* CÂU HỎI

Con là kẻ sơ cơ phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh, trong thời gian qua con có thấy một số clip diễn ra trên các trang mạng xã hội như chuột vãng sanh, niệm Phật cứu cá chết sống trở lại… (xem clip kèm theo). Con biết mình không đủ khả năng để biết những điều này thực hư ra sao vì chỉ có hai lẽ: 1- mê tín, 2- diệu kỳ không thể nghĩ bàn!

Kính xin Tôn trưởng từ bi chỉ bày để con thêm vững vàng trong hành trì pháp Phật_()_

Nam mô A Di Đà Phật _()_

* PHÚC ĐÁP

1. Nói về sự vi diệu nhiệm mầu của Phật Pháp

Đức Phật đã từng dạy: “Biển Pháp (Diệu Pháp Phật) mênh mông, chỉ có niềm tin (Chánh Tín) mới có thể nhập hải”. Chánh Tín rốt ráo ngoài trí tín bất động vào Chư Phật còn là niềm tin không lay chuyển vào khả năng giác ngộ viên mãn nơi bản thân mình, nếu tinh tấn tu hành trang nghiêm chơn chánh, không màng sanh tử. Nếu lìa (Giác) Tánh tu hành, không thể thành tựu chơn giải thoát.

Một khi đã có Chánh tín, dùng Chánh kiến tư duy minh định được đâu là Chánh Pháp Phật (nhấp xem bài Phật Pháp Vấn Đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và minh định Phật Pháp) rồi y đó tu hành trang nghiêm chơn chánh bất luận sự đời thăng trầm dâu bể thì chắc chắn hành giả sẽ “cảm” được sự vi diệu nhiệm mầu của Phật Pháp trên thân tâm của chính mình. Đó là oai nghi – phạm hạnh – trí đức ngày càng tăng trưởng, tâm thiền mỗi lúc càng miên mật càng sâu bởi vô minh – nghiệp chướng – vọng tưởng đều dần được tịnh hóa. Khi đó, với mọi sự dẫu có ra sao ở thế tục phàm tình thì tâm vẫn an trụ bất động nơi Diệu Pháp, nơi Pháp hành. Nhẫn lực tinh tấn theo thời gian, đến thời, hành giả thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, kiến ngộ Giác Tánh, liễu thoát tử sanh. Trong cảnh giới chơn thiền Vô Niệm tịch tịnh đó, mật nguyện độ tận chúng sanh khắp cõi 10 phương (độ Tử – độ Sanh) sẽ tự khai phóng từ chơn tâm giác tánh từ bi của Bậc kiến Tánh, được 10 phương Chư Phật ấn chứng. Những video clips Phật Pháp Vi Diệu Nhiệm Mầu 1, 2, 3 trên Đạo tràng đã chứng thực điều này.

2. Thực hư chuột vãng sanh, cá chết sống lại nhờ niệm Phật

Chuột, cá… là súc sanh, là nghiệp quả của một trong Tam ác đạo (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh) trong Lục đạo luân hồi do ác nghiệp nặng nề khiến thiện căn, phước đức bị tổn hoại gần như không còn. Đối lập là chúng sanh thuộc ba đường thiện (A-tu-la, Nhơn, Thiên) với thiện căn, phước trí gấp bội phần; trong đó, con Người (Nhơn) là dễ phát tâm Bồ Đề tu Đạo giải thoát nhất (và ngược lại, dễ bị đọa lạc nhất).

Người một đời tạo nghiệp chất chồng, lúc lâm chung niệm Phật phó thác cầu mong “Phật rước” thì theo luật Nhân Quả – Nghiệp báo chí công, người ấy phải thọ quả trả đền tùy túc nghiệp, tuyệt không có chuyện vãng sanh thần quyền nghịch lý. Dẫu có ban hộ niệm trợ duyên cũng không chủ phần quyết định thọ báo (nhấp xem bài Chánh kiến về niệm Phật vãng sanh). Ngay cả bậc tu hành chơn chánh cũng chưa chắc một đời có thể đoạn tận tham – sân – si, tâm thiền thành tựu Nhất Tâm cho đến Vô Niệm để tử sanh tự tại thì Súc sanh vốn không có thiện căn, phước trí, năng lực tu tập như Người, hỏi chuột vãng sanh, cá chết sống lại nhờ người niệm Phật có thuận với luật Nhân Quả – Nghiệp báo hay không?

Nếu không Chánh kiến tư duy mọi sự cho tận tường, thấu đáo theo Chánh Pháp và luật Nhân Quả – Nghiệp báo, ắt sa vào mê tín, tà kiến, khiến lạc Đạo Bồ Đề.

Mong con tinh tấn!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————

Tham khảo: