kinh-phap-cu-pham-chanh-dao
Thư pháp Đăng Học

 

273. Tám chánh, Đường thù thắng,
Bốn câu, Lý tuyệt luân.
Ly tham, Pháp tối thượng.
Pháp nhãn, Đấng siêu quần.

Bát chánh đạo là đạo thù thắng hơn các đạo, Tứ đế (*) là lý thù thắng hơn các lý, ly dục (2*) là pháp thù thắng hơn các pháp, cụ nhãn (3*) là bậc thù thắng hơn các bậc Thánh hiền.

——————————

(*). Bốn đế (tứ cú): Khổ (dukkha), Khổ tập (dukkha-ssamudaya), Khổ diệt (dukkhanirodha), Khổ diệt đạo
(dukkhaniaodhagaminipatipada). Xưa dịch là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo.

(2*). Chỉ Niết Bàn.

(3*). Chỉ Phật đà. Phật đủ năm mắt: Nhục nhãn (namsa-cakkhu), Thiên nhãn (dibhacakkhu), Huệ nhãn (panna-cakkhu), Phật nhãn (Buddhacakkhu), Nhất thế trí nhãn (Samantacakkhu).


 

274. Hướng tri kiến thanh tịnh,
Duy chỉ có đường này.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma Vương ắt rối loạn.

Chỉ có con đường này (*), chẳng còn con đường nào khác có thể làm cho tri kiến các ngươi thanh tịnh. Các ngươi thuận làm theo thì bọn ma bị rối loạn.

——————————

(*). Tứ đế, Bát chánh đạo, Niết bàn.


 

275. Ði trên đường Tám Chánh,
Là tránh mọi đau thương.
Ta dạy ngươi con đường,
Nhổ sạch mọi gai gốc.

Các ngươi thuận tu theo Chánh đạo trên đây, thì khổ não sẽ dứt hết, và biết rằng đạo ta nói có sức trừ diệt chông gai (*).

——————————

(*). Chỉ cho tham, sân , si v.v…


 

276. Hãy nỗ lực tinh tấn,
Như Lai bậc dẫn đường.
Ai tu tập Thiền định,
Ắt thoát vòng Ma Vương.

(*) Các ngươi hãy nỗ lực lên! Như Lai chỉ dạy cho con đường giác ngộ (2*). Sự trói buộc của Ma Vương sẽ tùy sức Thiền định của các ngươi mà được giải thoát.

——————————

(*). Các Tăng già Tích Lan mỗi khi khai một hội nghị để luận bàn việc trọng đại, thường lấy bài này làm khẩu hiệu kêu gọi.

(2*). Như Lai chỉ bày Chánh đạo, còn hành đạo là do người.


 

277. Nhờ trí tuệ quán chiếu,
Thấy các Hành vô thường;
Thế là chán đau thương,
Ðây chính Đường thanh tịnh.

Các hành (*) đều vô thường”; khi đem trí tuệ soi xét được như thế, thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là Đạo thanh tịnh.

——————————

(*). Tất cả hiện tượng.


 

278. Nhờ trí tuệ quán chiếu,
Thấy các Hành khổ đau;
Thế là chán khổ đau,
Ðây chính Đường thanh tịnh.

Các hành đều là khổ”; khi đem trí tuệ soi xét được như thế, thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là Đạo thanh tịnh.


 

279. Nhờ trí tuệ quán chiếu,
Thấy pháp Vô Ngã rồi;
Thế là chán khổ thôi,
Ðây chính Đường thanh tịnh.

Các pháp đều vô ngã”; khi đem trí tuệ soi xét được như thế, thì sẽ nhàm lìa thống khổ. Đó là Đạo thanh tịnh.


 

280. Khi cần không nỗ lực,
Tuy trẻ khỏe nhưng lười,
Chí cùn, trí thụ động,
Ngộ Đạo sao được, người!

Khi đáng nỗ lực không nỗ lực, thiếu niên cường tráng đã biếng lười, ý chí tiêu trầm và nhu nhược; kẻ biếng nhác ấy làm gì có trí để ngộ đạo!


 

281. Thân không được làm ác,
Khéo giữ ý giữ lời,
Thường thanh tịnh ba nghiệp,
Ðạt Đạo thánh nhân thôi.

Thận trọng lời nói, kềm chế ý nghĩ, thân không làm ác, ba nghiệp thanh tịnh, là được đạo Thánh nhơn.


 

282. Tu thiền, Trí Huệ sanh.
Bỏ thiền, Trí Huệ diệt.
Ðược mất khéo phân biệt,
Biết rõ đường Chánh Tà,
Tự nỗ lực theo đà,
Trí Huệ dần tăng trưởng.

Tu Du già (*) thì trí phát, bỏ Du già thì tuệ tiêu. Biết rõ hai lẽ này thế nào là đắc thất, rồi nỗ lực thực hành, sẽ tăng trưởng trí tuệ.

——————————

(*). Du già (Yoga) tức là định.


 

283. Ðốn rừng chớ đốn cây,
Vì rừng gây sợ hãi.
Nên đốn rừng Tham Ái,
Tỳ Kheo, hãy ly Tham.

Hãy đốn rừng dục vọng, chớ đốn cây thọ lâm; từ rừng dục vọng sinh sợ, hãy thoát ngoài rừng dục.


 

284. Bao lâu chưa đoạn tuyệt,
Ái dục giữa gái trai,
Tâm tư đeo đuổi hoài,
Như bê con theo mẹ.

Sợi dây tình giữa trai gái chưa dứt, thì tâm còn bị buộc ràng như bò con chẳng rời vú mẹ.


 

285. Hãy cắt tiệt ái dục,
Như tay ngắt Sen thu.
Ðạo Tịch Tịnh gắng tu,
Bậc Thiện Thệ dạy vậy.

Tự mình dứt hết ái dục như lấy tay bẻ cành sen thu, siêng tu Đạo tịch tịnh. Đó là Niết Bàn mà Đức Thiện Thệ (*) đã truyền dạy.

——————————

(*). Thiện Thệ (Sugato) tức là Phật đà. 


 

286. Mùa mưa ta ở đây,
Hè thu ta ở đây.
Kẻ ngu si nghĩ vậy,
Nào đâu thấy hiểm nguy.

Mùa mưa ta ở đây, đông, hạ, ta cũng ở đây”, đấy là tâm tưởng của hạng người ngu si, không tự giác những gì nguy hiểm (*).

——————————

(*). Chẳng biết sự nguy hiểm về cái chết là cách nào, ở đâu, lúc nào.


 

287. Người ham nhiều con cái,
Thích súc vật dư thừa,
Tử Thần sẽ kéo bừa,
Như lụt cuốn làng ngủ.

Người đắm yêu con cái và súc vật, thì tâm thường mê hoặc, bị Tử Thần bắt đi, như xóm làng đang say ngủ mà bị cơn nước lũ cuốn trôi.


 

288. Con cái nào chở che,
Mẹ cha nào o bế,
Thân thích nào bảo vệ,
Khi bị Thần Chết lôi.

Một khi Tử Thần đã đến, chẳng thân thuộc nào có thể thay thế, dù cha con thân thích cũng chẳng làm sao cứu hộ.


 

289. Hiểu rõ sự lý trên,
Bậc Trí nên trì Giới,
Khai sáng đường đi tới,
Trực chỉ đến Niết Bàn.

Biết rõ lý lẽ trên (*) người trí gắng trì giới, thấu hiểu đường Niết Bàn, mau làm cho thanh tịnh.

——————————

(*). Chỉ ý nghĩa của bài trên.


 

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú