Có một thực trạng đáng buồn là bấy lâu nay, tình trạng kinh doanh trong Chùa vốn đã không còn xa lạ gì. Hầu hết Phật tử tại gia cũng như xuất gia đều xem đó như là một điều tất yếu của quy luật cung – cầu hiện nay mà không tự hỏi: Liệu việc kinh doanh chốn Phật môn có đúng theo Chánh Pháp? Và những ngôi Chùa như thế có thật sự là Chùa, là điểm tựa cho chúng sanh khắp cõi 10 phương tầm về nương tựa tu hành?
Thật vậy! Cứ bước vào một trong những ngôi Chùa ở quận trung tâm thành phố Hồ Chí Minh là như đi vào cái chợ, ồn ào náo nhiệt, nơi có đủ dịch vụ mua bán Kinh sách, tranh / tượng Phật, nhang đèn, cầu an, cầu siêu…, còn có cả dịch vụ mai táng trọn gói, những người bán rong (sách tử vi, coi bói, tướng số, nhang…) chào mời Phật tử đến viếng chùa, nhà hàng chay phục vụ ăn uống, nhóm người ăn xin lê lết mong chờ sự bố thí hay mua bán động vật được bắt nhốt (chim, cá, rùa…) để phóng sanh… Tất cả tạo thành bức tranh vô cùng phản cảm, biến ngôi Chùa vốn phải trang nghiêm thanh tịnh đúng nghĩa trở thành nơi kinh doanh bát nháo như chốn chợ đời ô hợp khiến không ít Phật tử phải lắc đầu ngao ngán. Cần phải rõ rằng:
– Giới tu sĩ xuất gia, Tăng – Ni, là những người nhàm chán sanh tử luân hồi mê mải mà tầm về Đạo Phật, nương theo ánh sáng Phật Pháp để “trên – tấn tu Phật đạo, dưới – độ tận chúng sanh, tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn”. Tu sĩ phải kiên định chí nguyện Từ Bi, nhẫn lực tinh cần nhiếp phục 6 căn chuyên tu thiền định (niệm Phật, tham thiền, trì Chú), tịnh thân – khẩu – ý, lập công bồi đức, lấy sự giải thoát luân hồi của muôn vạn chúng sanh làm Đại sự tu hành. Họ không mống tâm tham đắm chuyện thế gian, tinh tấn xả ly ngũ dục (tiền tài, sắc dục, lợi danh, ăn uống, ngủ nghỉ), sống đời thiểu dục tri túc – an bần thủ Đạo, noi theo hạnh nguyện vô lượng vô biên của 10 phương Chư Phật mà tinh tấn diệt trừ ái thủ ngã tướng – huân tu những tâm hạnh thù thắng – hoằng Pháp độ sanh mà không màng sanh tử, là bậc mô phạm cho Thập phương Tín chúng hữu duyên khắp cõi tầm về nương tựa tu hành. Đây mới đúng thật nghĩa “chơn xuất gia”, và những vị tu sĩ như thế mới thật sự là những “bậc chơn tu – Sứ giả Như Lai”. Chùa chính là nơi các vị Chơn xuất gia thúc liễm tu hành, thừa Như Lai sự.
– Giới cư sĩ tại gia, Thiện nam – Tín nữ, là những người sống đời thế tục nhưng phát tâm quy kính Tam Bảo, tập tu Chánh Pháp Phật. Họ đóng góp công sức, cúng dường tứ sự (y phục, vật thực, sàng tọa, thuốc men), kể cả tịnh tài chắt chiu có được để góp phần hộ trì ngôi Tam Bảo trang nghiêm được trụ thế dài lâu.
Vậy, thực trạng kinh doanh bát nháo ở chốn Phật môn thanh tịnh hiện nay là bởi do đâu?
– Về phía tu sĩ: trụ trì / ban trị sự chùa không được phép lạm dụng khuôn viên chùa dưới bất kỳ hình thức nào (cho thuê mặt bằng…) để Phật tử kinh doanh, càng không thể tự đứng ra kinh doanh dưới danh nghĩa Chùa. Đây không phải là Chánh nghiệp, Chánh mạng; càng không phải là trọng trách của một Sứ giả Như Lai.
– Về phía cư sĩ: hãy tìm địa điểm phù hợp cho việc kinh doanh, nơi giao dịch cung – cầu huyên náo. Nếu muốn thuận tiện thì có thể tìm địa điểm gần chùa nhưng tuyệt đối không kinh doanh trong chùa mà trái Pháp, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm và thanh tu của Tăng lữ. Đừng biến Chùa thành chợ!
Nói rộng hơn, Chùa nào mà Tu sĩ ở đó còn dung dưỡng nạn mê tín dị đoan nghịch Lý nhân quả (như: đốt vàng mã, cúng sao giải hạn, cầu an, cầu siêu…) ký sinh cửa Phật làm biến tướng Đạo Phật, mượn Đạo tạo Đời thì đó không còn là Chùa, Tu sĩ không phải là Tu sĩ chơn chánh. Quý cư sĩ tại gia phát tâm cầu Đạo không nên đến đó làm gì, chẳng những không được thọ lãnh Pháp vị giải thoát, khuyến hóa tu hành mà ngược lại, còn bị lôi kéo sa vào Tà tín, mê lầm nhân quả, điên đảo Phật Pháp thì cộng nghiệp sẽ cùng gánh.
Ngoài ra, chùa nên lập một Thư viện Kinh sách để Tín chúng có thể tới lui tham học, tìm hiểu Phật Pháp. Từ lợi ích thiết thực này, Quý cư sĩ tại gia có điều kiện sẽ phát tâm Pháp thí, ấn tống cúng dường Kinh sách làm phong phú Thư viện. Quý Tăng – Ni thủ thư có thể tùy duyên giải đáp thắc mắc hoặc tặng Kinh sách cho những ai muốn thỉnh về, góp phần rộng truyền Chánh Pháp, trưởng dưỡng tín tâm Phật tử… Làm như vậy tức trả lại đúng vai trò trọng trách của người tu sĩ xuất gia, vừa giúp trưởng dưỡng Đạo tâm và huệ mạng của Quý cư sĩ tại gia, lợi lạc muôn phần cho Đời và Đạo.
* TÓM LẠI
Quốc có Quốc pháp, Gia có Gia quy, Thiền có Thiền quy. Chốn Phật môn trang nghiêm tịch tịnh, người tu sĩ xuất gia cũng như cư sĩ tại gia phải có bổn phận và trách nhiệm gìn giữ tuyệt đối.
Tăng – Ni phải tuân thủ Thiền quy, gìn giữ oai nghi phạm hạnh, trau dồi Giới – Định – Huệ để trang nghiêm ngôi Tam Bảo, hoằng dương Phật Pháp, nhiêu ích chúng sanh theo Bát Chánh Đạo của nhà Phật. Tuyệt đối không được mượn Đạo tạo Đời, lạm dụng Phật Pháp, danh nghĩa tu hành mà kinh doanh… trái Pháp làm biến tướng Đạo Phật, thối tâm Tín chúng, vong phụ Từ ân.
Người cư sĩ đến chùa lễ Phật cần phải trang nghiêm tâm, tướng. Nếu muốn kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo thì hãy chọn địa điểm phù hợp ở bên ngoài Chùa. Tuyệt đừng biến Chùa thành Chợ, tạo nghiệp không hay.
Làm được như thế tức góp phần trang nghiêm Phật Đạo ở đời ngũ trược. Mong lắm thay!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
————————————-
Tham khảo: