Thế nào là “Mật tông Thiên Đình”? Xem 3 đoạn trích sau:
“Vào thời gian trước chúng tôi – Hội Ái Hữu Mật Giáo tại Hoa Kỳ do cư sĩ Triệu Phước thành lập vào khoảng 1984 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Annandale, Virginia – truyền bá Mật tông dưới danh xưng là Mật tông Phật Giáo, nhưng trong thực tế, ngoài Phật Giáo ra chúng tôi còn nghiên cứu thần bí của mọi tôn giáo và đã điểm đạo cho tất cả mọi người theo tôn giáo của họ, bằng cách cho niệm theo danh hiệu của đấng Giáo chủ của mỗi tôn giáo. Chỉ trong vòng 5 tới 10 phút, rất nhiều người đã mở con mắt thứ ba nhìn thấy cảnh giới siêu hình, được xuất hồn, hay có những ấn chứng khác.
Lá Thiên Thơ căn bản dùng để điểm đạo là lá linh phù tượng trưng cho 5 phương Phật và 5 đạo binh Trời, tượng trưng cho ngũ chi của các tôn giáo trong vũ trụ… Ngày xưa, trong thời kỳ bí truyền, các chư Sư đã tận tay trao truyền cho nhau trải qua mấy ngàn năm nay. Hiện nay, theo lệnh của Thiên Đình, chư Sư cho phổ truyền lá thiên thơ này để phổ độ chúng sanh chứng minh sự hiện hữu của các thánh thần và trợ độ cho con người để quân bình đời sống tâm linh và văn minh vật chất. Muốn thực nghiệm về năng lực thần bí sơ khởi, người thọ pháp chỉ cần:
* Phương pháp tự điểm đạo:
1/ Đối trước tượng Phật, tượng Chúa hay tượng của Giáo chủ mình tôn thờ, hoặc trước quyển Thánh kinh hay các kinh sách của Phật, hay đối trước lá linh phù trên đây, khấn nguyện thành tâm cầu xin học đạo của Thánh hiền và xin tự nguyện giữ ngũ giới cấm.
2/ Lấy 1 ly nước nhỏ và niệm danh hiệu vị mình tôn thờ 3 lần.
3/ Chắp tay cao trên trán (không tựa vào đầu) và tiếp tục niệm danh hiệu vị mình tôn kính. Khoảng 5 tới 30 phút, đôi cánh tay của hành giả sẽ nhận được một luồng thần lực chuyển động, hay kiết ấn hoặc mở mắt thứ 3 thấy các cảnh giới siêu hình.
4/ Muốn nghỉ buông tay ra sẽ nghỉ.
Hội Ái hữu Mật Giáo đã điểm đạo miễn phí cho nhiều ngàn người ở khắp nơi, và phân phát miễn phí những cuốn kinh: Phật Giáo Thánh Kinh, Kinh Chuẩn Đề Đà La Ni, Mật tông Phật Giáo Tinh Hoa Yếu Lược, Phong Thần và Huyền bí học, và tập san Mật giáo cho các bạn đạo và các chùa người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Qua nhiều đợt phát hành ở các nơi, trên 10,000 kinh điển Mật tông và Hiển giáo đã được phân phát.
Hội không có tổ chức, không có tụ họp, không đóng niên liễm và cũng không cần có liên lạc với nhau. Hội chỉ điểm đạo và giúp cho phương tiện kinh sách để mọi người y theo kinh sách tu tập. Chủ trương này đến ngày nay vẫn không thay đổi”.
(trích từ trang chủ Vũ Trụ Huyền Bí, nguồn http://vutruhuyenbi.com)
——————————
“Nền đạo giáo của Tây Tạng đã suy thoái từ trước thế chiến thứ II, giờ đây chỉ còn lại hư danh nhờ hoạt động phóng đại của bộ máy tuyên truyền cho rằng Mật tông Tây Tạng cao hơn Mật tông Nhật Bản, Mật tông Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Cao Miên v.v…, rằng chỉ có sự truyền thừa của Lạt ma Tây Tạng mới là chánh tông, các Lạt ma Tây Tạng đều là phật sống, hay là hóa thân của Phật này, bồ tát nọ. Nhưng, những quảng cáo khoa trương, kiểu ‘lập lờ đánh lận con đen’ đó không gạt được người Mỹ có tinh thần khoa học, bởi họ xưa nay vẫn không hề thật sự coi trọng Mật Tông Tây Tạng.
Các sư tu Mật tông chỉ là xưng danh như vậy nhưng trong thực tế họ không thể phổ truyền tâm ấn vì không được Thiên đình cho phép. Những buổi lễ gọi là “điểm đạo truyền tâm ấn” của các Lạt ma, thực chất chỉ là buổi lễ quy y theo Hiển giáo, người nhận lễ chỉ nhận được những vật hữu hình như sợi chỉ, tấm khăn, hay được rưới nước trên đảnh… chứ không nhận được thần lực gia trì mầu nhiệm của chư Phật khi được truyền tâm ấn. Không có thần lực gia trì vì bản thân các sư chỉ tu theo kinh sách hữu tự, bản thân không có tâm ấn nên không được học đạo với chư Phật, chư Bồ tát siêu hình.
Các kinh sách hữu tự (Thủ Lăng Nghiêm, Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v…) và ngay cả những kinh sách Mật tông: Kim Cang Đảnh, Đại Nhật v.v…) tuy được gọi là kinh nhưng trong đó không phải là chân lý mà chỉ là những lý thuyết mơ hồ, xa thực tế. Ai có nghiên cứu đọc và so chiếu ít nhất là 100 quyển kinh mới thấy được những mạo nhận, những ngã mạn tự xưng kiểu sư nói sư phải của những người viết kinh thời đó. Họ đều là những phàm phu không hề có thực chứng về siêu hình cũng như bản thân họ không có chút liên hệ gì với Thiên Đình nên mới thi nhau hý luận, thêu dệt ra một đạo Phật theo tưởng tượng của họ, cuốn kinh Phật nào cũng đều được họ ca tụng là Vương Kinh (vua các kinh), hay là đệ nhất kinh, cho nên ai chỉ đọc duy nhất một quyển kinh Phật thì sẽ tưởng lầm đó là chân lý và bám chấp vào đó.
* Vì sao gọi là Mật tông thiên đình?
Thầy Già (cư sĩ Triệu Phước) đã tập trung Mật tông của thế giới qua ngã Nam Tông (Thái Lan, Lào, Cao Miên, Miến Điện) và Bắc Tông (qua kinh sách từ nơi hòa thượng Thích Viên Đức, bản thân Hoà thượng cũng chỉ được phép bí truyền) và được sắc lệnh của Thiên Đình từ Đức Đại Nhật Như Lai để truyền bá Mật tông thế giới cho đại chúng, chứ không phải do sự truyền thừa từ những hệ phái mật tông của thế gian (Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản v.v.)
Và chính vì Mật tông do Thầy Già truyền bá xuất phát từ Thượng Đế nên bao gồm Mật tông của tất cả các tôn giáo. Bằng chứng là Mật tông Thiên Đình đã điểm đạo cho rất nhiều người thuộc Thiên chúa giáo, Tin lành, Hồi giáo, Ấn giáo, Do thái giáo và các đạo khác và họ đều nhận được ấn chứng mầu nhiệm trong buổi lễ. Sau khi có tâm ấn của Mật tông, mọi người không bị bắt buộc phải trì thần chú mà có thể tu tập theo nghi thức của tôn giáo mình, người Thiên Chúa Giáo đọc kinh Lạy Cha, người theo Phật giáo niệm Phật v.v… vẫn được linh ứng. Chỉ cần tu trì một thời gian ngắn, hành giả đều có năng lực nhiệm mầu từ chư Phật để điểm đạo cho người khác, việc này đã và đang được các đệ tử thực hành rất dễ dàng qua Internet hay qua điện thoại.
Qua 30 năm đã có trên 10,000 người được điểm đạo vào Mật tông mà đại đa số là do đệ tử của Thầy Già, do đó người ta chỉ biết tiếng của Thầy Già chứ không hề gặp mặt.
Những ấn chứng nhiệm mầu xảy ra trong buổi lễ điểm đạo truyền tâm ấn của Mật tông Thiên Đình là những chứng minh cho thấy có một sự phối hợp rõ ràng của đạo sư dưới đất và chư Phật mười phương trên Trời.
* Ý nghĩa của điểm đạo truyền tâm ấn của Mật tông Thiên Đình:
Khi hành giả được điểm đạo và có ấn chứng siêu hình là đã được quy y với Trời Phật, có nghĩa là được ghi danh nhập đạo và được học đạo, học kinh Vô Tự là những thần khải về nguyên lý siêu hình với chư Phật và thánh thần của Thiên đình.
Có thể ví Thiên Đình là Bộ Giáo Dục, chư Phật mười phương là các Giáo sư trực thuộc Bộ giáo dục. Hành giả được điểm đạo sẽ có một vị Phật của Thiên Đình chịu trách nhiệm chăm lo cho mình về đời và đạo. Vị Phật đó sẽ tùy theo duyên căn của hành giả mà gởi các Thánh, Thần đi theo để độ hộ và dạy dỗ đến khi đạt thành Phật quả (tốt nghiệp ra trường, hay đắc đạo), giống như học trò trong trường có một vị thầy chủ nhiệm và nhiều giáo sư khác dạy đủ các môn.
Điểm đạo chỉ là buổi lễ nhập môn vào lớp học, từ đó đệ tử phải nỗ lực học đạo thì mới đắc quả chứ không thể ỷ lại có Phật độ cho mình thì không cần học. Ai cũng phải đi học mới có thể tốt nghiệp ra trường”.
(trích “Mật tông thiên đình”, tác giả Hoatam
http://vutruhuyenbi.com/forum/viewtopic.php?f=18&t=500)
——————————
“Muốn thực nghiệm về năng lực thần bí sơ khởi, người thọ pháp chỉ cần:
1/ Đối trước tượng Phật, tượng Chúa hay tượng của Giáo chủ mà mình tôn thờ hoặc trước quyển thánh kinh hay các kinh sách của Phật khấn nguyện thành tâm cầu xin học đạo của Thánh hiền và xin tự nguyện giữ các giới cấm: Không giết người (trừ trường hợp tự vệ) – Không trộm cướp – Không tà dâm – Không nói dối (để hại người) – Không uống rượu say sưa.
2/ Đốt lá linh phù đồ lại trong một ly nước lạnh và uống trọn.
3/ Chắp tay cao trên trán (không tựa vào đầu) rồi niệm liên tục danh hiệu của Thượng đế hoặc danh hiệu 1 vị Phật mà mình tôn kính hoặc tôn danh giáo chủ của mình. Khoảng 5 cho đến 30 phút, đôi cánh tay của hành giả sẽ tiếp nhận được 1 luồng thần lực chuyển động đôi tay hoặc kiến ấn, hoặc hạ xuống, hoặc vẹt đôi tay ra, hoặc uốn thân thể để lễ Chúa, lễ Phật hoặc dạy các vị thế YOGA xác thân… Hành giả cứ tiếp tục niệm danh hiệu Phật, Chúa… trong tâm và theo dõi để chứng nghiệm. (Người thọ pháp hoàn toàn tỉnh táo 100%)
4/ Muốn nghỉ buông tay ra sẽ nghỉ.
5/ Sau này muốn tiếp tục học, chắp tay trên trán và niệm Phật hoặc Chúa sẽ tiếp tục được dạy: Thập bát ban võ nghệ – Các động tác thể dục thẩm mỹ – Các loại vũ Tây phương cũng như Đông phương – Các động tác YOGA xác thân – Tập khí công – Tham thiền v.v… tùy theo năng khiếu và sự ưa thích của hành giả.
6/ Tại Việt Nam từ năm 1974 đến nay đã có hơn 5.000 thanh niên và thiếu nữ đã được học hỏi bộ môn mật truyền này.
7/ Hai năm qua tại Mỹ đã có trên 100 bạn đạo dưới 10 tuổi cho đến các cụ già trên 60 và nhiều bạn trẻ nam nữ đã tu tập theo mật giáo. Một số các bạn đạo đó đã được xuất hồn, thần nhãn, huệ khẩu v.v…
8/ Mọi lý thuyết được đề cập tổng quát trong tập sách này và nếu cần có thể liên lạc với soạn giả để hỏi thêm kinh nghiệm.
9/ Sau đó, người Thiên Chúa giáo cứ theo 10 điều răn của Đức Chúa Trời và lần chuỗi cầu nguyện cũng như sống theo Thánh kinh khuyên dạy. Tịnh Độ Tông có thể niệm Phật A-di-đà, tụng kinh bái sám và giữ Ngũ giới cấm. Các Tông phái khác cứ theo giáo luật của Tông phái mình mà sống đúng luật đạo. Lần lượt học giả sẽ được chứng nghiệm rất nhiều nguyên lý vô hình tùy theo sự phát tâm của họ trên đường đạo.
10/ Lá linh phù này hoàn toàn linh hiển, phải thực tâm thành kính và chớ khá dị nghị sẽ không tốt cho người giỡn cợt”.
(trích “Mật Tông Phật Giáo Tinh Hoa”
Cư sĩ Triệu Phước – Pháp hiệu Đức Quí)
————————————————
LỜI BÀN
Có thể nói, đó là tổng quan về Mật Tông Thiên Đình, được khái quát qua những trọng điểm sau vốn cần được liễu trạch dựa vào yếu chỉ: Từ bi – Trí huệ (Giới – Định – Huệ) – Vô trụ của nhà Phật để hồi Tà hiển Chánh, răn tỉnh lầm lạc (xem bài: Phật Pháp vấn đáp 7: Liễu nghĩa Tam Bảo và Minh định Phật Pháp).
1. Vào thời gian trước chúng tôi – Hội Ái Hữu Mật Giáo tại Hoa Kỳ do cư sĩ Triệu Phước thành lập vào khoảng 1984 tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Annandale, Virginia – truyền bá Mật tông dưới danh xưng là Mật tông Phật Giáo, nhưng trong thực tế, ngoài Phật Giáo ra chúng tôi còn nghiên cứu thần bí của mọi tôn giáo và đã điểm đạo cho tất cả mọi người theo tôn giáo của họ, bằng cách cho niệm theo danh hiệu của đấng Giáo chủ của mỗi tôn giáo. Chỉ trong vòng 5 tới 10 phút, rất nhiều người đã mở con mắt thứ ba nhìn thấy cảnh giới siêu hình, được xuất hồn, hay có những ấn chứng khác.
Sau này muốn tiếp tục học, chắp tay trên trán và niệm Phật hoặc Chúa sẽ tiếp tục được dạy: Thập bát ban võ nghệ – Các động tác thể dục thẩm mỹ – Các loại vũ Tây phương cũng như Đông phương – Các động tác YOGA xác thân – Tập khí công – Tham thiền v.v… tùy theo năng khiếu và sự ưa thích của hành giả.
Thầy Già (cư sĩ Triệu Phước) đã tập trung Mật tông của thế giới qua ngã Nam Tông (Thái Lan, Lào, Cao Miên, Miến Điện) và Bắc Tông (qua kinh sách từ nơi hòa thượng Thích Viên Đức, bản thân Hoà thượng cũng chỉ được phép bí truyền) và được sắc lệnh của Thiên Đình từ Đức Đại Nhật Như Lai để truyền bá Mật tông thế giới cho đại chúng, chứ không phải do sự truyền thừa từ những hệ phái mật tông của thế gian (Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản v.v.).
(hết trích)
Có những điểm cần luận rõ như sau:
– Đây là lời giới thiệu mang tính lập phái – tự ngã tự tôn núp bóng dưới danh nghĩa Phật Pháp (Mật tông Phật Giáo hay Mật tông Thiên Đình) xuất phát từ cá nhân có những hành trì sai lệch trái với Diệu Pháp Phật truyền. Không có gì ngạc nhiên, điều này khá phổ biến trong thời mạt tâm hiện nay, khi mà không ít phàm phu chúng sanh với nghiệp chướng sâu dày, căn trí si ám đã vay mượn giáo lý Phật đà rồi tự tôn lập phái ký sinh Phật đạo, như: Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công), Đạo Tâm Linh Đạo, Mật tông Thiên Đình… Họ rộng truyền cách hành trì đặc dị: nào là khai mở luân xa trước để trị bệnh cho mình và người, sau để thể xác và tâm trí hoàn toàn trống rỗng, hư vô tuyệt đối, hòa mình cùng Vũ Trụ; nào là điểm đạo với những ấn chứng như mở con mắt thứ ba nhìn thấy được các cảnh giới siêu hình, xuất hồn, huệ khẩu, uốn thân hành lễ… Tất cả hoàn toàn trái với Chánh Pháp Phật, nhưng xót xa thay đều được gán cho là Phật Pháp. Thật là tội lỗi!
– Phật đạo là con đường phạm hạnh tối thắng hướng hóa tất cả chúng sanh trong 10 phương Pháp giới hồi tâm sám hối tu hành cho đến khi giác ngộ viên mãn. Người tu Phật chơn chánh với tâm nguyện từ bi vì Đại sự liễu sanh thoát tử của muôn vạn chúng sanh sẽ một lòng nhiếp tâm trì Giới, trọn hành theo hạnh Phật, tâm thiền miên mật ba thời chẳng mỏi (Định). Đến khi công phu thiền định thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật sẽ tự khai mở Trí Huệ Vô Sư (Huệ), tỏ ngộ Chơn tâm, tinh thông vạn Pháp (vạn Pháp duy Tâm). Thế mới biết, Phật Đạo tại tâm hành chơn chánh mới có thể phá mê khai ngộ, liễu thoát tử sanh; tuyệt không nhờ thông bệnh nghiên cứu học Phật mà giác thì có sá gì “nghiên cứu thần bí của mọi tôn giáo”, âu cũng chỉ là ngã kiến lập tri trong mê vọng phàm thường trái chướng, sái với đường lối tu Phật chơn truyền (Giới – Định – Huệ).
– Ái thủ ngã tướng (tôi, của tôi, tự ngã của tôi; sự tướng hữu vi và vô vi) cố hữu tích tập bao đời chính là nghiệp nhân luân hồi thống khổ, khiến chúng sanh phải trôi lăn trong ba cõi sáu đường, trầm mê chẳng dứt. Vì thế, Đức Phật dạy chúng sanh hãy phát tâm quy ngưỡng Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), chơn chánh tu hành giải nghiệp cho đến khi tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn. Bổn phận đầu tiên của Phật tử là phải chánh thức thọ phép Tam quy (Quy y Tam Bảo); sau nương theo Giới luật và Diệu Pháp Như Lai mà tu trì chơn chánh. Để cứu chúng sanh khỏi tự chướng Đạo Bồ-Đề, Phật dạy ta hãy thấu rõ thế gian vạn sự vô thường giả tạm tùy duyên mà “ưng vô sở trụ” tu hành, tự giác tự độ tầm về Chơn Như tịch tịnh chớ KHÔNG dạy điểm đạo, cũng chẳng hứa khả một ai bằng những ấn chứng siêu hình, thần khải mê hoặc trái chướng. Phàm phu chúng sanh sao chẳng y lời Phật dạy phụng hành mà lại tự ngã vọng ngôn “được sắc lệnh của Thiên Đình từ Đức Đại Nhật Như Lai để truyền bá Mật tông thế giới cho đại chúng”? Lấy gì minh chứng cho điều này ngoài những lời hư vọng từ vô minh, vì căn bản đã trái chướng Phật lý? Nếu bảo cứ nhắm mắt tin theo “điểm đạo để thực nghiệm năng lực thần bí” thì có khác gì u mê gửi lầm huệ mạng nẻo Tà, trái với tinh thần Tứ Y Pháp, Văn – Tư – Tu để kiến lập nền tảng Chánh tín vững chắc trước khi thọ trì mà Đức Phật đã từng dạy. Hành Tà đạo mê hoặc lòng người nhưng luôn tự cho là Phật chứng – Phật truyền, ngẫm cũng chẳng lạ gì khi thời mạt tâm loạn Pháp hiện nay, đây đó có người tự tôn là Vô Thượng Sư, Pháp Vương, Mật Chủ Chuẩn Đề…, và có biết bao người đua theo Ma sự, lầm lạc nẻo Tà, âu cũng bởi nghiệp duyên túc trí tương ưng nên đồng hội đồng thuyền. Đây chính là Tà Pháp, không phải Chánh Pháp Phật!
2. “Điểm đạo chỉ là buổi lễ nhập môn vào lớp học. Khi hành giả được điểm đạo và có ấn chứng siêu hình là đã được quy y với Trời Phật, có nghĩa là được ghi danh nhập đạo và được học đạo, học kinh Vô Tự là những thần khải về nguyên lý siêu hình với Chư Phật và Thánh Thần của Thiên đình”.
(hết trích)
– Có câu: “tri kiến lập tri, tức vô minh bổn”. Nói như thế thì Phật dạy “Thọ trì Tam-quy” để làm gì? Những ai quy ngưỡng Tam Bảo mà không được điểm đạo, không có thực chứng siêu hình sẽ không được Chư Phật từ bi hóa độ ư? Đó là chưa kể còn biết bao chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương, làm sao điểm đạo được họ? Và nếu không, họ sẽ mãi trầm mê không thoát vì lẽ ấy?… Rõ thấy, để lôi kéo tín đồ nhẹ dạ cả tin cộng hành Tà nghiệp, họ bất chấp nhân quả, gieo rắc Tà kiến, hủy báng Phật hạnh. Họ nào biết được hạnh nguyện từ bi độ tận chúng sanh trong thiên hình vạn trạng khôn cùng cảnh giới khắp cõi 10 phương của Chư Phật là vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.
– Thánh Thần vẫn là phàm phu chúng sanh, còn trôi lăn trong Lục đạo luân hồi. Khi phước duyên mạt tận, họ sẽ sa vào những đường còn lại trong Lục đạo mà thọ báo ứng tùy theo túc nghiệp trả đền. Vì lý do đó, khi thọ trì Tam-quy, người Phật tử thệ nguyện chỉ một lòng kính tín quy y Chư Phật hầu gieo thắng duyên giải thoát cho huệ mạng muôn đời của mình, quyết không quy ngưỡng tin theo Thánh, Thần, Quỷ, Vật, Tà mị… Tà kiến đánh đồng tâm hạnh Phàm – Thánh như nhau trong định hướng tu Phật tất minh chứng cho tâm mê nên hành trì loạn Pháp, âu cũng bởi vô minh nghiệp chướng quá sâu dày. Với Diệu Pháp Phật truyền, sao không tỉnh giác gạn lọc tiến tu mà tự vẽ hình bắt bóng thêm điên đảo (?).
3. “Có thể ví Thiên Đình là Bộ Giáo Dục, chư Phật mười phương là các Giáo sư trực thuộc Bộ giáo dục. Hành giả được điểm đạo sẽ có một vị Phật của Thiên Đình chịu trách nhiệm chăm lo cho mình về đời và đạo. Vị Phật đó sẽ tùy theo duyên căn của hành giả mà gởi các Thánh, Thần đi theo để độ hộ và dạy dỗ đến khi đạt thành Phật quả (tốt nghiệp ra trường, hay đắc đạo), giống như học trò trong trường có một vị thầy chủ nhiệm và nhiều giáo sư khác dạy đủ các môn.
Điểm đạo chỉ là buổi lễ nhập môn vào lớp học, từ đó đệ tử phải nỗ lực học đạo thì mới đắc quả chứ không thể ỷ lại có Phật độ cho mình thì không cần học. Ai cũng phải đi học mới có thể tốt nghiệp ra trường”.
(hết trích)
– Thật đúng là dùng tâm mê trí phàm suy lường Phật-độ khi ví hình thái, cơ cấu tổ chức của xã hội loài Người (vốn là phàm phu chúng sanh cõi Ta Bà ô trược) cho cõi Phật vi diệu trang nghiêm tịch tịnh tối thắng, rồi tự gán định vai trò của Chư Phật theo ý mình, từ đó rộng truyền Tà Pháp, hành Ma sự. Họ nào biết với cõi Phật vô thượng và hạnh nguyện vô lượng vô biên của Chư Phật, Chư Đại Bồ-Tát còn không thể nghĩ bàn liễu tận thì sá gì phàm phu chúng sanh căn trí si ám mê muội, vô minh nghiệp chướng sâu dày. Ngẫm, tà kiến báng bổ Chư Phật đến thế là cùng!
Ngoài ra, Mật Tông Thiên Đình còn cho rằng hành giả niệm Phật, trì chú sẽ được Chư Phật và Thánh Thần gia trì bảo hộ, không bị Tà Ma quấy nhiễu, khảo đảo, chướng ngại. Đó là tri kiến sai lầm bởi những lý do sau:
– Xưa, lúc chưa viên mãn Phật quả, Ngài Tất-Đạt-Đa đã từng bị Tà – Ma – Quỷ – Mị… dùng Tà lực cản trở công phu thiền định nhiếp Tâm, phá Đạo Bồ Đề thì sá gì phàm ngu sao tránh khỏi bị Tà mị khảo đảo, hoành hành, chướng ngại… Hãy nhớ: tu Phật, tâm không chơn chánh, ắt lậm Tà chắc chắn!
– Do tham đắm điểm đạo, thần thông và huyễn cảnh thần quyền nên tâm sinh chướng cầu chấp vào những ấn chứng siêu hình sẽ diễn biến nơi thân tâm mình (nội chướng), từ đó chiêu cảm Tà mị… (ngoại Ma) dùng Tà lực chiêu dụ, đáp ứng vọng cầu, giả hiện cảnh Ma khiến tưởng lầm Phật chứng rồi nhận Tà bỏ Chánh, ngày càng lún sâu vào Tà nghiệp. Nhiều người tuy được điểm đạo đã lâu mà chẳng thấy ấn chứng xảy ra liền tự ti, thất vọng, bi quan; còn kẻ điểm đạo thì an ủi khuyên rằng “có cầu tất ứng”, sớm muộn sẽ được chứng thôi… Họ nhất nhất tin rằng phải có ấn chứng siêu hình mới được nhập đạo tu hành, thà đánh mất huệ mạng đời đời nơi Tam Bảo chứ quyết tin cầu theo nẻo Tà giả dụ mới toại chí, thật là đáng thương!
– Duy chỉ khi hành giả thấu lý vô thường, tin sâu nhân quả mà sám hối nghiệp tội, thành tâm hướng Phật, trang nghiêm giới hạnh, tu hành chơn chánh vì đại sự liễu sanh thoát tử của muôn vạn chúng sanh mới tự cảm ứng Phật lực 10 phương gia trì tu tiến. Còn ngược lại, Chánh tâm – Chánh kiến – Chánh tín không có, lại mê cầu vọng chướng thần quyền siêu nhiên, hành theo Tà pháp, rộng truyền Tà đạo thì Phật nào độ cho. Vì thế, không phải ai niệm Phật, tham thiền, trì Chú cũng đều được Chư Phật – Chư Hộ Pháp gia trì. Trang nghiêm – Phật độ!
* TÓM LẠI
Tôn chỉ tu Phật: Từ Bi Hỷ Xả, Trí huệ (Giới – Định – Huệ), Vô dục – Vô cầu – Vô đắc – Vô ngã – Vô trụ.
Diệu Pháp Phật trực chỉ Chơn tâm, phá mê khai ngộ. Ai hành trái chướng, ắt lạc Tà chắc chắn. Tu theo Phật, quyết không tu theo bất kỳ ai khác.
Mật tông Thiên Đình là Tà Pháp, không phải Chánh Pháp Phật. Trong đó, điểm đạo và những ấn chứng siêu hình là Tà chiêu dụ dẫn dắt những ai không có Chánh tín nơi Phật Pháp, nhẹ dạ cả tin, tham đắm thần quyền, mặc khải… cho sa vào Tà chúng. Đại chúng chớ lầm lạc theo!
Mật chú của Chư Phật không dễ mật trì. Nếu không gìn giữ thân tâm trong sạch (trường chay, tuyệt dục…), giới hạnh chẳng tinh nghiêm, lại không có công phu niệm Phật – tham thiền thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật thì trì Chú chỉ vô ích mà thôi!
Trang nghiêm – Phật độ!
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————————
Tham khảo: