den-chua-le-phat
Khi vào chùa, Phật tử phải giữ tròn tâm thành và lễ nghi (ãnh sưu tầm)

Chùa là chốn thanh tịnh trang nghiêm. Khi vào chùa, Phật tử phải giữ tròn tâm thành và lễ nghi.

Phật tử phải mặc quần áo sao cho gọn gàng, kín đáo, không gây phản cảm. Tuyệt đối không được mặc áo quần hở hang, khêu gợi khi đến chùa lễ Phật.

Không nói chuyện lớn tiếng, không gây ồn ào huyên náo ảnh hưởng đến mọi người xung quanh cũng như sự trang nghiêm thanh tịnh chốn Phật môn.

Nam nữ (vợ chồng hay người yêu) không được có cử chỉ âu yếm, ôm nhau, nắm tay hay biểu hiện tình cảm thái quá khi vào chùa mà tạo nghiệp bất kính.

Hãy nhớ: Thiện nam Tín nữ khi đến chùa lễ Phật thì hãy gác lại mọi chuyện vui buồn, hỷ nộ ái ố của đời sống thế tục ở phía sau; thay vào đó, hãy giữ thân tâm thanh tịnh trọn lòng thành kính quy ngưỡng Phật, thân cận các Bậc chơn tu giới hạnh trang nghiêm để thọ trì Diệu Pháp, từ đó tập tu hành, làm lành lánh dữ, sám hối nghiệp chướng, trưởng dưỡng trí tín sâu dày nơi Tam Bảo, tầm hướng dần đến hạnh giác ngộ – giải thoát tối thượng. Tuyệt đối không được dụng tâm đến chùa để cầu xin công danh, sự nghiệp, tài lộc, con cái… hay cúng sao giải hạn, đốt vàng mã… mà rơi vào tà kiến tạo nghiệp không hay, góp phần biến Đạo Phật từ bi – giải thoát thành đạo mê tín – thần quyền thì muôn kiếp phải chịu cảnh trầm luân thống khổ. Bên cạnh đó, nếu có việc gì cần thiết hay hữu sự cấp bách thì Quý Phật tử hãy xin gặp riêng Quý Thầy để trao đổi, tránh gây ồn ào huyên náo làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh và tu tập của Tín chúng.

1. VÀO TỔ ĐƯỜNG, CHÁNH ĐIỆN

Lẽ dĩ nhiên, trước khi vào Tổ đường hay Chánh điện lễ bái, Phật tử phải bỏ giày dép ở bên ngoài, không được vô lễ mang giày dép đến chỗ thờ phượng tôn nghiêm. Tắt điện thoại để tránh những cuộc gọi, tin nhắn gây ảnh hưởng xung quanh. Phải tịnh thân – khẩu – ý.

– Vào Tổ đường, đến trước bàn thờ Tổ, niệm: “Chí tâm đảnh lễ Nam mô Tây Thiên Tứ Thất, Đông độ nhị tam, Việt Nam Chư Tôn Lịch-đại Tổ Sư Bồ Tát Ma-ha-tát”.

                           (niệm 3 lần, lễ 3 lạy)

– Lễ Tổ xong, đi lên Chánh điện là chỗ thờ Phật. Nhớ phải đi theo phép “hữu nhiễu” nghĩa là khi đi lên Chánh điện, giữ bên tay mặt đối với Chánh điện.

– Trước Chánh điện, niệm hương rồi khởi lễ:

  1. Chí tâm đảnh lễ: Tận hư không, biến pháp giới, vi trần sát độ trung, quá khứ, hiện tại, vị lai, thập phương Chư Phật, Tôn-Pháp, Hiền-Thánh-Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lạy)
  2. Chí tâm đảnh lễ: Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật. (1 lạy)
  3. Chí tâm đảnh lễ: Tây phương Giáo Chủ Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. (1 lạy)

(nếu Quý Phật tử nhớ và đọc thêm Đức hiệu của Chư Phật và Bồ Tát thì càng tốt)

– Lễ Phật ở Chánh điện rồi, nếu muốn trở lại Tổ đường cũng phải theo phép “hữu nhiễu”.

Như thế là tròn bổn phận lễ Phật trước Chánh điện. Nên nhớ rằng muốn xoay lưng để xá thì trước phải lui chân mặt, khi xoay trở phải xoay theo phía tay mặt, khi xoay rồi, kéo chân mặt để khít gót với chân trái.

Trong khi lạy, đứng trước hay đứng sau cũng đều bình đẳng cả, miễn Phật tử giữ một lòng chơn niệm, thành kính và thanh tịnh, Đạo pháp cảm ứng giao thông, tất nhiên có linh nghiệm theo chí nguyện.

Khi có người đang lạy, không nên vô lễ đi ngang qua trước đầu người đó.

Nhang tốt nhất chỉ nên đốt 1 cây (nhiều nhất là 3 cây). Lạy Phật quý tại tâm chí thành.

2. CÁCH THỨC LỄ PHẬT

Lễ Phật tức là tỏ lòng tôn kính Bậc Viên Giác và nương theo gương mẫu trọn lành mà tu hành. Lễ Phật thường lễ ba lạy để tỏ lòng quy y Tam Bảo, xin nhờ oai đức Tam Bảo gia hộ cho tịnh tam nghiệp (thân, khẩu, ý), diệt tam độc (tham, sân, si), đắc tam học (giới, định, huệ).

Khi lễ Phật, cần nhất phải giữ lòng thành thanh tịnh, cầu tâm mình và tâm Phật đồng khế hiệp với nhau, một thể Chơn Như.

Thân phải đứng ngay thẳng, hai bàn tay chắp lại để ngang ngực và hơi chỉ lên, đừng cho mấy ngón tay so le và giữ không được hở giữa hai tay, đó gọi là hiệp chưởng. Hai chân đứng cho thẳng, hai gót chân khít lại, cặp mắt phải chăm chú ngó ngay hình / tượng Phật, một lòng cung kính quy ngưỡng.

Khi lạy xuống, hai đầu gối phải hạ một lượt, đầu và hai cánh tay để cho sát đất (lưu ý đầu (trán) phải chạm đất chứ không để lửng giữa chừng), hai bàn tay lật ngửa lên để dựa hai bên trán, miệng niệm thầm câu chú này:

Án phạ nhựt ra hồng, hoặc, Nam mô A Di Đà Phật

Khi hai bàn tay lật ngửa lên, nếu biết kiết ấn càng tốt (không bắt buộc). Kiết ấn như thế này: bàn tay trái khai Thiên ấn, bàn tay phải khai Địa ấn.

  • Thiên ấn: bấm đầu ngón tay cái cho ngay chỉ dưới ngón tay áp út (gọi là Quyết Tý).
  • Địa ấn: bấm đầu ngón tay cái cho ngay chỉ dưới ngón tay giữa (gọi là Quyết Sửu).

Khi đứng dậy (nếu có kiết ấn, phải xả ấn), tay trái để ngang ngực, tay phải úp lên mặt đất, chống đứng lên, hai đầu gối đồng lên một lượt, rồi hai bàn tay chấp lại hiệp chưởng như trước.

Lạy rồi, phải xá tiếp một xá. Khi xá, nên cúi đầu và nghiêng mình ra phía trước, hai bàn tay cứ giữ hiệp chưởng trước ngực.

Quý Phật tử ghi nhớ giữ thân – tâm trong sạch, tịnh thân – khẩu – ý và giữ tròn lễ nghi khi vào chùa lạy Phật thì phước sanh vô lượng, tội diệt hà sa.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————-

Nội dung bài viết có kết hợp với lời giảng trong chương 5 và chương 11 quyển “Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược” của cố Hòa thượng Thích Từ Quang.