kinh-phap-cu-pham-ngu-si
Thư pháp Đăng Học

60. Mất ngủ thấy đêm dài,
Mệt nhoài thấy đường xa,
Kẻ ngu luân hồi mãi,
Chánh Pháp biết đâu là!

phap cu 60
Ảnh: sưu tầm

Đêm rất dài với người mất ngủ, đường rất xa với kẻ lữ hành mỏi mệt. Cũng thế, dòng luân hồi (1) sẽ tiếp nối mãi với kẻ ngu si không minh đạt Chánh Pháp.


61. Nếu tìm không gặp bạn,
Hơn mình hay ngang mình,
Thà quyết sống một mình,
Chớ thân cận kẻ ngu.

phap cu 61
Ảnh: sưu tầm

Không gặp kẻ hơn mình cũng không gặp kẻ ngang mình để kết bạn, thà quyết chí ở một mình còn hơn kết bạn với người ngu.


62. Con ta, tài sản ta,
Kẻ ngu mãi lo xa,
Chính ta còn không có,
Tài sản, con đâu ra?

phap cu 62
Ảnh: sưu tầm

“Đây là con ta, đây là tài sản của ta”, kẻ phàm phu thường lo nghĩ như thế, nhưng chẳng biết chính “ta” còn không có, huống là con ta hay là tài sản ta.


63. Người ngu biết mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí,
Người ngu cho mình trí,
Thật đáng gọi chí ngu!

phap cu 63
Ảnh: sưu tầm

Ngu mà tự biết mình ngu tức là trí, ngu mà xưng rằng trí chính đó mới thật là ngu.


64. Kẻ ngu dầu trọn đời,
Thân cận với người trí,
Cũng không hiểu Pháp vị,
Như muỗng trong nồi canh.

phap cu 64
Ảnh: sưu tầm

Người ngu suốt đời gần gũi ngưòi trí, vẫn chẳng hiểu gì Chánh Pháp, ví như cái muỗng múc thuốc chẳng bao giờ biết được mùi vị thuốc.


65. Người trí với người trí,
Gần nhau trong phút giây,
Chánh Pháp nhận ra ngay,
Như lưỡi nếm canh vậy.

phap cu 65
Ảnh: sưu tầm

Người trí gần gũi với người trí trong khoảng khắc cũng hiểu được Chánh Pháp, chẳng khác gì cái lưỡi mới tiếp xúc với thuốc đã biết được mùi vị của thuốc.


66. Kẻ ngu si thiếu trí,
Tự ngã hóa ra thù,
Ác nghiệp tạo lần hồi,
Phải chịu quả cay đắng.

phap cu 66
Ảnh: sưu tầm

Kẻ phàm phu không giác tri nên đi chung với cừu địch một đường. Cũng thế, những người tạo ác nghiệp nhất định phải cùng ác nghiệp chịu khổ báo.


67. Người tạo nghiệp bất thiện,
Làm xong sanh ăn năn,
Mắt đẫm lệ than rằng,
Phải chịu quả cay đắng.

phap cu 67
Ảnh: sưu tầm

Người gây điều bất thiện, làm xong ăn năn, khóc lóc nhỏ lệ dầm dề, vì biết mình sẽ thọ lấy quả báo tương lai (2).


68. Người tạo được thiện nghiệp,
Làm xong không ăn năn,
Hoan hỷ, lòng phơi phới,
Hái quả phúc thường hằng.

phap cu 68
Ảnh: sưu tầm

Người tạo các nghiệp thiện, làm xong chẳng ăn năn, còn vui mừng hớn hở, vì biết mình sẽ thọ lấy quả báo tương lai (3).


69. Ác nghiệp chưa chín muồi,
Kẻ ngu tưởng đường mật,
Ác nghiệp khi chín thật,
Kẻ ngu gánh khổ đau.

phap cu 69
Ảnh: sưu tầm

Khi ác nghiệp chưa thành thục, người ngu tưởng như đường mật; nhưng khi ác nghiệp đã thành thục, họ nhất định phải chịu khổ đắng cay.


70. Kẻ ngu sống hằng tháng,
Nhờ ngọn cỏ cô-xa,
Chưa bằng phần mười sáu,
Người hiểu Chánh Pháp mà!

Ảnh: sưu tầm

Từ tháng này qua tháng khác, với món ăn bằng đầu ngọn cỏ cô sa (cỏ thơm) (4) người ngu có thể lấy ăn để sống, nhưng việc ấy không có giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy Chánh Pháp (5).


71. Ác nghiệp chưa kết trái,
Như sữa chưa đông ngay,
Nung đốt kẻ ngu này,
Tựa lửa phủ tro vậy.

phap cu 71
Ảnh: sưu tầm

Người cất sữa bò không chỉ sáng chiều đã thành vị đề hồ (6) được. Cũng thế, kẻ phàm phu tạo nghiệp ác tuy chẳng cảm thụ ác quả liền, nhưng nghiệp lực vẫn âm thầm theo họ như lửa ngún giữa tro than.


72. Kiến thức và danh vọng,
Trở lại hại kẻ ngu,
Tiêu diệt ngay vận tốt,
Bửa nốt cả đầu ngu.

phap cu 72
Ảnh: sưu tầm

Kẻ phàm phu lòng muốn được tri thức mà hành động lại dẫn tới diệt vong, nên hạnh phúc bị tổn hại mà trí tuệ (7) cũng tiêu tan.


73. Kẻ ngu ham danh hão,
Khoái ngồi trước Sa môn,
Ưa quyền trong Tu viện,
Thích mọi người suy tôn.

phap cu 73
Ảnh: sưu tầm

Kẻ ngu thường muốn hư danh: chỗ ngồi cao trong Tăng chúng, viện chủ trong Tăng viện, mọi người xin đến cúng dường.


74. Hãy để cả tăng tục,
Cho rằng: “Việc ta làm,
Mặc dù lớn hay nhỏ,
Ðều phải theo ý ta.”
Kẻ ngu ôm khát vọng,
Dục, mạn lớn dần ra.

phap cu 74
Ảnh: sưu tầm

Hãy để cho người Tăng kẻ tục nghĩ rằng: “Sự này do ta làm, mọi việc lớn nhỏ đều theo lệnh của ta”. Kẻ ngu cứ tưởng lầm như thế nên lòng tham lam ngạo mạn tăng hoài.


75. Ðường này đến thế gian.
Ðường kia đến Niết Bàn.
Tỳ Kheo, đệ tử Phật,
Phải ý thức rõ ràng.
Ðừng đắm say thế lợi.
Hãy tu hạnh ly tham.

phap cu 75
Ảnh: sưu tầm

Một đàng đưa tới thế gian, một đàng đưa tới Niết Bàn, hàng Tỷ kheo đệ tử Phật hãy biết rõ như thế, chớ nên tham đắm thế lợi để chuyên chú vào Đạo giải thoát.

——————————–

CHÚ THÍCH

1. Luân hồi (samsara) chỉ sự sanh tử luân chuyển mãi không ngừng.

2. Thọ quả báo lành dữ trong tương lai tức là thân dị thục (vipaka), ở đây chỉ riêng ác quả.

3. Đây chỉ thiện quả.

4. Cô sa (kusa) tên cỏ thơm, nguyên văn là Kusag-gena, tức là dùng đầu ngọn cỏ cô sa.

5. Người tư duy Chánh Pháp (Sankhata dhamman) là người thâm nhập Chánh Pháp, đây là người giác ngộ Tứ Đế.

6. Muốn sữa đông đặc thành đề hồ không phải một ngày một đêm mà đông được kịp.

7. Trong Hán văn chữ này cũng gọi là đầu thủ, đầu não.

——————————–

Lưu ý: Để xem tích truyện liên quan đến từng kệ Pháp Cú, hoan hỷ nhấp vào số thứ tự phía trước.

Xem thêm: Kinh Pháp Cú