Hiện nay, có nhiều Phật tử tỏ ra hoang mang, băn khoăn không biết nên niệm A Di Đà Phật hay A Mi Đà Phật (?). Nếu thay “Di” thành “Mi” thì không chỉ riêng Phật hiệu A Di Đà Phật mà cả mật chú Vãng Sanh Chơn Ngôn, Phật hiệu Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật… cũng đều phải thay đổi hết sao?… Kết quả của những tranh biện bất đồng đã mặc nhiên đưa đến sự phân chia làm 2 nhóm tu niệm trong cùng một Pháp môn tu Tịnh độ: Nam mô A Di Đà Phật và Nam mô A Mi Đà Phật.
Chính sự phát sinh trên có ảnh hưởng không nhỏ đến thành tựu tu hành của thập phương Đại chúng, hiện tại cũng như vị lai, nay hành giả liễu trạch Pháp hành chơn chánh hầu mong Thiện – Tín tỏ tường Chánh giáo, yên tâm tu niệm.
Trước khi đi sâu vào vấn đề, xin trích lại nguyên văn lời tự thuật của Hòa thượng Thích Trí Tịnh trong quyển Hương Sen Vạn Đức như sau:
“… Tại sao lại niệm “Nam mô A Mi Đà Phật?
Sáu chữ hồng danh đây nguyên là Phạn âm (tiếng Thiên Trúc).
Hai chữ đầu (Nam Mô) nguyên âm là Namo, ta quen đọc liền vần Nam mô, là lời tỏ lòng thành kính, có nghĩa là Quy y (về nương) và Quy mạng (đem thân mạng gởi về).
Chữ thứ sáu (Phật) nguyên âm là Buddha (Bụt Đa hay Bụt Thô), ta quen đọc gọn là Phật, chỉ cho đấng hoàn toàn giác ngộ (Đấng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác).
Ba chữ giữa (A Mi Đà) là biệt danh của đấng Cực Lạc giáo chủ, dịch nghĩa là Vô Lượng (Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ). Như trong kinh, đức Bổn Sư tự giải thích rằng: “Đức Phật ấy quang minh vô lượng, soi suốt các cõi nước ở mười phương không bị cách ngại. Đức Phật ấy và nhơn dân trong nước của Ngài thọ mạng vô lượng vô biên vô số kiếp“.
Trong Quán Kinh nói: “Nếu người chí tâm xưng danh hiệu của Đức Phật đây, thời trong mỗi niệm diệt được tội sanh tử trong 80 ức kiếp và được vãng sanh…”.
Trong Kinh Chư Phật Hộ Niệm nói: “Nếu người nghe danh hiệu của Đức Phật đây mà chấp trì trong một ngày đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn thời được thành tựu nhiều thiện căn phước đức. Đức Phật ấy và Thánh chúng sẽ hiện đến nghênh tiếp…“
Kinh Văn Thù Bát Nhã nói: “Nếu người chuyên xưng danh hiệu thời đặng chứng Nhất Hạnh Tam muội và chóng thành Phật…”
Xem như lời của Đức Bổn Sư Thích Ca, đấng chân thật ngữ phán trên đây, thời thấy rằng ba tiếng hồng danh của đức Giáo chủ Cực Lạc có những năng lực bất khả tư nghị. Muốn được kết quả to tát như lời trong kinh, hành nhơn phải chí tâm xưng niệm, và phải xưng niệm đúng âm vận, chớ không nên như người Pháp goi Chợ Lớn là Sôlông, hay Bà Rịa là Baria.
Ba chữ A-mi-Đà nguyên là Phạn âm. Người Tàu đọc là A-mi-thô, và họ tụng xuôi là Á-mi-Thồ. Danh hiệu ấy truyền qua xứ Việt ta bằng chữ Tàu, biên sẵn trong các pho kinh sách Tàu. Người Việt ta cứ theo lệ phổ thông, chữ đâu đọc đó nên đọc là A-di-đà. Như đọc Nã Phá Luân để kêu Hoàng đế Napoleon (Na-po-lê-ông), cùng đọc Ba-Lê để kêu kinh đô Paris (Pari).
Với sự phiên âm bằng chữ Tàu, người Tàu đọc giống gần với nguyên âm, mà người Việt ta đọc sai quá xa. Gía như ta gặp hoàng đế Pháp mà gọi ông ta là Nã Phá Luân thời thật là đáng buồn cười. Với A-di-đà để gọi đức Giáo chủ Cực Lạc cũng theo lệ đó.
Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên niệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng. Vì thế, tôi mới để ý đến chính âm vận của sáu tiếng hồng danh. Đồng thời lời của Tổ Vân Thê trong sớ sao nói: “Hồng danh Nam mô A-mi-đà Phật toàn là tiếng Phạn, chuyên trì không quên, thời cùng với pháp trì chú của Mật tông đồng nhau”, lại thúc đẩy tôi vào sự khảo cứu.
Với vần La Tinh, người Anh ghép Amita, mà tôi được thấy ở bộ Phật Học Đại Tự Điển.
Tôi đem ba chữ A-mi-đà ra hỏi, thời các Sư Tàu cũng như Cư sĩ Tàu đều đọc gằn từng tiếng một trước mặt tôi: A-mi-thô.
Hai tiếng đầu “A”và “Mi” đã nhất định, và đồng thời quyết chắc đọc “Di” là sai. Tôi còn thắc mắc ở tiếng thứ ba, vì nếu đọc Amita như vần Anh, cùng A-mi-thô như người Tàu thời với tiếng Việt có hai điều bất tiện:
1. Nghe không nghiêm và không êm.
2. Khác với thông lệ từ xưa.
Một học giả Bali và Phạn ngữ giải thích: chữ “đà” của Tàu dùng phiên âm Phạn ngữ có hai giọng:
1. Thô như danh từ “Bụt Thô” mà người tàu đọc xuôi là “Bù Thồ”.
2. Đa cũng như danh từ “Bụt Đa” (Buddha)
Với giọng “đa” để đọc chữ “thô”, nó mở đường cho tôi ghép 3 chữ lại: A-mi-đa và theo cách đọc xuôi đánh dấu huyền: A-mi-đà.
Ghép luôn cả sáu tiếng Nam mô A-mi-đà Phật, tôi nhận thấy rằng tránh khỏi cái lỗi quá khác với nguyên Âm, dù vẫn chưa được hoàn toàn, nhưng có thể gọi là nhiều phần đúng và không quá cách biệt với cách đọc phổ thông theo cổ lệ, vì trong sáu tiếng đây chỉ có đổi “di” thành “mi” mà thôi.
Sau khi tham cứu như trên xong, tôi bắt đầu chuyên chí niệm Nam mô A-mi-đà Phật, và cũng bắt đầu từ đó tôi liền nhận được kết quả.
1. Sáu tiếng hồng danh đây nổi rõ nơi tai cũng như nơi tâm, khác hẳn sự mờ mờ lọt sót của tiếng “di” trong thời trước.
2. Khi niệm ra tiếng, từ năm ngàn câu mỗi thời trở lên, môi lưỡi càng lúc càng nhại, càng chuyên, càng lanh. Khác hẳn sự trệ môi cứng lưỡi của những ngày niệm khi xưa.
3. Niệm ra tiếng với A-mi khỏe hơi hơn niệm ra tiếng của A-di khi trước, nhờ vậy mà mỗi thời niệm được lâu và nhiều.
Người chuyên niệm danh hiệu của Phật, tầng cấp đầu tiên là đến mức bất niệm tự niệm, hay niệm lực tương tục. Nếu khi niệm mà bị trệ, và tiếng Phật lại lờ mờ không nổi rõ nơi tâm thời khó mong được kết quả trên. Còn nếu trái lại thời mới có hy vọng đến đích.
Biết rằng niệm A-mi-đà được nhiều phần đúng với nguyên âm, nó sẽ đem đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghì, diệt vô số kiếp tội thành đại thiện căn phước đức giống như pháp trì chơn ngôn (thần chú) của Mật tông mà Tổ Vân Thê đã phán. Nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhất là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều. Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm. Và mức bất niệm tự niệm đây là phần bảo đảm vãng sanh Tịnh Độ cho người chuyên niệm. Tôi tin rằng niệm gần với nguyên âm, tức là gần đúng với thật danh của Đức Giáo chủ Cực Lạc, tất dễ được tương ưng và chóng được cảm thông với Phật. Và tôi đã tự cảm thấy có lẽ đúng như thế.
Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn Cổ Tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ: “Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới, và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa, riêng mình tự tu đã đành không ngại gì, song rồi đây, tất có người tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm Nam mô A-mi-đà Phật. Một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này khó khỏi đôi điều thắc mắc:
1. Bàng quang sẽ cho mình lập dị, riêng phái, phá sự đã phổ thông của cổ lệ.
2. Đem sự ngờ vực cho người đã niệm A-di khi những người này chưa hiểu thế nào là A-di và thế nào là A-mi. Và sự ngờ là điều rất chướng của pháp môn niệm Phật.
Tôi tự giải thích: “Cổ lệ đã sai thời sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi). Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thời cũng không ngại gì với chuyên thị phi phê bình của bàng quan”. Và với sự ngờ của những người chưa nhận chơn, sẽ giúp họ tìm tòi khảo cứu, nhờ tìm xét họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thâu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.
Mặc dù tôi tự giải thích với tôi như thế, nhưng trong thâm tâm vẫn mãi băn khoăn gần suốt ngày.
Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn.
Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp. Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học, và nghe rõ trong ấy một người xướng và số đông người hòa: Nam mô A-mi-đà Phật! Tôi tự bảo: “Ủa lạ! Câu Nam mô A-mi-đà Phật tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”. Tôi đứng dừng trước ngõ trường chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh. Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ.
Do hai điềm trên đây (chữ A-mi hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa nam mô A-mi-đà Phật), bao nhiêu nỗi thắc mắc và băn khoăn nơi lòng tôi đều tan rã như khối tuyết dưới ánh nắng trưa hè…
Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà. Đó phải chăng là do cơ duyên thời tiết nó nên như thế! Và cũng vì cớ ấy mà hôm nay có bài thuyết minh và tự thuật này.
Tôi viết bài này chỉ với mục đích gíup thêm sự nhận chơn về câu Nam mô A-mi-đà Phật cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.
Tôi xin khuyên nhắc các bạn, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải”.
(trích Hương Sen Vạn Đức
Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)
————————————————
LỜI BÀN
Không luận tính đúng sai của việc thay “Di” thành “Mi” bằng mê trí Ta-bà của phàm ngu theo thói tục vì ắt rơi vào ngã tướng tranh biện hơn thua không dứt khiến lao tâm tổn đức, hỏi nếu không có công phu tu hành chơn thật (Giới – Định – Huệ), sao có thể thấu tỏ thật hư, trạch Pháp Phật truyền hầu tiến tu bất thoái? Vì vậy, qua lời tự thuật trên (in nghiêng dưới đây), xét thấy có đôi điều cần luận bàn cho sáng tỏ:
1. “Nhiều năm về trước, trong thời gian niệm Phật theo thông lệ Nam Mô A Di Đà Phật, khi chuyên niệm nhiều (mỗi ngày từ hai vạn câu trở lên), tôi bị sự chướng là trệ tiếng trong lúc niệm ra tiếng và lờ mờ trong lúc niệm thầm. Giữa lúc đó tiếng “Di” là chủ của sự chướng”.
Niệm A-mi-đà được nhiều phần đúng với nguyên âm, nó sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhất là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên được niệm lâu và nhiều. Niệm Phật được thuần thục là nhờ niệm nhiều câu, nhiều giờ và tiếng niệm nhấn rõ nơi tâm”. (hết trích)
Có những điểm cần luận rõ như sau:
– Tâm tức Phật, do đó niệm Phật là Tâm niệm, chẳng phải miệng niệm hay tụng thì làm gì có chuyện bị trệ môi cứng lưỡi, trệ tiếng không suôn, mất hơi thất niệm? Đó là do sự hành trì niệm Phật căn bản đã sai lệch, khiến tự sanh chướng không hay. Nếu lìa tâm niệm Phật, hỏi miệng niệm nào có ích gì? Còn đó lời khai thị của Đức Đại Thế Chí Bồ Tát và Tổ Bồ Đề Đạt Ma về cách hành trì niệm Phật chơn chánh để hàng hậu học y giáo phụng hành, từ đó mới được lợi ích, thành tựu chơn thật:
+ Khi Đức Phật hỏi khắp chư Đại Bồ Tát và hàng vô lậu Đại A La Hán trong chúng rằng: “Các vị là hàng Bồ Tát và A La Hán trong pháp Ta đã chứng quả Vô học, nay Ta hỏi các vị: Trong lúc mới phát tâm, nơi Thập-bát giới, ở giới nào mà ngộ được Viên thông, và do phương tiện gì được vào Tam Ma Địa” thì lúc ấy, Ngài Đại Thế Chí Bồ Tát cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật rằng: “Bản nhân của con là dùng Tâm niệm Phật, đắc Vô Sanh Nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về Viên thông, con do nhiếp cả Lục căn, tịnh niệm tương tục vào Tam-ma-địa là hơn cả”.
(trích Kinh Diệu Thủ Lăng Nghiêm)
+ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã từng khai thị về hành trì niệm Phật như sau: “Nên biết niệm ở nơi Tâm, chớ chẳng phải ở Miệng. Niệm từ Tâm khởi, gọi là môn Giác Hạnh”.
(trích Kinh Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)
– Muốn thành tựu nhất tâm bất loạn thì tâm chỉ miên mật nơi Phật hiệu không ngừng, ngoài ra “không biết” (nhiếp cả lục căn, tịnh niệm tương tục) thì tính đếm làm chi cho lao tâm nhọc sức, thêm vọng luống công? Vừa (miệng) niệm vừa tính đếm như thế (mỗi thời năm ngàn câu, mỗi ngày hai vạn câu trở lên như tự thuật) thì loạn tâm mất rồi, muốn nhất tâm sao có thể được? Lại nữa, nghiệp chướng gieo tạo bao đời, thọ khổ luân hồi sáu nẻo không sao kể xiết thì lẽ nào nay tu hành niệm Phật để tịnh nghiệp chuyển mê khai ngộ, há lại tính đếm kể công? Niệm Phật với tâm chấp thủ ngã tướng như thế, hỏi mong được thành tựu gì?
– Tu Phật như lội ngược dòng nước xiết, hỏi tự xưa nay ai tu hành mà không từng trải qua sự chướng như hôn trầm, trạo cử, trệ phược…? Đó là bởi nghiệp lực tích tập bao đời chiêu cảm làm chướng ngại công phu, sao không tỉnh giác một lòng nhẫn lực tinh tấn chuyên tu điều phục tịnh hóa mà lại tà kiến quy lỗi cho “Di” trong Phật danh A Di Đà Phật là nguyên nhân của sự chướng nơi mình, từ đó mở đường cho Ma sự phạm Thượng, báng bổ Phật Pháp dấy sanh, gây bao điều nghi hoặc, thất tín cho thập phương Đại chúng? Đây chính là TÂM CHƯỚNG, lỗi tự do mình, nào bởi do Phật hiệu A Di Đà Phật! Nếu ai tu hành gặp chướng ngại cũng đều đổ lỗi cho Phật, cho Pháp thì thật là “Tam thế Phật oan”, sẽ tự chuốc lấy khổ đọa muôn kiếp!
2. “Chiều hôm ấy, khi đứng dựa cửa sổ ngó mong về phía mặt trời sắp lặn, tôi bỗng thấy chữ A-mi nổi bật giữa khung trời xanh sáng, gần như chữ điện ở trước cửa của những hiệu buôn chiếu sáng trong đêm. Tôi thử ngó qua hướng khác thời không thấy, khi ngó trở lại hướng Tây thời chữ A-mi vẫn nổi y nơi chỗ cũ, khổ chữ lớn lối bốn tất Tây bề cao, và hiện mãi đến trên 30 phút mới ẩn.
Tối hôm ấy, tôi chiêm bao thấy mình đi vào một khu vườn cây cao cảnh đẹp. Giữa vườn, một dãy nhà cất theo kiểu trường học, và nghe rõ trong ấy một người xướng và số đông người hòa: Nam mô A-mi-đà Phật! Tôi tự bảo: “Ủa lạ! Câu Nam mô A-mi-đà Phật tưởng là chỉ của riêng mình cải cách, riêng mình tín hướng và riêng mình chuyên niệm. Bất ngờ ở đây, người ta cũng đồng niệm như vậy rồi”. Tôi đứng dừng trước ngõ trường chăm chú nghe xướng hòa như thế hơn 10 lần mới choàng tỉnh. Bấy giờ mới biết là mình nằm mơ”. (hết trích)
Đây chẳng phải Phật chứng mà là Ma cảnh dẫn dắt hầu lôi kéo bao người mê lầm sa vào Tà mị, phá Đạo Phật truyền. Vì sao?
– Đạo Phật là Đạo Từ bi – Trí Huệ, Giác ngộ – Giải thoát. Chánh – Tà dị biệt nhau ở tâm Từ – Bi – Hỷ – Xả vô lượng và Trí Huệ giác ngộ vô thượng nên Chư Phật không dụng thần quyền để hướng hóa một ai.
– Nếu công phu niệm Phật chưa thành tựu Vô Niệm Ba-la-mật, chưa khai mở Trí Huệ Vô Sư, chưa kiến ngộ Giác Tánh (kiến Tánh) – liễu thoát tử sanh thì cảnh nếu có ứng hiện trong khi thiền định đều do vọng sanh hoặc do ma chướng (5 loại ấm ma – Kinh Thủ Lăng Nghiêm) nhiễu hại, huống gì mơ mộng. Vì thế, nếu chẳng phải do Chơn tâm Giác tánh biến hiện từ sự minh tâm kiến tánh thì “A Mi Đà Phật” hòa xướng lúc mộng mị chính là Tà ma hiện chướng dẫn dắt kẻ tu lầm.
– Đức Phật đã từng dạy: “Người tu Phật nếu dùng âm thanh, sắc tướng để cầu đạo hay hành đạo thì kẻ ấy đang hành Tà đạo”. Như vậy, với 2 điềm chẳng lành trên (chữ A Mi hiện giữa trời và chiêm bao nghe xướng hòa Nam mô A Mi Đà Phật), sao không y theo Tôn chỉ tu Phật: vô dục – vô cầu – vô đắc – vô ngã – vô trụ mà giác tỉnh mê lầm, bỏ ngụy quy chơn, lại còn phạm Thượng thay Di thành Mi để định danh lại Đức Cổ Phật Vương A Di Đà, há chẳng chướng trái Tôn chỉ Phật truyền, thịnh hành Tà đạo ư?
3. “Cổ lệ đã sai thời sự sửa đổi là điều cần (tôi tự sửa đổi riêng tôi). Mình không có quan niệm lập phái riêng hay lập dị, thời cũng không ngại gì với chuyện thị phi phê bình của bàng quan”. Và với sự ngờ của những người chưa nhận chơn, sẽ giúp họ tìm tòi khảo cứu, nhờ tìm xét họ sẽ thấu rõ sự sai với đúng, và họ sẽ thâu hoạch được kết quả tốt cũng như mình.
Tôi viết bài này chỉ với mục đích gíup thêm sự nhận chơn về câu Nam mô A-mi-đà Phật cùng lịch sử của nó, cho các bạn đồng tu đã chuyên niệm như thế. Và bài này cũng chỉ truyền bá trong phạm vi các bạn đây thôi.
Tôi xin khuyên nhắc các bạn, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, các vị nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải”. (hết trích)
Có những điểm cần sáng tỏ như sau:
– Nếu quả quyết “cổ lệ đã sai” thì hỏi bao đời Chư Tổ, bao Bậc cổ đức tiền nhân đã kiến Tánh từ tâm niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, sử sách còn ghi, chẳng lẽ tất cả đều là hư ngụy? Nếu Chư Tổ, Cổ Đức hành trì sai Pháp thì sao có thể giác ngộ, từ đó hoằng hóa giúp bao người đồng lên bờ Giác, thế chẳng phải trái lý Nhân – Quả ư? Còn ngược lại, tức tự mình (A Mi) sai vậy.
– Như đã giảng trước đây, Phật hiệu A Di Đà Phật (trong câu niệm Nam mô A Di Đà Phật) nhiếp trọn mọi căn cơ, dung thông Tịnh – Thiền – Mật; là mật chú mà 10 phương Chư Phật đồng hộ niệm hộ trì khi chúng sanh khởi tâm niệm Phật tu hành. Đã là mật thì mỗi tự mỗi từ hàm thâu mật nghĩa và diệu dụng vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, giúp hành giả tiến tu vượt bậc nhờ tự lực và Phật lực cộng. Tuy nhiên, Tà ma ngoại đạo đều có Tà chú riêng của họ để khảo đảo, dẫn dắt người tu cho lầm đường lạc lối nên nếu tâm không chơn chánh, giới đức không nghiêm, ái thủ ngã tướng, hành trì sai lệch với Tôn chỉ Phật truyền thì ắt sẽ bị Tà chú Tà ngữ xen vào, Quỷ Thần Yêu Mị… xâm nhập khiến sa vào Tà đạo mà chẳng tự biết tự thoát. Kết quả là hành giả bị tẩu hỏa nhập Ma, lạc Đạo Bồ Đề. Vì vậy, tuyệt không có lý niệm sao cũng được, niệm gì cũng đúng từ mê trí kẻ phàm ngu. Nếu không dùng Thuyền Bát Nhã (Diệu Pháp Phật) – y theo tôn chỉ Vô Trụ tu hành để lướt sóng mê biển khổ thì trước muôn vàn bến đỗ lạc lối, hành giả tuyệt không bao giờ đến được bến bờ Giác ngộ – Giải thoát của Như Lai.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng: “Mi” chẳng khác “Di”, đều là văn tự phương tiện hầu giúp hành giả định tâm nên đừng chấp, chủ yếu tâm thành nhớ Phật khi niệm là được; hoặc hỏi rằng nếu bảo niệm A Di Đà Phật là đúng, vậy người tu hành ở các quốc gia khác không niệm A Di Đà Phật, chẳng lẽ họ tu sai (?); hoặc chớ nên phán xét bậc cao Tăng thạc đức, tòng lâm thạch trụ mà tạo nghiệp tội mang… thì hãy tịnh tâm soi sáng, rằng:
– Phật dạy: Tứ Y Pháp (y Pháp bất y Nhân, y Nghĩa bất y Ngữ, y Trí bất y Thức, y Liễu nghĩa kinh bất y Bất liễu nghĩa kinh) mà Văn – Tư – Tu, dùng Chánh kiến tư duy minh định chánh tà, chơn ngụy để liễu trạch Phật Pháp trước khi hành trì chứ không dạy ai nói gì nghe nấy, thần tượng hám danh một ai để bị che mờ mắt trí khiến mê muội đúng sai bất phân, chánh tà lẫn lộn, tu sao cũng đúng, niệm gì cũng được. Nếu thế thì đồng nghĩa Phật chấp hay sao? Đây chính là tà kiến điên đảo.
– Thời mạt tâm, Chánh – Tà lẫn lộn. Phàm phu ngu muội nếu không nương tựa Chánh Pháp, y theo Tôn chỉ tu hành thì ái thủ ngã tướng mỗi lúc một sâu dày là điều khó tránh, khiến lạc Đạo Bồ Đề.
– Khi chưa kiến Tánh thì bất kỳ ai, dẫu Tăng hay Tục, đều có thể bị lạc Thiền, Tà mị dẫn dắt lúc công phu. Tu Phật luận về Tâm chứ không luận Tướng (tuổi tác, giới tính, học vị Phật học); luận Pháp chứ không luận Người. Vì thế, hãy y (Chánh) Pháp bất y Nhân, y Trí (Huệ) bất y Thức (tri kiến phàm ngu) mà tỉnh giác tu hành. Nếu vẫn mê mờ, điên đảo Chánh Pháp thì nên biết rằng đó là do nghiệp chướng sâu dày che mờ tánh trí khiến khó bề lãnh hội Diệu Pháp Như Lai.
– Người quốc gia nào thì niệm Phật theo ngôn ngữ của quốc gia đó mà tu hành, có gì để bàn, sao lại cưỡng từ đoạt lý theo ý mê của mình, gạn hỏi điều vô nghĩa, gán ghép loạn ngôn. Trong khi đó, Phật hiệu A Di Đà tự ngàn xưa đã từng hóa độ bao đời Chư Tổ và muôn vạn chúng sanh kiến ngộ Giác Tánh, thành tựu Viên Thông, hàng hậu học phàm phu thời nay căn tánh thượng thừa đến đâu, trí huệ cao sâu đến độ nào mà chẳng y Pháp thọ trì, lại mê vọng vẽ vời sự chướng, nhận ngụy (A Mi) làm chơn, còn thần tượng, a dua, cổ xúy thì huệ mạng tu hành sẽ về đâu? Hơn nữa, ở đời, phương danh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ hay của bất kỳ ai, ta còn tôn trọng quý kính chẳng dám lạm xưng hay tùy tiện thay đổi… thì huống gì Phật danh vô thượng không thể nghĩ bàn.
– Nếu bảo “Tất cả Pháp đều là Phật Pháp” nên đừng chấp, vậy thì hãy niệm “Tên mình” xem sao, có tịnh tâm – tịnh nghiệp nổi không? Chú Phật đừng trì, hãy trì Tà chú, thử xem thế nào? Nếu không, có phải là “chấp” quá chăng?
– Nên biết: “Chấp” hay “Không chấp” không thể liễu giải bằng mê trí phàm ngu, càng không phải là khẩu ngữ dùng để phán khi trái ý mình. Nếu không minh định đâu là Phật Pháp, từ đó liễu trạch ngụy – chơn mà luận chấp hay không chấp thì đó là lời mê. Dùng trí mê nói Pháp thì đó là Ma sự.
* TÓM LẠI
Đã tu Phật, hãy dùng Chánh kiến tư duy Pháp cho tận tường, thấu đáo; y theo Tôn chỉ Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô trụ làm chuẩn mực tu hành. Chớ vội tin vào bất cứ điều gì từ bất kỳ ai! Đừng thần tượng, hám danh một ai!
Câu niệm “Nam mô A Mi Đà Phật” xuất phát từ tâm chướng, Ma cảnh dẫn dắt, Đại chúng chớ lầm tin theo. Hãy niệm: Nam mô A Di Đà Phật như bao đời chư Tổ, cổ Đức tự ngàn xưa đã từng mà thọ trì tu tiến.
Dựa trên Pháp hành (Giới – Định – Huệ) của bản thân để liễu trạch giữa “Mi” và “Di” trong câu Phật hiệu thì Diệu A Di Đà Phật, Cổ Tự chơn ngôn và Mật chú khai hoa mà hành giả chia sẻ trong bài Pháp trước đây đều có Phật danh Đức Cổ Phật Vương: A DI ĐÀ PHẬT.
Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Thiên
—————————————
Tham khảo: