CHƠN NIỆM PHẬT
6. ĐÀ-RA-NI TÂM
“Diệu-Nguyệt Trưởng-giả thưa Phật rằng:
– “Bạch Đức Thế-Tôn, tuy con đã thấu triệt nghĩa lý thâm diệu của pháp niệm Phật, nhưng vẫn khẩn cầu Đức Thế-Tôn thương xót mà rộng chỉ bày thêm, để hết thảy chúng sanh nơi đời vị lai được mọi điều lợi ích.
– Bạch Đức Thế-Tôn, PHẢI NIỆM PHẬT NHƯ THẾ NÀO MỚI GỌI LÀ ĐẮC PHÁP? PHẢI KHỞI NHỮNG TÂM THÁI NÀO MÀ TU TẬP MỚI ĐƯỢC VÃNG SANH CỰC LẠC?”
Đức Phật dạy rằng:
“Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, thế nào là Niệm Phật Chân Chánh? Muốn NIỆM PHẬT ĐÚNG PHÁP và TỰ BIẾT MÌNH CHẮC CHẮN VÃNG SANH, thì người niệm Phật phải phát khởi Mười Thứ Tâm Thù Thắng sau đây:
1. Tín Tâm
2. Thâm Trọng Tâm
3. Hồi Hướng Phát Nguyện Tâm
4. Xả Ly Tâm
5. An Ổn Tâm
6. Đà Ra Ni Tâm
7. Hộ Giới Tâm
8. Ba La Mật Tâm
9. Bình Đẳng Tâm
10. Phổ Hiền Tâm
Thế nào gọi là ĐÀ-RA-NI TÂM?
Nầy Diệu-Nguyệt! Người niệm Phật phải phát khởi tâm chí nắm giữ tất cả các Thiện pháp, đồng thời che lấp tất cả các Ác pháp. Đó gọi là ĐÀ-RA-NI TÂM, như là:
– TÍN TÂM ĐÀ-RA-NI, vì đặt trọn lòng tin thuần phác, trong suốt nơi Bản nguyện của Đức Phật A-Di-Đà cùng sự hộ niệm của Chư Phật ở mười phương.
– CHÁNH KIẾN ĐÀ-RA-NI, vì đúng như thật quán sát khéo léo tất cả các Pháp đang diễn biến trong tâm và ngoài thân.
– TƯ DUY ĐÀ-RA-NI, vì thường xuyên thấu triệt thể tánh của tất cả các Pháp sinh khởi trong từng sát-na hoại diệt.
– CẢM ỨNG ĐÀ-RA-NI, vì luôn luôn thâm nhập tất cả Bản nguyện Chư Phật.
– HỶ LẠC ĐÀ-RA-NI, vì an trụ nơi lực tiếp dẫn Chư Phật và Thánh-chúng.
– TAM THẾ ĐÀ-RA-NI, vì tự an nhiên giữa cảnh tượng của nhân quả tương tục trong ba đời, cũng như thông suốt nghĩa lý Phật Pháp của Tam thế Chư Phật.
– TAM MUỘI ĐÀ-RA-NI, vì an trụ trong danh hiệu bất khả tư nghị nên nghe thấy điều phi pháp mà tâm chẳng loạn, sống nơi cảnh loạn trược mà không trôi lăn.
Niệm Phật với ĐÀ-RA-NI TÂM như vậy, mới được gọi là Chân Chánh Niệm Phật!”
(trích Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật)
————————————————
LỜI BÀN
Vạn pháp duy Tâm! Tâm mê tức chúng sanh, tâm giác tức Phật.
MÊ thì vạn pháp chen nhau sanh diệt không ngừng trên từng sát-na tâm niệm khi 6 căn (mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý) tiếp duyên xúc cảnh nơi 6 trần (sắc tướng, âm thanh, mùi hương, mùi vị, xúc chạm, những gì lưu lại nơi tâm thức), từ đó khiến thân – tâm điên đảo chấp mê, tạo nghiệp luân hồi thống khổ không dứt.
GIÁC theo đúng nghĩa tức NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN, nào có phải là PHÀM PHU TRI KIẾN của nghiệp chướng sâu dày tích lũy nơi tâm thức chúng sanh từ đời này sang đời khác. Đó là Vô Sư Trí của Bậc Kiến Tánh nên đừng mê lầm mà đồng hóa với tri kiến hiểu biết phàm phu của mình. Nếu công phu đạo hạnh chưa tới, tâm mê trí cạn há có thể ngộ nhập, liễu Pháp mà luận bàn?
Đời người ngắn ngủi có bao nhiêu năm, sao mãi chật vật đấu tranh, tạo tác vì lẽ gì giữa “thành, trụ, hoại, không” hay “sanh, trụ, dị, diệt” vô thường của vạn Pháp? Có chăng chỉ là không thể dừng hay bắt kịp dòng thời gian cứ mãi trôi để bụi MÊ trần phủ dày theo năm tháng trên tấm thân ngày mỗi già nua giữa “sanh, lão, bệnh, tử” luật muôn đời. Để rồi khi tàn hơi mới chợt ngộ chính tấm thân tứ đại này mình yêu quý, dung dưỡng biết bao cũng không sao giữ được thì sá gì công danh, sự nghiệp, của cải hay người thân có thể mang theo ngoài Tội – Phước (CHÁNH KIẾN ĐÀ-RA-NI – TƯ DUY ĐÀ-RA-NI)? “Ngã” sẽ về đâu trong Lục Đạo luân hồi?
THÂN NGƯỜI KHÓ ĐƯỢC, PHẬT PHÁP KHÓ NGHE! Mong sao người người sớm tỉnh giác hồi tâm, hướng Phật tu hành, trau dồi Giới – Đức, chiếu kiến Ngũ uẩn giai KHÔNG, chuyên tâm dụng công miên mật đêm ngày thì lo gì không có ngày GIÁC (TÍN TÂM ĐÀ-RA-NI)! Hãy thu nhiếp sáu căn, tâm khởi tịnh niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” tương tục không ngừng, an nhiên trước cảnh tượng buồn – vui, sướng – khổ, vinh – nhục, thành – bại của nhân quả tương tục trong ba đời mà nhẫn lực tinh tấn dụng công (TAM THẾ ĐÀ-RA-NI), an trụ trong danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT bất khả tư nghị trên từng sát na tâm niệm nên khi nghe thấy điều phi pháp mà tâm chẳng loạn động, sống nơi cảnh loạn trược mà không đắm nhiễm trôi lăn (TAM MUỘI ĐÀ-RA-NI), cứ thế miên mật công phu đến “thời” liền vào Tam Ma Địa, NIỆM PHẬT TAM MUỘI ắt thành (GIÁC). Do tâm vô lượng, tu hành TRANG NGHIÊM nên PHẬT ĐỘ hành giả thâm nhập vào tất cả Bản nguyện của Chư Phật khắp 10 phương (CẢM ỨNG ĐÀ-RA-NI) mà hoằng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sanh, tiếp nối bổn hoài Chư Phật (HỶ LẠC ĐÀ-RA-NI).
Mong tất cả chúng sanh nơi khôn cùng cảnh giới khắp 10 phương đồng an trú trong Phật hiệu: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT!
Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!
Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
——————————————–
Tham khảo:
- Chơn niệm Phật: 1. Tín tâm
- Chơn niệm Phật: 2. Thâm Trọng Tâm
- Chơn niệm Phật: 3. Hồi hướng phát nguyện tâm
- Chơn niệm Phật: 4. Xả Ly Tâm
- Chơn niệm Phật: 5. An ổn tâm
- Chơn niệm Phật: 7. Hộ Giới Tâm
- Chơn niệm Phật: 8. Ba-la-mật tâm
- Chơn niệm Phật: 9. Bình Đẳng Tâm
- Chơn niệm Phật: 10. Phổ Hiền tâm
- Đại Thế Chí Bồ Tát khai thị Niệm Phật Viên Thông
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma khai thị về niệm Phật
- Lục Tổ Huệ Năng khai thị về niệm Phật
- Chia sẻ kinh nghiệm về công phu niệm Phật
- Vô Niệm – Sự quy nhất của Tịnh – Thiền – Mật
- Phật Pháp vấn đáp 22: Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc?