CHƠN NIỆM PHẬT
2. THÂM TRỌNG TÂM
“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:
– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.
– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?”
Đức Phật dạy rằng:
“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP và TỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:
1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm
Thế nào gọi là THÂM TRỌNG TÂM?
Nầy Diệu-Nguyệt! THÂM TRỌNG TÂM nghĩa là đem tấm lòng sâu xa và cẩn trọng mà cảm mộ ân đức của Tam-Bảo, tưởng nhớ công lao của Cha Mẹ, Thiện-tri-thức và của hết thảy Chúng-sanh.
1. Trong quá khứ vô lượng vô biên na-do-tha vi trần kiếp, Chư Phật vì thương xót chúng sanh mà xả bỏ đầu, mắt, tay, chân, thân mạng, tài sản, quyến thuộc… để tìm cầu Chánh pháp, tu Bồ-tát-đạo, giáo hóa muôn loài, làm cho ai nấy đều được lợi ích. Đời đời kiếp kiếp, chư Phật hằng theo dõi và thương tưởng đến mỗi một chúng sanh, luôn luôn tìm cách nhổ bật gốc rễ tham ái, đập tan gông cùm sanh tử, làm khô cạn biển khổ vô minh, mãi phát tâm quảng đại, tâm Kim Cang, tâm vô phân biệt mà rọi sáng lối về cho mọi hữu tình. Vì thế mà người niệm Phật phải phát khởi cái tâm chí sâu xa và cẩn trọng để tưởng niệm, cảm mộ ÂN ĐỨC CỦA CHƯ PHẬT.
– Nhưng chư Phật muốn tế độ tất cả chúng sanh, thì cũng phải lấy Chánh pháp làm phương thuốc hữu hiệu trị dứt những bịnh tham ái; dùng Chánh pháp làm thuyền bè đưa chúng sanh qua đến bờ giác ngộ; dùng Chánh pháp làm tuệ kiếm chặt đứt mọi trói buộc phiền não; làm ngọn đuốc dẫn dắt ra khỏi đêm dài vô minh; làm chất đề hồ chữa lành mọi thứ sanh, già, bịnh, chết, ưu, bi, khổ, não; dùng Chánh pháp làm đôi mắt cho chúng sanh nhìn rõ thật tướng. Người niệm Phật phải biết cảm mộ ÂN ĐỨC CAO DÀY CỦA CHÁNH PHÁP, phải luôn luôn báo đáp ân đức ấy bằng cách thọ trì kinh điển Đại-thừa và giảng nói cho kẻ khác, khuyên bảo mọi người quy y, bố thí, trì giới, thiền định khiến sao cho Chánh pháp được lưu hành rộng khắp nhân gian, ai nấy đều được hưởng dụng cam lồ vị.
2. Dù đã phát nguyện quy y Tam-Bảo, nhưng người trực tiếp khai sanh tánh mạng Tuệ giác ở nơi ta chính là THIỆN-TRI-THỨC, gồm có Thánh tăng, phàm tăng, Sư trưởng và các bạn đồng tu, đồng học. Người niệm Phật phải biết cảm mộ ÂN ĐỨC CỦA THIỆN-TRI-THỨC, vì:
– Thiện-tri-thức là cửa ngõ xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì làm cho chúng sanh đi vào Như-Thật-Đạo.
– Thiện-tri-thức là cỗ xe xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì đưa tất cả chúng sanh tới Như-Lai địa.
– Thiện-tri-thức là thuyền bè xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì vận chuyển tất cả chúng sanh đến bờ Giác.
– Thiện-tri-thức là ngọn đèn xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì khiến chúng sanh có được ánh sáng Phật Tri Kiến.
– Thiện-tri-thức là con đường xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì dẫn dắt chúng sanh vào cửa thành Niết-Bàn.
– Thiện-tri-thức là cây đuốc xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì làm cho chúng sanh thấy rõ con đường yên lành hay hiểm trở.
– Thiện-tri-thức là chiếc cầu xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì tiễn đưa chúng sanh qua khỏi chỗ hiểm ác.
– Thiện-tri-thức là lọng che xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì làm cho chúng sanh che núp dưới bóng râm Đại Từ mát mẻ.
– Thiện-tri-thức là cặp mắt xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì khiến chúng sanh nhận rõ Pháp tánh.
– Thiện-tri-thức là thủy triều xu hướng Nhứt-thiết-trí, vì làm cho chúng sanh đầy đủ nước Đại Bi.
3. Kế đó, là ÂN ĐỨC CỦA CHA MẸ, chín tháng cưu mang, nhường khô nằm ướt, nuốt đắng nhả ngọt, quần áo chăn màn nuôi con khôn lớn, suốt đời tận tụy, đến chết chưa nguôi.
4. Cuối cùng là ÂN ĐỨC CỦA CHÚNG SANH, cung ứng ẩm thực, y dược, tọa cụ, văn tự, tri kiến, bảo hộ…
Do vậy, người niệm Phật phải lấy tâm chí sâu xa, cẩn trọng mà cảm mộ ÂN ĐỨC TAM BẢO, THIỆN-TRI-THỨC, CHA MẸ, CHÚNG SANH. Nhờ vậy mà TỪ BI dần dần nẩy nở, ngọn lửa TRÍ HUỆ từ từ bừng cháy, môn tu niệm Phật mới dễ dàng thành tựu”.
(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————————
Tham khảo:
- Chơn niệm Phật: 1. Tín tâm
- Chơn niệm Phật: 3. Hồi hướng phát nguyện tâm
- Chơn niệm Phật: 4. Xả Ly Tâm
- Chơn niệm Phật: 5. An ổn tâm
- Chơn niệm Phật: 6. Đà-ra-ni tâm
- Chơn niệm Phật: 7. Hộ Giới Tâm
- Chơn niệm Phật: 8. Ba-la-mật tâm
- Chơn niệm Phật: 9. Bình Đẳng Tâm
- Chơn niệm Phật: 10. Phổ Hiền tâm
- Đại Thế Chí Bồ Tát khai thị Niệm Phật Viên Thông
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị về niệm Phật
- Lục Tổ Huệ Năng khai thị về niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Vô Niệm: Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Phật Pháp vấn đáp 22: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?