anh-sang-Phat-Phap

“Các con chớ vội tin lời Ta nói mà hãy dùng Chánh kiến tư duy, nghiệm suy cho tận tường, thấu đáo. Nếu khế hợp với Đạo lý, lợi lạc cho mình và tất cả chúng sanh thì các con hãy nhẫn lực tinh tấn thọ trì trang nghiêm chơn chánh trong đời sống tu hành” (Phật ngôn).

Lời Phật dạy còn vang vọng đó, là kim chỉ nam soi đường dẫn lối cho Phật tử muôn đời “tự thắp đuốc Trí Huệ” mà tỉnh giác tiến tu, tránh lầm đường lạc lối. Thế nhưng, hiểu và thọ trì lời Phật dạy rốt ráo đến đâu lại tùy thuộc vào căn trí và biệt nghiệp của mỗi người, mỗi chúng sanh. Nếu hiểu đúng đắn rồi thọ trì chơn chánh thì lợi lạc vô cùng, Pháp vị giải thoát gội nhuần tất cả; còn ngược lại, chỉ e là mầm mống cho Pháp nạn suy vi nhiễu nhương cửa Tịnh. Thật vậy! Bệnh THẦN TƯỢNG, THẦN THÁNH HÓA trong giới tu hành đã gióng lên hồi chuông báo động về đường lối tu Phật lệch lạc hiện nay, lan truyền cộng hưởng không ranh giới làm tha hóa Tín tâm và Huệ mạng của biết bao người, tu sĩ cũng như cư sĩ. Từ đó, hậu vận mạng mạch Phật Pháp tại thế gian bị hệ lụy khôn lường bởi hàng hậu học kế thừa dẫn dắt nhau tu hành trong lầm đường lạc lối từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không tự biết tự thoát. Lý do của thực trạng đau lòng này là gì?

1. THIẾU TRÍ HUỆ, TÍN TÂM LẦM LẠC

Nhiều Phật tử tuy hướng Phật nhưng Tín tâm còn mờ mịt, thiếu Chánh kiến và Trí huệ nên lầm lạc a dua, thần tượng – thần thánh hóa một vị tu sĩ nào đó mà không cần biết vị ấy có tu đúng theo Chánh Pháp Phật không, công hạnh tu hành của vị ấy có trang nghiêm chơn chánh hay không, thật là nguy hại. Vì sao? Vì tập khí của phàm ngu chúng sanh là ái thủ ngã tướng nên mải truy cầu sắc tướng lợi danh, hành theo cảm thọ ý tục đắp mê bồi ngã tạo nghiệp không ngừng thì người tu Đạo giải thoát nếu tâm chất ngất, tịnh giới – oai nghi – đạo hạnh chẳng giữ gìn, phóng dật lợi dưỡng không khác gì người thế tục, hỏi đó có phải là Bậc chơn tu gương mẫu thiện lành để mình nương tựa? Chiếc áo cà sa không làm nên Thầy tu, đầu tròn chưa hẳn là Thích tử chơn chánh vì lắm kẻ tướng Tăng mà tâm tục dẫy đầy bất tịnh cấu uế hạ liệt. Do đó, khuyên Quý Phật tử đừng vội tin vào những gì mắt thấy – tai nghe hay được nhiều người nhắc đến, tuyên truyền, khen ngợi…; đừng để bả danh vị… đầy tục lụy che mờ “mắt trí” lầm lạc Tín tâm mà phó thác Huệ mạng tu hành của mình gởi lầm cho Tà sư giả tu mượn Đạo tạo đời, vô tình chung tay phá Đạo Phật truyền thì phải trả đền cộng nghiệp khổ đọa trong mai hậu. Dẫu cho Quý Phật tử có duyên lành gặp được Bậc chơn tu xuất thế đi nữa thì khuyên hãy sanh lòng quý kính, thân cận mà thọ Pháp tiến tu bằng Trực tâm – Chánh trí như lời Phật dạy (Văn – Tư – Tu) chớ tuyệt đừng sanh tâm “Thần tượng, Thần thánh hóa” vị ấy mà tự chướng không nên.

2. NGÃ MẠN, HÁM DANH LỢI

Gần đây, nhan nhãn trên các bài báo, các phương tiện truyền thông là sự kiện Đức Pháp Vương, Nhiếp Chính Vương đến viếng thăm Việt Nam để hướng đạo, cầu nguyện hòa bình, quốc thái dân an…

benh-than-thanh-hoa-trong-tu-phat

Đức Pháp Vương” là danh xưng tôn quý chỉ dành riêng cho Bậc Toàn Giác, tức Đức Phật mà thôi; thế mà thời nay sao lắm kẻ tự xưng, cũng không thiếu người lạm dụng, cưỡng từ đoạt lý để cơ hội, trục lợi cho mình. Tương tự, bệnh “phong Phật, phong Bồ Tát” cũng không còn hiếm thấy hiện nay khi từng “hóa thân” của một vị Phật hay Bồ Tát (?) ở phương xa lần lượt viếng thăm, thâu triệu tín đồ, thọ của cúng dường không mệt mỏi; hoặc hư danh “A Nan thời hiện đại” từ chính tu sĩ tự xưng hay do người gán để tô vẽ ngã mê thêm sắc màu đọa lạc… Tất cả chính là tâm thái ngã mạn cống cao, hám danh, phạm Thượng mà chẳng biết tự tàm quý, đi ngược lại với Tôn chỉ Vô ngã – Vô trụ – Trí huệ của nhà Phật. Điều đó cho thấy, “bệnh”:

benh-than-tuong-than-thanh-hoa-trong-tu-phat

a. Tu sĩ, cư sĩ tôn sùng lẫn nhau hay tự tôn, tự phong theo bản ngã vô minh chất ngất của mình.

b. Cư sĩ “thần tượng, thần thánh hóa” những vị tu sĩ có bằng cấp Phật học cao, có danh vị lớn trong Giáo hội hoặc Tăng già.

đã diễn ra ngày càng thái hóa nghiêm trọng, từ đó tác động tất yếu cộng hưởng 2 chiều giữa Tu sĩ xuất gia và Cư sĩ tại gia đã khiến cho đường lối tu Phật bị lệch lạc biến tướng, nội bộ Tăng già bị phân hóa, chia rẽ hay hỗn loạn đến đau lòng. Tu sĩ thì mạnh ai nấy chạy vạy theo bằng cấp, danh vị, sự tướng ô trược huyễn hoặc của thế gian để vinh thân, đắp mê bồi ngã cho thế đứng thêm cao mà mê Sự bỏ Tánh, lãng tu thất niệm, lôi kéo thu nạp Tín đồ rồi kêu gọi hùn Phước cúng dường không ngơi nghỉ, tích giữ của riêng, lợi dưỡng phì da, mượn Đạo tạo Đời trên mồ hôi nước mắt và Tín tâm của thập phương Đại chúng bất chấp nhân quả luân hồi khổ báo. Còn cư sĩ thì do vọng ngoại, hám danh, thần tượng – thần thánh hóa nên xu hướng, quyết tâm chỉ làm đệ tử của một vị tu sĩ / cư sĩ có uy danh nào đó vì kể ra sẽ lắm đỗi tự hào; hoặc mù quáng xem “Thầy là Phật, là Bồ tát; lời Thầy luôn là chơn lý”, nói sao nghe vậy đến nỗi bảo thủ tư tưởng như hun đúc rập khuôn mà chẳng cần nghĩ suy, gạn lọc, tư duy cho tận tường cặn kẽ; lại chẳng minh định được Chánh Pháp, chẳng biện biệt được ngụy hay chơn xuất gia mà nhắm mắt vô tư cúng dường vì tham cầu phước báu… Than ôi! Giới – Định – Huệ đường lối tu Phật tự ngàn xưa Chư Phật trao truyền, người tu thời nay hỏi có mấy ai thật nghiêm hành miên mật đến sanh tử chẳng màng? Phật tại tâm, Đạo ở trong lòng mà mình còn không thiết tha trân quý, giữ gìn, khai sáng thì tầm cầu Phật ngoài hỏi có ích lợi gì, huống hồ là phàm Tăng!

* KẾT LUẬN

Trước thực trạng đau lòng này, cần lắm hồi chuông Bát Nhã ngân vọng khắp 10 phương giúp chúng sanh giác tỉnh 1 lòng chơn tu Phật. Đời có câu: “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng” thì huống gì Diệu Pháp Trực Tâm không quanh co, cong vạy. Đại chúng hãy lắng lòng, tịnh tâm liễu Chánh ý thì quên lời để thọ trì tấn tu, chớ sanh tình chấp, tranh biện mà lao tâm tổn đức!

Đạo Phật là đạo Từ Bi – Trí Huệ. Thiếu Chánh kiến (Trí huệ) thì Tín tâm bị lầm lạc, dễ rơi vào mê tín – tà tín không hay. Đừng biến huệ mạng trở thành tà mạng.

Tu theo Phật, quyết không tu theo ai khác.
Tu theo Phật, phải hành theo hạnh Phật.
Đã tu Phật, quyết không hám danh, a dua, xu hướng, thần tượng, thần thánh hóa… theo thói tục.

Đừng để sự tướng huyễn hoặc mình. Hãy cẩn trọng tịnh nhiếp 6 căn!

Với Kim khẩu Phật dạy, ta còn phải “Văn – Tư – Tu” thì sá gì lời của phàm tu, cho dù đó là Thầy của mình đi nữa. Nếu giảng thuyết trái Chánh Pháp hoặc giảng thuyết Pháp Phật nhưng tâm hạnh chẳng chút phần chơn chánh tương ưng thì người đó không phải là hành giả tu Phật.

Người dẫu có khác biệt về quốc tịch, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, giới tính… đi nữa nhưng một khi đã xuất gia tu Phật, sống và hành theo Hạnh Phật thì tất cả đều phải như nhau: tướng Tăng – tâm Phật cho trọn lành gương mẫu chớ không phải tướng Tăng – tâm Tục mê phàm. Hình ảnh Bậc chơn tu nhất bát tam y sống đời phạm hạnh, thiểu dục tri túc, Giới đức tinh nghiêm, Thiền định miên mật, Từ Bi – Vô ngã – Vô trụ hóa độ chúng sanh tự ngàn xưa thời Phật tại tiền sẽ vẫn mãi mãi không bao giờ thay đổi vì đó là trực tâm y tánh chơn hành theo Hạnh Phật, là thân giáo mô phạm của một “Sứ giả Như Lai hành Như Lai sự” truyền thừa mạng mạch Phật Pháp tại thế gian. Còn ngược lại với chuẩn mực trên, Quý Phật tử nên biết rằng đó chẳng phải là Thích-tử chơn chánh cho dù hư danh của vị ấy được truyền tụng khắp 5 châu. Do đó, khuyên Quý Phật tử trước hãy biện biệt cho rõ ràng thế nào là Bậc chơn tu với Tà sư giả tu; sau mới thân cận hầu lợi lạc cho huệ mạng tu hành.

Phật tử tại gia nên nhớ: chỉ cúng dường cho Bậc chơn tu giới đức thanh tịnh mà thôi. Cúng dường Tăng Bảo (chơn tu) thì không ngoài Tứ sự; còn cúng dường Phật Bảo thì nơi tự thân nhẫn lực tinh tấn tu hành trang nghiêm chơn chánh!

Còn đó lời Phật dạy để tất cả cùng suy nghiệm, thọ trì:

  1. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
  2. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
  3. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
  4. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong sách vở hay Kinh điển.
  5. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó lý luận siêu hình.
  6. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
  7. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
  8. Chớ vội tin điều gì, khi điều đó được đánh giá trên những dữ kiện hời hợt.
  9. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
  10. Chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay Đạo sư của mình tuyên thuyết.

(trích Tăng Chi Bộ Kinh)

Người tâm không an định,
Chánh Pháp không liễu tri,
Tín tâm bị lung lạc,
Trí tuệ chẳng đạt gì.

(Kinh Pháp Cú)

Các con hãy tự mình thắp đuốc Trí Huệ mà đi. 
Tin Ta mà không hiểu Ta, ấy là phỉ báng Ta
”.

                                                                 (Phật ngôn)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

————————————

Tham khảo: