vinh-minh-dien-tho-thien-su-khai-thi

VĨNH MINH (DIÊN THỌ) THIỀN SƯ KHAI THỊ

Có người hỏi rằng: “Chỉ cần thấy Tánh ngộ Đạo liền vượt qua sanh tử, cần chi phải chuyên tâm niệm Đức Phật kia để cầu sanh qua phương khác?”

Đáp rằng: “Người tu hành chân chánh nên tự mình xem xét, cũng như người uống nước tự biết nóng hay lạnh. Nay còn có bài văn quy kính này, có thể dùng để phá đi nhiều sự sai lầm.

Này các vị! Nên tự xét chỗ hiểu biết và việc làm của mình, có thật được thấy Tánh ngộ Đạo, được Như Lai thọ ký, được nối ngôi vị Tổ sư, được như các ngài Mã Minh, Long Thọ hay chăng? Được tài biện thuyết không ngại, được Tam-muội Pháp Hoa như ngài Thiên Thai Trí Giả hay chăng? Tông chỉ và giảng thuyết đều thông, chỗ hiểu biết và việc làm đều đầy đủ như ngài Trung Quốc Sư hay chăng? Các vị Đại sĩ ấy đều để lại lời dạy rõ ràng, hết lòng khuyên bảo pháp vãng sanh. Đó thật là lợi mình lợi người, nào phải đâu dối người dối ta? Huống chi Đức Phật đã ngợi khen, tự thân dặn dò cặn kẽ. Noi theo các bậc hiền xưa, kính vâng lời Phật dạy, quyết định không thể sai lầm. Lại như trong Vãng sanh truyện có ghi lại, xưa nay nhiều bậc cao sĩ, sự tích rõ rệt, nên thường đọc kỹ các truyện ấy để tự mình soi tỏ.

Lại nữa, phải thường tự biết mình, liệu rằng đến lúc mạng chung, sống chết gần kề, có chắc chắn sẽ được tự tại hay chăng? Nghiệp ác nặng nề từ vô thủy đến nay, liệu sẽ không hiện ra nữa chăng? Báo thân này liệu có chắc chắn được thoát khỏi luân hồi hay chăng? Trong ba đường dữ với các loài chúng sanh khác nhau, liệu có thể tự mình vào ra tự do, thoát mọi khổ não hay chăng? Trong mười phương thế giới, khắp cõi trời người, liệu có thể tùy ý thác sanh không ngăn ngại hay chăng? Nếu mình chưa được như vậy, đừng vì một lúc tự cao mà đến nỗi phải chịu chìm nổi nhiều kiếp. Tự mình bỏ mất điều lợi tốt đẹp, rồi sẽ trách ai? Hỡi ôi! Thương thay! Than vãn cũng không kịp nữa!

Việc tu hành thường rơi vào một trong bốn trường hợp, xin chọn nêu ra dưới đây.

Một là:

Tu Thiền, không Tịnh độ,
Mười người, lầm đến chín.
Cảnh âm vừa hiện ra,
Liếc qua, liền theo đó.

Nghĩa là: Nếu chỉ hiểu rõ lý tánh mà chẳng phát nguyện vãng sanh thì sẽ lưu chuyển trong cõi Ta-bà, chịu cái họa sa đọa. Cảnh âm đó là trong khi thiền định có ma ấm phát hiện ra. Như trong Kinh Lăng Nghiêm có nói rõ: Do năm ấm mà sanh ra năm mươi cảnh ma. Người tu thiền khi mới thấy những cảnh ấy không rõ biết, nên tự nghĩ rằng đã chứng được Vô Thượng Niết-bàn, bị mê hoặc không biết, nên phải đọa vào địa ngục Vô Gián.

Hai là:

Không Thiền, chuyên Tịnh độ,
Muôn người không sai một.
Chỉ cần được thấy Phật,
Lo gì không chứng ngộ?

Nghĩa là: Nếu chưa rõ Lý Tánh, chỉ nên nguyện vãng sanh. Nhờ nương theo Phật lực, chắc chắn sẽ được về Tịnh độ, chẳng còn gì phải nghi ngờ.

Ba là:

Tu Thiền, tu Tịnh độ,
Như cọp mọc thêm sừng.
Đời nay dạy dỗ người,
Đời sau làm Phật Tổ.

Đã hiểu sâu pháp Phật nên có thể làm bậc thầy dạy dỗ người khác. Lại phát nguyện vãng sanh, nên càng nhanh chóng lên địa vị Bất thối. Có thể nói là:

Lưng đeo tiền mười vạn,
Cưỡi hạc lên Dương châu.

Bốn là:

Không Thiền, không Tịnh độ,
Giường sắt, cột đồng chờ.
Ngàn muôn kiếp trôi lăn,
Trọn không người cứu hộ.

Nghĩa là: Người đã chẳng rõ lý Phật, lại không nguyện vãng sanh thì muôn kiếp phải trầm luân, không do đâu mà ra khỏi.

Này các vị! Muốn vượt thoát sanh tử, mau chứng đạo Bồ-đề, trong bốn trường hợp nêu trên xin hãy chọn lấy trường hợp nào là tốt nhất để làm theo.

(trích Quy Nguyên Trực Chỉ
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải)

————————————————

LỜI BÀN

Có người hỏi rằng: “Chỉ cần thấy Tánh ngộ Đạo liền vượt qua sanh tử, cần chi phải chuyên tâm niệm Đức Phật kia để cầu sanh qua phương khác?”, thế thì nay hành giả xin hỏi người ấy rằng: Làm sao để thấy Tánh ngộ Đạo nếu chẳng chuyên tâm tham thiền, niệm Phật (Thiền Định)? Giác ngộ, giải thoát được thành tựu từ sự hành trì “tu Phật” miên mật ba thời chẳng mỏi, sanh tử chẳng màng hay từ “học Phật” để bồi ngã, hý luận, ba hoa?

Xưa Thái tử Tất Đạt Đa sau bao năm vất vả gian truân vẫn chưa “thấy Đạo”, cuối cùng Ngài đã tọa Thiền dưới cội Bồ Đề mới tỏ ngộ Phật tâm, viên thành Phật quả (Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật). Thân giáo của Ngài luôn là kim chỉ nam, là Pháp chỉ để hàng hậu học muôn đời về sau noi theo mà tu hành hướng đến giác ngộ – giải thoát; nay ai tự xưng mình là đệ tử Phật hoặc trí huệ hơn Phật chẳng cần noi theo gương GIỚI – ĐỊNH – HUỆ mà có thể kiến Tánh? Đấy là tà kiến, ngã mạn. Nên nhớ: Đạo tại tâm hành, chẳng do nơi “kiến, văn, giác, tri” (học hiểu, nghiên cứu) mà có thể lãnh hội được.

Tu Thiền, không Tịnh độ,
Mười người, lầm đến chín.
Cảnh âm vừa hiện ra,
Liếc qua, liền theo đó.

Không Thiền, chuyên Tịnh độ,
Muôn người không sai một.
Chỉ cần được thấy Phật,
Lo gì không chứng ngộ?

Như đã giảng trong các bài trước, hành giả tu Phật cần phải công phu NIỆM PHẬT (tâm niệm, chứ không phải miệng niệm hay tụng) để nhiếp tâm, tịnh hóa nghiệp chướng bao đời. Mỗi thời khắc công phu đúng hướng, tâm sẽ “tịnh” dần, mọi vọng tưởng tạp niệm sẽ dần được điều phục. Vọng tưởng càng giảm bớt, Tánh Phật càng hiển lộ. Nếu hành giả GIỚI – ĐỨC trang nghiêm thì diệu dụng từ mỗi thời khắc công phu niệm Phật là BẤT KHẢ TƯ NGHÌ, bởi ngoài tự lực tự cường của bản thân hành trì miên mật còn có Phật lực gia hộ của Chư Phật, Chư Hộ Pháp khắp mười phương. Cứ thế tu hành, Giới – Đức cẩn mật mà tiến tu, chẳng lo lầm đường lạc lối nên nói “Niệm Phật, muôn người không sai một” là vậy!

(Nhấp xem bài: CHIA SẺ KINH NGHIỆM VỀ CÔNG PHU NIỆM PHẬT)

Nếu không có công phu niệm Phật làm nền tảng mà hành giả tu Thiền thì rất dễ lạc vào nẻo Tà, vì sao? Vì tập khí – nghiệp chướng huân tập bao đời, tham – sân – si, sát – đạo – dâm – vọng… còn đó, sao có thể “tịnh” tâm cho nổi mà hành Thiền? Lúc dụng công, nội chướng – ngoại ma khởi lên trùng trùng, ma cảnh ẩn hiện khảo đảo hoành hành, lại mê lầm “chấp thật” mà chẳng tự biết nên sanh tâm bám víu vào đó mà lạc vào Tà/Ma đạo không hay. Nghiệm rõ, đây cũng là điều dễ hiểu mà thôi.

(Nhấp xem bài: QUẢ BÁO TÂM SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG KHI TU THIỀN)

Khi niệm Phật đạt nhất tâm cho đến Vô Niệm, tùy căn cơ mà “tự tâm” hành giả có thể kết hợp tham Thiền trong thời công phu của mình (tự tâm chứ không tác ý nên nói tùy căn cơ là vậy). Sự tương hỗ giữa Thiền – Tịnh trong mỗi thời khắc công phu giúp hành giả “đi” rất nhanh, như bài kệ dưới đây:

Tu Thiền, tu Tịnh độ,
Như cọp mọc thêm sừng.
Đời nay dạy dỗ người,|
Đời sau làm Phật, Tổ.

(Nhấp xem bài: VÔ NIỆM – SỰ QUY NHẤT CỦA THIỀN-TỊNH-MẬT)

* TÓM LẠI

– Công phu niệm Phật hay tham Thiền nếu đạt “nhất tâm” cho đến “vô niệm” thì Thiền-Tịnh tuy hai nhưng không khác, bởi tâm hành giả lúc bấy giờ “Pháp tức vô Pháp”, há còn diễn bày. Do đó, người tu hành chân chánh không được khởi tâm phân biệt, chấp trước, ngã mạn khinh chê căn cơ cao thấp, bài xích Pháp môn, đường lối hành trì lẫn nhau mà khổ đọa muôn kiếp. Muôn nhánh lá đều quy về một cội! Đừng làm thân Phật chảy máu!

– Người tu Phật mà không GIỚI ĐỨC thì dù có hành trì tham thiền, niệm Phật… cũng chỉ là hành Tà đạo mà thôi!

– Không GIỚI – ĐỊNH – HUỆ, quyết chẳng phải con Phật!

– Nói và hành phải tương ưng. Đừng đem sở ngộ của chư Phật và bao bậc cổ đức mà hý luận hơn thua, bồi ngã chấp mê, bắt chước sao y ngôn hành của bậc giác ngộ. Đây chính là thông bệnh của đa phần người “học” Phật. Mê không thể giải mê, đó là lẽ tự nhiên ngàn đời! Nếu vẫn bất ngộ lý này, khác gì đã mê lại bồi mê cho thêm lớn, “Ngã” sẽ về đâu trong ba đường dữ sau này?

TU PHẬT chứ không HỌC PHẬT!

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Cổ Thiên

——————————————-

Tham khảo: Đường lối tu Phật