới không có cơ hội nảy sanh. Không làm vậy, sẽ không có được chánh niệm.

Khi miệng không nói thì tâm suy nghĩ; song đừng suy nghĩ những thứ có sắc tướng, hình bóng; phải suy nghĩ thứ ra ngoài sắc tướng.

5. TÂM TRƯỜNG VIỄN (BỀN BĨ LÂU DÀI)

– Bạn cho tu hành dễ lắm sao?

Bây giờ, việc chúng ta làm chỉ là thứ khổ công, khổ tu mà thôi. Bởi vì hiện tại chúng ta chưa đoạn được tham, sân, si, do đó đây là giai đoạn tu luyện tâm trí. Chờ khi những thứ ấy bị đoạn không còn một mảy may, thì mới gọi là nhập Ðạo.

– Tu hành không phải là việc dễ “ăn” như đậu hủ, bỏ vô miệng là có thể ăn ngay!

Các bạn cần để 10 năm, 20 năm trì một câu “A Di Ðà Phật” không buông lơi, cộng thêm công phu Tín – Nguyện – Hạnh mới được.

– Nếu các cô có Ðạo-tâm, từ từ tu tới 40, 50 tuổi, không có quái ngại, trở thành “lão sư bà” thì lúc đó các cô mới có đặng một chút xíu tự tại; song không phải là tự tại gì lắm. Nếu các cô không ngộ Ðạo thì dù đến 40, 50 tuổi, phiền não sẽ vẫn tràn ngập, dễ thành điên đảo.

– Tu hành cần giữ Trung Ðạo (trạng thái cân bằng). Ðừng quá gấp, cũng đừng chậm; phải như “tế thủy trường lưu”, nước chảy từ từ mà không ngừng.

– Tu hành, phải giữ Trung Ðạo bằng công phu buông bỏ và nhìn thủng. Cần mặc áo thô, ăn cơm đạm, và không chấp trước vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Song le, phải hành trì một cách tự nhiên; không phải miễn cưỡng, bày đặt không ăn cơm, không mặc áo dù trời lạnh, hay không ngủ nghỉ để chứng tỏ mình là một tay tu hành cừ khôi! Khi tu tới một trình độ nào đó, tự nhiên bạn sẽ không còn biết đói, không còn cần ngủ nghỉ nữa.

– Hãy tinh tấn, dũng mãnh tu hành. Tu tới lúc bạn không còn nhu yếu về ăn, mặc, ở thì khi ấy bạn có thể lên núi bế quan; như thế thì may ra bạn có thể thành tựu. Nếu tu chưa tới trình độ như vậy mà bế quan thì sau này sẽ gặp chướng ngại.

– Trong quá trình tu hành, nảy sanh phiền não là việc không tốt. Cần phải không có phiền não, lo âu, buồn vui thì mới tốt.

– Nếu có thể mỗi ngày yên ổn, bình tĩnh để niệm Phật, lạy Phật, tu trì, không có chuyện gì xảy ra là tốt rồi; chớ nên vọng tưởng chuyện này chuyện nọ.

Khi không tạo tội lỗi thì đó là công đức rồi!

– Hôm nay là hôm nay. Ngày mai là ngày mai.

Hôm nay không xảy ra chuyện bất tường, có thể niệm Phật qua ngày là đủ lắm rồi.

Việc ngày mai để ngày mai, chớ quái ngại, chớ âu lo.

(trích Cẩm Nang Tu Đạo
Hòa Thượng Quảng Khâm)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên