ba-coi-sau-duong

KINH BỒ ĐỀ ĐẠT MA QUÁN TÂM PHÁP

BA CÕI SÁU ĐƯỜNG

HỎI: Sáu nẻo ba cõi rộng lớn mênh mông, nếu chỉ QUÁN TÂM làm sao thoát khỏi biển khổ vô cùng?

ĐÁP: Ba cõi nghiệp báo chỉ từ tâm sanh. Nếu được vô tâm, tuy ở trong 3 cõi nhưng liền thoát ly 3 cõi.

Ba cõi tức là 3 độc đó. THAM là cõi DỤC, SÂN là cõi SẮC, SI là cõi VÔ SẮC, nên gọi là 3 cõi. Từ 3 độc này tạo nghiệp nặng nhẹ, thọ báo chẳng đồng, chia ra 6 nẻo nên gọi là 6 thú.

– HỎI: Sao gọi là nhẹ nặng chia làm 6 nẻo?

ĐÁP: Chúng sanh chẳng rõ nhân Chánh, quên tâm tu nghiệp Thiện vẫn chưa ra khỏi 3 cõi, sanh về 3 nẻo nhẹ.

– HỎI: Sao gọi là 3 nẻo nhẹ?

ĐÁP: Là vì mê lầm lo tu 10 điều Thiện, vọng cầu khoái lạc chưa khỏi cõi THAM, sanh về đường TRỜI (THIÊN).

Mê giữ 5 giới, vọng khởi ghét yêu, chưa khỏi cõi SÂN nên sanh về đường NGƯỜI (NHƠN).

Mê chấp theo hữu vi, tin tà cầu phước, chưa khỏi cõi SI, nên sanh về nẻo A-TU-LA.

Ba loại như thế gọi là đường nhẹ.

– HỎI: Sao gọi là 3 đường nặng?

ĐÁP: Nghĩa là từ tâm 3 độc, chỉ tạo nghiệp ác bị đọa vào 3 đường nặng.

Nếu nghiệp THAM nặng thì đọa vào đường NGẠ QUỶ.

Nghiệp SÂN nặng thì đọa vào đường ĐỊA NGỤC.

Nghiệp SI nặng thì đọa vào đường SÚC SANH.

Ba đường nặng này thông đồng với ba đường nhẹ, cộng thành sáu đường. Nên biết tất-cả nghiệp khổ đều từ tâm sanh. Nếu có thể nhiếp Tâm, lìa các tà ác thì cái khổ trong 3 cõi 6 đường tự nhiên tiêu diệt; lìa khổ là được giải thoát.

– HỎI: Như chỗ Phật nói: Ta ở trong 3 vô lượng kiếp tu vô lượng khó nhọc nay mới thành Phật; đây Ngài chỉ nói quán Tâm, chế ngự 3 độc thì gọi là giải thoát là tại làm sao?

ĐÁP: Lời Phật nói thật không ngoa. Ba vô lượng kiếp tức là 3 độc đó. Trong cái tâm 3 độc này có vô số niệm ác, trong mỗi niệm đều là một kiếp cho nên nói 3 vô số kiếp.

Tánh Chơn Như đã bị 3 độc che khuất, nếu chẳng siêu cái tâm có 3 vô lượng ác độc ấy thì làm sao gọi là giải thoát. Nay nếu có thể chuyển cái tâm 3 độc này (THAM – SÂN – SI) làm 3 giải thoát (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ), thế gọi là đã vượt qua được 3 vô lượng vô số kiếp. Chúng sanh đời sau ngu si căn độn, chẳng rõ cách nói bí mật của Như-Lai bèn cho rằng việc thành Phật không thể tin được. Như thế há chẳng là làm cho người tu nghi lầm thối chuyển đạo Bồ-Đề đó sao!

(trích Luận Phá Tướng
Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)

 

————————————————

LỜI BÀN

 

Ba cõi: DỤC (THAM), SẮC (SÂN), VÔ SẮC (SI).

Sáu đường: ĐỊA NGỤC (nghiệp SÂN nặng), NGẠ QUỶ (nghiệp THAM nặng), SÚC SANH (nghiệp SI nặng), A-TU-LA (tin Tà cầu phước, chưa thoát cõi SI), NHƠN (giữ 5 Giới, chưa thoát cõi SÂN), THIÊN (tu Thập thiện, chưa thoát cõi THAM).

Chúng sanh bởi vô minh nên bị tam độc THAM – SÂN – SI sai sử khiến THÂN – KHẨU – Ý tạo nghiệp không ngừng, phải chiêu cảm quả báo nặng nhẹ chẳng đồng trong Lục đạo luân hồi không dứt.

VẠN PHÁP DUY TÂM! Thiện – Ác, Giác – Mê, Giải thoát sanh tử – Trầm luân khổ đọa đều từ Tâm sanh. Nếu chẳng công phu THIỀN ĐỊNH NHIẾP TÂM (NIỆM PHẬT, THAM THIỀN, TRÌ CHÚ) thì sao có thể vĩnh đoạn tam độc THAM – SÂN – SI, tịnh tam nghiệp THÂN – KHẨU – Ý để an nhiên, tự tại, giải thoát khỏi cái NGHIỆP KHỔ TRẦM LUÂN trong BA CÕI – SÁU ĐƯỜNG?

Nên nhớ rằng phút giây lâm chung, chỉ một niệm khởi mà thôi (ngoại trừ Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn) cũng liền chiêu cảm quả báo luân hồi nặng nhẹ trong Lục đạo tùy túc nghiệp, cho nên Tổ dạy: “mỗi niệm đều là một kiếp” thọ sanh. Trong khi đó, gốc rễ THAM – SÂN – SI ẩn tàng hằng hà sa số ác niệm mà từ đó tạo vô số ác nghiệp, thử hỏi làm sao tránh khỏi phải thọ lãnh vô số kiếp trầm luân thống khổ khi tàn hơi lúc cuối đời? Nếu chẳng sám hối ăn năn, làm lành lánh dữ, tin sâu nhân quả – nghiệp báo, quy Phật tu hành, trì Giới – Định – Huệ… để siêu cái tâm có 3 vô lượng ác độc ấy (THAM, SÂN, SI) thì làm sao giải thoát tử sanh?

Vô thường chợt tới khó lường, thân Người khó được, Phật Pháp khó nghe, xin đừng uổng phí thời gian luống trôi vì mọi sự “giả tạm” của thế gian.

Hãy tinh tấn nhẫn lực dụng công, tu hành cẩn mật! Khi công phu Tham Thiền – Niệm Phật thành tựu “VÔ NIỆM” thì “tuy ở trong 3 cõi nhưng liền thoát ly 3 cõi”, hành giả an nhiên tự tại trước sanh tử luân hồi.

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên